Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Phần Lan bị tấn công mạng khi cân nhắc gia nhập NATO

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto trình bày trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp tại Hạ viện ở Helsinki, Phần Lan, hôm 31/03/2022. (Ảnh: Emmi Korhonen/Lehtikuva/AFP qua Getty Images) Tây Dương

Các trang web của chính phủ Phần Lan đã phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng trong bối cảnh có các tin tức cho rằng quốc gia Bắc Âu này đang có kế hoạch gia nhập liên minh NATO, điều mà Nga đã kịch liệt phản đối.

“Một cuộc tấn công từ chối dịch vụ đã được thực hiện nhằm vào trang web ngoài của Bộ Ngoại giao vào thứ Sáu, ngày 08/04/2022, bắt đầu vào khoảng giữa trưa. Tình hình đã trở lại bình thường vào khoảng 1 giờ chiều. Bộ Ngoại giao đã thực hiện các bước để hạn chế cuộc tấn công, cùng với các nhà cung cấp dịch vụ và Trung tâm An ninh Mạng,” Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết trong một tuyên bố hôm 08/04. Các trang web của Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác của chính phủ cũng bị ảnh hưởng trong vụ tấn công này.

Ngay trước vụ tấn công, Phần Lan đã thông báo rằng một phi cơ Nga bị “nghi ngờ đã xâm phạm” không phận của nước này ngoài khơi Vịnh Phần Lan gần thành phố Porvoo vào buổi sáng cùng ngày. Cuộc xâm phạm bị cáo buộc này đã kéo dài khoảng ba phút và Lực lượng Biên phòng cuối cùng đã bắt đầu một cuộc điều tra sơ bộ về vụ việc.

Cả hai vụ việc đều diễn ra khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang trình bày bài diễn văn trực tuyến trước các thành viên Nghị viện Phần Lan. Phần Lan đã không chính thức đổ lỗi cho chính phủ Nga về các cuộc tấn công mạng.

Sự việc xảy ra khi Phần Lan được cho là đang cân nhắc gia nhập NATO. Phần Lan thường giữ thái độ trung lập về vấn đề này. Tuy nhiên, việc Nga tấn công Ukraine đã buộc nước này phải xem xét lại lập trường của mình. Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu hôm 24/02, các cuộc thăm dò dư luận do các hãng thông tấn Phần Lan thực hiện đã cho thấy phần lớn công dân muốn gia nhập liên minh này.

Nghị viện sẽ thảo luận về việc gia nhập NATO “trong những tuần tới”, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết hôm thứ Sáu (08/06). Bà hy vọng những cuộc thảo luận này sẽ được kết thúc trước giữa mùa hè.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có những cuộc thảo luận rất kỹ lưỡng, nhưng chúng tôi cũng sẽ không mất nhiều thời gian hơn những gì mình cần trong quá trình này, bởi vì tất nhiên là tình hình rất nghiêm trọng,” bà cho biết.

Khả năng Phần Lan trở thành thành viên NATO đã bị Moscow phản đối. Sau cuộc xâm lược Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cảnh báo trong một cuộc họp báo rằng cả Phần Lan và Thụy Điển không được gia nhập NATO vì điều này có thể gây ra “những hậu quả bất lợi” và họ có thể phải đối mặt với “những hậu quả về mặt quân sự và chính trị.”

Phần Lan có biên giới dài nhất với Nga trong số các quốc gia trong Liên minh Âu Châu. Trước đây nước này đã từng tham gia hai cuộc chiến tranh chống lại Liên Xô. Hồi tháng Ba, cơ quan an ninh của Phần Lan cảnh báo rằng Nga sẽ gia tăng ảnh hưởng và các hoạt động gián điệp chống lại nước này. Helsinki cũng đang điều tra nhiều vụ xâm phạm không phận của phi cơ dân dụng Nga vào tháng trước.

Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với SVT vào cuối tháng Ba rằng bà cởi mở với ý tưởng đất nước của mình trở thành thành viên NATO, vì cuộc tấn công vào Ukraine đã thay đổi tình hình an ninh.


Tổng thống Zelensky: Lãnh đạo một quốc gia EU yêu cầu Ukraine đưa ra bằng chứng chứng minh vụ thảm sát ở Bucha không phải là dàn dựng 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (ở giữa) nói chuyện với giới báo chí tại thị trấn Bucha, phía tây bắc thủ đô Kyiv, Ukraine, hôm 04/04/2022. Ông Zelensky cho biết lãnh đạo Nga phải chịu trách nhiệm về các vụ sát hại dân thường ở Bucha. (Ảnh: Ronaldo Schemidt/AFP qua Getty Images)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tiết lộ rằng một nhà lãnh đạo của một quốc gia thành viên EU đã gọi điện đặt câu hỏi về phiên bản câu chuyện của Kyiv về các sự kiện xung quanh vụ sát hại dân thường ở Bucha, yêu cầu bằng chứng rằng hành động tàn bạo này không phải là dàn dựng.

Nói với tờ Bild của Đức hôm thứ Sáu (08/04), ông Zelensky mô tả cách một chính trị gia hàng đầu của EU yêu cầu ông cung cấp bằng chứng chứng minh rằng vụ thảm sát ở Bucha không phải là dàn dựng. Nhận xét này được đưa ra sau khi ký giả của Bild hỏi điều tồi tệ nhất mà ông nghe thấy trong những ngày gần đây là gì. Khi người phỏng vấn gặng hỏi thêm rằng liệu đó có phải là nguyên thủ quốc gia của một quốc gia EU hay không, ông Zelensky đã trả lời khẳng định, mặc dù ông từ chối nêu tên quan chức này.

Ukraine tuyên bố quân đội Nga đã thực hiện các hành vi tàn bạo đối với dân thường ở thị trấn Bucha, phía tây bắc Kyiv, trước khi rút lui vào tuần trước (28/03-03/04). Nga đã bác bỏ các cáo buộc và tuyên bố Kyiv thao túng bằng chứng trong một bước đi họ gọi là một “hành động khiêu khích”.

Bình luận về sự ủng hộ của Berlin đối với Kyiv, tổng thống Ukraine than thở rằng Đức dường như thiếu nhiệt tình đối với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn chống lại Nga.

Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng ngồi lại với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nói chuyện hay không, ông Zelensky nói, “hôm nay Ukraine không còn cách nào khác ngoài việc ngồi xuống bàn đàm phán.” Ông nói thêm rằng “không ai khác ở Nga có quyền ngăn chặn cuộc chiến này” vì ông Putin là người duy nhất “quyết định khi nào cuộc chiến này kết thúc.”


Thủ tướng Anh gặp Tổng thống Ukraine tại Kyiv

Trong một bức ảnh do Văn phòng Báo chí Tổng thống Ukraine phát hành này, Thủ tướng Boris Johnson (bên trái) gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv, Ukraine, hôm 09/04/2022. (Ảnh: Văn phòng Báo chí Tổng thống Ukraine qua PA Media)

Thủ tướng Boris Johnson của Anh, một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất của Ukraine, đã bay đến Kyiv vào thứ Bảy (09/04) để cam kết các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga và cung cấp cho Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều vũ khí phòng thủ hơn, một hành động mà nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng những người khác nên làm theo.

Tại cuộc gặp được giữ bí mật cho đến khi ông Johnson xuất hiện ở thủ đô Ukraine, hai nhà lãnh đạo đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ mà họ đã xây dựng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02. Hành động này khép lại nhiều tuần vận động hành lang của ông Johnson để gặp ông Zelensky.

Với cả hai người đàn ông đứng trên bục trước ống kính, họ ca ngợi nhau vì sự hợp tác của họ kể từ cuộc xâm lược của Nga, mà Moscow gọi là một “chiến dịch đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa và “phi phát xít hóa” nước láng giềng. Ông Zelensky bác bỏ mô tả này, nói rằng Nga đang muốn phá hủy đất nước của ông.

Ông Zelensky nói: “Chúng ta phải gây áp lực nhiều hơn và nhiều hơn nữa lên Liên bang Nga, làm việc cật lực hơn nữa để giúp người dân Ukraine bảo vệ đất nước họ chống lại Liên bang Nga, và đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt.”

“Các quốc gia phương Tây dân chủ khác nên noi gương Anh Quốc. Đã đến lúc áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với các nguồn cung cấp năng lượng của Nga và tăng cường giao vũ khí cho chúng tôi.”

Ông Johnson trả lời: “Cùng với các đối tác của mình, chúng tôi sẽ tăng cường áp lực kinh tế và mỗi tuần chúng tôi đều sẽ tiếp tục tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Nga.”

Ông nói thêm rằng các biện pháp sẽ bao gồm dần loại bỏ việc sử dụng hydrocarbon của Nga.


Ba Lan và Hungary có thể chấm dứt hợp tác vì vấn đề Ukraine

Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski, một trong những chính trị gia hàng đầu của quốc gia Đông Âu này, cho biết hôm thứ Sáu (08/04) rằng hợp tác với Hungary sẽ không thể thực hiện được trừ khi Thủ tướng Viktor Orban ủng hộ Kyiv. Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Ba Lan và Hungary là những đồng minh thân thiết.

Ông Kaczynski cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh rằng ông có quan điểm “hoàn toàn tiêu cực” về việc ông Orban từ chối đưa ra lập trường cứng rắn hơn đối với Nga sau cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine.

“Khi Orban nói rằng ông ấy không thể thấy những gì đã xảy ra ở Bucha, ông ấy cần phải được khuyên đến gặp bác sĩ mắt,” ông Kaczynski nói, ám chỉ việc ông Orban từ chối quy trách nhiệm cho Nga về vụ sát hại dân thường ở thị trấn Bucha của Ukraine. Nga đã kiên quyết bác bỏ các cáo buộc này, cho rằng quân đội Ukraine đã dàn dựng một “hành động khiêu khích thô bạo và đáng ngờ,” đồng thời yêu cầu Liên Hiệp Quốc điều tra vụ việc.


Bộ trưởng Quốc phòng Đức: Không còn vũ khí từ quân đội Đức cho Ukraine 

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết quân đội Đức không còn có thể cung cấp vũ khí cho Ukraine từ các kho dự trữ của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Die Augsburger Allgemeine Zeitung được công bố hôm thứ Bảy (09/04), bà Lambrecht nói rằng mặc dù “tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến quả cảm của họ,” về mặt “nguồn cung từ kho dự trữ của Bundeswehr (quân đội Đức)” thì Đức đã “đạt đến giới hạn.” Bà giải thích rằng quân đội Đức phải “có thể bảo đảm” khả năng phòng thủ của chính mình.

“Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không thể làm được nhiều hơn cho Ukraine,” bà Lambrecht nhấn mạnh, đồng thời gợi ý rằng Kyiv có thể trực tiếp mua thiết bị cần thiết từ các nhà sản xuất Đức. Bộ trưởng chỉ ra rằng chính phủ Đức “đã liên tục phối hợp” với các cơ quan chính phủ ở Kyiv để tạo điều kiện thuận lợi cho thỏa thuận mua bán như vậy.


Ifax: Nga tổ chức các cuộc tập trận ở vùng Kaliningrad 

Thủy quân lục chiến Nga vào vị trí trong cuộc tập trận quân sự Nga-Belarus tại khu huấn luyện Obuz-Lesnovsky ở Belarus, trong một bức ảnh do Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga cung cấp hôm 19/02/2022. (Ảnh: Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga/AP)

Hãng thông tấn Interfax đưa tin trích dẫn Bộ Tư lệnh Hạm đội Baltic cho biết, Nga đã tổ chức các cuộc tập trận hôm thứ Bảy (09/04) tại Kaliningrad — một vùng đất trên Biển Baltic nằm giữa Ba Lan và Lithuania — vài ngày sau khi một quan chức cao cấp cảnh báo các nước Âu Châu về bất kỳ hành động tiềm tàng nào nhằm vào Kaliningrad.

“Có tới 1,000 quân nhân… và hơn 60 đơn vị thiết bị quân sự đã tham gia vào việc kiểm tra kiểm soát,” Interfax dẫn lời cơ quan báo chí của Bộ Tư lệnh Hạm đội Baltic Nga cho biết.

Theo Interfax, riêng 20 chiến đấu cơ Su-27 và oanh tạc cơ tiền tuyến Su-24 đã tiến hành huấn luyện chiến đấu theo kế hoạch trong đêm, mô phỏng các cuộc tấn công vào các mục tiêu tốc độ thấp trên không và trên bộ, các sở chỉ huy và thiết bị quân sự ở Kaliningrad.

Họ không đưa ra lý do cho các cuộc tập trận hoặc cho biết chúng đã được lên kế hoạch khi nào.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko hôm thứ Tư (06/04) đã cảnh báo các quốc gia Âu Châu về bất kỳ ý đồ nào nhắm vào khu vực Kaliningrad của Nga, nói rằng “việc này là hành động đùa với lửa.”


Moscow: Các thủy thủ Nga bị bắt được trả tự do ở Ukraine 

Theo Tatyana Moskalkova, quan chức nhân quyền hàng đầu của Nga, 14 thủy thủ Nga bị Ukraine bắt giữ vào tháng Hai hiện đã được giải cứu.

Thủy thủ đoàn của tàu chở hàng Azov Concord “đã được giải thoát và đang được quân đội của chúng tôi di tản đến nơi an toàn,” bà Moskalkova viết trên mạng xã hội hôm thứ Bảy (09/04).

Bà nói rằng các thủy thủ đã bị Ukraine bắt giữ ở cảng Mariupol trên Biển Azov vào ngày 24/02, ngày Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bà nói thêm rằng con tàu không thể rời cảng do thủy lôi.


YouTube cấm kênh của nghị viện Nga

Logo biểu tượng của Google và YouTube ở lối vào văn phòng Google ở ​​Los Angeles hôm 21/11/2019. (Ảnh: Robyn Beck/AFP/Getty Images)

YouTube đã cấm kênh của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), khiến các quan chức chính phủ nhắc lại những lời đe dọa bấy lâu nay đối với nền tảng này.

Kênh Duma TV đã thông báo lệnh cấm trên ứng dụng nhắn tin Telegram, lưu ý rằng kênh có 145,000 người đăng ký. Trong các bình luận với hãng thông tấn Nga Interfax, Google không đưa ra lý do chính xác cho hành động này, nhưng cho biết công ty tuân theo “tất cả các luật tuân thủ thương mại và trừng phạt hiện hành.”

Cơ quan giám sát truyền thông nhà nước Roskomnadzor của Nga đã yêu cầu YouTube bỏ chặn kênh này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm thứ Bảy (09/04) rằng dịch vụ này “đã tự tuyên án” và kêu gọi người dùng của công ty “tải nội dung xuống, chuyển nội dung đó lên các nền tảng của Nga. Và thực hiện việc đó thật nhanh.”

Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin gọi hành động chống lại kênh YouTube của nghị viện là “một bằng chứng khác về việc Hoa Thịnh Đốn vi phạm các quyền và quyền tự do của công dân.”


Người dân Nga đối mặt với giá lương thực tăng mạnh

Giá lương thực ở Nga đã tăng cao đến mức vượt quá tốc độ lạm phát giá lương thực trong toàn khối phương Tây, buộc người Nga phải chi một phần thu nhập cá nhân cao bất thường cho thực phẩm khi nước này tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine.

Trong nhận xét với các phóng viên của Reuters, giám đốc khu vực Nga của cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc nói rằng công dân Nga đang chi trung bình 40% thu nhập khả dụng của họ cho thực phẩm, cao gấp đôi tỷ lệ chi tiêu tương ứng cho thực phẩm so với trước cuộc xâm lược.

Theo dữ liệu từ chính phủ Nga, lạm phát giá lương thực đạt 18.75% vào đầu tháng Tư (so với 7.5% của Liên minh Âu Châu), do các lệnh trừng phạt quốc tế đã làm giảm nguồn cung cấp các loại thực phẩm quen thuộc ở Liên bang Nga.


Nga công bố video về cuộc di tản ở Mariupol

Hôm thứ Bảy (09/04), Bộ Quốc phòng Nga đã công bố video cho thấy việc di tản dân thường ở thành phố cảng phía nam Mariupol, nơi đã bị bao vây suốt một tháng và có các cuộc giao tranh dữ dội diễn ra.

Hơn 80 cư dân địa phương, bao gồm 14 trẻ em, đang ẩn náu trong các tầng hầm gần đường dây liên lạc, đã được quân đội Nga và lực lượng ly khai Cộng hòa Nhân dân Donetsk đưa đến một nơi an toàn, bộ này cho biết.

Thông tin này không thể được xác minh độc lập.


Anh: Hải quân Nga tấn công Ukraine

Bộ Quốc phòng Anh cho biết các lực lượng hải quân Nga đang phóng hỏa tiễn hành trình vào Ukraine để hỗ trợ các chiến dịch quân sự ở khu vực phía đông Donbas và xung quanh các thành phố Mariupol và Mykolaiv.

Trong cuộc họp báo sáng thứ Bảy (09/04), bộ cho biết các lực lượng không quân của Nga dự kiến ​​sẽ tăng cường hoạt động ở phía nam và phía đông của Ukraine để hỗ trợ thêm cho các chiến dịch này.

Bộ cho biết những hành động này diễn ra trong bối cảnh nỗ lực thiết lập một hành lang trên bộ giữa Crimea và các phần do Nga kiểm soát trong khu vực Donbas “tiếp tục bị cản trở bởi sự kháng cự của Ukraine.”


Moscow: Có thể xảy ra ‘đối đầu quân sự’ giữa Nga và Hoa Kỳ

Các quốc gia phương Tây, bằng cách “bơm” vũ khí vào Ukraine, có nguy cơ dẫn Hoa Kỳ và Nga “vào con đường đối đầu quân sự trực tiếp,” đại sứ Moscow tại Hoa Thịnh Đốn Anatoly Antonov cho biết hồi đầu tuần này.

Kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công quân sự ở Ukraine, các nước NATO và các đồng minh của họ đã hạn chế can dự quân sự trực tiếp vào cuộc xung đột, nhưng vẫn tích cực cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kyiv. Đại sứ cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Newsweek rằng làm như vậy là các quốc gia phương Tây đã “trực tiếp tham gia vào các sự kiện hiện tại” và đang kích động các bên “đổ máu hơn nữa”. Ông Antonov gọi những hành động này là “nguy hiểm” và “khiêu khích”.

“Họ có thể đưa Hoa Kỳ và Liên bang Nga vào con đường đối đầu quân sự trực tiếp. Bất kỳ nguồn cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự nào từ phương Tây, được thực hiện bởi các đoàn xe vận tải qua lãnh thổ Ukraine, đều là mục tiêu quân sự hợp pháp đối với các Lực lượng Vũ trang của chúng tôi.”

Ông Antonov cũng nói rằng “một cuộc thăm dò quân sự” của NATO bởi Ukraine đã bắt đầu từ rất lâu trước khi chiến dịch của Nga bắt đầu ở quốc gia láng giềng này. Theo lời của ông Antonov, Ukraine “tràn ngập vũ khí của phương Tây trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố kế hoạch mua vũ khí hạt nhân của Kyiv.”


Nga cáo buộc Ukraine thực hiện các hành vi ‘man rợ’

Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu cộng đồng quốc tế “đánh giá khách quan” về các hành động của quân đội Ukraine và “ngừng cung cấp vũ khí cho họ, đồng thời thúc giục Kyiv từ bỏ các phương thức chiến đấu không thể chấp nhận được.”

Trước đó, Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau vụ tấn công cướp đi sinh mạng của 50 người, trong đó có năm trẻ em, theo đánh giá mới nhất do hai bên cung cấp. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã chấp nhận quan điểm của Kyiv rằng Nga là bên phải chịu trách nhiệm.

