Vực dậy sau thất bại, WHO hiện đang soạn thảo các sửa đổi sâu rộng cho quy tắc toàn cầu

Alex Newman

Cờ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại trụ sở chính ở Geneva hôm 05/03/2021. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP/Getty Images)

Các chuyên gia cảnh báo về ‘chế độ chuyên chế trong y khoa’ của Tổ chức Y tế Thế giới

Dẫu cho cuộc họp thường niên lần thứ 75 của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva hồi cuối tháng Năm vấp phải trở ngại, nhưng hành động tiếp thêm quyền lực cho cơ quan này của Liên Hiệp Quốc vẫn sẽ tiến về phía trước, đồng thời vẫn là một mối đe dọa lớn đối với chủ quyền quốc gia và quyền tự trị của Hoa Kỳ, theo các chuyên gia hàng đầu.

Sau một số thay đổi nhỏ đối với Quy định Y tế Quốc tế (IHR) đã được thông qua tại cuộc họp gần đây của WHO, tổ chức y tế của Liên Hiệp Quốc cũng như các chính phủ thành viên của tổ chức này đang soạn thảo các sửa đổi mới và sâu rộng đối với các quy tắc toàn cầu. Các sửa đổi mới này sẽ được đệ trình vào tháng Chín.

Đồng thời, các nhà lãnh đạo của WHO và các chính phủ thành viên cũng đang xây dựng một Hiệp ước Đại dịch Toàn cầu. Giao ước quốc tế manh nhai đang được soạn thảo này, dự kiến ​​sẽ trao những quyền hạn to lớn mới cho WHO nếu được thông qua.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các quan chức của WHO, cả bản sửa đổi lẫn hiệp ước đang được đàm phán này đều nhằm mục đích trao quyền cho WHO để chống lại các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu như đại dịch.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ ở cấp tiểu bang và liên bang đang cật lực phản đối. Các chuyên gia về luật pháp quốc tế và chăm sóc sức khỏe nói với The Epoch Times rằng mục tiêu tối hậu [của hiệp ước này] là nhằm áp đặt “chế độ chuyên chế trong y khoa” lên nhân loại, thay vì bảo vệ sức khỏe.

Ông Francis Boyle, Giáo sư Luật Quốc tế tại Đại học Illinois cho biết: “Đây chỉ là một cuộc thâu tóm quyền lực toàn trị lớn khác của CDC, WHO, ông Bill Gates, các đại công ty dược (Big Pharma), Ngành công nghiệp Chiến tranh Sinh học (Biowarfare Industry), Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và những người khác nhằm áp đặt sự chuyên chế trong y khoa của họ lên nhân loại.”

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Geneva Thụy Sĩ, vào ngày 03/07/2020. (Ảnh: Fabrice Coffrini/Pool/Reuters)

Ông Boyle, người từng chấp bút cho Đạo luật Chống Khủng bố Vũ khí Sinh học 1989 đã được Quốc hội nhất loạt thông qua, cho biết hành động thâu tóm quyền lực của WHO cần phải bị phản đối “bằng mọi giá”, đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ lập tức can dự để ngăn chặn việc này.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Boyle đã không ngần ngại khi gọi WHO là một “tổ chức tội phạm” “hoàn toàn mục ruỗng, hủ bại, và đáng khinh bỉ.” Ông đã lớn tiếng kêu gọi chống lại việc trao thêm quyền lực hoặc tiền bạc cho WHO.

“Nó không có gì khác hơn là một tổ chức bình phong cho ngành công nghiệp dược phẩm, ngành công nghiệp chiến tranh sinh học, và ông Gates,” ông Boyle cho biết thêm, khi đề cập đến tỷ phú đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, và nói rằng tổ chức ấy đáng lẽ phải được phép trở thành “cành dây leo tự suy kiệt” rồi sau đó “từ từ xoắn kết vào nhau trong cơn gió.”

Vị giáo sư luật quốc tế đã làm việc với nhiều vụ án nổi tiếng này cũng lập luận rằng các quan chức hàng đầu của WHO cần phải bị xem xét truy tố về tội ác phản nhân loại.

Trong số các mối quan tâm khác, ông Boyle đã dẫn chứng về sự tài trợ của WHO cho Viện Virus học Vũ Hán tai tiếng, nơi mà nhiều người nghi ngờ là điểm bắt nguồn của đợt bùng phát đại dịch virus Trung Cộng toàn cầu, cũng như vai trò của cơ quan này trong việc thúc đẩy vaccine COVID-19, mà ông gọi là “những mũi chích nguy hiểm chắp vá kiểu Frankenstein.”

Ông Boyle, người đã họp với các công tố viên tiểu bang trên khắp nước Mỹ để đề nghị các cáo trạng cho các quan chức chính phủ chủ chốt, gần đây đã phát hành cuốn sách “Chống lại Chế độ Chuyên chế trong Y khoa” (Resisting Medical Tyranny), đang biến chuyện này thành vụ kiện pháp lý để truy tố các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đằng sau cái mà ông gọi là “các quy định bắt buộc tàn ác.”

Giờ đây, ông Boyle đang kêu gọi các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ hợp lực chống lại kế hoạch của WHO. Để bắt đầu, ông kêu gọi các thượng nghị sĩ cùng nhau viết và lan truyền một thông tri nói rằng họ có ý định bác bỏ bất kỳ hiệp ước đại dịch mới nào của WHO sao cho nó xuất hiện trước khi [hiệp ước đó] được chuẩn thuận.

“Giả sử quý vị có thể có được 34 thượng nghị sĩ cùng ký vào tờ Thông tri đó, thì điều đó có thể khiến Hiệp ước Đại dịch bị vô hiệu hóa ngay khi xuất hiện ở đây, trên mảnh đất Hoa Kỳ này,” ông Boyle nói. “Và rồi, hành động đó có thể dập tắt Hiệp ước Đại dịch của WHO ngay trong trứng nước khi [Đại hội đồng Y tế Thế giới] họp lại để xem xét nó.”

Bản sửa đổi của WHO

Không cần phô trương nhiều trên các hãng thông tấn, các quốc gia thành viên của WHO đã tổ chức cuộc họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Y tế Thế giới tại Geneva từ ngày 22/05 đến ngày 27/05 để thảo luận về những thay đổi lớn đối với Quy định Y tế Quốc tế (IHR) của tổ chức này.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ mô tả IHR có tính “ràng buộc về mặt pháp lý.” Các quy tắc y tế toàn cầu này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc toàn cầu cùng nhau ứng phó với đại dịch virus Trung Cộng.

Hồi tháng Một, 13 điều khoản sửa đổi đối với IHR đã được chính phủ ông Biden đề xướng với sự ủng hộ của gần 50 chính phủ khác.

Trong số những thay đổi khác, thì các điều khoản sửa đổi này sẽ tiếp tục trao quyền cho WHO và tổng giám đốc của tổ chức này trong việc tuyên bố các trường hợp khẩn cấp y tế toàn cầu, ngay cả khi không có sự chấp thuận của quốc gia hoặc chính phủ bị nhắm mục tiêu.

Mặc dù bề ngoài tập trung vào các vấn đề sức khỏe, nhưng các chính phủ trên thế giới ngày càng lập luận rằng các vấn đề khác, bao gồm biến đổi khí hậu, bạo lực súng đạn, và phân biệt chủng tộc, đều là những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Các nhà phê bình cho thấy rằng điều này có nghĩa là hầu hết mọi thứ đều có thể nằm trong tầm ngắm của WHO.

Các nhà lập pháp và các nhà hoạt động trên khắp đất nước đã dành nhiều tuần để báo động về những sửa đổi đó trước khi chúng được xem xét vào tháng trước (05/2022).

Các nhà phê bình đã gọi đó là “cuộc thâu tóm quyền lực,” “độc tài” của WHO và một số thành viên hàng đầu của tổ chức này với cái giá là quyền tự trị của các quốc gia đại diện chủ quyền cho một dân tộc.

Sau phản ứng dữ dội của công chúng, các nhà phân tích pháp lý và các nhà nghiên cứu đang theo dõi các diễn biến của sự kiện này cho biết nỗ lực mới nhất để trao quyền cho WHO đã bị dừng lại — ngay tại thời điểm này.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và WHO, sự thay đổi chính trong quy định IHR tại hội nghị thượng đỉnh là một sửa đổi về khoảng thời gian để các bản sửa đổi trong tương lai có hiệu lực từ hai năm xuống còn một năm.

Cũng được thông qua [trong hội nghị] là việc thành lập một nhóm làm việc để giúp soạn thảo và xem xét thêm các sửa đổi.

“Hoa Kỳ đã ủng hộ những sửa đổi này và vui mừng nhận thấy sự ủng hộ rộng rãi cho những cải tiến thủ tục này tại Đại hội đồng Y tế Thế giới,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với The Epoch Times.

