Tin thế giới chiều thứ Hai

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dương tính với COVID-19 đã tiêm 3 mũi vaccine

Huyền Anh

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dương tính với COVID-19 đã tiêm 3 mũi vaccine
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin phát biểu trong Đối thoại IISS Manama lần thứ 17 ở thủ đô Manama của Bahrain, ngày 20/11/2021. (Getty Images)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Lloyd Austin cách ly tại nhà sau khi nhiễm Covid-19 và cho biết lần gần đây nhất ông tiếp xúc với Tổng thống Joe Biden là vào ngày 21/12/2021.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, trong thời gian nghỉ phép ở nhà, ông xuất hiện các triệu chứng nhiễm COVID-19 vào ngày 02/01 và sau đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này.

“Các triệu chứng của tôi được coi là nhẹ và tôi cũng đang làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Theo các chỉ dẫn đó, và theo hướng dẫn của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ), tôi sẽ tự cách ly tại nhà trong 5 ngày tới”, ông cho biết hôm Chủ Nhật.

“Tôi không đến Lầu Năm Góc kể từ ngày 30/12/2021 và trước đó chỉ gặp thoáng qua với vài nhân viên. Chúng tôi đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách mọi lúc”, ông cho biết.

Ông dự định tham dự trực tuyến các cuộc họp quan trọng vào tuần tới. Ông sẽ vẫn nắm quyền và Thứ trưởng Kathleen Hicks sẽ đại diện ông trong một vài trường hợp.

Bộ trưởng Austin đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và tiêm mũi thứ 3 vào đầu tháng 10/2021. Ông cho rằng điều này đã giúp mình có triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với khả năng xảy ra nếu ông chưa tiêm.

“Vaccine có tác dụng và sẽ vẫn là yêu cầu y tế bắt buộc đối với lực lượng quân đội. Tôi tiếp tục khuyến khích mọi người đủ điều kiện nên tiêm mũi tăng cường”, ông kêu gọi.

Quân đội đang phải đối mặt với thách thức duy trì trạng thái sẵn sàng quân sự cho quân đội, thường là ở các khu vực gần trên tàu và máy bay.

Khoảng 98% quân nhân tại ngũ bắt buộc phải tiêm vaccine COVID-19.

Bộ trưởng Austin là một trong những thành viên cao cấp nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Huyền Anh

UAE cấm những người chưa chích ngừa rời khỏi đất nước

Mimi Nguyen Ly

Một cái nhìn toàn cảnh về JBR từ Đảo Bluewaters ở Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), hôm 08/12/2021. (Ảnh: Satish Kumar/Reuters)

Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) sẽ cấm người dân rời khỏi đất nước nếu họ chưa chích ngừa COVID-19.

Hãng thông tấn nhà nước WAM đưa tin, bắt đầu từ ngày 10/01, chỉ những người đã chích ngừa đầy đủ và đã chích mũi bổ sung mới được phép xuất cảnh.

Các trường hợp miễn trừ sẽ được thực hiện đối với những người viện dẫn lý do y tế, cũng như những người đang tìm cách khám chữa bệnh ở hải ngoại, hoặc viện dẫn các lý do nhân đạo.

Một số quốc gia trên thế giới, chẳng hạn như Israel, đã cấm những người chưa chích ngừa COVID-19 được phép nhập cảnh, thay vì cấm xuất cảnh. Trong khi đó, tại Canada, chính phủ đã cấm những người trên 12 tuổi chưa chích ngừa COVID-19 lên phi cơ hoặc tàu trong nước từ cuối tháng 11/2021 và đã công bố một chính sách cấm hầu hết các loại khách du lịch chưa chích ngừa nhập cảnh vào nước này kể từ ngày 15/01.

Ngoài ra, nhiều quốc gia và hãng hàng không đã áp đặt các hạn chế đối với những người chưa chích ngừa, chẳng hạn như yêu cầu họ phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.

