Tin thế giới trưa thứ Sáu: Ông Tập đã “ở ẩn” 13 ngày sau chuyến đi “mạo hiểm” đến Hồng Kông?

Ông Tập đã “ở ẩn” 13 ngày sau chuyến đi “mạo hiểm” đến Hồng Kông?

Ngày 30/6, ông Tập Cận Bình đã gặp gỡ các nhân vật chính trị quan trọng của Đặc khu hành chính Hồng Kông và chụp ảnh chung. Đứng hàng cuối sau ông Tập là Steven Ho thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông mới bị nhiễm COVID-19 vào ngày 3/7. (Nguồn: Ban Thông tin Chính quyền Hồng Kông)

Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Hồng Kông vào ngày 1/7 để dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày bàn giao chủ quyền từ Anh về Trung Quốc, nhiều nguồn tin chỉ ra ông Tập đã “ở ẩn” 13 ngày.

Theo Bloomberg và được CNA (Đài Loan) dẫn lại, dữ liệu của cơ quan chức năng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho thấy ông Tập Cận Bình đã không xuất hiện trước công chúng trong 13 ngày kể từ ngày 1/7. Đây được cho là thời gian ông “ở ẩn” lâu nhất trong năm nay mà không rõ lý do. Ngoài ra, lịch trình xuất hiện được giữ kín kẽ của ông thường chỉ được công khai vài ngày sau sự kiện, điều này có thể dựa trên các cân nhắc về an toàn.

Theo nguồn tin, lần cuối trước đó ông Tập “ở ẩn” trong thời gian dài là từ ngày 1 – 16/8 năm ngoái trong khoảng thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Khi đó người ta cũng không thấy ông Tập xuất hiện trước công luận.

Hiện nay, ngoại giới không biết được tình hình tiêm vắc-xin COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) của ông Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm Hồng Kông vào ngày 1/7, để tham gia lễ kỷ niệm 25 năm bàn giao chủ quyền và lễ ra mắt Chính phủ Hồng Kông mới, cơ quan chức năng đã sắp xếp các biện pháp an ninh nghiêm cho ông ngặt như: không ở lại Hồng Kông qua đêm, những người tham gia phải được cách ly trước theo quy định và hàng ngày phải xét nghiệm axit nucleic liên quan hàng ngàn người. Ông Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm hai ngày vào ngày 1/7 và rời Hồng Kông.

Điều duy nhất “sơ hở” có lẽ là vào ngày 30/6 khi ông Tập chụp ảnh chung với các nhân vật chính trị quan trọng Hồng Kông, trong đó có ông Steven Ho, thành viên Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông thuộc Đảng DAB thân ĐCSTQ. Ngày 2/7 mới đây, ông Steven Ho đã được chẩn đoán nhiễm COVID-19 và bắt đầu tự cách ly theo “lệnh cách ly”. Trong ảnh, ông Steven Ho mang khẩu trang và đứng sau ông Tập.

Chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình là lần đầu tiên ông đặt chân đến thành phố mỗi ngày có hàng ngàn người nhiễm COVID-19, và cũng là lần đầu tiên ông rời Trung Quốc Đại Lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán hồi tháng 1/2020. Do ĐCSTQ áp dụng chính sách ‘Zero-COVID’ đã khiến ông Tập phải hủy bỏ tất cả các chuyến thăm quốc tế và thay vào đó là tham gia nhiều hội nghị thượng đỉnh chính trị quan trọng dưới hình thức trực tuyến.

Hôm 6/7, tờ SCMP Hồng Kông dẫn lời Hội trưởng Huang Junyu của Hiệp hội các nhà giáo dục Hồng Kông cho biết rằng ông Tập Cận Bình đã “chấp nhận rủi ro” để đến Hồng Kông đọc diễn văn.

