Các tổ chức thể thao có ảnh hưởng tạo điều kiện cho Bắc Kinh phạm tội ác phản nhân loại

John Mac Ghlionn

Một tấm biển ở cổng vào trụ sở Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) ở Lausanne, Thụy Sĩ, trong một cuộc biểu tình của các nhà hoạt động đến từ tổ chức Sinh viên vì một Tây Tạng Tự do hôm 11/12/2021. (Ảnh: Valentin Flauraud/AFP/Getty Images)Hoa Kỳ

Theo The Guardian, hiện giờ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ hay Trung Cộng) đang bận rộn chiêu mộ một “đội quân những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội phương Tây, mỗi người có hàng trăm ngàn người theo dõi trên TikTok, Instagram hoặc Twitch,” tất cả là để cố gắng “truyền bá những câu chuyện tích cực về Trung Quốc” trong suốt Thế vận hội Mùa Đông.

ĐCSTQ, như chúng ta được cho biết, “đã thuê các chuyên gia PR phương Tây để truyền bá một kịch bản thay thế qua các phương tiện truyền thông xã hội.”

Vâng, một kịch bản thay thế cho một quốc gia rất ưa chuộng những lời giải thích thay thế cho các vấn đề hiển nhiên.

Giờ tôi đặt câu hỏi, chúng ta có nên khó chịu với những người có ảnh hưởng không? Có lẽ. Nhưng nhiều người trong số những người có ảnh hưởng này chỉ là những đứa trẻ. Hơn nữa, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội không nhất thiết là được biết đến với các tiêu chuẩn đạo đức cao của họ. Chúng ta phải nhìn rộng ra và nhận ra rằng họ chỉ là một phần của một vấn đề lớn hơn nhiều.

Một câu hỏi hay hơn cần đặt ra là: Tại sao Bắc Kinh thậm chí còn được đăng cai Thế vận hội Mùa Đông?

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), như tôi đã thảo luận trước đây, có rất nhiều câu trả lời, nhiều hơn so với bất kỳ người có ảnh hưởng nào đang được chiêu mộ. Đáng buồn thay, IOC, giống như một số tổ chức thể thao có ảnh hưởng khác, đã tạo điều kiện cho ĐCSTQ thực hiện tội ác phản nhân loại. Đây không phải là một điểm gây tranh cãi để đưa ra bàn luận.

Nếu IOC, một tổ chức có mục đích công nhận và bảo vệ quyền con người, đã từ chối trao quyền đăng cai Thế vận hội cho Trung Quốc – chẳng hạn như do các hành động diệt chủng đang được thực hiện ở Tân Cương – thì có lẽ, thế giới này sẽ có một chút khác biệt. Nhưng nghĩ lại thì, có lẽ sẽ không phải vậy.

Các nhà hoạt động phát áo T-shirt có dòng chữ “Bành Soái ở đâu?” cho khán giả bên ngoài công viên Melbourne Park trước trận chung kết đơn nữ, tại Melbourne Park, Melbourne, Úc, hôm 29/01/2022. (Ảnh: Morgan Sette/Reuters)

Nhưng việc từ chối trao quyền đăng cai Thế vận hội sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những kẻ bạo ngược ở Bắc Kinh. Đáng tiếc, thông điệp duy nhất đã được gửi đi là một sự ủng hộ và lòng trung thành bất diệt.

Tất nhiên, IOC không đơn độc trong sự phục tùng đáng hổ thẹn của họ đối với ĐCSTQ. Hiệp hội Quần vợt Úc (Tennis Australia) cũng tuyên bố quan tâm đến nhân quyền. Họ tuyên bố quan tâm đến ngôi sao quần vợt Bành Soái (Peng Shuai). Tuy nhiên, xét đến việc gần đây họ đã yêu cầu những người hâm mộ tại công viên Melbourne Park không mặc áo T-shirt và mang theo một biểu ngữ có dòng chữ “Bành Soái ở đâu?”, có rất nhiều lý do để nhìn nhận Hiệp hội Quần vợt Úc với một sự hoài nghi cao độ.

Ngay cả khi quyết định này đã được đảo ngược, thì thiệt hại vẫn đã xảy ra. Hiệp hội Quần vợt Úc phải mất một sự phản đối kịch liệt để một lần nữa cho phép mọi người đặt một câu hỏi rất xác đáng. Những ấn tượng đầu tiên để một lại ấn tượng lâu dài; sẽ rất lâu để người ta quên đi vai trò của Hiệp hội Quần vợt Úc trong việc dập tắt một mối lo ngại thực sự và tạo điều kiện cho một chế độ chuyên chế.

