Ông Blinken kêu gọi Trung Quốc thả người trong vụ đột kích tòa soạn ở Hồng Kông

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken có bài diễn văn trước giới báo chí sau cuộc hội đàm kín buổi sáng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sau khi hai bên kết thúc các cuộc họp trong ngày ở Anchorage, Alaska hôm 19/03/2021. (Ảnh: Frederic J. Brown/Pool/AFP/Getty Images)

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang kêu gọi Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông trả tự do ngay lập tức cho các nhân viên truyền thông bị bắt tại Hồng Kông vào ngày 29/12, sau khi cảnh sát đột kích vào tòa soạn của họ hồi cùng ngày.

“Chúng tôi kêu gọi chính quyền CHND Trung Hoa [Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa] và Hồng Kông ngừng nhắm mục tiêu vào các hãng thông tấn tự do và độc lập của Hồng Kông, đồng thời trả tự do ngay lập tức cho những ký giả và giám đốc điều hành truyền thông đã bị bắt giữ và buộc tội vô cớ,” ông Blinken nói, theo một tuyên bố. 

Hôm 29/12, hơn 200 cảnh sát quốc gia đã đột kích vào tòa soạn của tờ báo trực tuyến độc lập Lập Trường Tân Văn (Stand News) của Hồng Kông. Cảnh sát đã phong tỏa khối tài sản trị giá 61 triệu HKD (khoảng 7.8 triệu USD) của tờ báo này và bắt giữ hai biên tập viên đương nhiệm và tiền nhiệm, cùng bốn cựu thành viên hội đồng quản trị, cáo buộc họ tham gia “âm mưu xuất bản các ấn phẩm xúi giục nổi loạn” theo một Điều lệ [Tội phạm Hình sự] thời thuộc địa.

Tổng biên tập của tờ Lập Trường Tân Văn Lâm Thiệu Đồng (Patrick Lam) được áp tải lên xe sau khi cảnh sát khám xét cơ sở tại văn phòng của tờ báo độc lập tại Hồng Kông, hôm 29/12/2021. (Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images)

Vài giờ sau cuộc đột kích, tờ Lập Trường Tân Văn đã thông báo ngừng hoạt động. Hiện tại, trang web của công ty này đã không thể truy cập được và các tài khoản Facebook, Instagram, và Twitter đều đã bị xóa. Tất cả các video trên kênh YouTube của họ cũng đã bị gỡ.

Văn phòng của Lập Trường Tân Văn tại Anh Quốc cũng đã ngừng hoạt động, người đứng đầu văn phòng Dương Thiên Soái (Yeung Tin-shui) thông báo trên trang Facebook của mình vào ngày 30/12. Ông Dương nói thêm rằng ông cũng đã từ chức.

Lập Trường Tân Văn là kênh thông tấn thứ hai của Hồng Kông đóng cửa trong năm nay. Hồi tháng Sáu, 500 cảnh sát đã đột kích vào trụ sở của tờ báo địa phương Apple Daily, và tờ nhật báo này đã in ấn bản cuối cùng của mình chưa đầy 10 ngày sau đó.

Ông Blinken nói: “Báo chí không phải là xúi giục nổi loạn. Bằng cách bịt miệng các hãng thông tấn độc lập, CHND Trung Hoa và chính quyền địa phương đang làm suy yếu sự tín nhiệm và khả năng tồn tại độc lập của Hồng Kông.”

Ông kết luận: “Một chính phủ tự tin không sợ sự thật sẽ đón nhận một nền báo chí tự do.”

Cũng bị bắt hôm thứ Tư là một cựu biên tập viên của Apple Daily, người đã kết hôn với cựu biên tập viên Lập Trường Tân Văn bị bắt.

Những bình luận của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga

Khi trả lời phỏng vấn với các phóng viên vào ngày 30/12, lãnh đạo Hồng Kông thân Bắc Kinh Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã biện hộ cho vụ án chống lại tờ Lập Trường Tân Văn này, nói rằng những hành động của cảnh sát “không liên quan gì đến cái gọi là đàn áp quyền tự do báo chí.”

Bà nói thêm: “Các hành động xúi giục nổi loạn không thể được dung dưỡng dưới lớp vỏ bọc là đưa tin.”

Bà Lâm cũng cáo buộc những ai yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt là “đứng trên pháp quyền”.

Trong một tuyên bố đưa ra vào cuối ngày thứ Tư, Văn phòng Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi “các thế lực bên ngoài”, trong đó có Liên minh Âu Châu, “ngừng sử dụng bất kỳ lý do nào để can thiệp vào công việc của Hồng Kông và các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.”

Sự lo lắng từ quốc tế

Các vụ bắt giữ đã làm dấy lên lo ngại từ nhiều nhóm nhân quyền quốc tế và các nhà lập pháp Hoa Kỳ, cũng như các quan chức chính phủ ở Úc, Canada, Liên minh Âu Châu, Anh Quốc, Đức, và Đài Loan.

Trong một bài đăng trên Facebook, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) cho biết Trung Quốc đã “phá vỡ” những lời hứa của mình trong khuôn khổ “Một Quốc gia, Hai Chế độ” (Nhất quốc lưỡng chế) bằng cách ngăn chặn quyền tự do ngôn luận của Hồng Kông.

Bà Thái viết, “Dân chủ và tự do là những giá trị phổ quát và là những quyền căn bản của người dân,” trước khi bày tỏ hy vọng rằng những người bị bắt hôm thứ Tư sẽ sớm được trả tự do.

Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon) và Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachusetts), chủ tịch kiêm đồng chủ tịch Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC), đã lên Twitter để bày tỏ “những mối lo ngại sâu sắc” của họ. Hai nhà lập pháp nói rằng vụ bắt giữ là một phần của một “cuộc đàn áp có hệ thống” đối với quyền tự do báo chí của Hồng Kông.

Ca sĩ Hà Vận Thi (Denise Ho) gốc Hồng Kông biểu diễn trên sân khấu trong Diễn đàn Tự do Oslo ở Oslo hôm 27/05/2019. (Ảnh: Ryan Kelly/AFP/Getty Images)

Hai nhà lập pháp bày tỏ mối lo ngại đặc biệt dành cho ca sĩ và nhà hoạt động nổi tiếng người Hồng Kông Hà Vận Thi (Denise Ho), lưu ý rằng cô đã làm chứng trước CECC hồi tháng 09/2019 về vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông. Cô Hà, một cựu thành viên hội đồng quản trị của Lập Trường Tân Văn, là một trong bảy người bị bắt hôm 29/12.

“CECC sẽ giám sát chặt chẽ các trường hợp của họ, bao gồm cả đơn nộp tiền bảo lãnh tại ngoại và các quyền tố tụng hợp pháp của họ,” hai nhà lập pháp nói.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã nói trên Twitter rằng cuộc đột kích và các vụ bắt giữ này là sự tiếp nối của “việc đàn áp tự do ngôn luận và truyền thông” ở Hồng Kông.

“[Úc] nhắc lại lời kêu gọi của chúng tôi về tự do truyền thông & về các quyền lợi & quyền tự do của người dân Hồng Kông,” bà Payne viết.

Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.

Minh Ngọc biên dịch

Related posts