Putin tuyên bố: Đòn kinh tế của phương Tây đã thất bại

Huyền Anh

Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức cuộc họp qua liên kết video với các thành viên Hội đồng Bảo an tại dinh thự bang Novo-Ogaryovo bên ngoài thủ đô Moscow, vào ngày 15/4/2022. (Ảnh Getty Images)

Nỗ lực của phương Tây nhằm thực hiện đòn đánh kinh tế chớp nhoáng vào Nga đã thất bại, trong khi phía phát động đòn trừng phạt cũng phải chịu tác động tiêu cực, ông Putin tuyên bố.

“Ý định của họ là nhanh chóng phá vỡ nền kinh tế – tài chính của nước ta, gây hoảng loạn trên thị trường, khiến hệ thống ngân hàng sụp đổ và làm cho hàng hóa thiếu thốn quy mô lớn”, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18/4 nói trong hội thảo về tình hình kinh tế Nga, theo Interfax.

“Chúng ta có thể tự tin là chính sách này đã thất bại, chiến lược đòn đánh kinh tế chớp nhoáng đã không thành công”, ông Putin nói.

Tổng thống Putin còn khẳng định Nga đã đứng vững trước “sức ép chưa có tiền lệ này”. Ông chỉ ra rằng tình hình đang dần ổn định, tỷ giá đồng rúp đang trở lại mức như nửa đầu tháng 2 và thặng dư thanh toán đạt mức 58 tỷ USD, mức cao kỷ lục.

“Những dòng ngoại tệ đang trở lại hệ thống ngân hàng của Nga, khối lượng tiền gửi cá nhân đang tăng dần”, ông nói.

“Hơn nữa, lệnh trừng phạt đã tác động lên chính phía khởi xướng: Tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp ngày một tăng, kinh tế Mỹ và châu Âu có xu hướng ngày càng xấu, mức sống người châu Âu đang giảm, trong khi tiền tiết kiệm của họ mất giá”, Tổng thống Putin nói.  

Những người ủng hộ phong trào Những ngày thứ Sáu cho Tương lai cầm một tấm biển có logo của hệ thống nhắn tin ngân hàng SWIFT và cờ Nga trong cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Ukraine vào ngày 03/03/2022, tại Berlin. (Ảnh: John MacDougall / AFP qua Getty Images)

Cùng ngày 18/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết 52 tổ chức nước ngoài từ 12 nước đã gia nhập SPFS – hệ thống thanh toán do Nga sử dụng để thay thế SWIFT, theo tờ TASS.

Trong khi đồng rúp của Nga đã ổn định và quay trở lại mức gần như trước chiến tranh trong bối cảnh ngân hàng trung ương kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế Nga đã bị sụt giảm về thương mại và sản lượng công nghiệp sau các lệnh trừng phạt.

Các nhà máy của Nga đã cắt giảm sản lượng và việc làm trong tháng 3 và bị sụt giảm lớn về số lượng đơn đặt hàng mới, theo khảo sát của các giám đốc mua hàng tại các công ty sản xuất của Nga do công ty dữ liệu S&P Global thực hiện. Các nhà kinh tế đang dự đoán về một cuộc suy thoái, cùng với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát.

Hôm thứ Hai (18/04), ông Putin thừa nhận rằng giá tiêu dùng đã tăng đáng kể, với lạm phát hàng năm chạm mức 17,5% tính đến ngày 8/4.

Ông Putin nói: “Mọi người cảm thấy giá cả đang leo thang, và chúng ta cần hỗ trợ công dân của mình, giúp họ đối phó với làn sóng lạm phát”.

Trước đó, Mỹ và đồng minh châu Âu đã thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt đối với Moscow để phản ứng trước “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, trong đó có việc loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Các lệnh trừng phạt còn bao gồm cấm đi lại đối với giới lãnh đạo và quan chức cấp cao Nga, đóng băng dự trữ ngoại tệ, và cấm các hãng hàng không Nga…

Ngày 17/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EC đang xem xét đề xuất áp đặt gói trừng phạt thứ 6 đối với một số thực thể của Nga, trong đó gồm có ngân hàng Sberbank, và lĩnh vực năng lượng.

Mục tiêu gói trừng phạt nhằm vào Nga mới nói trên là nhằm gia tăng sức ép với Nga liên quan chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.  

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen. (Ảnh Lennart Preiss/Getty)

Trả lời phỏng vấn báo chí Đức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết, gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu sẽ nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, cụ thể là ngân hàng lớn nhất nước Nga Sberbank vốn chiếm 37% hoạt động ngân hàng của Nga.

Ngoài ra, các biện pháp hạn chế nhằm vào lĩnh vực năng lượng Nga cũng đang được Ủy ban châu Âu thảo luận. Theo đó, EC đang phát triển các “cơ chế linh hoạt” cho phép đưa dầu mỏ Nga vào gói trừng phạt tiếp theo.

“Chúng tôi đang xem xét sâu hơn lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là Sberbank, chiếm 37% ngành ngân hàng Nga. Và, tất nhiên, có những vấn đề về năng lượng”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết.

Bà nói: “Ưu tiên hàng đầu là giảm doanh thu của ông Putin”.

Đến thời điểm hiện nay, Liên minh châu Âu đã áp đặt 5 gói trừng phạt với Nga, trong đó có lệnh cấm vận với than đá, lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa trị giá 10 tỷ Euro cho Nga và đóng băng tài sản của một số ngân hàng nước này.

Huyền Anh

Related posts