Được biết vào cuối tháng trước, cơ quan chức năng ĐCSTQ ra quy định mới rằng người từ bên ngoài Đại Lục trở về sẽ phải cách ly 7 ngày trong khách sạn hoặc các cơ sở liên quan, cộng với 3 ngày theo dõi sức khỏe tại nhà. Việc điều chỉnh này cho đến nay được coi là thay đổi lớn nhất trong chính sách chống dịch COVID-19 của ĐCSTQ, nhưng không rõ liệu bản thân ông Tập có phải tuân thủ quy định này không.

Giai Tuệ, Vision Times

Cục Dự trữ Liên bang có thể nâng mức lãi suất lớn nhất kể từ năm 1990

FED tiếp tục dùng lãi suất để kiềm chế nhưng lạm phát vẫn đạt mốc 9,1% hôm 13/7. (Ảnh minh họa: Paul Brady Photography/Shutterstock)

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết có thể gia tăng lãi suất thêm 1% vào cuối tháng này, sau khi một báo cáo lạm phát kỷ lục trong hơn 40 năm được công bố hôm thứ Tư (13/7).

Theo Bloomberg, FED có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 1% trong cuộc họp từ ngày 26-27/7. Đây sẽ là mức tăng lớn nhất kể từ khi FED bắt đầu trực tiếp sử dụng lãi suất qua đêm để thực hiện chính sách tiền tệ vào đầu những năm 1990.

Chủ tịch FED tại Cleveland – Loretta Mester cho biết lạm phát ở mức cao không thể chấp nhận được và việc tiếp tục con đường tăng lãi suất cho đến khi FED nhận được tín hiệu về lạm phát đã chuyển hướng.

Trước đó, FED đã đưa ra các hành động để kiềm chế lạm phát sau khi bị cáo buộc có những phản ứng chậm chạp vào thời điểm ban đầu khi lạm phát mới xuất hiện. Điều này đang làm xáo trộn thị trường tài chính và tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ.

Tuy vậy, trong báo cáo lạm phát mới đây, với sự gia tăng lạm phát 9,1%, các nhà kinh tế tại Nomura Securities International hiện dự kiến lãi suất cơ bản của FED sẽ tăng toàn bộ điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách sắp tới.

“Dữ liệu đến cho thấy vấn đề lạm phát của FED đã trở nên tồi tệ hơn”, Aichi Amemiya của Nomura, Robert Dent và Jacob Meyer, cho biết trong một ghi chú.

Chủ tịch FED Jerome Powell nói với các phóng viên vào tháng trước sau khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, lên phạm vi từ 1,5% đến 1,75%, rằng mức tăng 50 hoặc 75 điểm cơ bản có khả năng xảy ra vào tháng Bảy. Phần lớn các đồng nghiệp của ông kể từ đó đã lặp lại quan điểm của ông hoặc tán thành động thái tăng lãi suất lớn hơn.

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang phải đối mặt với lạm phát chưa từng có, thúc đẩy các đợt tăng lãi suất lịch sử từ Hungary sang Pakistan. Ngân hàng Trung ương Canada hôm thứ Tư đã tăng lãi suất thêm một điểm phần trăm bất ngờ trong bối cảnh lo ngại rằng áp lực giá cao trong nhiều thập kỷ đang trở nên khó thay đổi.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã xoay trục sang thắt chặt chính sách để chủ động đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm. Họ đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng trước – mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994.

Kiến Minh dịch, theo Bloomberg

Nhiệt độ tại 71 trạm khí tượng cao kỷ lục, nhiều người Trung Quốc đột quỵ, MC chảy máu cam trên sóng trực tiếp

Trần Phong

Ảnh: Secretchina.

Trung Quốc đại lục bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng và nhiệt độ tiếp tục tăng cao gần đây. Một nam dẫn chương trình thời sự ở Tô Châu đột nhiên bị chảy máu mũi khi đang lên sóng bản tin thời sự vào buổi tối. Sau khi kết thúc chương trình, anh ấy giải thích rằng do trời nóng quá phát hỏa, dẫn đến bị chảy máu cam.  

