Sau khi Nga nổ súng vào Ukraine vào ngày 24/2, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy chia sẻ một video hai ngày sau đó nói rằng ông cần “đạn dược, không cần đi nhờ xe”, đề cập đến đề nghị tị nạn của Hoa Kỳ đối với nguyên thủ quốc gia bị bao vây. Kể từ đó, 15 quốc gia đã gửi khí tài quân sự tới Ukraine trong bối cảnh Nga tiếp tục xâm lược.
Phần lớn vũ khí và vật tư từ các quốc gia đồng minh đang được gửi qua đường biên giới dài 310 dặm (khoảng 500 km) của Ukraine với Ba Lan, nơi đã trở thành một huyết mạch quan trọng cho cả nguồn cung cấp và thiết bị cũng như những người tị nạn đang tìm cách chạy trốn khỏi cuộc xung đột.
Một số quốc gia có biên giới đã chọn không cho phép các thiết bị quân sự của Ukraine đi qua lãnh thổ của họ vì lo sợ bị Nga trả đũa.
Vào ngày 28/2, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết, đất nước của ông sẽ không cho phép vận chuyển “vũ khí chết người” qua lãnh thổ của Hungary và nước này không muốn tham gia vào cuộc chiến Nga-Ukraine.
Ông Szijjarto cho biết, mối quan tâm về sự an toàn của người dân Hungary là một trong những yếu tố chính dẫn đến quyết định này.
Bất chấp những thách thức về chuỗi cung ứng và vận chuyển, hàng triệu USD vũ khí vẫn tiếp tục đổ vào Ukraine từ hai lục địa.
Hoa Kỳ
Vào ngày 26/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ thị Bộ Ngoại giao cung cấp khoản viện trợ trị giá 350 triệu USD, bổ sung trang thiết bị quân sự cho Ukraine. Trong số này có vũ khí chống tăng Javelin, hệ thống phòng không, đạn dược và áo giáp.
Về cuộc chiến Nga-Ukraine, Quyền đại diện thường trực của Hoa Kỳ Aud-Frances McKernan cho biết, “Hoa Kỳ tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Ông McKernan sau đó bổ sung thêm, theo ông Biden, cả Mỹ và NATO đều không có mong muốn hay ý định tham gia vào một cuộc xung đột với Nga, đồng thời làm rõ rằng không có mối đe dọa nào đối với Moscow.
Đây là lần thứ ba ông Biden sử dụng quyền hạn tổng thống của mình để gửi hỗ trợ an ninh khẩn cấp, hiện tổng trị giá lên đến 1 tỷ USD, từ nguồn dự trữ của Mỹ cho Ukraine.
Ngoại trưởng Antony Blinken nói: “Đây là một tín hiệu khẳng định Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng người dân Ukraine trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Canada
Chính phủ Canada đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 25 triệu USD cho Ukraine vào ngày 27/2.
Thủ tướng Justin Trudeau thông báo nước này sẽ gửi “thiết bị sát thương” trị giá 7,8 triệu USD cho quốc gia châu Âu trong cuộc họp báo vào ngày 14/2 để đề phòng một cuộc tấn công của Nga.
Về chuyến hàng ban đầu, ông Trudeau cho biết, “Mục đích của sự hỗ trợ này từ Canada và các đối tác khác là để ngăn chặn sự bành trướng của Nga”.
Đức
Thủ tướng Olaf Sholz ngày 26/2 thông báo Đức sẽ giao 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger cho “những người bạn của chúng tôi ở Ukraine”.
Ông Scholz cho biết, ngày 24/2 đánh dấu “một bước ngoặt trong lịch sử lục địa của chúng ta”, khẳng định rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gây nguy hiểm cho an ninh lâu dài của châu Âu, điều mà ông cho rằng không thể đạt được nếu chống lại Nga.
Thụy Điển
Để rời bỏ quan điểm trung lập kéo dài hàng thập kỷ, chính phủ Thụy Điển đã phê duyệt lô hàng 5.000 vũ khí chống tăng, 135.000 suất ăn dã chiến, 5.000 mũ sắt quân sự và 5.000 áo giáp.
“Kết luận của tôi bây giờ là an toàn được đặt lên trên hết và chúng tôi cũng hỗ trợ Ukraine trong khả năng để có thể tự vệ trước Nga”, Thủ tướng Magdalena Andersson cho biết vào ngày 28/2.
Bà cho biết thêm, đây là lần đầu tiên Thụy Điển gửi vũ khí đến một quốc gia đang có chiến tranh kể từ khi Liên Xô tấn công Phần Lan năm 1939.
Pháp
Vào ngày 26/2, một phát ngôn viên của quân đội cho biết Pháp sẽ gửi “thiết bị quân sự phòng thủ” đến Ukraine để hỗ trợ trong nỗ lực kháng chiến chống lại Nga.
Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu, “Không chỉ người dân Ukraine bị tang thương bởi chiến tranh, mà tất cả các dân tộc châu Âu cũng có chung cảnh ngộ”.
Vương quốc Anh
Ngày 17/1, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh, Ben Wallace, cho biết Vương quốc Anh sẽ cung cấp vũ khí “tự vệ” và huấn luyện cho binh sĩ Ukraine trong bối cảnh quân đội Nga đang tăng cường gần biên giới.
Thủ tướng Boris Johnson phát biểu trước Quốc hội vào ngày 23/2, “Trước hành vi ngày càng đe dọa từ Nga và phù hợp với sự ủng hộ trước đây của chúng tôi, Vương quốc Anh sẽ sớm cung cấp thêm một gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine”.
Ông nói rõ thêm rằng, gói hỗ trợ quân sự thứ hai bao gồm cả viện trợ gây chết người và không gây chết người.
Bỉ
Đáp ứng yêu cầu trực tiếp từ Kyiv, quốc gia này đã chọn gửi 2.000 khẩu súng máy và 3.800 tấn nhiên liệu cho quân đội Ukraine vào ngày 26/2.
Hà Lan
Tính đến ngày 26/2, chính phủ Hà Lan cho biết họ đang chuyển giao 50 vũ khí chống tăng Panzerfaust 3 và 400 tên lửa cho Ukraine để giúp đỡ nỗ lực kháng chiến chống lại Nga. Ngoài ra, 200 tên lửa phòng không Stinger đã được hứa hẹn cùng với mũ sắt quân sự, áo khoác và súng bắn tỉa.
Cộng hòa Séc
Trước đây từng bị quân đội Nga chiếm đóng dưới thời Liên Xô, Chính phủ Séc đã gửi 4.000 quả đạn pháo trị giá 1,7 triệu USD cho Ukraine vào tháng 1/2022. Bộ Quốc phòng Séc hôm 26/2 đưa ra thông cáo cho biết, họ cũng sẽ xuất xưởng súng máy, súng tiểu liên, súng trường tấn công và súng lục, cùng với số lượng đạn dược ước tính trị giá 8,6 triệu USD.
Ý
Tham gia vào danh sách ngày càng tăng các quốc gia cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, vào ngày 28/2, nội các Ý đã cam kết gửi tên lửa Stinger, súng cối và vũ khí chống tăng Milan hoặc Panzerfaust. Trong số các vật phẩm có trong gói phòng thủ có súng máy hạng nặng Browning, súng máy hạng nhẹ loại MG và hệ thống chống IED.
Bồ Đào Nha
Theo yêu cầu từ các quan chức Ukraine, Bộ Quốc phòng Bồ Đào Nha ngày 26/2 thông báo sẽ cung cấp các thiết bị quân sự bao gồm áo khoác, kính nhìn ban đêm, lựu đạn, đạn dược, bộ lặp analog và súng trường tự động G3.
Hy Lạp
Quốc gia Balkan đã gửi “thiết bị quốc phòng” và vật tư y tế trên hai máy bay C-130 từ Athens vào ngày 27/2 theo yêu cầu của chính quyền Ukraine.
Romania
Phát ngôn viên chính phủ Romania Dan Carbunaru cho biết, nước này sẽ xuất xưởng “đạn dược và thiết bị quân sự” vào ngày 27/2.
Tây Ban Nha
Ngày 2/3, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha, Margarita Robles, thông báo quốc gia này sẽ gửi thiết bị phòng thủ tới Ukraine.
Bà Robles cho biết: “Trong chuyến hàng đầu tiên trên hai chiếc máy bay, chúng tôi dự kiến sẽ gửi 1.370 súng phóng lựu chống tăng, 700.000 súng trường, đạn súng máy và súng máy hạng nhẹ”.
Phần Lan
Tổng thống Sauli Vainamo Niinisto đã quyết định gửi một gói hỗ trợ vũ khí cho Ukraine vào ngày 28/2. Kiện hàng bao gồm 2.500 súng trường tấn công, 150.000 hộp tiếp đạn, 1.500 vũ khí chống tăng bắn một phát và 70.000 suất ăn dã chiến.Huyền AnhTheo The Epoch Times