Thiếu lương thực, Pakistan dùng tiền mặt mua lúa mì từ Nga nhằm lách trừng phạt

Bảo Nguyên

Hình ảnh một cánh đồng lúa mì bên ngoài ngôi làng Maslovsky của Nga, cách thành phố Voronezh khoảng 19 km vào ngày 09/07/2020. (Ảnh: Kirill Kudryavtsev / Getty Images)

Đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trong nước, chính quyền Pakistan mới đây tuyên bố sẽ nhập khẩu lúa mì từ Nga với phương thức thanh toán bằng tiền mặt. Đây là phương án được đưa ra khi các ngân hàng Nga bị phương Tây loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. Pakistan đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ kinh tế trong bối cảnh chính trị không ổn định.

Pakistan tìm cách nhập khẩu lúa mì từ Nga

Pakistan sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn lúa mì từ Nga với hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi mà phương Tây đang áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga sau cuộc xâm lược Ukraine, theo các tờ báo địa phương ra ngày 28/05.

Bộ Tài chính Pakistan tuyên bố rằng “ECC [Ủy ban điều phối kinh tế] đã cho phép nhập khẩu hai triệu tấn lúa mì trên cơ sở phối hợp giữa hai chính quyền”, The Tribune Express đưa tin.

ECC cũng cho phép nhập khẩu thêm 1 triệu tấn lúa mì khác thông qua quy trình đấu thầu quốc tế theo thỏa thuận hiện có. Thuế hải quan đối với nhập khẩu dầu ăn sẽ tạm thời được miễn để xúc tiến các lô hàng vào tháng 6.

Chính quyền cũng cho biết Pakistan phải tìm cách thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu của Nga, do các ngân hàng Nga đã bị chặn khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT. Bộ An ninh Lương thực Quốc gia đã đề nghị xem xét thực hiện thương mại theo phương thức hàng đổi hàng với Nga.

Pakistan đang thiếu lương thực

Pakistan đã chuyển vị thế từ một nước xuất khẩu lúa mì sang một nước nhập khẩu lúa mì. Chính quyền tuyên bố rằng sản lượng lúa mì của Pakistan giảm xuống còn 26,4 triệu tấn, thấp hơn mức tiêu thụ dự kiến ​​là 30,4 triệu tấn.

Tình trạng thiếu lúa mì của đất nước càng trở nên trầm trọng hơn do giá cả toàn cầu tăng cao do chiến tranh Nga – Ukraine.

“Pakistan đang thiếu lương thực. Và cũng đã có một quyết định nhập khẩu một lượng lúa mì nhất định bằng nhiều cách, đấu thầu quốc tế và các phương án [giữa chính quyền với chính quyền]”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói với các phóng viên vào ngày 27/05.

“Về vấn đề này, chính quyền đang liên hệ với người quen và đối tác, và chúng tôi cũng đang tham vấn với phía Nga về vấn đề này”, người phát ngôn cho biết thêm.

Chính quyền cũng lưu ý rằng Pakistan có “chính sách mở”, ngụ ý rằng chính quyền sẽ tìm kiếm “các lựa chọn và con đường” khi đối mặt với vấn đề “lợi ích quốc gia”.

Khó khăn kinh tế của Pakistan

Chính quyền cũng đã tăng giá nhiên liệu thêm 30 PKR (đồng rupee Pakistan) – tương đương 0,15 USD – mỗi lít vào ngày 27/05 để đáp ứng điều kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm khôi phục gói cứu trợ 6 tỷ USD cho Pakistan.

Xăng hiện có giá 179,86 PKR / lít (0,90 USD), dầu diesel có giá 174,15 PKR (0,88 USD), dầu hỏa có giá 155,56 PKR (0,78 USD) và dầu diesel nhẹ có giá 148,31 PKR (0,75 USD).

ECC đã cấp 62,3 tỷ PKR (311 triệu USD) để phục vụ thanh toán trợ cấp nhiên liệu. Ủy ban này cũng đã phê duyệt 50 tỷ PKR (251 triệu USD) để giảm thiểu mất điện và 36 tỷ PKR (181 triệu USD) để cung cấp trợ cấp cho các hộ gia đình khó khăn và chi trả cho các mặt hàng cơ bản được trợ cấp.

Pakistan đang có nguy cơ vỡ nợ kinh tế trong bối cảnh chính trị không ổn định. Bộ trưởng Tài chính Miftah Ismail ngày 29/05 cho biết Pakistan cần có 36 đến 37 tỷ USD trong năm tài chính tới và phải trả khoảng 21 tỷ USD nợ nước ngoài đến hạn vào năm tới.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times

Related posts