Theo truyền thông Trung Quốc Sohu, vào ngày 11 tháng 7, một nhân viên nam của Đài Phát thanh và Truyền hình Tô Châu, tỉnh Giang Tô đã bất ngờ máu từ mũi chảy ra khi đang lên sóng bản tin thời sự đêm. Điều đáng chú ý là thỉnh thoảng mắt của nữ tiếp viên sẽ nhìn nam dẫn chương trình, như thể muốn đạo diễn chuyển khung hình và cho anh ta một chút thời gian để lau mũi. Nhưng đạo diễn không hiểu ý và máy quay luôn hướng về phía anh ta.

MC vẫn tiếp tục đọc bản tin trong khi máu vẫn đang chảy xuống

Theo đoạn video được cư dân mạng lan truyền, khi nam MC đang đọc tin tới đoạn: “Mùa hè thời tiết nóng bức, xuất hiện tình trạng trẻ em bị bỏng,… tình hình rất nguy cấp”. Lúc này, mũi phải của nam MC chảy xuống, tốc độ hơi nhanh, nam MC dường như cảm giác được có gì đó không đúng, có chút khựng lại, nhưng vẫn giữ tâm thái bình tĩnh để đọc hết toàn bộ bản tin, mãi cho đến khi kết thúc chương trình.

Sau đó, nam MC đến bệnh viện để khám, chỉ đơn giản là do thời tiết nóng quá nên bị chảy máu cam. Đài truyền hình Tô Châu cho biết, thời tiết nóng bức gần đây gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu sức khỏe không tốt hãy kịp thời đi khám bác sĩ, dân văn phòng cần chú ý giữ gìn sức khỏe kịp thời.

Trước sự việc này, cư dân mạng đại lục đã bàn tán xôn xao, Vision Times đã tổng hợp một số bình luận như: “Đừng cổ súy kiểu chuyên nghiệp biến thái như thế này nhé? Ngộ nhỡ MC đã cảm thấy rất khó chịu mà vẫn kiên trì đưa tin, không kịp thời chữa bệnh thì sao. Quả thực, không phải là vấn đề chuyên nghiệp hay không, mà là vấn đề sức khỏe, kiểu tuyên truyền này thật kinh dị!”

“Anh ấy hoàn toàn có thể dùng khăn giấy lau sạch. Thật kỳ dị khi coi các chương trình phát sóng trực tiếp quá to tát, bạn có thể nhẹ nhàng như bình thường để đọc tin tức mà.”

Sohu cũng bình luận: “Bên cạnh sự ngưỡng mộ dành cho người dẫn chương trình, chúng tôi không khỏi thắc mắc tại sao các nhân viên vào thời điểm đó lại không thể linh hoạt trong việc này.”

“Chất lượng chuyên môn của người dẫn chương trình có thể giúp xử lý kịp thời tình huống bất ngờ, nhưng đạo diễn có thể chuyển nhiều cảnh và để người dẫn chương trình giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng.”

Sự việc của nam dẫn chương trình cũng phần nào phản ánh tình hình thời tiết nóng bực ở Trung Quốc gây ra các phản ứng tiêu cực trên cơ thể như chảy máu cam.

Đợt nắng nóng hiếm gặp càn quét Trung Quốc đại lục

Trung Quốc đại lục gặp phải đợt nắng nóng hiếm gặp, theo NTDTV, thời gian gần đây nhiều nơi ở Trung Quốc có nhiệt độ cao lên tới 40 độ, nhiệt độ cao nhất ở huyện Linh Thọ, tỉnh Hà Bắc thậm chí còn vượt quá 44 độ. Các chủ đề liên quan lọt vào top 10 tìm kiếm nóng ở đại lục.

Vào ngày 13/7, nhiệt độ cao nhất tại 71 trạm khí tượng quốc gia trên toàn Trung Quốc đã phá kỷ lục lịch sử. Trong đó Linh Thọ, Hà Bắc  (44,2 ° C), Cảo Thành (44,1 ° C), Chính Định (44,0 ° C) và Vân Nam, Diêm Tân (44 ℃). Nhiệt độ cao nhất trong ngày trên 44 ℃. Đồng thời, nhiều nơi xuất hiện tình trạng “say nóng” có nguy cơ tử vong cao. 

Say nóng là giai đoạn nặng nhất của say nắng do cơ thể bị tích tụ quá nhiều nhiệt, từ đó gây ra các tổn thương thần kinh. Biểu hiện thường là sốt cao, nhiệt độ cơ thể trên 40 ℃, da khô nóng mà không có mồ hôi, mất ý thức, hôn mê, ảo giác, cơ quan nội tạng có thể bị tổn thương,… Nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong cao tới 50%.

Theo Morning News, tính đến thời điểm hiện tại, đợt thời tiết nắng nóng đã kéo dài một tháng, bao phủ một vùng đất rộng 5,021 triệu km vuông và ảnh hưởng đến  số dân hơn 900 triệu người.

Dưới nhiệt độ cao, nhiều ngày qua tại Chiết Giang, Giang Tô, Tứ Xuyên và các nơi khác đã xảy ra các vụ đột quỵ và đã có nhiều trường hợp tử vong.

Theo China Youth Network, bệnh viện Trung ương thành phố Lệ Thuỷ tỉnh Chiết Giang trong tuần qua đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đột quỵ do nhiệt, trong số đó, ngày 12 có một nam bệnh nhân có thân nhiệt lên tới 41 ° C khi nhập viện, cứu chữa không thành công nên đã qua đời. Cùng ngày, một phụ nữ 70 tuổi khác được đưa đến bệnh viện với nhiệt độ cơ thể là 42,5 ° C, bị suy đa tạng, hiện vẫn đang được cấp cứu.

Ngày 13, một bệnh nhân nam 75 tuổi khác khi được đưa đến bệnh viện nhiệt độ cơ thể là 42 ° C, sau 3 ngày cấp cứu, ông đã bắt đầu có ý thức.

Tại Trịnh Châu, Hà Nam, một người đàn ông đã hôn mê vì say nắng. Các bác sĩ theo dõi nhiệt độ cơ thể của anh ta lên tới 42,3 ° C và các cơ quan nội tạng của anh ta dường như đã bị “đun sôi” trong nước.Ngày 13/7, một công nhân nhà máy 48 tuổi ở Suzhou (Tô Châu) đột ngột ngã quỵ khi đang làm việc, kèm theo co giật, thân nhiệt vượt quá 42 ° C khi được đưa đến bệnh viện. Anh ta được chẩn đoán là bị say nóng và vẫn đang được cấp cứu.

Tiền lương thực tế của người Mỹ giảm một lần nữa khi lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm

Bryan Jung

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói tại Mack Truck Lehigh Valley Operations ở Macungie, Pennsylvania, hôm 28/07/2021. (Ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images) Hoa Kỳ

Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ hôm 13/07, thu nhập thực tế trung bình hàng giờ và hàng tuần được điều chỉnh theo mùa của người lao động Mỹ đã giảm 1% từ tháng Năm đến tháng Sáu.

Mặc dù nhiều người lao động đang nhận được khoản tiền lương lớn hơn trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt, giá cả tăng cao đang gây thêm áp lực lên tài chính của họ do lạm phát cao hơn mức tăng lương.

Lạm phát đã tăng lên mức hết sức cao 9.1% trong 12 tháng kết thúc vào tháng Sáu — mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980, theo số liệu mới nhất từ ​​Chỉ số Giá tiêu dùng hôm 13/07.

Theo chỉ số này, giá xăng cao, tăng 59.9%, đã khuyến khích nhiều nhân viên làm việc tại nhà và cũng đang lấy đi một phần tiền lương thường xuyên.

Chỉ số CPI cốt lõi, vốn loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng biến động, tăng 5.9% — cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang — trong khi hàng tạp hóa hiện có giá cao hơn 12.2% so với năm ngoái.

Giá cả cao hơn đã đặc biệt ảnh hưởng đến những người trong các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, vì tiền lương chỉ tăng 0.3% trong thu nhập trung bình hàng giờ vào tháng trước so với mức tăng 1.3% của lạm phát.