“Tẩy trắng bằng thể thao” và các tổ chức thông đồng nhu nhược 

Gần đây, tay vợt nổi tiếng Martina Navratilova đã nói rằng “thể thao luôn luôn đi đầu trong các vấn đề xã hội, thúc đẩy chúng tiến lên, và tôi cảm thấy chúng ta đang đi lùi.” Bà ấy đúng. Chúng ta đang đi lùi.

Điều này đặc biệt đúng ở Trung Quốc, nơi mà NBA và NFL phục tùng một cách vô sỉ trước các yêu cầu của ĐCSTQ. NFL, e rằng quý vị đã quên, đã tán thành tuyên bố sai lầm của ĐCSTQ cho rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Hồi tháng 12/2021, có thông tin tiết lộ rằng Los Angeles Rams, một đội sắp tham dự giải Super Bowl LVI, nơi họ sẽ cố gắng giành chức vô địch thế giới trên sân nhà của mình, có kế hoạch thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Theo Sportico, các giám đốc điều hành của NFL “đã trao quyền tài trợ và bán hàng độc quyền của Rams ở ba quốc gia trên thế giới: Mexico, Úc và Trung Quốc.” Chính xác thì [đổi lại] đội Rams đã được “trao” cho những gì? Chúng ta được cho biết rằng, “Giấy phép tiếp thị khu vực gia đình (HMA) cho phép Rams (và 17 đội khác) tạo ra các cơ hội thương mại để thúc đẩy sự tương tác của người hâm mộ thông qua tiếp thị trực tiếp và tiếp thị kỹ thuật số bằng danh hiệu của họ.” Trong ba thị trường “mang lại các cơ hội đầu tư độc đáo”, cho đến nay Trung Quốc vẫn là thị trường “hấp dẫn nhất”. Tại sao? Bởi vì nơi đây mang lại tiềm năng lớn nhất.

Chắc chắn, quốc gia này cũng đặt ra “những cạm bẫy nhiều không kém, vì chính phủ độc tài của họ vẫn mâu thuẫn với Hoa Kỳ về các vấn đề kinh tế, nhân quyền và công nghệ,” bài báo trên tờ The Gurdian cho biết. Nhưng điều này dường như không liên quan đến NFL, cũng như không liên quan đến chủ sở hữu của Rams, ông Stan Kroenke.

Ông Kroenke có thể không quan tâm, nhưng anh Enes Kanter Freedom, trung phong của đội Boston Celtics, chắc chắn là có. Trong nhiều tháng, anh đã dành rất nhiều thời gian để lên án NBA – cũng như các ngôi sao bóng rổ khác – vì đã phớt lờ những vi phạm nhân quyền xảy ra tại Trung Quốc. Tuy nhiên, giờ đây, anh Freedom đã có sự ủng hộ. Không phải từ NBA (rõ ràng là vậy), mà là từ một liên minh lưỡng đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ. Như ESPN đã đưa tin gần đây, liên minh này, có cùng những lo ngại của anh Freedom, “đã lên án các cầu thủ NBA duy trì các hợp đồng béo bở với bốn công ty Trung Quốc bị cáo buộc thông đồng trong những vi phạm đó.”

Li-Ning, Anta, Peak và 361 Degrees – ba nhà cung cấp giày và đồ thể thao Trung Quốc – đều có các ngôi sao NBA làm đại diện. Đáng lo ngại hơn, cả ba hãng này đều bị cáo buộc “sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất các sản phẩm của họ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.” Theo ESPN, có 17 cầu thủ NBA đang sở hữu các hợp đồng với ít nhất một trong những công ty đáng ngờ này.

Những giao dịch như vậy không chỉ phi đạo đức, mà còn không thể tha thứ – trên nhiều cấp độ. Có thực mới vực được đạo, như tôi đã lưu ý trong quá khứ, là câu thần chú thường được những người quyền lực nhất thốt ra. Tất nhiên là không công khai như vậy. Họ nói ra đằng sau những cánh cửa đóng kín, trong những tòa cao ốc, cách xa những cặp mắt dò xét của công chúng. Nhưng những hành động của họ, và sự sẵn lòng của họ để hỗ trợ cho một chế độ chuyên chế, đã nói lên rất nhiều điều.

Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng tin như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.

Minh Ngọc biên dịch

Related posts