Trung Quốc xây xa lộ chiến lược mới nối Tây Tạng với Tân Cương khiến Ấn Độ lo lắng

Venus Upadhayaya

Khung cảnh ở Địa khu A Lặc Thái, khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương, Trung Quốc, vào ngày 18/09/2007. Quốc lộ G216 mới của Trung Quốc bắt đầu từ cảng Hồng Sơn Chủy ở địa khu A Lặc Thái biên giới Trung Quốc-Mông Cổ và đi xuyên qua sa mạc Tân Cương về phía nam đến Tây Tạng. (Ảnh: Trung Quốc/Getty Images)

NEW DELHI – Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang nỗ lực liên kết khu tự trị Tây Tạng và khu tự trị Tân Cương lại với nhau bằng một xa lộ mới mang tên “G216”, rất có khả năng sẽ mang đến thách thức chiến lược lớn nhất cho Ấn Độ kể từ khi con đường cũ được xây dựng từ những năm 1950.

“Xa lộ G216 hiếm khi được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc; đó là một trong những dự án tối mật của Trung Quốc,” ông Claude Arpi, một tác giả kiêm chuyên gia về Tây Tạng, đã viết trong một bài xã luận đăng hôm 15/03 trên First Post.

“Xa lộ mới [này] một ngày nào đó sẽ nối hai khu tự trị bất kham là Tân Cương và Tây Tạng và trở thành một con đường thay thế cho Xa lộ G219 (hay còn gọi là Aksai Chin), vốn được xây dựng trên lãnh thổ Ấn Độ vào đầu những năm 1950.”

G216 dự kiến sẽ cắt qua vùng lãnh thổ tranh chấp Aksai Chin, một khu vực do Trung Quốc quản lý như một phần của địa khu Hòa Điền (Hotan) ở Tân Cương. Trong đó, địa khu này được Ấn Độ tuyên bố là một phần của vùng Ladakh.

Theo ông Frank Lehberger, một nhà Hán học sống tại Đức, việc xây dựng xa lộ mới, thay thế cho xa lộ G219 hiện tại nối Tây Tạng và Tân Cương, sẽ là một mối quan tâm của Ấn Độ xét đến những lợi thế mà con đường này sẽ cung cấp cho quân đội Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).

Ông Lehberger nói với The Epoch Times: “Khi đi vào hoạt động hoàn toàn, G216 sẽ cung cấp khả năng tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng từ khu vực phía đông này tới PLA, trong trường hợp G219 (chạy sát biên giới Ấn Độ hơn, tức là Aksai Chin) bị gián đoạn hoặc bị chiếm đóng.”

“PLA có thể nhanh chóng tiếp tế các đơn vị từ các đơn vị đồn trú ở Tân Cương về phía bắc, điều mà trước đây chỉ có thể thực hiện được thông qua G219, vốn là một đường vòng dài về phía tây,” ông nói thêm.

Lợi thế này đặt ra một thách thức đặc biệt đối với Ấn Độ do những căng thẳng biên giới giữa hai nước gia tăng trong những năm gần đây. Vào năm 2020, các binh sĩ Ấn Độ đã tham gia vào một cuộc đụng độ đẫm máu với PLA ở khu vực Thung lũng Galwan đang tranh chấp về việc Bắc Kinh xây dựng cơ sở hạ tầng ở biên giới. Ấn Độ đã mất 20 binh sĩ trong cuộc xung đột này.

Một địa điểm có tên là Hồng Liễu Than, phía bắc Aksai Chin trên đường G219 ở Tân Cương ngay trước khi xảy ra cuộc đụng độ tại Galwan giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 15/06/2020. Các xe tải Trung Quốc đều đang đi theo hướng Tây Tạng. Bức ảnh chụp màn hình từ một đoạn video do một cư dân mạng Trung Quốc đăng tải này sau đó đã được ông Frank Lehberger chụp lại. Đoạn video này sau đó đã bị xóa. (Ảnh: Được sự cho phép của ông Frank Lehberger)

Theo ông Lehberger, vào đầu mùa hè năm 2020, chỉ vài ngày trước khi xảy ra cuộc đụng độ ở Galwan, các đoàn xe quân sự khổng lồ của PLA đã làm tắc nghẽn khu vực G219 gần Aksai Chin trong nhiều ngày khiến nhiều người lái xe dân sự Trung Quốc giận dữ xuống đường nhằm đăng tải những hình ảnh và video về đoàn xe này lên mạng xã hội Trung Quốc.

“Đây là một dấu hiệu chắc chắn rằng PLA đang lên kế hoạch cho một chiến dịch quân sự lớn ở đâu đó trong vùng [biên giới tranh chấp] này ở Ladakh,” ông Lehberger cho hay.

“Dựa trên tài liệu có sẵn công khai này, tôi đã có thể cảnh báo người dân ở Ấn Độ qua trang mạng xã hội của mình rằng một điều gì đó trọng đại sắp diễn ra ở khu vực [biên giới tranh chấp] này,” ông nói thêm.

“Nếu G216 vận hành hết công suất, mọi người sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để phát hiện ra các hoạt động chuẩn bị chiến tranh trong tương lai của Trung Quốc.”

Xa lộ G216 mới

Ông Arpi cho biết trong bài báo của mình rằng ông có thể xác nhận sự hiện hữu của Bắc Kinh trong việc xây dựng G216 từ những manh mối trong các chú thích ảnh được sử dụng trong một bài báo ảnh giới thiệu cảnh quan thiên nhiên của Tây Tạng được tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đăng tải.