Thu nhập trung bình hàng giờ thực tế giảm 3.6% so với một năm trước, trong khi thu nhập tăng 0.9% và lạm phát đã đẩy giá cả tăng 4.4% so với cùng tháng năm 2021.

Thu nhập trung bình hàng giờ thực tế cho nhân viên sản xuất và không giám sát đã giảm 1.1% trong tháng Sáu, do thu nhập trung bình hàng giờ tăng 0.5% kết hợp với mức tăng 1.5% trong Chỉ số Giá Tiêu dùng cho người Làm công ăn lương và Nhân viên văn phòng ở thành thị – thước đo được chính phủ sử dụng để tính toán chi phí mà người lao động Mỹ phải đối mặt.

Kể từ tháng 06/2021, thu nhập trung bình thực tế theo giờ giảm 3.1%, trong khi sự thay đổi trong thu nhập thực tế trung bình hàng giờ kết hợp với mức giảm 0.9% trong tuần làm việc trung bình, dẫn đến thu nhập trung bình hàng tuần thực tế giảm 3.9% trong khoảng thời gian đó.

“Đó chỉ là sản phẩm phụ của thực tế là lạm phát cao nhất trong 40 năm,” Giám đốc phân tích tài chính Greg McBride của Bankrate cho biết về sự sụt giảm thu nhập thực tế hàng giờ.

“Nếu quý vị đo lường nó bằng đồng dollar danh nghĩa, thì tăng trưởng tiền lương là tốt nhất trong nhiều năm, nhưng quý vị sẽ không bao giờ biết được điều đó vì lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập niên, và nếu không thì mức tăng lương mạnh mẽ đang cao hơn mức được tiêu thụ bởi chi phí gia đình tăng.”

Cải thiện tiền lương phụ thuộc vào việc lạm phát hạ nhiệt

Ông McBride nói rằng việc điều tiết hoặc tăng lương sẽ “hoàn toàn phụ thuộc” vào khi nào lạm phát bắt đầu hạ nhiệt.

Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng Sáu — lần tăng lãi suất mạnh nhất của quỹ liên bang trong gần 30 năm và dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào cuối tháng này.

Ông McBride nói: “Đối với tất cả các cuộc thảo luận về việc lạm phát đạt đỉnh điểm, không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó đã xảy ra.”

Chính phủ ông Biden, trước đó đã rêu rao rằng lạm phát đã đạt đến đỉnh điểm, hiện đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, sau khi con số CPI tháng Sáu âm cho thấy giá năng lượng là động lực lớn nhất của lạm phát trong tháng trước.

Ông cảnh báo: “Chúng ta liên tục nhận tín hiệu giả. Và những con số, mặc dù chúng phản ánh quá khứ, vẫn tiếp tục trở nên tồi tệ hơn. Đây không phải là thứ chỉ giới hạn trong thực phẩm và khí đốt, mà nó ở tất cả các thể loại.”

Báo cáo CPI cao hơn dự kiến ​​hôm nay có thể sẽ thúc đẩy Fed tiếp tục lập trường mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát.

Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với nền tảng chính trị và ngành luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.

Nhật Thăng biên dịch

Đàm phán vừa kết thúc, Nga tấn công tên lửa khiến 22 người Ukraine thiệt mạng

Huyền Anh

Khói bốc lên từ một toà nhà sau một cuộc không kích của Nga vào thành phố Vinnytsia, miền trung tây Ukraine hôm 14/7/2022 khiến 21 người, trong đó có 3 trẻ em, đã thiệt mạng. (Ảnh: Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước Ukraine/Handout/Anadolu/Getty Images)

Hôm 14/7, tên lửa Nga đã tấn công thành phố Vinnytsia của Ukraine cách xa chiến tuyến 200 km khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Cuộc tấn công diễn ra một ngày sau khi đàm phán giữa Moscow và Kyiv đạt được bước đột phá trong việc ngăn chặn xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Hai bên nhấn mạnh rằng hiện vẫn chưa có bất kỳ hình thức giải quyết hòa bình nào bất chấp những tiến bộ trong các cuộc đàm phán đó.

