Liệu Trung Quốc có lập một căn cứ hải quân Đại Tây Dương ở Tây Phi?

Khu trục hạm mang hỏa tiễn dẫn đường Tây An lớp Luyang II (số hiệu 153) của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hồi năm 2016. (Ảnh: Somers Steelman/Hải quân Hoa Kỳ)

Một cảng thương mại ở Equatorial Guinea thu hút sự suy đoán

Trong nhiều tháng qua, những người ủng hộ an ninh hiếu chiến của Hoa Thịnh Đốn đã bồn chồn không yên trước những tuyên bố cho rằng Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân tại Equatorial Guinea, một quốc gia nhiệt đới trù phú dầu mỏ ở Tây Phi.

Hôm 05/12/2021, tờ Wall Street Journal đã làm dư luận dậy sóng bằng một tình tiết gây xôn xao, khi trích dẫn là “thông tin tình báo tối mật của Hoa Kỳ.”

“Các quan chức từ chối trình bày chi tiết những phát hiện tình báo cơ mật này. Nhưng họ cho biết những tin tức này đưa ra một viễn cảnh là Trung Quốc có thể sẽ tân trang và hiện đại hóa vũ khí cho các chiến hạm đối diện Bờ Đông của Hoa Kỳ —  một mối đe dọa đang kích hoạt hồi chuông cảnh báo tại Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài.”

Các sĩ quan quân đội hàng đầu đã tỏ ra bất an trước viễn cảnh này kể từ tháng Năm năm ngoái (2021).

Tướng Stephen Townsend, chỉ huy Bộ Tư lệnh Phi Châu của Hoa Kỳ cho biết, “Họ đang tìm kiếm một nơi có thể hiện đại hóa vũ khí và tân trang tàu chiến. Điều này sẽ rất hữu ích về mặt quân sự trong xung đột.”

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 05/2021, khi dẫn chứng về khoảng cách tương đối ngắn từ bờ tây Phi Châu đến Hoa Kỳ, ông nói: “Bờ biển Đại Tây Dương khiến tôi lo lắng rất nhiều.”

Những nhận định trên nhận được các phản hồi đa dạng. Theo Foreign Policy, những nhận định này là “gieo rắc hoang mang và mơ hồ.”

Khi được The Epoch Times phỏng vấn, các chuyên gia chính sách cũng có cùng suy nghĩ cho rằng thành phố cảng Bata của nước Cộng hòa Guinea Xích Đạo bên bờ Đại Tây Dương sẽ là nơi Trung Quốc đặt căn cứ hải quân. Trung Quốc đã xây dựng cảng thương mại nước sâu cũng chính tại Bata, thành phố lớn nhất của Cộng hòa Guinea Xích Đạo.

Ông Thomas Cromwell cảnh báo rằng một căn cứ của Trung Quốc ở Tây Phi sẽ đem mối đe dọa Trung Quốc gần sát các bờ biển của Hoa Kỳ hơn. (Ảnh: Được sự cho phép của ông Thomas Cromwell)

Trong một bức thư điện tử gửi đến The Epoch Times, ông Thomas Cromwell, chủ tịch của công ty Viễn thông Đông Tây (East West Communications), đã ghi “Cảng Bata hiện chưa được sử dụng hết công suất, trong đó gỗ là mặt hàng xuất cảng chủ đạo.”

Ông Cromwell, người viết báo thương mại cho Cộng hòa Guinea Xích Đạo và đã có thời gian làm việc với các quan chức chính phủ ở đó, cho biết mặc dù quy mô tương đối nhỏ nhưng cảng Bata có thể tiếp nhận các tàu hải quân cỡ vừa, và “điều đó có thể sẽ gây trở ngại cho các hoạt động thương mại của cảng này.”

Ông viết: “Trong các quốc gia cận Sahara, Guinea Xích Đạo có cơ sở hạ tầng rất tốt [cầu cảng, phi trường, đường xá] và nước này có tham vọng trở thành một trung tâm kinh tế trong khu vực Vịnh Guinea.”

“Trung Quốc sẽ rất vui mừng khi sở hữu một căn cứ hải quân tại Bata vì điều này ăn khớp mỹ mãn với quỹ đạo chiến thuật bủa vây Hoa Kỳ của họ. Một căn cứ ở Tây Phi sẽ thu xiết hơn mối đe dọa đối với các bờ biển Hoa Kỳ.”

Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự ngoại quốc đầu tiên tại Djibouti thuộc vùng Sừng Phi Châu hồi năm 2017 với tổng trị giá 590 triệu USD.

Nằm ở lối vào chiến lược dẫn đến hành lang Biển Đỏ đối diện với Yemen, ngày nay Djibouti là nơi đồn trú các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Anh, Nhật Bản và Saudi Arabia.

Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn đặc biệt lo ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên bờ biển Đại Tây Dương.

Tiến sĩ Freedom Onuoha nói rằng vị trí đắc địa của Guinea Xích Đạo — gần như ở chính giữa Vịnh Guinea của Phi Châu — gợi ra một vị trí hoàn hảo cho căn cứ hải quân của Trung Quốc. (Ảnh: Được sự cho phép của ông Freedom Onuoha)

Tiến sĩ Freedom Onuoha, giảng viên cao cấp của Khoa Khoa học Chính trị thuộc Đại học Nigeria–Nsukka nói: “Căn cứ của Trung Quốc ở Đại Tây Dương có thể đóng một vai trò quyết định trong việc cắt đứt khả năng tiếp cận của Hoa Kỳ với các nguồn tài nguyên chiến lược từ nhiều quốc gia Phi Châu nếu xung đột nổ ra trong tương lai.” 

