Trung Quốc đã nhấn mạnh đến khả năng tự lực kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu, và mức độ cấp bách của mong muốn này của Trung Quốc dường như ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn sau khi chứng kiến các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga vì xâm lược Ukraine vào ngày 24/02.
Ngày hôm sau, hôm 25/02, tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ-Trung Cộng) đã đăng một bài xã luận có nhan đề “Kiên Trì Độc Lập Tự Chủ Trên Con Đường Tiến Về Phía Trước,” ủng hộ độc lập tự chủ để bảo đảm rằng Đảng sẽ luôn thắng thế.
Hôm 18/03, một phương tiện truyền thông khác của ĐCSTQ là tờ Nhật báo Quang Minh đã đăng một bài xã luận dài về “kiên trì độc lập tự chủ”, nhấn mạnh lại “sự cần thiết”, “tầm quan trọng”, và “tính cấp bách” của việc “kiên trì độc lập tự chủ”.
Hôm 11/04, trang web của tạp chí Cầu Thị (Qiushi) của Đảng Cộng sản đã đăng một bài báo có tiêu đề “Ý Nghĩa và Giá Trị của Việc Kiên Trì Độc Lập Tự Chủ trên Quan Điểm Lịch Sử.” Bài báo tuyên bố rằng “kiên định độc lập tự chủ” là một phản ánh sâu sắc về “sự thoái trào nghiêm trọng” của phong trào cộng sản quốc tế, một nét đặc trưng của thời đại ông Tập, và kêu gọi “hãy nắm chắc vận mệnh của tự thân trong tay mình.”
Trừng phạt đối với Nga khiến ĐCSTQ hoảng sợ
“Cách Hoa Kỳ hiệp lực với các đồng minh của mình để ứng phó với Nga giống như việc sát kê cảnh hầu,” ông Mike Sun, một nhà tư vấn đầu tư Bắc Mỹ đồng thời là chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times. Ông nói rằng việc Nga xâm lược Ukraine để rồi phải chịu các lệnh trừng phạt về mọi mặt từ phía Hoa Kỳ và các đồng minh đã khiến Trung Cộng hoảng sợ.
Ông Eswar Prasad, cựu giám đốc Bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hiện là giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell, nói với Wall Street Journal rằng ĐCSTQ thấy rất rõ rằng các cường quốc phương Tây đã nhanh chóng hành động chống lại Nga với một thái độ rất gắn kết.
Theo thống kê của Castellum.AI, một nền tảng theo dõi các lệnh trừng phạt quốc tế, tính đến ngày 29/04, Nga đã phải chịu 10,128 lệnh trừng phạt vì hành động xâm lược Ukraine, lập kỷ lục là quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất. Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất bao gồm việc phong tỏa tài sản bằng đồng dollar của Nga, trục xuất một số ngân hàng khỏi hệ thống SWIFT, và các biện pháp trừng phạt đối với các nhà tài phiệt Nga và gia đình của họ.
Theo thống kê của Trường Quản lý Yale, tính đến ngày 05/05, gần 1,000 công ty trên thế giới đã thông báo sẽ rút lui hoặc giảm thiểu hoạt động kinh doanh tại Nga. Các ngành có liên quan bao gồm năng lượng, xe hơi, tài chính, hàng không, khai thác mỏ, công nghiệp nặng, công nghệ thông tin, tư vấn kinh doanh, kế toán, hậu cần, giải trí, khách sạn, bán lẻ, và các lĩnh vực khác.
Sự tách rời của Hoa Kỳ và Trung Quốc buộc ĐCSTQ phải ‘tự lực cánh sinh’
Ông Quý Đạt (Jida), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Mỹ và là chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times, “Mặc dù Hoa Kỳ và các đồng minh của họ hoàn toàn ủng hộ Ukraine chống lại Nga, nhưng mục tiêu cuối cùng của họ là làm suy yếu sức mạnh của Nga và tập trung sức mạnh chống lại ĐCSTQ.”
Ông Michael Sun, Giám đốc Trung tâm Văn hóa liên kết với Ủy ban Sự vụ Cộng đồng Hoa Kiều ở Toronto, cho biết, “Trên thực tế, Hoa Kỳ đã khởi động một kế hoạch tách rời hoàn toàn khỏi ĐCSTQ, trong đó có công nghệ cao, tài chính, và xuất cảng. Tất nhiên, ĐCSTQ cũng đang chuẩn bị cho việc tách rời. Lấy ngũ cốc làm ví dụ. ĐCSTQ đã tích trữ ngũ cốc, và ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh rằng bát cơm của người dân Trung Quốc phải được nắm chắc trong tay của họ, và cần phải bảo đảm rằng cái bát đó chứa chủ yếu là lương thực Trung Quốc.”
Công nghệ cao là một trong những lĩnh vực yếu nhất của ĐCSTQ, đặc biệt là công nghệ bán dẫn. Vì lý do an ninh quốc gia, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa hơn 1,000 tổ chức liên quan đến Trung Quốc vào danh sách trừng phạt, bao gồm một số lượng lớn các công ty công nghệ cao như Huawei và ZTE, cũng như nhiều doanh nghiệp trung ương của ĐCSTQ, nhằm ngăn chặn Trung Cộng đánh cắp các công nghệ trọng điểm của Hoa Kỳ.
Ông Quách Niên Thuận (Guo Nianshun), một giảng viên tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô và là Tiến sĩ từ Đại học Bắc Kinh, đã viết trong một bài báo hồi tháng 10/2021 rằng sự gián đoạn cung cấp công nghệ của Hoa Kỳ rõ ràng đã gây ra thiệt hại cho các công ty và ngành công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc; Huawei và công nghệ cao của Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ “bóp nghẹt”, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc mở rộng năng lực sản xuất cũng như hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) các sản phẩm cao cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn do Trung Quốc sản xuất.
Hồi tháng Sáu năm ngoái, ông Denis Simon, một giáo sư Kinh doanh và Công nghệ Trung Quốc tại Trường Kinh doanh Fuqua, Đại học Duke, đã viết trong một bài báo có nhan đề — “Bị bao vây, Trung Quốc bắt tay tìm kiếm tự chủ về công nghệ nhiều hơn” (“Embattled China seeks greater technological self-reliance”) — rằng nếu nhập cảng bị hạn chế, và thiếu nguồn cung ứng trong nước, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể mất lợi thế trong phân công lao động quốc tế hiện nay.
ĐCSTQ thường bị buộc phải ‘tự lực cánh sinh’
Quốc tế Cộng sản bắt đầu với một nhóm lưu manh vô sản trong cuộc nổi dậy Công xã Paris năm 1871, và ĐCSTQ — cướp đoạt quyền kiểm soát chính quyền vào năm 1949 — cũng bắt đầu từ “một nghèo hai trắng”. Ông Lữ Tường (Lu Xiang), một học giả về Trung Cộng và là nhà nghiên cứu của Viện Hoa Kỳ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã kết luận hồi tháng 09/2018 rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã trải qua bốn giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên là học hỏi toàn diện từ Liên Xô cũ; giai đoạn thứ hai là buộc phải tự lực cánh sinh sau khi quan hệ Trung-Xô tan vỡ; giai đoạn thứ ba là sử dụng vốn ngoại quốc để đưa vào và tiếp thu công nghệ cùng thiết bị tiên tiến của ngoại quốc sau “cải cách và mở cửa” năm 1978; giai đoạn thứ tư và cũng là giai đoạn khó khăn nhất, là đổi mới độc lập và tối ưu hóa nâng cấp công nghiệp.
Ông Lữ Tường cho rằng trở ngại lớn nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc là Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Ông đã nói điều này sau cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do cựu Tổng thống Mỹ Trump phát động nhằm kiềm chế ĐCSTQ.
Hôm 22/03/2018, ông Trump tuyên bố rằng ông sẽ áp thuế quan đối với khoảng 60 tỷ USD hàng hóa nhập cảng từ đại lục để trừng phạt Trung Quốc vì tội “đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại Mỹ” và rằng Hoa Kỳ sẽ hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ.
Hôm 13/07 cùng năm, Tổng bí thư Tập Cận Bình, lãnh đạo chính quyền Trung Quốc, thừa nhận khi tham dự cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Tài chính Trung ương ĐCSTQ rằng trình độ phát triển khoa học và công nghệ ở Trung Quốc, đặc biệt là khả năng đổi mới của các công nghệ cốt lõi quan trọng, vẫn còn kém xa so với trình độ tiên tiến quốc tế, và nhấn mạnh rằng phải có “cảm giác cấp bách” và “cảm giác nguy cơ”.
Tự lực cánh sinh sẽ càng cô lập ĐCSTQ
Tháng 05/2020, ĐCSTQ buộc phải khai triển một chiến lược “lưu thông kép” trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tăng cường nỗ lực kiềm chế ngành công nghệ của Trung Quốc. Ông Tập nói, người dân Trung Quốc cần chi tiêu nhiều hơn và các nhà sản xuất trong nước cần đổi mới nhiều hơn để giảm sự phụ thuộc vào một nền kinh tế biến động của ngoại quốc.
Tháng 03/2021, ĐCSTQ đã đưa ra “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”, bao gồm việc tăng đầu tư cho R&D lên 7% mỗi năm trong vòng năm năm tới để đạt được sự tự chủ về khoa học và công nghệ.
Tờ Nam Hoa Tảo Báo (SCMP) hôm 06/03 đưa tin, tự lực đã là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc trong năm nay, đặc biệt là khi đối mặt với những khó khăn về thương mại và sự phức tạp về địa chính trị trong bối cảnh quốc tế đã đặt nhấn mạnh nhiều hơn đến khả năng tự chủ trong các ưu tiên kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, Giáo sư Simon cảnh báo rằng “Nhu cầu thôi thúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc hướng tới sự tự chủ về công nghệ nhiều hơn có khả năng đẩy Trung Quốc ra xa hơn khỏi xu hướng kinh tế toàn cầu.”
Bà Winnie Han tường thuật về tin tức Trung Quốc cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Lương Hân (Joyce Liang)
Việt Phương biên dịch