“Sáng nay, tên lửa Nga đã đánh trúng thành phố Vinnytsia của chúng ta, một thành phố bình thường, yên bình. Tên lửa hành trình đánh trúng hai cơ sở cộng đồng, nhà cửa và một trung tâm y tế bị phá hủy, ôtô, xe điện bốc cháy”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay. “Đây là hành động khủng bố của người Nga”.

Lãnh đạo Cảnh sát Quốc gia Ukraine Ihor Klymenko nói rằng ít nhất 22 người đã chết, trong đó có ba trẻ em, trong khi 33 người mất tích. 52 người phải nhập viện, bao gồm 4 trẻ em, 34 người trong số họ bị thương nặng.

Theo ông Klymenko, 6 thi thể đã được xác định danh tính và giới chức có thể xét nghiệm ADN để xác định danh tính những người còn lại. Hơn 50 toà nhà và hơn 40 ôtô bị hư hại trong vụ tấn công.

Bộ Quốc phòng Nga, phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường, không đưa ra bình luận ngay lập tức về vụ tấn công. Nga đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống lại Ukraine vào ngày 24/2, nói rằng mục đích của họ là làm suy giảm cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine để bảo vệ an ninh của chính nước này.

Vinnytsia nằm cách thủ đô Kyiv của Ukraine khoảng 200 km (125 dặm) về phía tây nam và cách xa các chiến tuyến chính ở miền đông và miền nam Ukraine. Khói bốc lên từ những chiếc xe hơi sau một cuộc không kích của Nga vào thành phố Vinnytsia, miền trung tây Ukraine hôm 14/7/2022 khiến 21 người, trong đó có 3 trẻ em, đã thiệt mạng. (Ảnh: Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước Ukraine/Handout/Anadolu/Getty Images)

Vụ tấn công của Nga đã tấn công vào bãi đậu xe của khu văn phòng 9 tầng “Yuvelirniy” vào khoảng 10 giờ 50 (07 giờ 50 GMT) theo giờ địa phương, Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Nhà nước Ukraine cho biết.

Cơ quan này cũng đăng những bức ảnh cho thấy khói xám bốc lên từ phần còn lại của những chiếc xe bị cháy và đống đổ nát âm ỉ gần đó.

Đoạn video do ông Oleksiy Goncharenko, một chính trị gia Ukraine, đăng trên Telegram, cho thấy khói đen dày đặc bốc ra từ một tòa nhà cao tầng.

Giao tranh ở mặt trận phía Đông

Ở tiền tuyến của cuộc chiến cách đó hàng trăm dặm về phía đông, Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi các nỗ lực tấn công mặt đất của Nga sau khi Moscow tập trung hỏa lực vào và xung quanh hai thị trấn mà họ coi là bàn đạp để giành quyền kiểm soát các thành phố lớn hơn.

Ukraine với sự trợ giúp của các hệ thống tên lửa di động HIMARS của Mỹ, đã bắt đầu tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ do Nga kiểm soát và phá hủy các kho chứa đạn và làm suy giảm năng lực chiến đấu của Nga.

Ông Daniil Bezsonov, một quan chức Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng do Nga hậu thuẫn, cho biết hôm 14/7 rằng các lực lượng vũ trang của quân đội và Nga đang tập trung hỏa lực ở miền đông Ukraine vào các thị trấn Siversk và Soledar.

Phát biểu với kênh truyền hình trực tuyến Solovyov Live, ông nói: “Siversk nằm trong tầm kiểm soát hoạt động của chúng tôi, có nghĩa là chúng tôi có thể tấn công kẻ thù ở bất cứ đâu”.