Nhà máy năng lượng ‘xanh’ ở Tân Cương bị đóng cửa vì xả nước thải ô nhiễm

Fran Wang

Một nhà máy nhiệt điện than phía sau một nhà máy ở thành phố Bao Đầu, thuộc Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, hôm 31/10/ 2010. (Ảnh: David Gray/Reuters)

Công ty TNHH Điện lực Thượng Hải dự định sẽ chấm dứt một dự án được cho là cung cấp năng lượng “xanh” ở vùng Tân Cương của Trung Quốc nhưng thay vào đó lại xả nước thải ô nhiễm.

Trong một hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải hôm 28/12, công ty này cho biết do sự cố của hệ thống lọc khí thải, hoạt động của dự án Điện Khí Hami Xuanli của họ đã xả không đúng cách một lượng đáng kể nước thải có chứa phenol, hoặc acid carbolic.

Công ty tiện ích quốc doanh này cho biết họ đã quyết định đóng dự án và loại bỏ các thiết bị liên quan.

Hami Xuanli được khởi công với mục đích “tận dụng khí thải từ nhựa than đá trong một Khu Công Nghiệp, và thông qua các tuabin khí kết hợp hơi nước để tạo ra điện,” theo bản giới thiệu chính thức về dự án năm 2014.

Công ty cho biết sau khi kiểm tra thực địa năm 2021, một nhóm chuyên gia bên ngoài đã kết luận rằng các cơ sở lọc cần được cải tạo quy mô lớn để đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, họ kết luận rằng “việc này tốn kém, và hiệu quả vẫn không chắc chắn.”

Hồ sơ chứng khoán cho biết, các tổn thất của dự án sẽ khiến Công ty Điện lực Thượng Hải phải trả 91 triệu USD dự phòng thiệt hại. Ngoài khoản thiệt hại 47 triệu USD cho Công ty TNHH Sản xuất Điện Khí Hami Xuanli (Hami Xuanli Gas Power Generation Co. Ltd.), còn có khoản thiệt hại 44 triệu USD cho một công ty con khác, Nhà máy Điện Tuabin Khí La Kinh (Luojing Gas Turbine Power Plant).

Nhà máy Điện La Kinh cho thuê các cơ sở liên quan đến dự án này. Các cơ sở của nhà máy này sẽ bị tháo dỡ vì chúng không đạt tiêu chuẩn và không thể sử dụng trong các nhà máy điện cùng loại trong nước.

Cổ phiếu của công ty niêm yết tại Thượng Hải này đã giảm mạnh hôm 29/12, ngày giao dịch cuối cùng của năm 2021.

Dự án này đã được Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, hay còn gọi là XPCC hoặc Bingtuan (“Binh đoàn”), chấp thuận hồi năm 2014.

“Mục tiêu chính của dự án này là tận dụng tối đa khí thải từ các ngành sản xuất trong khu công nghiệp, đồng thời lọc khí để đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường,” giám đốc dự án Từ Kế Huy (Xu Jihui) cho biết [trong một bài báo] hồi tháng 05/2020, theo bingtuan.com.

Trong bài báo đó, kênh truyền thông do nhà nước điều hành này đã đề cập đến một buổi lễ động thổ do XPCC tổ chức cho trạm xăng thứ hai của Hami Xuanli, nói thêm rằng dự án này là nhằm “giảm bớt tình trạng ô nhiễm của khu công nghiệp, và tiến tới phát triển chất lượng cao trong khi bảo tồn hiệu quả và môi trường xanh của khu công nghiệp.”

Trung Quốc là quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới. Chính quyền Trung Quốc nói rằng lượng khí thải carbon của nước này sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2030, và sau đó bắt đầu giảm xuống, với mục tiêu đạt được trung hòa carbon vào năm 2060. Chính quyền này đã lập luận rằng Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế đang phát triển và không nên bị áp đặt theo các tiêu chuẩn tương tự như các nước phát triển về cắt giảm lượng khí thải carbon.

