Tổng thống Biden đã tin tưởng Trung Quốc với thông tin tình báo của Mỹ về Nga

Anders Corr

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến từ Phòng Roosevelt của Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 15/11/2021. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)

Khi Tổng thống Joe Biden đến gặp ông Tập Cận Bình với tin tức tình báo Mỹ về một cuộc xâm lược sắp tới của Nga vào Ukraine, khẩn nài ông Tập làm điều gì đó, ông Tập chắc hẳn đã nghĩ ông Biden khá ngây thơ.

Thứ nhất, ông Tập gần như chắc chắn đã biết trước và ủng hộ kế hoạch khủng khiếp của ông Vladimir Putin. Ông Putin cần một phương án phòng thủ tối hậu cho các lệnh trừng phạt mà ông biết ông sắp phải đối mặt, vì vậy trước tiên ông ta phải nhận được sự bảo đảm từ ông Tập.

Thứ hai, ngay cả khi ông Tập không biết, ông ấy cũng sẽ chấp thuận. Vì cuộc xâm lược của Nga, kể cả các tội ác chiến tranh như các cuộc tấn công vào các căn hộ dân sự và các trạm điện ở Kyiv, làm lu mờ hành vi lạm dụng nhân quyền và xâm lược lãnh thổ của chính Bắc Kinh.

Thứ ba, cuộc xâm lược của Nga đang biến họ thành một quốc gia bị quốc tế ruồng bỏ. Các biện pháp trừng phạt kéo theo đang đẩy họ vào vòng tay của Trung Quốc, cũng giống như các cuộc đảo chính ở Miến Điện (Myanmar) vào năm 2021 và Thái Lan vào năm 2014. Trung Quốc đang thao túng các nền dân chủ và các lệnh trừng phạt của họ, một cách khéo léo.

Ông Tập chắc hẳn đã được một trận cười sảng khoái khi kết thúc cuộc điện đàm qua video với ông Biden. (Thực tế thì ông Tập có bao giờ cười hay không, điều này tôi không rõ. Có lẽ ông ấy chỉ nhếch mép.)

Điều đó có lẽ sẽ xảy ra ngay trước khi ông Tập gọi cho ông bạn thân thiết của mình là ông Putin, mách ông ta về tất cả tin tình báo Mỹ mà ông Biden vừa chia sẻ. Kiểu giao tiếp kép đó xây dựng lòng tin giữa những kẻ trộm, nhưng kéo dài chừng nào cần thiết để một trong số họ có thể sờ vào chiến lợi phẩm.

Hôm 25/02, tờ New York Times đưa tin đầu tiên về những chia sẻ thông tin tình báo có thiện ý nhưng lúng túng của chính phủ Tổng thống Biden. Những chia sẻ này diễn ra qua các cuộc gặp trong vòng ba tháng rưỡi với đại sứ Trung Quốc, bộ trưởng ngoại giao, và cuối cùng là chính ông Tập.

Ý tưởng chia sẻ thông tin tình báo chắc hẳn đã xuất hiện khi người quản lý ôn hòa hơn của chính phủ này nghĩ rằng, “A ha! Đây thực sự sẽ là vấn đề mà cuối cùng chúng ta có thể hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc! ĐCSTQ không hợp tác về khí hậu, thương mại, nhân quyền, dân chủ, y tế, không phổ biến vũ khí, hay khủng bố. Nhưng, này, có thể một cuộc xâm lược của Nga sẽ là tấm vé vàng!”

Nhưng thay vào đó, chính phủ này lại bị đâm sau lưng.

Giới chức Trung Quốc nói chuyện với giới chức của chính phủ ông Biden ban đầu tuyên bố rằng họ không nghĩ rằng một cuộc xâm lược thực sự sẽ xảy ra.

Điều đó hóa ra là một xảo ngôn khi chính phủ ông Biden nắm được thông tin tình báo rằng không chỉ phía Trung Quốc biết về kế hoạch này, mà họ còn thông báo cho người Nga rằng họ sẽ không phản đối.

Theo ông Edward Wong của tờ Times, “Sau một cuộc trao đổi ngoại giao vào tháng 12/2021, các quan chức Hoa Kỳ nhận được thông tin tình báo cho thấy Bắc Kinh đã chia sẻ thông tin với Moscow, nói với người Nga rằng Hoa Kỳ đang cố gắng gây bất hòa — và Trung Quốc sẽ không cố cản trở các kế hoạch và hành động của Nga, các quan chức cho biết.”

Điều đó hẳn phải đau đớn lắm. Ông Biden tin tưởng ông Tập sẽ làm điều đúng đắn và rồi ông Tập đã làm ngược lại. Chính phủ ông Biden chắc hẳn đã cảm thấy mình giống như những người thiếu khôn ngoan.

