Học giả Đài Loan: Chiến tranh Nga-Ukraine sẽ kéo dài nhiều nhất là 6 tháng

Một xe bọc thép của Nga (APC) bốc cháy cạnh thi thể của một binh sĩ không rõ danh tính ở Kharkiv, Ukraine, vào ngày 27 tháng 2 năm 2022. (Ảnh: Sergey Bobok /AFP qua Getty Images) Bình luận

Nga đã đưa quân tấn công Ukraine, khiến quốc tế phản ứng dữ dội. Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, chuyên gia quân sự Tô Tử Vân thuộc Viện Nghiên cứu An ninh và Phòng thủ Đài Loan cho biết, mục tiêu chiến lược của Nga là “lấy chiến tranh để ép đàm phán”. Ở giai đoạn hiện tại, trọng tâm của Nga là các cuộc chiến nhỏ để làm tan rã ý chí kháng cự của Ukraine, và giữa tháng 4 có thể sẽ nâng cấp lên thành các cuộc chiến với quy mô tầm trung. Tuy nhiên, với sức mạnh kinh tế của Nga, quân đội Nga chỉ có thể duy trì nhiều nhất là 6 tháng, nếu Ukraine kiên cường chống trả thì vẫn còn cơ hội giành thắng lợi.

Vào ngày 24/2, Nga đã phát động một cuộc tấn công vào Ukraine. Theo một tài liệu tình báo do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Estonia kiêm Đại Biểu Nghị Viện Châu Âu – ông Riho Terras công bố, Tổng thống Nga Putin đã cho rằng cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ rất dễ dàng, và mọi thứ sẽ kết thúc sau 1-4 ngày. Tuy nhiên, binh lính Ukraine và dân thường được trang bị vũ khí đã chống đỡ được các cuộc tấn công tứ phía, cản trở thành công tốc độ hành quân của quân đội Nga.

Ông Tô Tử Vân cho rằng, hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine có thể chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là “thời khắc Munich” tính từ khi kết thúc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đến ngày 20/2. Hiện tại là “thời khắc Mãn Châu Quốc”, cũng chính là chính phủ lâm thời “Mãn Châu Quốc” được Nhật Bản dựng lên năm 1932 khi xâm lược Trung Quốc nhằm che đậy hành động quân sự của mình. Ông Putin chính là viện vào “Nước cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk” để tạo cớ xuất binh, đại diện cho hai nước đó tiến hành cuộc chiến.

Ông Tô cho biết, hiện nay Nga đang tấn công vào Ukraine bằng hệ thống đường bộ, chứ không phải kiểu dã chiến truyền thống. Bởi vì hiện nay là thời kỳ tuyết tan ở Ukraine, mặt đất rất xốp, không thích hợp cho lực lượng quân đội cơ giới hóa hoạt động. Vậy nên, quân đội Nga trước mắt vẫn chủ yếu dựa vào các trận đánh “nhỏ lẻ”, hy vọng dựa vào tập kích bằng không quân để đạt được hiệu quả “kinh hoàng và uy hiếp”, làm tan rã ý chí chống cự của Ukraine, ép Ukraine đầu hàng.

Ông Tô nói, nếu như quân đội Nga tiếp tục tấn công mà vẫn không thể chiếm được Ukraine, thì xét từ phương diện thời tiết và địa hình, giữa tháng Tư sẽ là thời khắc mấu chốt để quân đội trên đất liền của Nga tấn công, đến lúc đó tuyết đã tan, mặt đất trở nên cứng rắn, ông Tô dự đoán Nga sẽ khởi động giai đoạn ba – “thời khắc kết thúc cuộc chiến”, đưa quy mô cuộc chiến lên quy mô tầm trung. Ông Tô Tử Vân nói rằng, với quy mô khoảng chừng 280 ngàn người như hiện nay của quân đội Liên bang Nga, nếu như không có lực lượng dự bị, ông dự đoán Nga sẽ đưa 3 đến 4 quân đoàn với khoảng chừng 120 ngàn quân vào cuộc chiến này.

Tuy vậy, ông Tô lại nói rằng, cho dù đưa quy mô cuộc chiến lên tầm trung, thì quân đội Nga muốn toàn diện đánh chiếm Ukraine vẫn là vô cùng khó khăn. Với binh lực ít ỏi như vậy, muốn chiếm giữ Ukraine có diện tích lãnh thổ hơn 600 ngàn km² thì hầu như không có khả năng. Mặt khác, xét từ tình trạng kinh tế của Nga, thì quân đội Nga chỉ duy trì được nhiều nhất là 6 tháng, sau đó sẽ không còn lực để tiếp tục.

Ông nhấn mạnh, kinh tế của Nga không chịu nổi một cuộc chiến kéo dài, chỉ cần Ukraine thể hiện ý chí chống cự ngoan cường, đẩy mạnh phản công một cách có hệ thống, có tổ chức, đồng thời lợi dụng phương pháp tác chiến của bộ binh hạng nhẹ, thì vẫn còn có cơ hội có thể đánh bại lực lượng quân đội cơ giới hóa chính quy của Nga. Đến lúc đó, nền kinh tế của Nga sẽ sa vào vũng lầy, giống như tình cảnh Liên Xô đánh Afghanistan vào năm 1979. 

Vương Du Duyệt biên tập
Xuân Hoàng biên dịch

Related posts