Bộ Ngoại giao Nga đã lên án cuộc tấn công này là một “hành vi gây hấn man rợ” và nói rằng nó chỉ chứng tỏ Nga đã đúng khi phát động chiến dịch quân sự để bảo vệ hai nước cộng hòa Donbas mà họ đã công nhận trước đó. Cuộc tấn công vào Kramatorsk cũng gần giống với một cuộc tấn công hỏa tiễn khác khiến 17 người thiệt mạng ở thành phố Donetsk vào giữa tháng Ba, họ cho biết thêm.


Thủ tướng Áo xem xét thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga

Nhà lãnh đạo của Áo cho biết ông mong đợi sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt của Liên minh Âu Châu đối với Nga, nhưng cho đến nay vẫn đang bảo vệ sự phản đối của đất nước mình đối với việc cắt nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

Thủ tướng Karl Nehammer nói hôm thứ Bảy (09/04) sau khi trở thành người mới nhất trong số các nhà lãnh đạo Âu Châu gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv.

Ông Nehammer cho biết tại một cuộc họp báo rằng “chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt trong Liên minh Âu Châu cho đến khi chiến tranh dừng lại” và gói lệnh trừng phạt được áp đặt trong tuần này “sẽ không phải là các lệnh cuối cùng.” Ông thừa nhận rằng “chừng nào người dân còn thiệt mạng, mọi biện pháp trừng phạt vẫn chưa đủ.”

Áo, quốc gia nhận phần lớn khí đốt từ Nga, là một trong những quốc gia chống lại việc ngừng nhận hàng. Khi được hỏi về điều đó hôm thứ Bảy, ông Nehammer nói rằng các biện pháp trừng phạt của EU đang ngày càng trở nên “chính xác” hơn nhưng “các biện pháp trừng phạt có hiệu quả khi chúng tấn công những đối tượng mà chúng nhắm đến và không làm suy yếu những người áp đặt các biện pháp trừng phạt đó lên kẻ đang tiến hành chiến tranh.”

Áo trung lập về quân sự và không phải là thành viên của NATO.


Nga cấm các tổ chức phi chính phủ phương Tây

Nga đã ra lệnh đóng cửa hơn một chục chi nhánh địa phương của các tổ chức bất vụ lợi, quỹ, và các tổ chức phi chính phủ khác có trụ sở ở phương Tây, nói rằng họ đã vi phạm luật pháp Nga.

Trong số các tổ chức bị ảnh hưởng có Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, và một số tổ chức phi chính phủ của Đức và Ba Lan.

Bộ Tư pháp ở Moscow hôm thứ Sáu (08/04) đã thông báo bộ sẽ xóa khỏi sổ đăng ký 15 chi nhánh tại Nga của các tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ, Anh, Đức, và Ba Lan, với lý do “đã xác định được các hành vi vi phạm luật pháp Nga.”

Lệnh cấm của Nga áp dụng cho các chi nhánh của Tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở tại Anh, Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Viện Giáo dục Quốc tế. Các chi nhánh ở Nga của Quỹ Aga Khan có trụ sở tại Thụy Sĩ và tổ chức phi chính phủ Ba Lan Wspólnota Polska cũng bị đóng cửa.

Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức phi chính phủ bị cấm là của Đức, bao gồm các tổ chức được đặt theo tên của Friedrich Naumann, Friedrich Ebert, Konrad Adenauer, Hanns Seidel, Heinrich Boell, và Rosa Luxemburg — cũng như các văn phòng Quỹ Nghiên cứu Đức (DFG) tại Nga.


Ukraine kêu gọi dân thường đi lánh nạn khi các cuộc tấn công đường sắt gia tăng

Hôm thứ Bảy (09/04), Ukraine kêu gọi dân thường ở khu vực phía đông Luhansk đi lánh nạn sau khi các quan chức cho biết hơn 50 thường dân cố gắng di tản bằng đường sắt từ một khu vực lân cận đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công hỏa tiễn.

Các quan chức cho biết còi báo động không kích đã vang lên trên phần lớn miền đông Ukraine vào sáng thứ Bảy, khi Thống đốc Luhansk Serhiy Gaidai kêu gọi người dân rời đi trong một bài diễn văn trên truyền hình, trong bối cảnh Nga đang tập trung lực lượng cho một cuộc tấn công.

Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi “phản ứng nghiêm khắc của toàn cầu” đối với cuộc tấn công hỏa tiễn hôm thứ Sáu (08/04) nhằm vào một ga xe lửa đông đúc gồm phụ nữ, trẻ em, và người già ở Kramatorsk, thuộc vùng Donetsk.

Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công trong một tuyên bố, cho biết hỏa tiễn tấn công nhà ga chỉ được sử dụng bởi quân đội Ukraine và các lực lượng vũ trang của Nga không được chỉ định mục tiêu nào ở Kramatorsk vào thứ Sáu (08/04).

Tất cả các tuyên bố của chính phủ Ukraine về vụ tấn công này đều mang tính “khiêu khích”, họ nói.

Điện Kremlin cho biết hôm thứ Sáu rằng cái mà họ gọi là “chiến dịch đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa và “phi phát xít hóa” nước láng giềng phía nam của Nga có thể kết thúc trong tương lai gần, khi mục tiêu đạt được thông qua hành động của quân đội Nga và các nhà đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên giống như Ukraine, Tổng thư ký Jens Stoltenberg của NATO, tổ chức đã coi lập luận của Nga là cái cớ cho một cuộc xâm lược vô cớ, đã tuyên bố rằng cuộc chiến có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí là nhiều năm.

Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang của Ukraine cho biết sau khi rút quân khỏi vùng Kyiv, Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát hoàn toàn các khu vực phía đông Donetsk và Luhansk của vùng Donbas, vốn do các lực lượng ly khai được Moscow hậu thuẫn nắm giữ một phần kể từ năm 2014.


Nga: Than dành cho thị trường Âu Châu có thể chuyển sang các thị trường khác

Hôm thứ Sáu (08/04), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết than đang có nhu cầu cao và Nga sẽ chuyển than dành cho Âu Châu sang các thị trường khác nếu EU không mua.

Cùng ngày, Liên minh Âu Châu đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ năm chống lại Nga kể từ khi Moscow đưa quân vào Ukraine, trong đó có các lệnh cấm nhập cảng than, gỗ, hóa chất, và các sản phẩm khác.

“Than vẫn là mặt hàng được săn đón nhiều. Vì việc tiêu thụ ở châu Âu sẽ bị ngừng lại, nên ở đây sẽ có một thời gian ân hạn nhất định, các dòng than sẽ được chuyển hướng sang các thị trường thay thế,” ông Peskov nói.

Theo Bộ Năng lượng Nga, Nga đã xuất cảng tổng cộng 223 triệu tấn than trong năm ngoái, trong đó 48.7 triệu (tương đương 22%) là xuất sang Âu Châu.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết trên mạng xã hội hôm thứ Sáu rằng quyết định từ bỏ than của các nước Âu Châu sẽ phản tác dụng. Ông dự đoán quy trình thay thế các lô hàng than từ Moscow sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí.


Xếp hạng thanh toán bằng ngoại tệ của Nga bị hạ bậc, rủi ro vỡ nợ trước mắt

Xếp hạng thanh toán bằng ngoại tệ của Nga đã bị hạ bậc sau khi Moscow sử dụng đồng rúp để thanh toán khoản nợ bằng đồng dollar vào đầu tuần, một hành động mà cơ quan xếp hạng S&P Global cho biết gây nghi ngờ về khả năng hoặc mức độ sẵn sàng của Nga đối với các nghĩa vụ của mình đối với các chủ nợ ngoại quốc.

S&P Global hôm thứ Bảy (09/04) đã giảm xếp hạng của Nga xuống “vỡ nợ có chọn lọc” (“selective default”, tức không thanh toán một vài khoản nợ nhưng vẫn thanh toán các khoản khác). Cơ quan này nói trong một tuyên bố rằng họ biết Nga đã thực hiện các khoản thanh toán lãi trái phiếu và nợ gốc đối với trái phiếu Âu Châu bằng dollar vào thứ Hai (04/04).