Bài báo ảnh này mô tả vẻ đẹp của địa khu Ngari, vùng cực tây của Tây Tạng tiếp giáp với Ấn Độ.

“Bài báo này khắc họa những phong cảnh tuyệt sắc, những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng, những thảo nguyên mênh mông, những hồ nước trong vắt một màu, các loài động vật hoang dã càng làm tôn thêm vẻ đẹp của khu vực này trong tiết trời đông lạnh giá,” ông Arpi viết.

“Hai chú thích nhỏ đã thu hút sự chú ý của tôi: ‘Linh dương Tây Tạng bên Quốc lộ 216 ở Quận Rutok (hoặc tiếng Trung gọi là Nhật Thổ) của Ngari’ ‘Những con bò rừng bên cạnh Quốc lộ 216 ở Quận Rutok.’”

Việc xây dựng G216 là giấc mơ từ lâu của lãnh tụ đầu tiên của ĐCSTQ Mao Trạch Đông, người coi đây là một vấn đề ưu tiên của quốc gia nhằm khai phá một tuyến đường giữa Tây Tạng và Tân Cương. Tuy nhiên, vào tháng 05/1951, sự cố phun trào núi lửa trong khu vực này đã khiến nhiều công nhân thi công xa lộ này thiệt mạng, và sau đó kế hoạch này đã bị hủy bỏ.

“Nhưng các nhà lãnh đạo [sau này] của Trung Quốc không bao giờ quên ước mơ của những người tiền nhiệm. Ngày nay, một trong những dự án tối mật của Chủ tịch Tập Cận Bình là mở ra một con đường mới kết nối Tân Cương và Tây Tạng,” ông Arpi viết.

Xa lộ G216 của Trung Quốc ở Aksai Chin thuộc khu tự trị Tân Cương (Ảnh: Wikimedia Commons)

Xa lộ mới G216 này sẽ chạy về phía nam từ biên giới quốc tế với Mông Cổ tại cảng Hồng Sơn Chủy ở địa khu A Lặc Thái, nằm ở cực bắc của vùng Tân Cương. Con đường này sẽ băng qua sa mạc Tân Cương về phía nam tại khu vực biên giới với Tây Tạng.

Sau đó, ở Tây Tạng, nó sẽ chạy về phía nam qua một số quốc gia và kết thúc ở biên giới Nepal, theo tài liệu “Quy hoạch mạng lưới Quốc Lộ (2013-2030)” của Trung Quốc.

Ông Lehberger cho biết G216 đã đi vào hoạt động ở một số nơi và cắt ngang qua lòng chảo Tarim, một vùng sa mạc ở Tân Cương, cũng như khu vực phía bắc Tây Tạng được gọi là Khương Đường (Chang Tang), một cao nguyên nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt tương tự như Bắc Cực.

Về căn bản, Khương Đường chiếm toàn bộ phía bắc của khu vực Tây Tạng, khoảng 900 dặm từ đông sang tây, kéo dài đến biên giới với Tân Cương. Mũi phía tây của Khương Đường kéo dài đến Ladakh ở Ấn Độ.

Ông Lehberger cho biết: “Xa lộ này giúp giảm thời gian di chuyển từ Ô Lỗ Mộc Tề của Tân Cương đến phía Tây Tây Tạng … cũng như đến biên giới Nepal, nhưng không phải là đến biên giới với Ấn Độ,” ông Lehberger nói, đồng thời cho biết thêm rằng G216 có thể giúp người Nepal tiếp cận trực tiếp với Trung Á và Nga.

Trước đó, ông Arpi đã nói trong một bài bình luận hồi năm 2018 rằng G216 có thể mang lại những hậu quả kinh tế to lớn cho Ấn Độ vì con đường này có thể trở thành đầu mối của một tuyến đường thương mại mới nối liền Trung Á với Nepal và khu vực Nam Á.

Ông nói thêm rằng chính quyền Trung Quốc đang đẩy mạnh hơn nữa các kế hoạch phát triển kinh tế cho Tây Tạng, trong đó bao gồm việc tăng cường lưu lượng du lịch đến địa khu Ngari của nước này và xây dựng một phi trường mới ở phía tây Tây Tạng.

Ông Apri cho hay điều này ngụ ý rằng khu vực Tây Tạng có thể trở thành một trung tâm kinh tế và du lịch lớn, đồng thời cũng là một trung tâm chiến lược để Trung Quốc bảo vệ biên giới của mình.

Ông Lehberger nói rằng lãnh thổ Ladakh và Galwan của Ấn Độ, nơi binh lính của Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ vào năm 2020, nằm xa hơn về phía tây và không nằm trong phạm vi xung quanh xa lộ G216. Tuy nhiên, một xa lộ đông tây trong tương lai, mặc dù chưa được xây dựng, sẽ nối trực tiếp đường G216 từ huyện Cải Tắc (Gêrzê) của Tây Tạng về phía tây với đường G219 ở Rutok của Tây Tạng, có thể thay đổi tình hình đó.

“Giữa huyện Dân Phong ở phía nam Tân Cương và huyện Cải Tắc ở phía tây Tây Tạng là khu bảo tồn thiên nhiên Khương Đường hoang vắng, có vẻ như xa lộ G216 vẫn chưa hoàn thành. Điều này là do địa hình cao nguyên hiểm trở, bao gồm những vùng đất với đầm lầy rộng lớn hoặc lớp băng vĩnh cửu tan chảy,” ông nói và cho biết thêm là ông không rõ về tiến độ cụ thể của dự án này.

Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã viết bài đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.

Hồng Ân biên dịch

Related posts