Trên thực tế, họ đúng là thiếu khôn ngoan, bởi vì rõ ràng ông Tập và ông Putin là cùng một phe trong vấn đề Ukraine. Hôm 04/02, hai bên đã ký một tuyên bố chiến lược đề cập đến liên kết đối tác giữa hai quốc gia này là “không có giới hạn” và không có lĩnh vực hợp tác nào “bị cấm”. Trong tài liệu này, cả hai đều có quan điểm phản đối sự mở rộng của NATO và vì “lợi ích cốt lõi của họ, chủ quyền nhà nước, và toàn vẹn lãnh thổ”. Đây là một lời khẳng định, không cần phải nói quá rõ ràng, về tuyên bố chủ quyền của Nga đối với Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 04/02/2022. (Ảnh: Alexei Druzhinin/Sputnik/AFP/Getty Images)

Đổi lại, phía Nga đã minh bạch ủng hộ nguyên tắc “một Trung Quốc” và “rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc, và phản đối bất kỳ hình thức độc lập nào của Đài Loan”.

Sự công nhận lẫn nhau của hai nhà độc tài này trong các tuyên bố lãnh thổ của họ đối với “các khu vực lân cận chung của họ” đã đưa ông Putin vào một liên minh trên thực tế là để hỗ trợ cuộc xâm lược Ukraine của ông.

Họ tin rằng cả Ukraine và Đài Loan đều là những lãnh thổ từng thuộc về các quốc gia tương ứng của họ. Cả Ukraine và Đài Loan đều muốn tham gia các hệ thống liên minh phương Tây. Cả hai đều có thể trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ.

Trong khi ông Tập đã nói nhiều về việc xâm lược Đài Loan, ông Putin cố gắng giữ lại yếu tố bất ngờ. Điều này có tác dụng với ông Putin trong cuộc xâm lược Crimea và Donbass vào năm 2014. Gần đây, việc này đã không hoạt động hiệu quả như vậy.

Tuy nhiên, ông Tập đã tăng cường hỗ trợ Nga. Sau cuộc xâm lược, Bắc Kinh công khai ủng hộ “các mối lo ngại về an ninh chính đáng” của Nga và “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của tất cả các nước.

Trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine, hầu hết người phương Tây có thể hiểu điểm sau muốn nói là ủng hộ Ukraine. Nhưng ông Putin tuyên bố Ukraine là một phần của Nga. Vì vậy, ông ta có thể hiểu những nhận xét tinh quái của ông Tập là hoàn toàn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga, bao gồm toàn bộ “nước Ukraine”.

Ông Tập biết điều này và để nhấn mạnh sự ủng hộ của ông đối với cuộc chiến của Nga, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường xuyên đổ lỗi cho Hoa Kỳ, sự hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine, “thúc đẩy khả năng xảy ra chiến tranh”, và mở rộng NATO. Theo ĐCSTQ, ông Putin đã thoát khỏi tình thế rắc rối này.

Ông Tập đang khiến ông Putin, vốn vẫn được vây quanh bởi những kẻ ba phải trong nhóm tư duy tập thể của Điện Kremlin, tin tưởng rằng ông sẽ chiến thắng không chỉ ở Ukraine, mà còn trong việc giữ các quốc gia như Thụy Điển và Phần Lan đứng ngoài NATO. Thật vậy, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga đã đe dọa các quốc gia này hôm 25/02 để họ không gia nhập NATO.

Rõ ràng là ông Putin đang thách thức Âu Châu nhưng vượt ngoài khả năng của mình. Nga không còn là Liên Xô hùng mạnh về kinh tế. Nước này hiện có một nền kinh tế chỉ bằng một phần mười quy mô của Trung Quốc hoặc Âu Châu. Không ai tôn trọng Bờ Biển Ngà với vũ khí hạt nhân, đó là những gì Nga hiện đang được mô tả.

Sự thiển cận về ý thức hệ tương tự cũng ảnh hưởng đến ông Tập, người tin rằng hình thức cai trị độc tài của ông là ưu việt hơn so với sự hỗn loạn lộn xộn của nền dân chủ. Ông ta sử dụng chiến lược COVID của mình làm ví dụ, phong tỏa toàn bộ đất nước 1.4 tỷ dân của mình để đạt được tỷ lệ tử vong thấp. Nhưng nền kinh tế gần như theo mệnh lệnh của ông cũng kìm hãm sự đổi mới, và do đó các vaccine của Trung Quốc không hiệu quả. Đất nước này vẫn đang ở trong phong tỏa, trong khi phương Tây cuối cùng cũng đang quay trở lại với các quyền tự do bình thường của con người.

Ông Putin và ông Tập đang bảo nhau rằng các chế độ độc tài hiệu quả hơn, và vì vậy họ có thể dễ dàng chiếm lãnh thổ từ các nền dân chủ chưa thuộc liên minh nào như Ukraine hoặc Đài Loan. Hy vọng Ukraine đang trong quá trình vô hiệu hóa ảo tưởng độc tài này của họ. Thời gian sẽ cho câu trả lời.

Tuy nhiên, điều cần phải làm thật sự rõ ràng là các nền dân chủ không thể tin tưởng vào Nga và Trung Quốc, những nước tự cho mình là ưu việt.

Nhưng có một điểm tích cực. Cả ông Putin và ông Tập đều không thể tin tưởng nhau. Sớm nhất, Trung Quốc sẽ cướp chủ quyền của Nga nếu có cơ hội. Và ngược lại. Điều đó khiến họ trở thành những đồng minh yếu ớt. Thật vậy, họ thậm chí còn không thể nói được điều đó.

Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.

An Nhiên biên dịch

Related posts