Tuy nhiên, ông nói rõ rằng cả hai thị trấn vẫn do quân đội Ukraine nắm giữ. Ông nhấn mạnh rằng kế hoạch của Nga là chiếm giữ hai thị trấn và sau đó tiến tới tấn công các thành phố Sloviansk và Kramatorsk từ phía đông.

Quân đội Ukraine, báo cáo về các cuộc pháo kích và không kích của Nga vào Siversk và Kramatorsk, tuyên bố rằng họ đang giữ vững chiến tuyến trên tất cả các mặt trận và đẩy lùi tất cả các cuộc tấn công có chủ đích.

Quân đội Ukraine cho biết thị trấn Soledar, được coi là cửa ngõ vào thành phố Bakhmut và Kramatorsk của Ukraine, cũng đã bị đánh bom.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, có vẻ như các lực lượng Nga đang phải vật lộn để tiến tới miền đông Ukraine khi cuộc chiến cán mốc 5 tháng, bởi vì Moscow không thể điều động được lực lượng quan trọng cần thiết mà họ cần để chiến đấu.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

HIMARS tiếp tục giúp Ukraina phá hủy kho đạn thứ hai của Nga

Trần Phong

Ảnh: Newsweek.

Ukraina hôm thứ Năm cho biết họ đã phá hủy kho đạn thứ hai của Nga ở thành phố Nova Kakhovka bằng cách sử dụng phương tiện phóng tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất.

Đoạn phim, được quay vào ban đêm, cho thấy hết vụ nổ này đến vụ nổ khác khi mục tiêu, mà lực lượng Ukraine cho là một kho đạn dược, bốc cháy. Những hình ảnh được thu thập hôm thứ Năm từ Văn phòng Truyền thông Chiến lược (StratCom) của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Nova Kakhovka là một thành phố ở Vùng Kherson, miền nam Ukraine. Quân đội Nga đã chiếm phần lớn Khu vực Kherson kể từ ngày 2 tháng 3, khi thủ phủ Kherson của khu vực này rơi vào tay các lực lượng xâm lược.

Động thái này diễn ra sau khi tòa nhà đầu tiên bị quân Ukraine phá hủy ở Nova Kakhovka, trong khi người Ukraine nói rằng đây cũng là một kho đạn dược. Trong khi đó, Nga phủ nhận điều này, thay vào đó tuyên bố rằng nhà cửa và nhà kho bị ảnh hưởng, khiến 7 người chết và khoảng 80 người bị thương.

Phụ tá tổng thống Ukraine Mykhaylo Podolyak cho rằng vụ tấn công là do một bệ phóng nhiều tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp .

Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao M142 (HIMARS) là hệ thống phóng tên lửa hạng nhẹ gắn trên xe tải được phát triển vào cuối những năm 1990 cho Quân đội Hoa Kỳ.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 14 tháng 7, Nga đã mất khoảng 37.870 binh lính, 1.667 xe tăng, 3.852 phương tiện chiến đấu bọc thép, 2.720 phương tiện cơ giới và tàu chở nhiên liệu. Những thông tin này chưa được các hãng độc lập kiểm chứng, cũng như phía Nga chưa lên tiếng phản hồi trước tuyên bố của đối thủ.

Hoa Kỳ, Mexico cam kết hàng tỷ USD cho ‘nỗ lực hiện đại hóa cơ sở hạ tầng’ ở biên giới

Naveen Athrappully

Tổng thống Joe Biden (bên trái) đưa ra nhận xét trước cuộc họp với các chủ doanh nghiệp nhỏ tại Thính phòng South Court của Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 28/04/2022. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images); Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador nói trong cuộc họp báo buổi sáng thường nhật tại Thành phố Mexico hôm 11/04/2022. (Ảnh: Claudio Cruz/AFP qua Getty Images)

Hoa Kỳ và Mexico đã đồng ý đầu tư gần 5 tỷ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng dọc theo đường biên giới dài 2,000 dặm giữa hai nước.

Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm của Tổng thống (TT) Joe Biden bao gồm khoản đầu tư 3.4 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu quốc gia dọc biên giới với Mexico.

Các dự án này sẽ “tạo ra việc làm được trả lương cao ở địa phương, tăng cường an toàn và an ninh, và khiến cho nền kinh tế mau phục hồi hơn trước những thách thức của chuỗi cung ứng,” ông Biden và TT Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết trong một tuyên bố chung hôm 12/07. 

Ngoài ra, từ năm 2022 đến năm 2024, Mexico sẽ tài trợ 1.5 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng biên giới.

Các nhà lãnh đạo cho biết, “Các biên giới vững chắc hơn, hiệu quả hơn, và an toàn hơn, sẽ tăng cường thương mại chung của chúng ta. Chúng tôi cam kết theo cách chưa từng có trong lịch sử về việc hoàn thành một nỗ lực trong nhiều năm để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng biên giới chung Hoa Kỳ – Mexico đối với các dự án dọc theo biên giới dài 2,000 dặm này.” 

Hai vị tổng thống đã cam kết duy trì “các chính sách thực thi biên giới mạnh mẽ” trong khi bảo đảm nhân quyền được bảo vệ. Đối với người di cư đang tìm cách tiếp cận “những con đường hợp pháp,” thì tuyên bố chung cam kết thúc đẩy “các biện pháp bảo vệ người lao động nhiều hơn.” Cả hai quốc gia dự định tập hợp một nhóm hành động để ứng phó với vấn đề trẻ em di cư. 

Họ cũng cam kết truy kích “hoạt động tội phạm buôn lậu trị giá nhiều tỷ USD” mà hiện “đang ám ảnh” những người di cư. Văn phòng Tổng Chưởng lý Mexico cùng Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa của Hoa Kỳ đã phối hợp để bắt giữ và truy tố các cá nhân tham gia vào các tội liên quan. 

TT Biden đã gặp gỡ TT López Obrador tại Oval Office để đàm luận về một số vấn đề, bao gồm cả nhập cư bất hợp pháp. 

Hồi tháng Sáu, ông López Obrador đã tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Châu được tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn, bởi vì các nhà lãnh đạo từ các quốc gia ở Nam Mỹ gồm Venezuela, Nicaragua, và Cuba đã không được mời đến sự kiện này. 

Vượt biên di cư bất hợp pháp

Tuyên bố chung nhằm xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng biên giới được đưa ra trong bối cảnh các cuộc vượt biên bất hợp pháp tăng vọt dưới thời chính phủ TT Biden. 

Dữ liệu từ Cục Hải Quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) cho thấy hồi tháng Năm các nhân viên từ Brownsville, Texas cho đến San Diego đã bắt giữ tổng cộng 232,628 người vượt biên bất hợp pháp, con số hàng tháng cao nhất trong hơn hai thập niên. 

Trong cùng khoảng thời gian này, số vụ trục xuất người ngoại quốc bị kết án tù đã giảm xuống, từ 90,000 người trong năm tài chính 2019 xuống còn chỉ 15,044 người vào năm tài chính 2021.

Mối quan hệ giữa chính phủ TT Biden và Lực lượng Tuần tra Biên giới đã là đối đầu. 

Hồi tháng 09/2021, Hoa Thịnh Đốn đã chỉ trích các nhân viên của Lực lượng Tuần tra Biên giới trên lưng ngựa sau khi một bức ảnh dường như có ý cho thấy các nhân viên này “đang quất roi” những người di cư từ Haiti đang tìm cách vượt biên bất hợp pháp và xin tị nạn tại biên giới Del Rio được lan truyền. Ông Biden đã cam đoan rằng những nhân viên này sẽ “trả giá” cho hành động của họ. 

Tuy nhiên, một cuộc điều tra kéo dài chín tháng của Văn phòng CBP về Trách nhiệm Cá nhân cho thấy “không có bằng chứng” về việc các nhân viên cố tình dùng dây cương để đánh người di cư. Ngoài ra, các nhân viên được phát hiện không mang theo roi da vào thời điểm xảy ra vụ việc. 

Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.

Thanh Nhã biên dịch

Related posts