Một tấm biển trên cửa yêu cầu mọi người đeo khẩu trang ở trung tâm thành phố Philadelphia, Pennsylvania, hôm 15/04/2022. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ và các bản tin trên các hãng thông tấn lớn cũng tạo ra ấn tượng rằng đây là một bước tiến quan trọng trong nghị trình của chính phủ ông Biden về những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa.

Ví dụ, bà Sheba Crocker, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc tại Geneva, đã ca ngợi những thay đổi này là “một thành tựu quan trọng.”

Nhưng nhà nghiên cứu điều tra độc lập James Roguski, một nhân vật chủ chốt đứng sau phong trào phản đối các sửa đổi của WHO, nói với The Epoch Times rằng chính phủ ông Biden “đã hứng công kích” và đã phải đối mặt với một thất bại nặng nề.

“Nếu các hãng thông tấn cho rằng đây là một kiểu thắng lợi nào đó dành cho ông Biden thì thật là nực cười, đó là một lời nói dối,” ông cho biết, và khẳng định rằng những gì đã xảy ra là một chiến thắng đối với chủ quyền của các quốc gia và là đòn giáng vào những nỗ lực tập quyền nhiều hơn tại WHO.

Ông Roguski đã thừa nhận rằng đó là một “thách thức” để tìm ra những gì thực sự đã xảy ra. “Đó là cách họ chơi trò chơi này,” ông nói.

Ông cũng lập luận rằng mối đe dọa này vẫn chưa biến mất.

Ông Roguski cho biết: “Những người này rất cố chấp, họ tàn nhẫn, và sẽ không bao giờ dừng lại,” ông Roguski nói, đồng thời lưu ý rằng WHO vẫn đang theo đuổi các sửa đổi đối với IHR sẽ được xem xét trong tương lai cũng như hiệp ước đại dịch đang được thực hiện vào mùa hè này.

Cả WHO và chính phủ ông Biden cũng đã cho thấy rằng nỗ lực đưa ra những thay đổi để tiếp thêm quyền hạn cho WHO vẫn đang được tiến hành.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết, “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thảo luận với các quốc gia thành viên WHO khác [về] các đề nghị sửa đổi được thiết kế nhằm làm rõ các yếu tố kích hoạt cảnh báo sớm cho sự ứng phó của toàn cầu trước các mối đe dọa đại dịch, thúc đẩy chia sẻ thông tin nhanh chóng giữa các quốc gia và WHO, đồng thời cải thiện các quy trình của WHO xung quanh những quyết sách về các trường hợp khẩn cấp y tế cộng đồng.”

Mặc dù các sửa đổi không được thông qua vào lần này, nhưng chế độ cộng sản Trung Quốc đã lập thêm một số bàn thắng lớn. Trong số đó: Giám đốc WHO được Bắc Kinh hậu thuẫn, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã được trao nhiệm kỳ năm năm tiếp theo ở vị trí lãnh đạo, và Bắc Kinh đã giành được một vị trí trong Ban Điều hành của WHO.

Hiệp ước Đại dịch Toàn cầu

Các chính phủ đang làm việc trên các bản sửa đổi mới để đệ trình vào tháng Chín, xong họ cũng đang soạn thảo một Hiệp ước Đại dịch Toàn cầu mới có thể còn quan trọng hơn.

“Điều này làm cho các bản sửa đổi trông giống như trò trẻ con,” ông Roguski nói, đồng thời trích dẫn khẩu hiệu của WHO về cách tiếp cận của toàn xã hội về “Một Sức khỏe Duy nhất” (thống nhất ba lĩnh vực Sức khỏe con người, Sức khỏe thú vật, Sức khỏe môi trường).

Một bảng hiệu của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 24/04/2020. (Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP qua Getty Images)

Ông Boyle, giáo sư luật quốc tế, cho biết dường như các sửa đổi IHR bị rút lại này có lẽ sẽ được khai triển trong hiệp ước phòng chống đại dịch mới, cũng như các chính sách khác nhằm làm cho WHO trở nên quyền lực hơn.

Tại Quốc hội, các nhà phê bình cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiệp ước này.

“‘Hiệp ước đại dịch’ cấp tiến của WHO là một sự lạm quyền nguy hiểm của người theo chủ nghĩa toàn cầu,” Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) cho biết. “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ không bao giờ được trao thêm quyền lực cho WHO.”

“WHO là con rối của Tập Cận Bình, nằm dưới sự giật dây của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đã giúp Bắc Kinh che đậy nguồn gốc của COVID-19,” vị thượng nghị sĩ này tiếp tục, đồng thời nói thêm rằng chính sách y tế công cộng dành cho nước Mỹ nên được chính người dân Mỹ quyết định chứ không phải là “những con rối theo chủ nghĩa toàn cầu đang làm việc cho Trung Quốc Cộng sản.”

Các nhân vật hàng đầu của WHO đã công khai nguyện vọng của họ trong việc tiếp thêm quyền lực cho cơ quan này của Liên Hiệp Quốc [thông qua] việc sử dụng hiệp ước đại dịch được đề xướng này.

“Chúng tôi cần các hệ thống và công cụ mạnh mẽ hơn,” Tổng giám đốc WHO Tedros nhấn mạnh, người đã đề nghị mọi thứ, từ các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia nào thách thức WHO đến việc kiểm soát chặt chẽ hơn đối với “thông tin sai lệch” trên mạng.

Đầu năm nay, khi vạch ra kế hoạch của mình trước Ủy ban Điều hành WHO, ông Tedros cho biết việc “khẩn trương củng cố WHO với tư cách là cơ quan lãnh đạo và chỉ dẫn về y tế toàn cầu, ở trung tâm của kiến ​​trúc y tế toàn cầu” là ưu tiên hàng đầu.

“Chúng ta sống chung một thế giới, chúng ta có chung một sức khỏe, chúng ta là một WHO,” ông nói thêm.

Theo các nhân vật hàng đầu tham gia vào quá trình này, việc áp dụng các chính sách ứng phó do WHO quy định trong cuộc khủng hoảng COVID gần đây cũng nằm trong nghị trình này.

Bà Helen Clark, cựu Thủ tướng New Zealand kiêm quản trị viên của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, nói chuyện với các phóng viên vào ngày 14/04/2016. (Ảnh: Don Emmert/AFP qua Getty Images)

“Trên cơ sở liên tục, mọi quốc gia phải tận dụng toàn bộ công cụ y tế công cộng hiện có để hạn chế sự lây truyền,” cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark, đồng chủ tịch Ủy ban Độc lập của WHO về Chuẩn bị và Ứng phó với Đại dịch, cho biết trong những bình luận gần đây về những gì mà thỏa thuận mới này sẽ thực hiện. “Đó là đeo khẩu trang, đó là giãn cách xã hội, đó là xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, đó là cách ly và kiểm dịch, đó là danh mục đã được chứng minh trong nỗ lực ngăn chặn sự lây truyền của một căn bệnh.”

Bà Clark và hội đồng đại dịch cũng đề nghị các thẩm quyền mới và to lớn cho WHO, bên cạnh sự độc lập lớn hơn về tài chính và chính trị cho tổ chức này. Hội đồng của bà thậm chí còn kêu gọi WHO bắt đầu thiết lập các tiêu chuẩn “chuẩn mực” cho hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia.

Bà Clark đã không phúc đáp yêu cầu bình luận từ The Epoch Times vào thời điểm phát hành bài báo này.

Bộ Ngoại giao đã không phúc đáp các câu hỏi về việc liệu họ có tìm cách bổ sung các đề nghị sửa đổi của chính phủ ông Biden vào hiệp ước sắp tới hay không, nhưng đã xác nhận với The Epoch Times rằng họ đã tham gia vào quá trình này.

Các chính phủ Âu Châu đã cởi mở hơn về quan điểm của họ. Hội đồng Liên minh Âu Châu, đại diện cho 27 quốc gia thành viên của cơ quan này, đã tuyên bố rằng mục tiêu [của hiệp ước này] là muốn xây dựng một WHO vững mạnh hơn với trọng trách là “cơ quan điều phối về các vấn đề sức khỏe toàn cầu.”

Trong khi đó, WHO đã giảm nhẹ vai trò của chính mình trong quá trình này. “Các quốc gia thành viên của WHO cuối cùng sẽ xác định được mục tiêu của một biện pháp như vậy,” một vị phát ngôn viên của cơ quan toàn cầu này nói với The Epoch Times.

Theo vị phát ngôn viên này, hiệp ước đại dịch được kỳ vọng sẽ “thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu để ngăn chặn, chuẩn bị, và ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai, và ngăn chặn sự lặp lại của đại dịch COVID-19.”

Vị phát ngôn viên này cũng cho biết, người ta mong đợi rằng thỏa thuận đó sẽ “củng cố ngành y tế, ngay từ cấp cộng đồng,” đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế “làm việc cùng nhau” để giảm thiểu tác động của một loại virus khác giống như SARS-CoV-2.

Mục tiêu cuối cùng: Chế độ chuyên chế toàn cầu?

Các nhà lập pháp, chuyên gia pháp lý, và chuyên gia y tế hàng đầu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những gì họ coi là mục tiêu tối hậu trong các nỗ lực của WHO: kiểm soát toàn cầu và tập trung đối với toàn nhân loại.

Tiến sĩ Peter McCullough, trưởng Khoa Dinh dưỡng và Y tế Dự phòng, và tác giả John Leake, đồng tác giả của cuốn sách mới “Dũng cảm Đối mặt với COVID-19 Ngăn ngừa Nhập viện và Tử vong Khi Chiến đấu với Tổ hợp Dược phẩm Sinh học,” đã cảnh báo rằng có những thế lực hắc ám đang giật dây ở hậu trường.

“Tổ chức Y tế Thế giới là một thành phần quan trọng mà chúng tôi đề cập đến trong cuốn sách mới của mình là Tổ hợp Dược phẩm Sinh học,” họ cho biết trong các bình luận gửi qua email cho The Epoch Times. “Giống với ‘tổ hợp công nghiệp-quân sự’ mà Tổng thống Eisenhower đã từng cảnh báo trong Bài diễn văn Chia tay, Tổ hợp Dược phẩm Sinh học (nghị trình của nhóm này được thiết lập bởi Quỹ Gates và Diễn đàn Kinh tế Thế giới) đang mong muốn thành lập chính phủ toàn cầu và tập trung bằng chính sách y tế công cộng, đặc biệt là để đối phó với các bệnh truyền nhiễm đang nổi lên — thực tế, rõ ràng, phóng đại, và bịa đặt.”

Tiến sĩ Peter McCullough ở New York vào ngày 24/12/2021. (Ảnh: Jack Wang/The Epoch Times)

Nhiều chuyên gia, bác sĩ, và luật sư khác đã thảo luận với The Epoch Times về câu chuyện này cũng cho biết WHO đang tìm cách xâm phạm quyền của người dân dưới chiêu bài giúp họ an toàn và khỏe mạnh.

Sự phản kháng trong giới chính trị cũng đang gia tăng nhanh chóng ở Hoa Kỳ.

Ở cấp tiểu bang, các nhà lập pháp trên toàn quốc đang thảo luận về cách ngăn chặn các hành động của WHO trong khu vực pháp lý của họ.

Thượng viện Kansas đã thông qua một nghị quyết “phản đối mạnh mẽ” các nỗ lực của tổ chức này, nói rằng họ đang có mục tiêu lấn lướt chủ quyền quốc gia và đặt Hoa Kỳ dưới “sự kiểm soát của một tổ chức quốc tế không được bầu cử, vốn hoàn toàn không chịu trách nhiệm đối với người dân nước này.”

Ở Hoa Thịnh Đốn, các nhà lập pháp cũng đang làm việc. Các dự luật có thể làm mất uy tín của WHO và thậm chí rút Hoa Kỳ khỏi Liên Hiệp Quốc đang có được các nhà bảo trợ trong bối cảnh công chúng ngày càng phản đối các kế hoạch của WHO. Nhiều thành viên của Hạ viện và Thượng viện, bao gồm cả nhóm chính trị quốc hội Freedom Caucus, đã thúc giục chính phủ ông Biden nối lại đề nghị rút Hoa Kỳ khỏi [WHO] mà Tổng thống Donald Trump đã khởi xướng.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky) đã công khai cảnh báo rằng WHO đang cố gắng tạo ra một “chính phủ toàn cầu” với quyền áp đặt các lệnh bắt buộc tương tự như những lệnh bắt buộc đã từng được sử dụng trong suốt thời gian xảy ra dịch COVID.

Cơ quan Đàm phán Liên chính phủ này sẽ hội kiến trong tuần này để làm việc về hiệp ước đại dịch toàn cầu trong bối cảnh WHO đang nỗ lực thu hút “tất cả các bên liên quan,” một phát ngôn viên của WHO nói với The Epoch Times.

Mục tiêu là tháng Tám tới sẽ cho ra một bản dự thảo của hiệp ước được đề nghị này.

Ông Alex Newman là một cộng tác viên tự do. Ông là một nhà báo, nhà giáo dục, tác giả và nhà tư vấn quốc tế từng đoạt giải thưởng, người đã đồng sáng tác cuốn sách “Tội ác của các nhà giáo dục: Cách những người Utopians đang sử dụng trường học của chính phủ để tiêu diệt trẻ em nước Mỹ”. Ông là giám đốc điều hành của Public School Exit, là Giám đốc điều hành của Liberty Sentinel Media, và viết cho các ấn phẩm đa dạng ở Hoa Kỳ và nước ngoài.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts