Điện Kremlin ban hành biện pháp khẩn cấp để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU, Hoa Kỳ

Bryan Jung

FILE PHOTO: Russian President Vladimir Putin takes part in the Supreme Eurasian Economic Council meeting at his residence outside Moscow, Russia December 10, 2021. Sputnik/Mikhail Metzel/Pool via REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố các biện pháp khẩn cấp mới nhằm ngăn chặn đà sụt giảm giá trị đồng tiền của mình, bao gồm lệnh cấm người dân Nga chuyển ngoại tệ ra ngoại quốc và buộc các nhà xuất cảng sử dụng đồng tiền của quốc gia này.

Các biện pháp khẩn cấp này, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/03, bao gồm một lệnh cấm công dân Nga thanh toán cho người ngoại quốc bằng ngoại tệ mạnh “liên quan đến các thỏa thuận cho vay,” và sẽ bao gồm các hạn chế đối với các công ty mua lại cổ phiếu của chính họ, cũng như một số giao dịch chuyển khoản sang tài khoản ngoại quốc, theo một tuyên bố từ Điện Kremlin được công bố hôm 28/02.

Moscow cho biết, sắc lệnh này nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Âu Châu đối với các hành động của họ ở Ukraine, vốn đã làm cho đồng ruble giảm giá mạnh, buộc ngân hàng trung ương phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ổn định thị trường.

Tuyên bố này viết rằng, “Cấm từ ngày 01/03/2022, người cư trú ghi có ngoại tệ vào những tài khoản được mở ở các ngân hàng nằm ngoài lãnh thổ Liên bang Nga và các tổ chức thị trường tài chính khác.”

Theo sắc lệnh này, mọi giao dịch chuyển tiền chỉ được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng sử dụng hình thức thanh toán điện tử do các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán ngoại quốc cung cấp.

Ngân hàng trung ương Nga sau đó đã đưa ra một lời giải thích, nói rằng lệnh cấm này “chỉ bao gồm các khoản cho vay mới và không giải quyết các khoản nợ hiện có.”

Các nhà xuất cảng của Nga sẽ phải giữ 80% dự trữ của họ bằng đồng ruble, có nghĩa là các công ty lớn như đại tập đoàn năng lượng Gazprom sẽ phải mua đồng tiền này.

Các lệnh trừng phạt vào cuối tuần qua đã khiến đồng ruble giảm xuống mức thấp kỷ lục, với việc ngân hàng trung ương Nga tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản lên 20%.

Giá trị của đồng ruble so với đồng dollar hiện bằng khoảng một phần ba so với trước năm 2014, thời điểm cuối cùng Nga can thiệp vào Ukraine, vốn châm ngòi cho vòng trừng phạt đầu tiên từ phương Tây.

Kể từ năm 2014, các ngân hàng và công ty của Nga đã giảm bớt nợ đáng kể với khoản nợ phải trả của quốc gia này giảm còn 250 tỷ USD, và tổng số nợ ngoại quốc, 135 tỷ USD sẽ đến hạn thanh toán trong vòng một năm.

Vòng trừng phạt mới thứ hai này được đưa ra nhằm đóng băng các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế và hạn chế khả năng ngân hàng trung ương sử dụng dự trữ của mình để giúp nâng giá trị đồng ruble.

Hôm 28/02, Hoa Kỳ cho biết rằng họ đã cấm tất cả các giao dịch của Hoa Kỳ với ngân hàng trung ương của Nga và đã đóng băng các khoản tiền dự trữ của họ, trong khi Thụy Sĩ cũng cho biết họ sẽ áp dụng các biện pháp tương tự như EU đã công bố vào cuối tuần này.

Hoa Kỳ và các đồng minh cũng đã đưa ra các hạn chế cá nhân đối với các nhà tài phiệt và các quan chức chính phủ hàng đầu, bao gồm cả chính ông Putin.

Sự kiện đồng ruble mất giá được cho là sẽ thúc đẩy tình trạng lạm phát ở Nga, trong khi các lệnh trừng phạt này sẽ làm tổn hại đến khả năng xuất nhập cảng hàng hóa và dịch vụ của các công ty không liên quan đến năng lượng.

Việc tăng mạnh lãi suất có thể sẽ làm tăng chi phí đi vay, khiến người tiêu dùng và các công ty Nga phải gánh nợ.

Hôm 28/02, Sở giao dịch Chứng khoán Moscow đã đóng cửa để ngăn chặn những gì dự kiến sẽ là một đợt bán tháo cổ phiếu lớn của Nga.

Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts