Trung Quốc có thể bắn hạ Starlink không?

Rick Fisher

Bức ảnh chụp video này được cung cấp bởi SpaceX, một sứ mệnh SpaceX Falcon 9 phóng 53 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo thấp của Trái Đất từ Tổ hợp Phóng Không gian 4 Phía Đông (SLC-4E), cất cánh từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg, California, hôm 13/05/2022. (Ảnh: SpaceX/AP)

Truyền thông quân sự Trung Quốc đang ngày càng làm nổi bật mối đe dọa đối với Trung Quốc từ chòm sao vệ tinh băng thông rộng (Wi-Fi) đang gia tăng có tên Starlink của ông Elon Musk, vì một tạp chí quân sự của Trung Quốc kêu gọi Trung Quốc phải có khả năng để bắn hạ những vệ tinh này.

Nhưng liệu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có khả năng đó không?

Câu trả lời ngắn gọn là hiện nay, Trung Quốc có thể không thể bắn hạ được chúng, nhưng họ có khả năng để có thể gây thiệt hại cho phần lớn chòm sao lớn đang phát triển này.

Hôm 25/05, South China Morning Post (The Post), từng là tờ báo Anh ngữ hàng đầu của Hồng Kông, tiết lộ rằng một bài báo hồi tháng Tư trên tạp chí Công nghệ Quân sự Hiện đại của Trung Quốc đã kết luận rằng Trung Quốc “cần có khả năng vô hiệu hóa hoặc phá hủy các vệ tinh Starlink của SpaceX nếu chúng đe dọa đến an ninh quốc gia.”

Bài báo này xứng đáng được tờ the Post đưa tin bởi vì một trong những sứ mệnh chính của họ là giúp tạo ra sự sợ hãi trong các nền dân chủ về sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc trên Trái Đất và trong không gian.

Cùng ngày, một bản dịch đầy đủ của bài báo đã được đăng trên blog của cựu quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ David Cowhig.

Bài báo lưu ý rằng tác giả chính Ren Yuanzhen có liên kết với Viện Giám sát và Viễn thông Bắc Kinh. The Post cho biết thêm rằng viện này “thuộc Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của PLA.”

Thông tin này quan trọng bởi vì Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược PLA là cơ quan quân sự hàng đầu của Trung Quốc tham gia chiến đấu trong không gian vũ trụ. Cơ quan này còn chịu trách nhiệm vận hành các chương trình không gian có người lái và không người lái của Trung Quốc.

Mặc dù hiện nay Starlink có khoảng 2,400 vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, nhưng cuối cùng nó có thể phát triển lên hơn 40,000 vệ tinh, mở rộng các dịch vụ internet băng thông rộng từ 33 quốc gia tới khả năng truy cập toàn cầu.

Bé Diego Guerrero, 7 tuổi, và bé Sofia Diaz, 7 tuổi, kết nối Internet nhờ ăng-ten vệ tinh của Starlink tại Trường John F. Kennedy ở làng Sotomo, ngoại ô thị trấn Cochamo, vùng Los Lagos, Chile, hôm 06/08/2021. (Ảnh: Pablo Sanhueza/Reuters)

Starlink khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lo sợ vì hệ thống này cung cấp cho mọi người trên khắp thế giới một phương tiện để né tránh chiến dịch xảo quyệt kéo dài hàng thập niên của Bắc Kinh nhằm kiểm soát các hệ thống internet quốc gia bằng cách thống trị thị trường của họ về phần cứng máy chủ máy điện toán và hệ thống phần cứng/phần mềm truyền thông 5G được bao cấp.

Starlink không chỉ cung cấp các dịch vụ có thể vượt qua sự thao túng của các hệ thống internet do Trung Quốc sản xuất, mà còn cho phép các quốc gia đang bị xâm lược bởi chính quyền Trung Quốc hoặc đồng minh chính của họ là Nga truy cập vào cơ sở hạ tầng truyền thông có khả năng cho phép tiến hành các hoạt động quân sự — điều hiện đang xảy ra ở Ukraine, có lẽ ngày mai sẽ là Đài Loan.

Ngay cả khi chính quyền Trung Quốc xâm lược và chế ngự Đài Loan, thì Starlink có thể cung cấp một nền tảng internet an toàn hơn nhiều để giúp đoàn kết các cộng đồng người Đài Loan trên toàn thế giới duy trì một chính phủ lưu vong trực tuyến toàn vẹn với một mạng lưới đại sứ quán toàn cầu.

Để chống lại Starlink, ông Ren viết, “Nên áp dụng kết hợp các phương pháp tiêu diệt mềm và cứng để làm cho một số vệ tinh Starlink mất đi các chức năng và phá hủy hệ điều hành của chòm sao này.”

Ông Ren nêu rõ rằng hỏa tiễn tự hành chống vệ tinh trên mặt đất (ASAT) của Trung Quốc có thể được sử dụng, nhưng chúng sẽ tạo ra các mảnh vỡ lớn, và số lượng các mục tiêu sẽ đồng nghĩa với việc chi phí tấn công Starlink sẽ quá cao.

Thay vào đó, theo ông Ren, mục tiêu tấn công Starlink “đòi hỏi một số biện pháp hiệu quả cao, chi phí thấp.” The Post lưu ý nhận xét của ông Ren rằng “có thể phóng các vệ tinh mang các tải trọng quân sự vào giữa một loạt tàu thương mại của Starlink.”

Trung Quốc đã đang phát triển nhanh chóng vũ khí laser và vi sóng, và có khả năng là Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược PLA có thể sửa đổi trạm vũ trụ có người lái Thiên Cung (Tiangong) mới của họ hoặc các thành phần nổi bật của nó, như tàu tiếp tế Thiên Chu (Tianzhou) chở được 6 tấn hàng hóa—hai trong số đó hiện đang đáp xuống trạm vũ trụ Thiên Cung.

Các mô-đun lớn trong tương lai gắn với trạm vũ trụ Thiên Cung, hay còn gọi là Thiên Chu, có thể mang vũ khí laser hoặc vi sóng chạy bằng điện có khả năng bắn vô số “phát đạn” vào các vệ tinh Starlink.

Tàu tiếp tế Thiên Chu cũng có thể được sửa đổi để mang theo hàng trăm đến một nghìn “chiếc đinh dài” nhỏ có thể nhắm chính xác vào các vệ tinh Starlink đang bay qua.

Hiện nay, PLA có thể phóng tới 4 vệ tinh đánh chặn Thiên Chu bằng chỉ một phương tiện phóng tàu vũ trụ (SLV) Long March-5 [Trường Chinh-5] sử dụng nhiên liệu lỏng của Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC). Tuy nhiên, những vệ tinh này chỉ có thể được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương trên đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Mọi người xem một hỏa tiễn Long March-8 [Trường Chinh-8], đội phương tiện phóng tàu vũ trụ Long March mới nhất của Trung Quốc, khi nó cất cánh từ Trung tâm Phóng Vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, hôm 22/12/2020. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Trước khi kết thúc thập niên này, CASC cũng sẽ khởi động SLV chương trình Mặt trăng Long March-9, vốn dĩ có thể cũng được thông qua để phóng lên tới 18 thiết bị đánh chặn vệ tinh đặt tại Thiên Chu — nhưng những thiết bị này cũng phải được phóng từ đảo Hải Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, hỏa tiễn Kuaizhou-21 (Khoái Chu-21) sử dụng nhiên liệu rắn CASC có thể phóng 3 thiết bị đánh chặn đặt tại Thiên Chu từ bất kỳ địa điểm nào ở Trung Quốc.

Vì vậy, có thể cho rằng vào cuối thập niên này, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược PLA có thể phóng các đợt từ 20 đến 40 thiết bị đánh chặn vệ tinh đặt trên bệ phóng Thiên Chu, hoặc có thể là một bệ phóng đánh chặn không người lái mới, lớn hơn một chút nhưng có khả năng hơn.

Khả năng tiềm tàng này sẽ được bổ sung vào các hệ thống laser công suất lớn mạnh mẽ hơn và thậm chí cơ động hơn được khai triển khắp Trung Quốc, hoặc trong một mạng lưới toàn cầu, có thể được đưa lậu vào các căn cứ theo dõi vệ tinh do PLA kiểm soát chẳng hạn như ở tỉnh Neuquen của Argentina hay nhiều tàu khai triển trên toàn cầu của Trung Quốc.

Nhưng ngay cả với một mối đe dọa tiềm tàng về chiến tranh trong không gian của PLA nhắm vào Starlink, thì chỉ riêng tập đoàn SpaceX của ông Musk thôi cũng nắm giữ những tài nguyên để khiến cho nhiệm vụ của PLA trở nên hết sức khó khăn.

Các SLV có thể tái sử dụng Falcon-9 của tập đoàn SpaceX có thể phóng các trọng tải 16.25 mét tấn hoặc khoảng 53 vệ tinh Starlink. Nhưng SLV có thể tái sử dụng tàu SpaceX Starship, sắp tiến hành lần phóng đầu tiên vào không gian, có trọng tải được thông báo là 100 tấn hoặc là có khả năng phóng hơn 300 vệ tinh Starlink.

Nếu phải có một cuộc đua SLV với Trung Quốc, thì ông Musk có thể sẵn sàng đua đến cùng. Trong một cuộc thảo luận hôm 05/06 trên Twitter, ông Musk đã đề xướng “Xây dựng hơn 1,000 tàu Starship để đưa sự sống lên sao Hỏa,” nếu thành hiện thực, thì sẽ trợ cấp quá đủ cho việc tái tạo Starlink hoặc hệ thống kế nhiệm của nó.

Starship cũng cho phép ông Musk phóng số lượng lớn các vệ tinh Starlink lên các quỹ đạo cao hơn mà khiến PLA tấn công khó hơn và tốn kém hơn.

Ngoài ra, những sửa đổi có chi phí tương đối rẻ đối với các vệ tinh Starlink, chẳng hạn như bổ sung “những chiếc ô” rất nhẹ, có độ phản xạ cao để dội lại các cuộc tấn công bằng tia laser hoặc tăng nhẹ công suất của các động cơ đẩy chạy bằng điện, có thể cho phép cải thiện khả năng cơ động khẩn cấp để tránh các cuộc tấn công của PLA.

Việc một nhà nghiên cứu thuộc Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của PLA thậm chí đang viết về nhiệm vụ trọng đại là tấn công các chòm sao vệ tinh lớn cỡ Starlink có nghĩa là ngay bây giờ Lực lượng Không gian Hoa Kỳ cần phải có các nguồn lực để phát triển các cảm biến theo dõi, và vũ khí để chống trả, khả năng là các vũ khí ASAT trên mặt đất và trong không gian của PLA đã nhắm vào tất cả các vệ tinh của Hoa Kỳ.

Ông Rick Fisher là một thành viên cao cấp của Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế. 

Khánh Ngọc biên dịch

Related posts