XPCC là một tổ chức kinh tế và bán quân sự quốc doanh duy nhất ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Năm 2020, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã trừng phạt tổ chức này vì vi phạm nhân quyền.

Hôm 23/12, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký luật cấm tất cả hàng hóa nhập cảng từ khu vực Tân Cương vì lo ngại lao động cưỡng bức.

Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ là một phần trong phản hồi của Hoa Kỳ trước cách Bắc Kinh đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, mà Hoa Thịnh Đốn gọi là tội ác diệt chủng.

Năm 2020, Công ty Điện lực Thượng Hải đã thanh toán khoản thiệt hại tài sản 66 triệu USD cho dự án Hami Xuanli vì ô nhiễm, theo trang tin tức địa phương Time-Weekly.com.

An Nhiên biên dịch

Một người Nam Hàn vượt biên giới kiên cố trong cuộc đào tẩu hiếm hoi sang Bắc Hàn

Một người Nam Hàn vượt biên giới kiên cố trong cuộc đào tẩu hiếm hoi sang Bắc Hàn (Ảnh minh hoạ: jo.sau/Flick)

SEOUL — Hôm Chủ Nhật (02/01), một người Nam Hàn đã vượt qua đường biên giới rất kiên cố trong một cuộc đào tẩu hiếm hoi tới Bắc Hàn, quân đội Nam Hàn cho biết.

Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) cho biết họ đã tiến hành một chiến dịch tìm kiếm sau khi phát hiện người này vào khoảng 9 giờ 20 phút tối (7:20 ET) hôm thứ Bảy (01/01) ở phía đông của Khu Phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên.

JCS cho biết, “Chúng tôi đã xác nhận rằng người đó đã vượt qua biên giới Đường Phân giới Quân sự vào khoảng 10 giờ 40 phút tối (8:40 ET) và đào tẩu sang miền Bắc.”

JCS cho biết họ không thể xác nhận liệu người này còn sống hay không, nhưng đã gửi một thông báo tới Bắc Hàn qua đường dây nóng quân sự để yêu cầu biện pháp bảo vệ.

Cuộc vượt biên này là bất hợp pháp ở Nam Hàn, diễn ra khi Bắc Hàn thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống virus corona kể từ khi đóng cửa biên giới hồi đầu năm 2020, mặc dù họ chưa xác nhận bất kỳ ca lây nhiễm nào.

Một vụ xôn xao chính trị và dư luận đã từng nổi lên sau khi quân đội Bắc Hàn bắn tử vong một quan chức ngành ngư nghiệp Nam Hàn mất tích trên biển hồi tháng 09/2020, điều mà Bình Nhưỡng đã đổ lỗi cho các quy định phòng chống virus và đưa ra lời xin lỗi.

Hai tháng trước đó, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và phong tỏa một thị trấn biên giới sau khi một người đào tẩu Bắc Hàn, người mà ông cho là có triệu chứng nhiễm COVID-19 đã vượt biên trái phép từ miền Nam vào miền Bắc.

Các đợt phong tỏa kéo dài và hạn chế đi lại giữa các tỉnh của Bắc Hàn cũng đã đẩy số lượng người đào tẩu từ Bắc Hàn sang phía Nam Hàn xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Mối liên hệ xuyên biên giới ngày càng trở nên xấu đi sau khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Hoa Thịnh Đốn bị đình trệ kể từ một cuộc gặp thượng đỉnh thất bại vào năm 2019.

Nam Hàn và lực lượng Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo về mặt kỹ thuật vẫn đang trong chiến tranh với Bắc Hàn kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950–1953 kết thúc trong một hiệp định đình chiến chứ không phải một hiệp ước hòa bình.

Do Hyonhee Shin của Reuters thực hiện
Thanh Tâm biên dịch

Related posts