Moscow: Mối quan hệ Mỹ-Nga trên ‘bờ vực tan vỡ’ sau bình luận của Tổng thống Biden

Jack Phillips

Tổng thống Joe Biden (bên trái) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Villa La Grange ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 16/06/2021. (Ảnh: Getty Images) Tây Dương

Bộ Ngoại giao Nga đã nói với Đại sứ Hoa Kỳ tại Moscow rằng những bình luận gần đây của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước đi đến ‘bờ vực tan vỡ’.

Tuần trước, ông Biden gọi vị lãnh đạo Nga này là “tội phạm chiến tranh” trong bối cảnh nước này xâm lược Ukraine, khiến Bộ Ngoại giao lên án hôm 21/03. Một số quan chức Tòa Bạch Ốc khác, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, hồi cuối tuần qua đã sử dụng những lời lẽ tương tự.

Bộ Ngoại giao Nga nói với Đại sứ John Sullivan rằng “những tuyên bố như thế của Tổng thống Mỹ, không phù hợp với một chính khách có cấp bậc cao như vậy, đã đặt quan hệ Nga-Mỹ trên bờ vực tan vỡ,” theo một tuyên bố đã được dịch ra.

Bộ này cũng nói rõ rằng “các hành động thù địch được thực hiện chống lại Nga sẽ gặp phải sự phản kháng kiên định và mạnh mẽ”, theo tuyên bố. Đồng thời, bộ này nói với ông Sullivan rằng họ yêu cầu cần phải “bảo đảm” rằng các đại sứ quán và lãnh sự quán Nga tại Hoa Kỳ sẽ “hoạt động yên ổn.”

Hôm 21/03, các nước thuộc Liên minh Âu Châu cũng cáo buộc lực lượng vũ trang Nga phạm các tội ác chiến tranh ở Ukraine. Nhưng họ có vẻ không chắc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow, bất chấp sự kêu gọi trên khắp Âu Châu yêu cầu những người thực hiện các cuộc tấn công vào dân thường phải chịu trách nhiệm.

Tòa án Hình sự Quốc tế ở Hà Lan cho biết họ đang thu thập bằng chứng về bất kỳ tội ác chiến tranh nào có thể xảy ra ở Ukraine, nhưng Nga — giống như Hoa Kỳ — không công nhận quyền tài phán của tòa án này.

Một người đàn ông đi ngang qua một tòa nhà bị hư hại do pháo kích ở Đại lộ Mira (Đại lộ Hòa bình) ở Mariupol, Ukraine (Ảnh: Evgeniy Maloletka/AP)
Nga-ukraina
Cận cảnh một tòa nhà bị phá hủy ở Mariupol, Ukraine, hôm 20/03/2022, trong một ảnh tĩnh trích từ video. (Ảnh: AP/Ảnh chụp màn hình/The Epoch Times)

Các lệnh trừng phạt quốc tế đã loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính thế giới. Tuy nhiên, Âu Châu, vốn là nơi mua năng lượng chính của nước này, đã đưa ra một ngoại lệ đối với khí đốt và dầu của Nga.

Các tập đoàn quốc tế lớn cho biết họ sẽ không kinh doanh bên trong nước Nga và họ sẽ không thực hiện bất kỳ khoản đầu tư mới nào vào nước này, viện lý do cuộc xung đột.

Trước đó trong ngày, các quan chức Ukraine đã bác bỏ lời kêu gọi của Nga yêu cầu quân đội bị bao vây bên trong thành phố Mariupol hạ vũ khí và đầu hàng. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các nhà chức trách ở Mariupol có thể phải đối mặt với tòa án quân sự nếu họ đứng về phía các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Ukraine, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk nói với hãng truyền thông Ukrayinska Pravda rằng: “Không thể có chuyện đầu hàng, hạ vũ khí”.

Gần 3.4 triệu người đã buộc phải rời khỏi Ukraine kể từ hôm 24/02, theo Liên Hiệp Quốc. Liên Hiệp Quốc đã xác nhận hơn 900 dân thường thiệt mạng, nhưng cho biết con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Các ước tính về số người thiệt mạng của Nga không giống nhau.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không phúc đáp yêu cầu bình luận vào thời điểm xuất bản bài viết này.

Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.

Cẩm An biên dịch

Related posts