Điện Kremlin tuyên bố Anh sẽ không thể mua được khí đốt của Nga do các lệnh trừng phạt

Tom Ozimek

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu trong cuộc họp báo ở Moscow, Nga, hôm 18/02/2022. (Ảnh: Sputnik/Sergey Guneev/Kremlin/Reuters)

Điện Kremlin cho biết, các lệnh trừng phạt của London đối với ngân hàng Gazprombank của Moscow, nơi các khoản thanh toán sẽ được thực hiện theo kế hoạch mua khí đốt bằng đồng Ruble của Tổng thống Nga Vladimir Putin, sẽ có nghĩa là Anh sẽ không thể mua được khí đốt của Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng thông tấn nhà nước Nga Tass hôm 01/04 rằng các lệnh trừng phạt của Anh đối với ngân hàng Gazprombank đồng nghĩa với việc Anh phải đối mặt với viễn cảnh bị cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Ông Peskov cho biết, theo một bản dịch RT về những nhận xét của ông, “London muốn trở thành người lãnh đạo mọi thứ chống Nga. Họ thậm chí còn muốn đi trước Hoa Thịnh Đốn! Đó là cái giá phải trả!” 

Thời báo The Epoch Times đã liên hệ với Văn phòng Đối ngoại và Khối thịnh vượng chung Anh để yêu cầu bình luận.

Là một phần của làn sóng trừng phạt gần đây chống lại Nga, Vương quốc Anh đã bổ sung Gazprombank vào danh sách trừng phạt của mình (pdf) vào cuối tháng Ba, với Ngoại trưởng Anh Liz Truss vào thời điểm đó nói rằng sẽ “không từ bỏ” các biện pháp trừng phạt Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine.

Bà Truss nói hôm 24/03, “Ông Putin không nên ảo tưởng – chúng tôi đoàn kết với các đồng minh của mình và sẽ tiếp tục thắt chặt các hạn chế với nền kinh tế Nga để giúp bảo đảm ông ấy thất bại ở Ukraine.” 

Ngoại trưởng Anh Liz Truss tại Tòa nhà Admiralty, ở Sydney, Australia, hôm 21/01/2022. (Ảnh: Bianca De Marchi/Pool/Getty Images)

Ngân hàng Gazprombank là một kênh quan trọng để thanh toán cho năng lượng của Nga, càng trở nên quan trọng hơn bởi kế hoạch mua khí đốt bằng đồng Ruble của ông Putin.

Theo một sắc lệnh do ông Putin ký hôm 30/03, người mua khí đốt của Nga ở Âu Châu phải mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và thanh toán bằng đồng euro hoặc USD, sau đó ngân hàng này sẽ chuyển đổi thành đồng Ruble và thực hiện thanh toán các giao dịch này theo lệnh của ông Putin.

Ông Putin đã quy định thời hạn hôm 01/04 để bắt đầu thỏa thuận mua khí đốt bằng đồng Ruble, mặc dù ông Peskov cho biết hôm 31/03 rằng thời hạn thực hiện việc thanh toán cho việc giao khí đốt theo thỏa thuận này là giữa tháng Tư hoặc đầu tháng Năm.

Phát biểu của ông Peskov làm giảm bớt lo ngại rằng Nga có thể ngay lập tức cắt nguồn cung cấp năng lượng cho bất kỳ bên mua nào không trả bằng đồng Ruble.

Nhiều người mua năng lượng của Nga ở Âu Châu cho đến nay vẫn từ chối thanh toán bằng đồng tiền của Nga, nói rằng yêu cầu về mua khí đốt bằng đồng Ruble của ông Putin vi phạm các hợp đồng hiện có.

Các chính phủ ở Âu Châu, nơi phụ thuộc vào Nga đối với hơn 1/3 vào lượng khí đốt của họ, đang thảo luận với các công ty năng lượng của họ về cách giải quyết các giao dịch và đang tìm cách đưa ra một cách tiếp cận chung.

Theo số liệu của chính phủ Anh, nhập cảng khí đốt từ Nga của Anh chỉ chiếm chưa đến 4% và dầu của Nga chiếm 8% trong tổng nguồn cung của Anh.

Các nhà chức trách Vương quốc Anh cho biết họ có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn việc nhập cảng dầu của Nga vào cuối năm nay và đang nỗ lực để chấm dứt sự phụ thuộc hoàn toàn của Vương quốc Anh vào năng lượng của Nga “để đáp trả sự xâm lược của Nga ở Ukraine.”

Nga cho biết đã tham gia vào một “hoạt động quân sự đặc biệt” để giải giáp quốc gia láng giềng và lật đổ chính phủ của họ, mà nước này mô tả là “Đức quốc xã mới.”

Ông Putin nói rằng các hành động quân sự của Nga ở Ukraine cũng được thúc đẩy bởi những gì ông mô tả là “tội ác diệt chủng” chống lại người dân tộc Nga sống ở Donbass, địa điểm của cái gọi là “các nước cộng hòa nhân dân” Donetsk và Luhansk do phe ly khai kiểm soát. 

Một danh sách dài các nhà sử học và học giả cho biết trong một bức thư ngỏ đăng trên Tạp chí Do Thái rằng việc ông Putin mô tả Kyiv là một chế độ “ủng hộ Phát xít” và những tuyên bố của ông về “tội ác diệt chủng” ở Donbass là sai sự thật và là một sự “lạm dụng hoài nghi” về các thuật ngữ để biện minh cho “hành động gây hấn vô cớ” chống lại Ukraine.

Các học giả viết: “Lời hùng biện này trên thực tế là sai lầm, đáng ghê tởm về mặt đạo đức, và xúc phạm sâu sắc đến ký ức của hàng triệu nạn nhân của chủ nghĩa Phát xít và những người đã can đảm chiến đấu chống lại nó, bao gồm cả những người lính Hồng quân Nga và Ukraine.”

Ukraine và các đồng minh phương Tây mô tả hành động của Điện Kremlin là một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ, phi lý và bất hợp pháp.

Theo Liên hợp Quốc, xung đột này đã khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và hàng nghìn người thiệt mạng.

Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’

Vân Du biên dịch

Related posts