Quốc gia NATO đầu tiên kêu gọi thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine

Jack Phillips

Khói bốc lên ở thành phố Irpin, phía bắc Kyiv, Ukraine, hôm 12/03/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP/Getty Images)

Nghị viện Estonia đã kêu gọi thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine vì các cuộc không kích của Nga vẫn tiếp diễn, trở thành quốc gia thành viên NATO đầu tiên làm như vậy.

“Riigikogu (Nghị viện Estonia) yêu cầu các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thực hiện các bước ngay lập tức để thiết lập vùng cấm bay nhằm ngăn chặn thương vong dân sự trên quy mô lớn ở Ukraine,” Nghị viện nước này đưa ra tuyên bố hôm 14/03, đồng thời lưu ý rằng họ “bày tỏ sự ủng hộ đối với những người bảo vệ đất nước Ukraine nói riêng cũng như toàn bộ nhân dân nước Ukraine nói chung trong cuộc chiến chống lại Liên bang Nga, nước đã khởi xướng một cuộc chiến tội ác.”

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, khi được hỏi về việc có nên thực hiện một vùng cấm bay hay không, đã nói với các phóng viên rằng đó là “một vấn đề mà như quý vị biết là đã được phân tích bởi một số quốc gia coi khả năng đó là một nguy cơ leo thang có thể tạo ra một cuộc xung đột toàn cầu.”

“Chúng ta cần phải thận trọng … ngay cả khi tôi hiểu rõ về lời thỉnh cầu mạnh mẽ của chính phủ Ukraine,” ông Guterres nói.

Kể từ cuộc xung đột này nổ ra vào hôm 24/02, các quan chức Ukraine đã liên tục kêu gọi thiết lập vùng cấm bay trên cả nước. Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu của NATO và Tòa Bạch Ốc đều nói rằng chưa có cân nhắc về vùng cấm bay ở Ukraine, vì điều đó sẽ liên quan đến việc các phi cơ của Hoa Kỳ hoặc NATO bắn hạ phi cơ của Nga.

Chính phủ Tổng thống Biden tuyên bố rằng một hành động như vậy có thể kích động Điện Kremlin leo thang các cuộc tấn công hơn nữa, bao gồm cả những cuộc tấn công hạt nhân.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết hồi tuần trước, “Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh của chúng tôi ở Âu Châu và gửi đi một thông điệp rõ ràng. Chúng tôi sẽ bảo vệ từng inch lãnh thổ của NATO với toàn bộ sức mạnh của khối NATO đoàn kết và vững mạnh.”

Theo ông Biden, Hoa Kỳ và NATO “sẽ không gây chiến với Nga ở Ukraine” bởi vì một “cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga sẽ dẫn tới Đệ Tam Thế Chiến, điều mà chúng ta phải cố gắng ngăn chặn.”

Hôm 14/03, các trận chiến vẫn tiếp tục diễn ra xung quanh nhiều thành phố chính của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kyiv. Cùng ngày, Ukraine cho biết họ sẽ cố gắng di tản người dân thông qua mười hành lang nhân đạo.

Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường, đồng thời mô tả các hành động của họ là một “chiến dịch đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa Ukraine. Ukraine và các đồng minh phương Tây đã gọi đây là cái cớ vô căn cứ cho cuộc xâm lược vào đất nước dân chủ 44 triệu dân này của Nga.

Các quốc gia ở vị trí tuyến đầu, chẳng hạn như Ba Lan, đã tiếp đón hơn một nửa tổng số người di tản khỏi Ukraine; Slovakia, Romania, Hungary, và Moldova đã tiếp nhận phần lớn những người tị nạn này, một số người sau đó đã di chuyển xa hơn về phía tây.

Lực lượng biên phòng của Ba Lan tuyên bố rằng khoảng 1.76 triệu người đã nhập cảnh vào đất nước này kể từ khi cuộc giao tranh này bắt đầu, với 18,400 người di tản đến đây những giờ đầu của ngày 14/03.

Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts