Tập thăng chức cho phụ tá ở Phúc Kiến theo chiến lược ‘súng và gươm’

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi dispatches Fujian aides to polish up ‘guns and swords’,” Nikkei Asia, 07/07/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định thăng chức cho những phụ tá thân cận đã theo ông hàng chục năm qua, nhưng phái Chiết Giang đã bỏ lỡ cơ hội của mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có hai cơ sở quyền lực trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thường được gọi là phái Chiết Giang và phái Phúc Kiến, họ bao gồm các thuộc hạ cũ của ông ở hai tỉnh này.

Tập đã làm việc 17 năm ở Phúc Kiến kể từ giữa thập niên 1980, sau đó trở thành quan chức hàng đầu của Chiết Giang vào những năm 2000.

Trước thềm đại hội toàn quốc của đảng vào mùa thu này, mọi con mắt đều đổ dồn về quyết định thăng chức cho các phụ tá của Tập thuộc hai phe này.

Một mẫu hình đã xuất hiện. Tập đang lấp đầy các vị trí chủ chốt trong quân đội và cảnh sát bằng các nhân vật thuộc phái Phúc Kiến.

Quyết định mới nhất là việc bổ nhiệm Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) làm Bộ trưởng Bộ Công an, một chức vụ giám sát các tổ chức cảnh sát.

Vương đồng thời kiêm nhiệm đứng đầu Cơ quan Mật vụ của Bộ, có nhiệm vụ bảo vệ các quan chức cấp cao. Khi giữ vị trí quan trọng này, Vương, và theo đó, sếp của ông, Tập, có thể nắm rõ mọi động thái của dàn lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Không gì có thể quan trọng hơn đối với Tập, ngoài việc nắm rõ những gì các đối thủ của ông đang toan tính.

Vương Tiểu Hồng vào năm 2014. Với tư cách là người đứng đầu Cơ quan Mật vụ, Vương, và theo đó là sếp của ông, Tập Cận Bình, sẽ có thể biết mọi động thái của giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. © Reuters

Tập và Vương đã trở nên thân thiết từ thời Tập còn ở Phúc Kiến hơn 30 năm trước.

Một bức ảnh cũ đã tiết lộ Tập và Vương thân thiết đến mức nào. Tập, khi ấy vẫn ở độ tuổi 30, có khuôn mặt gầy hơn và đang mặc áo khoác, còn Vương thì mặc cảnh phục. Cả hai đang mỉm cười và đứng dựa vào nhau.

Tình cảm của Tập đối với tỉnh Phúc Kiến cũng được thể hiện vào tháng trước, khi tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc được đặt tên theo tên tỉnh này.

Bước thăng tiến lớn của Vương đến vào năm 2015 khi ông được bổ nhiệm làm Phó Thị trưởng Bắc Kinh kiêm Giám đốc Công an Thành phố, bất chấp việc ông thiếu kinh nghiệm làm việc ở thủ đô Trung Quốc. Ông phải đối mặt với nhiều cản trở khác nhau trong việc nắm quyền kiểm soát tổ chức, nhưng Tập đã sử dụng quyền lực của mình để loại bỏ từng chướng ngại vật một.

Lần này, Tập tiếp tục nâng Vương từ Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an lên thành Bộ trưởng.

Câu hỏi bây giờ là liệu Vương có được thăng chức vào Bộ Chính trị gồm 25 thành viên hay không.

Đối với các nhà cầm quyền, việc có một cảnh sát trưởng không bao giờ phản bội họ là một điều quan trọng. Họ thường muốn đó phải là người đã thân thiết với mình trong một thời gian dài. Đối với Tập, người đó chính là Vương Tiểu Hồng.

Để hiểu tầm quan trọng của việc kiểm soát ngành công an, người ta không cần nhìn đâu xa, ngoài sự sụp đổ của Bạc Hy Lai 10 năm trước.

Khi ấy, Bạc đang là quan chức hàng đầu của siêu đô thị Trùng Khánh, và được cho là đã âm mưu làm suy yếu quyền lực của Chủ tịch đương nhiệm Hồ Cẩm Đào, cùng người kế nhiệm được ông chỉ định, Tập Cận Bình.

10 năm trước, Bạc Hy Lai (trái) đã học được bài học quan trọng về việc kiểm soát ngành công an. Hiện ông đang phải ngồi tù sau những tiết lộ của thuộc hạ cũ của mình, giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân. © Reuters

Sự sụp đổ của Bạc phát xuất từ Vương Lập Quân, một thuộc hạ và giám đốc công an thành phố. Vương là một nhân vật đầy tham vọng và là người giải quyết các rắc rối cho Bạc, mãi cho đến khi cả hai bị thất thế. Lo sợ nguy hiểm, Vương đã bí mật xin tị nạn tại tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô lân cận.

Vương mang theo bằng chứng cho thấy vợ của Bạc đã đầu độc và giết chết một doanh nhân người Anh ở Trùng Khánh. Bằng chứng, bao gồm chất dịch nôn của nạn nhân, cuối cùng lại nằm trong tay giới lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ, do Hồ đứng đầu.

Cả Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân hiện đều đang ngồi tù.

Các sĩ quan cảnh sát hàng đầu như Vương thường biết những bí mật sâu kín nhất của các chính trị gia. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo chính trị, dù ở cấp địa phương hay cấp quốc gia, đều không có lựa chọn nào khác ngoài việc liên tục cảnh giác với cảnh sát trưởng của họ.

Trong nền chính trị Trung Quốc, người ta nói rằng một nhà lãnh đạo có thể tận hưởng sự ổn định nếu người ấy nắm chắc cả “súng” và “gươm.”

Một nhóm phụ nữ ném mũ lên trời ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh trong đại hội toàn quốc lần gần nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2017. © Akira Kodaka

Khẩu súng đại diện cho Quân đội Giải phóng Nhân dân, quân đội của Trung Quốc. Thanh gươm tượng trưng cho sức mạnh duy trì trật tự công cộng, tức lực lượng công an.

Đúng như quy luật này, Tập đã nỗ lực để ghi dấu ấn của mình ở cả hai tổ chức.

Trong quân đội, phái Phúc Kiến đã nắm được lợi thế. Trước đại hội toàn quốc gần đây nhất của đảng vào năm 2017, Miêu Hoa (Miao Hua) đã được thăng chức lên làm Chủ nhiệm Cục Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Cục này phụ trách công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong quân đội. Miêu cũng là một thành viên của Quân ủy Trung ương hiện có 7 thành viên, trước đây có 11 thành viên.

Miêu Hoa đến Bình Nhưỡng, Triều Tiên, vào tháng 10/2019. Ông là một trong bảy thành viên của Quân ủy Trung ương Trung Quốc. © AP

Miêu, một người gốc Phúc Kiến, từng đảm nhận một vị trí chủ chốt trong Tập đoàn quân 31 hiện đã không còn tồn tại, đóng tại thành phố Hạ Môn, khi Tập là tỉnh trưởng Phúc Kiến.

Người tiền nhiệm của Miêu trong vị trí Chủ nhiệm Cục Công tác Chính trị là Thượng tướng Trương Dương, người đã bị loại thông qua chiến dịch chống tham nhũng của Tập, sau đó treo cổ tự tử trong lúc bị quản thúc tại gia. Tranh đấu chính trị ở Trung Quốc vẫn luôn diễn ra gay gắt.

Nhiều người khác có liên quan đến phái Phúc Kiến đã được thăng chức trong quân đội.

Nhưng khi nhắc đến ngành công an, có vẻ như Tập chưa hoàn toàn kiểm soát được nhánh này. Điều đó có thể được chứng minh qua một loạt quyết định sa thải các quan chức cấp cao. Các cựu thứ trưởng công an như Tôn Lập Quân (Sun Lijun) và Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua) đều đã bị thất sủng.

Cuộc thanh trừng Phó là đặc biệt đáng chú ý. Là giám đốc công an Bắc Kinh, Phó là nhân vật chủ chốt trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập, truy bắt vô số quan chức. Ông được thăng chức Bộ trưởng Tư pháp để ghi nhận những đóng góp của mình.

Các cựu thứ trưởng công an Tôn Lập Quân (trái) và Phó Chính Hoa, từng là nhân vật chủ chốt trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập, đều đã sa lưới. © AP

Trong khi đó, có một sự im lặng đối với cơ sở quyền lực còn lại của Tập, phái Chiết Giang. Lý Cường (Li Qiang), Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min’er), và Thái Kỳ (Cai Qi)– ba thành viên chủ chốt của phái Chiết Giang – đều không có thay đổi về vị trí.

Là quan chức cấp cao nhất của Thượng Hải, Trùng Khánh, và Bắc Kinh, cả ba đều đã được tái bổ nhiệm – nghĩa là họ đã bỏ lỡ cơ hội thăng tiến ‘vàng’ của mình.

Lý Cường từ lâu đã được coi là một ứng viên kế nhiệm Lý Khắc Cường trong vai trò Thủ tướng, nhưng cơ hội của ông dường như đã tan biến sau vụ phong tỏa Covid kéo dài ở Thượng Hải.

Người dân Thượng Hải không hài lòng với Lý Cường sau khi bị tước mất tự do suốt một thời gian dài như vậy. Gương mặt của ông hiện được cả thế giới biết đến, đại diện cho sự gián đoạn chuỗi cung ứng khổng lồ mà cuộc phong tỏa Thượng Hải đã gây ra.

Suy đoán về việc Lý Cường bị cách chức đã lan truyền khắp Trung Quốc trong thời gian diễn ra phong tỏa, và các thành viên có ảnh hưởng khác của phái Chiết Giang có thể đã tự hỏi liệu chuyện này là điềm lành hay điềm gở đối với chính họ trong tương lai.

Lý Cường (trái) Trần Mẫn Nhĩ, và Thái Kỳ là những phụ tá thân cận nhất của Tập Cận Bình nhưng cũng là những đối thủ cạnh tranh nhau để trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. © Reuters và Kyodo

Nếu có một sự thay đổi nhân sự liên quan đến Lý Cường, dù tốt hay xấu, thì người kế nhiệm ông làm bí thư Thượng Hải cũng sẽ trở thành tâm điểm chú ý.

Mười lăm năm trước, ngay trước một kỳ họp của đại hội đảng toàn quốc, Tập bất ngờ được điều động từ Chiết Giang sang làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Một thời gian sau, Tập tham gia Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, tại đại hội toàn quốc năm 2007. Ông nhanh chóng được thăng tiến trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.

Với việc Lý Cường ở lại Thượng Hải, có thể sẽ không có thay đổi nhân sự nào tại bốn thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc: Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, và Thiên Tân, cho đến khi diễn ra đại hội toàn quốc sắp tới của đảng.

Lý Cường, Trần Mẫn Nhĩ, và Thái Kỳ có thể sẽ tham dự đại hội toàn quốc lần thứ 20 mà không biết số phận của họ sẽ ra sao cho đến phút cuối cùng.

Họ là những phụ tá thân cận nhất của Tập, nhưng cũng là đối thủ của nhau. Do cần có sự phân bổ ghế cho các phe phái khác trong đảng, nên không phải tất cả các nhân vật thuộc phái Chiết Giang đều có thể tham gia Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên.

Ai đó chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc đua.

Các thành viên của phái Chiết Giang được xem là những người đủ điều kiện để đảm nhiệm vị trí của Tập khi ông nghỉ hưu khỏi vị trí lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Nhưng hiện tại, người kế nhiệm Tập là chính ông, và chưa có kế hoạch rõ ràng về việc ông sẽ giao lại quyền lãnh đạo cho ai. Chừng nào triều đại của Tập còn tiếp tục, những người trên đây không thể mơ ước trở thành người kế vị thực sự.

Tập có ý định khiến họ cạnh tranh với nhau cho đến giây phút cuối cùng. Họ sẽ cố gắng khám phá ý định thực sự của ông, và cuộc đua gay cấn để giành ghế Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ tiếp tục.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Related posts