Báo cáo gây hoang mang về nền kinh tế Hoa Kỳ

Milton Ezrati

Người dân đi bộ qua một trung tâm mua sắm ở Manhattan, thành phố New York hôm 04/04/2022. Một báo cáo gần đây của Bộ Thương mại cho thấy GDP của Hoa Kỳ giảm 1.4% trong quý đầu tiên của năm. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Sự suy giảm GDP của quý đầu tiên đã bị cường điệu nhưng cũng đưa ra một cảnh báo

Bộ Thương mại đã đưa ra một báo cáo kinh tế gây hoang mang: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Hoa Kỳ đã giảm 1.4% hàng năm trong quý đầu tiên của năm nay. Đột nhiên, viễn cảnh suy thoái đã trở nên rất hiện thực.

Quá trình phục hồi rõ ràng đã bị chậm lại, và suy thoái thực sự đang diễn ra, nhưng sự suy giảm GDP rõ ràng của quý đầu tiên đã phóng đại mức độ yếu kém hiện tại của nền kinh tế.

Sự suy giảm của quý đầu tiên thể hiện một sự thay đổi khá lớn so với mức tăng trưởng GDP thực tế theo năm 6.9% được báo cáo cho quý 4/2021. Sự thay đổi đột ngột kiểu này thường gợi ý rằng dữ liệu này bao gồm những sự bóp méo so với các chi tiết cụ thể và ít căn bản hơn. Trong trường hợp này, ba trong số các loại chi tiết cụ thể này là nổi bật: trong chi tiêu của chính phủ, trong hàng tồn kho, và trong ngoại thương.

Chi tiêu của chính phủ trong quý đầu tiên đã giảm mạnh 5.9% theo giá trị thực ở cấp liên bang và 0.8% ở cấp tiểu bang và cấp địa phương. Nếu tính riêng, thì những sự sụt giảm chi tiêu chính phủ này đã lấy đi một nửa điểm phần trăm của GDP tổng thể và chiếm hoàn toàn một phần ba mức giảm tổng thể được ghi nhận.

Sự sụt giảm chi tiêu chính phủ trong quý đầu tiên kéo dài sự trượt dốc trong chi tiêu của chính phủ trong quý thứ 7 liên tiếp kể từ khi đại dịch ở mức tồi tệ nhất vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, thay vì báo hiệu một số thay đổi căn bản trong hoạt động của chính phủ, những sự sụt giảm này phản ánh một sự điều chỉnh tự nhiên đối với sự gia tăng mạnh mẽ cần thiết về chi tiêu chính phủ để chống lại đại dịch.

Số liệu này không có khả năng tiêu biểu cho các quý sắp tới. Trên thực tế, chiến sự ở Ukraine sẽ thúc đẩy chi tiêu quốc phòng và có thể đã đưa các khoản phân bổ ngân sách gấp rút gần đây của Ngũ Giác Đài vào thành luật. Mặt khác, lịch sử cho thấy rằng nhiều chính phủ có xu hướng tăng chứ không giảm chi tiêu theo thời gian. Các chính phủ tiểu bang và địa phương chắc chắn có lượng rất lớn tiền mặt của liên bang được tùy nghi sử dụng.

Hàng tồn kho dường như cũng đang có những điều chỉnh một lần trước những áp lực trong quá khứ. Trong phần lớn năm 2021, hàng tồn kho đã giảm do thiếu hụt chuỗi cung ứng đã buộc các nhà bán lẻ và những người khác phải đáp ứng doanh số bán hàng với những gì họ có trong tay. Nhưng trong quý IV, những vấn đề về nguồn cung đã giảm bớt đủ để cho phép các doanh nghiệp tích lũy lại những kho dự trữ đã cạn kiệt của họ. Việc tích lũy hàng tồn kho này đã tăng vượt quá bất kỳ tiêu chuẩn nào trong lịch sử. Để so sánh, sự tăng tồn kho trở lại của quý đầu tiên về mức nào đó gần hơn với mức bình thường trông không đáng kể. Theo kế toán của Bộ Thương mại, sự chuyển đổi trở lại các chuẩn mực trong lịch sử dường như đã phủ nhận bộ phận kinh tế giá trị đâu đó 34.5 tỷ USD này. Sự tái diễn của loại dịch chuyển này dường như khó xảy ra.

Hoạt động ngoại thương trong quý I có những ảnh hưởng phức tạp nhưng không lâu dài. Nhập cảng tăng mạnh, cho thấy sức mua mạnh mẽ của người Mỹ. Tuy nhiên, xuất cảng đã giảm mạnh, không nghi ngờ gì nữa, là do các đợt phong tỏa ở Trung Quốc và những rắc rối làm kéo dài những ảnh hưởng của đại dịch cũng như các lệnh trừng phạt đối với cuộc chiến ở Ukraine đang gây ra đối với Âu Châu.

Bởi vì phép tính GDP là trừ nhập cảng khỏi xuất cảng, hiệu ứng ròng này đã cắt bớt đâu đó 3.2% khỏi số liệu GDP tổng thể, chiếm hơn hai lần mức suy giảm tổng thể trong GDP thực tế. Điều đó cho thấy tác động rằng tổng doanh số bán hàng thực tế cuối cùng trong quý đầu tiên cho thấy một tỷ lệ giảm 0.6% hàng năm, nhưng doanh số bán hàng cho người mua trong nước tăng với tỷ lệ 2.6%. Các vấn đề ở Trung Quốc và Âu Châu có thể vẫn tồn tại và trì hoãn sự phục hồi xuất cảng của Hoa Kỳ, nhưng sự thay đổi đột ngột từng ảnh hưởng đến quý đầu tiên sẽ không tái diễn.

Trong khi đó, nhiều yếu tố khác trong tính toán GDP là đáng khích lệ. Ví dụ, các gia đình Mỹ đã tăng chi tiêu tiêu dùng thực tế của họ với tỷ lệ theo năm là 2.7%, tăng tốc so với tỷ lệ 2.5% của quý 4/2021 và tốc độ 2.0 của quý 3/2021. Điều đáng khích lệ hơn nữa là các doanh nghiệp đã tăng chi tiêu cho các phương tiện, thiết bị, và công nghệ sản xuất. Những con số này đã tăng với tốc độ hàng năm là 9.2% trong quý đầu tiên, nhanh hơn nhiều so với mức 2.9% của quý 4 năm 2021, và chắc chắn là nhanh hơn nhiều tốc độ 1.7% trong quý mùa hè. Loại chi tiêu này mở rộng khả năng sản xuất chung của nền kinh tế và mở đường cho tăng trưởng việc làm.

Nếu như yếu tố gây kinh ngạc của một báo cáo vẫn không nói lên suy thoái, thì vấn đề lạm phát không thể phủ nhận của đất nước cho thấy rõ ràng rằng dù sao thì vấn đề này sớm muộn gì cũng xảy ra. Suy thoái sẽ đến bởi vì các chính sách chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dẫn đến suy thoái như chúng thường xảy ra trong quá khứ, hoặc chính lạm phát gây ra những biến dạng về kinh tế đủ để dẫn đến suy thoái bất kể Fed làm gì.

Mối đe dọa suy thoái rất thực tế và căn bản này dường như sẽ nằm đâu đó trong khoảng 18 đến 24 tháng trong tương lai. Nếu báo cáo đáng lo ngại mới nhất này không phải là suy thoái thực sự, có lẽ nó sẽ là một lời cảnh báo rằng những vấn đề quan trọng hơn sẽ không còn quá xa trong tương lai.

Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Kỷ Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”)

Vân Du biên dịch

Related posts