NATO ‘lạc quan một cách thận trọng’ trong bối cảnh có các báo cáo về việc Nga rút quân

Jack Phillips

Các quân nhân của Lực lượng Quân sự Ukraine tham dự một cuộc diễn tập quân sự với các bệ phóng hỏa tiễn phòng không hạng nhẹ Thụy Điển-Anh Quốc Vũ khí Chống tăng Thế hệ mới (NLAW) tại bãi bắn của Trung tâm Gìn giữ Hòa bình và An ninh Quốc tế, gần thành phố Lviv, miền Tây Ukraine hôm 28/01/2022. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Hôm thứ Ba (15/02), sau khi Nga tuyên bố sẽ rút một số binh sĩ khỏi biên giới Ukraine, các quan chức hàng đầu của NATO bày tỏ rằng họ “lạc quan một cách thận trọng” về một khả năng giảm leo thang căng thẳng.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên vào sáng cùng ngày sau thông báo của Nga, “Có những dấu hiệu từ Moscow rằng nên tiếp tục hoạt động ngoại giao. Điều này tạo cơ sở cho sự lạc quan thận trọng. Nhưng cho đến nay chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu giảm leo thang nào từ phía Nga.”

Nga không cho biết có bao nhiêu đơn vị đã được rút, và đi bao xa, sau khi tăng cường khoảng 13 vạn quân Nga ở phía bắc, đông, và nam Ukraine. Đoạn video được Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga đăng trực tuyến hôm thứ Ba được cho là đã nhìn thấy các xe tăng Nga đang di chuyển trở lại các căn cứ thường trực và rời khỏi khu vực biên giới này.

NATO nói rằng họ vẫn chưa thấy bằng chứng về việc giảm leo thang trong cuộc khủng hoảng này.

“Nga đã tập hợp một lực lượng chiến đấu chưa từng có trong và xung quanh Ukraine kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mọi thứ giờ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công mới,” ông Stoltenberg nói. “Nhưng Nga vẫn còn thời gian để lùi lại, ngừng chuẩn bị cho chiến tranh và bắt tay vào việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình.”

Nhưng ông Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, đã viết rằng văn phòng của ông có “một quy tắc”, đó là: “Đừng tin những gì quý vị nghe, hãy tin những gì quý vị tận mắt chứng kiến. Khi chúng tôi chứng kiến một cuộc rút quân, chúng tôi sẽ tin là có giảm leo thang.”

Điện Kremlin cho biết những diễn biến hôm thứ Ba là bằng chứng cho thấy những lời bàn tán của phương Tây về chiến tranh vừa sai lầm vừa cuồng loạn.

Theo Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết trong một tuyên bố, “Ngày 15/02/2022 sẽ đi vào lịch sử là ngày tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại. Nhục nhã và bị tiêu diệt mà không cần nổ một phát súng nào.”

Các quân nhân của Lực lượng quân sự Ukraine thuộc lữ đoàn cơ giới 92 sử dụng xe tăng, pháo tự hành và các phương tiện thiết giáp khác để tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật gần thị trấn Chuguev, thuộc vùng Kharkiv, hôm 10/02/2022. (Ảnh: Sergey Bobok/AFP/Getty Images)
Binh sĩ Ukraine huấn luyện trong cuộc tập trận gần Kharkiv, Ukraine, hôm 10/02/2022. (Ảnh: Andrew Marienko/AP)

Hôm thứ Hai (14/02), Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói với truyền thông Nga rằng Hoa Kỳ và phương Tây đang cố gắng “châm ngòi cho một cuộc xung đột” bằng những tuyên bố gần đây về một cuộc xâm lược có thể xảy ra.

Ông cho hay, “Hãy nhìn xem, nếu chúng tôi lên kế hoạch cho bất kỳ cuộc chiến nào nhắm vào Ukraine, các phương tiện truyền thông sẽ hành xử hoàn toàn khác. Bởi vì phương tiện truyền thông là những cuộc oanh tạc của chiến tranh hiện đại.”

Pháp cho biết họ vẫn chưa xác nhận việc một số binh sĩ Nga trở lại các căn cứ, mặc dù đây sẽ là một dấu hiệu tích cực. Thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong phái đoàn ngoại giao phương Tây mới nhất nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng này, đã gặp ông Putin tại Điện Kremlin.

Cuối tuần qua và hôm thứ Hai, các quan chức Tòa Bạch Ốc đã kêu gọi người Mỹ rời Ukraine và khẳng định rằng một cuộc xâm lược có thể xảy ra trong tương lai gần. Không có bằng chứng nào được cung cấp cho tuyên bố thứ hai.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đóng cửa đại sứ quán của họ ở Kyiv và chuyển cơ sở này đến Lviv, nằm ở phía tây của Ukraine.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố, “Chúng tôi đang trong quá trình tạm thời chuyển các hoạt động của Đại sứ quán của chúng tôi ở Ukraine từ Đại sứ quán của chúng tôi ở Kyiv đến Lviv do sự tăng tốc đáng kể trong việc tăng cường lực lượng của Nga.”

“Những biện pháp phòng ngừa thận trọng này không hề làm suy yếu sự ủng hộ hay cam kết của chúng tôi đối với Ukraine. Cam kết của chúng tôi đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là không thay đổi,” ông Blinken nói thêm, lưu ý rằng “con đường cho ngoại giao” luôn rộng mở.

Cùng thời gian đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đăng một tuyên bố trên Facebook rằng Nga sẽ xâm lược vào ngày 16/02 khiến mọi người bối rối. Tuy nhiên, văn phòng của ông sau đó nói rằng ông đưa ra nhận xét này một cách mỉa mai trong một nỗ lực rõ ràng là để hạ thấp các các báo cáo tình báo của phương Tây cho thấy một cuộc xâm lược sắp xảy ra.

Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York.

An Nhiên biên dịch

Related posts