“Chúng tôi hiện không kỳ vọng rằng các nhà đầu tư sẽ có thể chuyển đổi các khoản thanh toán bằng đồng rúp đó thành đồng dollar có giá trị tương đương với số tiền đáo hạn ban đầu hoặc chính phủ sẽ chuyển đổi các khoản thanh toán đó trong thời gian gia hạn 30 ngày,” cơ quan này cho biết.


Cựu tổng thống Nga cảnh báo về ‘trật tự thế giới’

Các biện pháp trừng phạt chưa từng có mà các quốc gia phương Tây áp đặt đối với Nga kể từ khi nước này bắt đầu cuộc tấn công quân sự ở Ukraine chỉ làm xói mòn thêm hệ thống các thể chế quốc tế hiện hữu và thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Sáu (08/04).

Ban đầu, từ “trừng phạt” chỉ áp dụng cho các biện pháp do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt, ông lập luận và nói thêm rằng mọi thứ mà các quốc gia phương Tây gọi là “trừng phạt” ngày nay không gì khác hơn là những hạn chế đơn phương không thể chấp nhận được theo luật pháp quốc tế.

“Đây không khác gì hành vi xâm phạm các quyền chủ quyền của Liên bang Nga do các quốc gia và các khối nhất định thực hiện,” ông nói, gọi các hình phạt này là bất hợp pháp. “Quy mô chưa từng có” của các hạn chế đặt ra đối với Moscow sẽ chỉ dẫn đến “sự sụp đổ của tất cả các tổ chức quốc tế và chủ yếu là Liên Hiệp Quốc,” ông Medvedev, người hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cảnh báo.


Thống đốc: Luhansk cần phải di tản thêm khi pháo kích gia tăng

Hôm thứ Bảy (09/04), Thống đốc Luhansk Serhiy Gaidai cho biết cần phải di tản thêm nhiều người hơn nữa khỏi khu vực Luhansk ở miền đông Ukraine vì ngày càng có nhiều quân đội Nga đến đây.

Ông nói rằng khoảng 30% cư dân vẫn ở lại các thành phố và làng mạc trong khu vực đã được yêu cầu di tản.

“Họ [Nga] đang tập trung lực lượng cho một cuộc tấn công và chúng tôi thấy số lượng các cuộc pháo kích đã tăng lên,” ông Gaidai nói với truyền hình công cộng.

Ukraine ngày càng cảnh báo rằng Nga có kế hoạch tăng cường các cuộc tấn công ở phía đông và phía nam nước này sau khi rút quân khỏi các khu vực ở phía bắc của thủ đô Kyiv.

Tuần này (04-11/04), Hoa Kỳ tuyên bố rằng Moscow có thể có kế hoạch khai triển hàng chục ngàn binh sĩ ở miền đông Ukraine.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk nói rằng 10 hành lang nhân đạo đã được thỏa thuận cho người dân di tản trên khắp đất nước, bao gồm cả cho người dân rời cảng Mariupol bị bao vây ở phía nam bằng phương tiện giao thông cá nhân.

Nhiều nỗ lực nhằm thỏa thuận lối đi an toàn cho xe buýt tiếp tế tới Mariupol và đưa dân thường ra ngoài đã thất bại, và mỗi bên đều đổ lỗi cho bên kia.

Hãng thông tấn Nga RIA đưa tin hôm thứ Bảy (09/04) cho biết Bộ Quốc phòng Nga đã di chuyển hơn 80 cư dân từ khu tả ngạn Mariupol.

“Tất cả mọi người đã được đưa đến những nơi an toàn,” RIA trích dẫn một tuyên bố từ bộ này. “Các cư dân bị pháo kích đã được các quân nhân Nga cung cấp trợ giúp y tế có trình độ chuyên môn.”

Reuters không thể xác minh ngay lập tức điều đó.

Related posts