Ông Onuoha nói với The Epoch Times: “Trong tình huống thù địch căng thẳng hoặc đối đầu giữa các cường quốc trong tương lai, việc thăm dò dòm ngó của lực lượng hải quân của Trung Quốc dọc bờ biển Đại Tây Dương của Phi Châu có thể dễ dàng hơn rất nhiều.”

Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực dầu mỏ ở Guinea Xích Đạo. Điều đó đã mang lại cho nhà cầm quyền nước này tiền đồ rộng mở và đưa quốc gia này trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình.

Nhưng gần đây Hoa Thịnh Đốn đã không hài lòng trước hồ sơ nhân quyền tồi tệ cũng như sự cai trị hủ hóa của quốc gia này.

Các chuyên gia suy đoán rằng áp lực từ phía Hoa Kỳ có thể đang khiến quốc gia Tây Phi này chuyển hướng sang Trung Quốc, quốc gia cũng đầu tư không kém cạnh vào nước này trong những năm gần đây.

Ông Onuoha cho biết: “Những diễn biến mới nổi ở một quốc gia nhỏ bé, mỏng manh yếu đuối như Guinea Xích Đạo liên quan đến cuộc đua tranh về tài nguyên và mối bang giao nồng hậu giữa hai đại cường quốc này là một xu hướng đầy hứa hẹn mà cũng đầy rẫy hiểm nguy.”

“Hứa hẹn ở đây là với sự lãnh đạo đúng đắn, Guinea Xích Đạo có thể nhận được lợi ích tốt nhất cho tài nguyên của mình, vốn là thứ mà hai cường quốc này săn đón. Nguy hiểm bởi vì hoặc là một trong hai cường quốc này có thể đầu tư vào, hoặc là lực lượng công binh gây mất ổn định, thì quốc gia Phi Châu nhỏ bé này sẽ đánh mất cơ hội trong môi trường kinh doanh và ngoại giao đang tiến triển này.”

“Điều này cũng có hàm ý rộng hơn về sự cai trị tử tế, vì chính phủ cầm quyền có thể dựa vào Trung Quốc để tồn tại trong khi xem nhẹ vấn đề nhân quyền của người dân. Đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực dầu khí và hàng hải của Guinea Xích Đạo khiến tình hình này càng trở nên nguy hiểm hơn,” ông nói.

Hiện tại, ý đồ thực sự của Trung Quốc về việc xây dựng một căn cứ hải quân ở Guinea Xích Đạo vẫn còn chưa sáng tỏ. Trong khi một số nhà quan sát cho rằng mong muốn tiếp cận đại dương của Trung Quốc có thể chủ yếu là vì lợi ích kinh tế, thì những người khác lại cho là Trung Quốc chỉ cần mở một căn cứ trong nhiều căn cứ trên bờ biển Đại Tây Dương của Phi Châu sẽ làm thay đổi động lực quyền lực toàn cầu.

Ông Cromwell giữ quan điểm thứ hai.

Ông nói với The Epoch Times: “Âu Châu có mối bang giao lịch sử mạnh mẽ với Phi Châu nhưng lại không tích cực thúc đẩy Phi Châu phát triển cho đến khi có quyết định gần đây của Liên minh Âu Châu về việc cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Phi Châu.”

“Âu Châu và Hoa Kỳ nên tập trung vào một số lĩnh vực trọng yếu, bao gồm năng lượng, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, và thương mại.”

“Thay vì né tránh kết giao vì lo ngại về sự cai quản yếu kém và vấn đề nhân quyền, họ nên thực hiện một chương trình đầu tư và thương mại tích cực để giúp Phi Châu hiện đại hóa, cả về quản trị lẫn cơ sở hạ tầng.”

Người Trung Quốc không quan tâm đến vấn đề quản trị hoặc nhân quyền ở Phi Châu.

Ông Cromwell phân tích: “Thái độ này khiến họ dễ dàng làm ăn với các chính quyền hơi-thiếu-đạo-đức ở Phi Châu, nhưng điều này cũng dẫn đến hành vi rất tiêu cực đối với người dân Phi Châu, bao gồm những bẫy nợ kinh tế tai hại đối với các chính phủ Phi Châu và việc thay thế người dân Phi Châu bằng người Trung Quốc trong lực lượng lao động, đang kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế bản địa.”

Nhưng ông Onuoha lại quan tâm nhiều hơn đến các tác động kinh tế thứ cấp, vốn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc tiếp cận theo đường biển.

Ông nói: “Lối tiếp cận hay vị trí đắc địa ở Guinea Xích Đạo, cũng như nơi nào đó khác ở bất kỳ quốc gia Phi Châu nào, đều là một sản phẩm trong hoạt động bành trướng của Trung Quốc.”

“Khi nước này giành được các dự án thương mại và tài trợ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, Trung Quốc dường như sẽ thay thế cả Hoa Kỳ và Âu Châu tại Phi châu.”

“Nếu kháng cự không thành công, cái giá phải trả sẽ có các sắc thái khác nhau: sụt giảm tỷ trọng thương mại của họ với các nước Phi Châu, hạn chế đòn bẩy ảnh hưởng đến chính trị nội bộ của các quốc gia Phi Châu, và mất phiếu bầu của người Phi Châu về các vấn đề trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.”

Anh Nalova Akua là một ký giả tự do đa phương tiện người Cameroon.

Khánh Ngọc biên dịch

Related posts