Tin thế giới tối thứ Năm: Các quốc gia G7 thúc đẩy việc áp giá trần dầu Nga vào đầu tháng 12

Ủy ban Nhân quyền LHQ: Hồng Kông phải bãi bỏ Luật An ninh Quốc gia

Luật An ninh Quốc gia đã “đốt cháy” nền tự do dân chủ của Hồng Kông. (Ảnh minh họa: Natanael Ginting/Shutterstock)

Hôm thứ Tư (27/7), một cơ quan giám sát của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng các quyền dân sự ở Hồng Kông ngày càng xấu đi, đặc biệt tổ chức này kêu gọi Đặc khu của Trung Quốc bãi bỏ Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh áp đặt hai năm trước.

Ủy ban Nhân quyền LHQ, gồm 18 chuyên gia độc lập, cho biết, họ “quan ngại sâu sắc về việc diễn giải luật quá rộng và việc áp dụng luật một cách tùy tiện”.

Cơ quan giám sát của LHQ chỉ trích, Luật An ninh Quốc gia được cho là đã dẫn đến “việc bắt giữ hơn 200 người kể từ khi ban hành vào năm 2020, trong đó có 12 trẻ em, với lý do gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.

Ủy ban Nhân quyền LHQ, cơ quan giám sát việc tôn trọng các quy tắc toàn cầu về các quyền dân sự và chính trị, khuyến nghị, Hồng Kông nên “thực hiện các bước cụ thể để bãi bỏ Luật An ninh Quốc gia hiện hành, và trong thời gian chờ đợi [bãi bỏ], không áp dụng luật này.”

Luật An ninh Quốc gia hà khắc do Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông vào năm 2020 trong bối cảnh chính quyền Hồng Kông, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của người dân Hồng Kông. Luật này bị chỉ trích là có những điều khoản mơ hồ nhằm mục đích hình sự hóa các hoạt động lật đổ, ly khai, khủng bố và cấu kết với lực lược nước ngoài với mức án lên đến tù chung thân.

Đầu tháng này kỷ niệm 25 năm ngày Anh bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc, trong cuộc họp đánh giá thường kỳ lần thứ tư về Hồng Kông, ủy ban nhân quyền của LHQ lên án, Luật An ninh Quốc gia đã được ban hành “mà không có sự tham vấn với cộng đồng và xã hội dân sự” tại Đặc khu này.

Cơ quan này cảnh báo, “sự thiếu rõ ràng” của Luật An ninh Quốc gia đã gây ra khó khăn trong việc xác định những hành vi nào cấu thành tội phạm hình sự.

Ủy ban nhân quyền cũng chỉ trích, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, luật an ninh này đã áp dụng lại điều luật coi hành vi xúi giục nổi loạn là tội phạm. Ủy ban còn chỉ ra cách luật này được sử dụng để buộc tội các học giả, các nhà báo và những người khác “vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận hợp pháp của mình”.

Cơ quan của LHQ nhấn mạnh: “Ủy ban lo ngại về tác động bất lợi của việc diễn giải quá rộng và việc áp dụng tùy tiện Luật An ninh Quốc gia và luật chống nổi loạn, cũng như tác động của nó đối với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận.”

Ủy ban còn cáo buộc, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia ở Hồng Kông đã được chuyển sang quyền xét xử của Trung Quốc, cũng như luật này đã cho phép đặc khu trưởng Hồng Kông có “quyền lực quá mức”.

Cơ quan giám sát của LHQ cảnh báo, điều này “có thể phá hoại nghiêm trọng tính độc lập của các biện pháp bảo vệ theo thủ tục và tư pháp để tiếp cận công lý và quyền được xét xử công bằng”.

Một khi Luật An ninh Quốc gia này được bãi bỏ, ủy ban kêu gọi, quy trình làm luật để ban hành bất kỳ luật an ninh mới nào đều phải “toàn diện và minh bạch, tạo điều kiện cho sự tham gia tự do, cởi mở và có ý nghĩa của xã hội dân sự và công chúng”.

Gia Huy (Theo AFP)

Các quốc gia G7 thúc đẩy việc áp giá trần dầu Nga vào đầu tháng 12

Các thành viên của Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu đang tìm cách thúc đẩy việc áp đặt giá trần với dầu Nga vào ngày 5/12, một quan chức cấp cao của G7 cho biết khi các nhà lãnh đạo nỗ lực ổn định thị trường đầy biến động và muốn cắt đứt nguồn tài chính của Nga cho cuộc chiến ở Ukraine.

Quan chức G7 nói với Reuters, thời điểm mục tiêu áp đặt mức giá trần này sẽ trùng với gói trừng phạt của Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển.

“Mục tiêu ở đây là sẽ trùng hợp với thời gian mà EU đã đưa ra,” quan chức này cho hay. “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng cơ chế áp giá trần sẽ có hiệu lực cùng lúc.”

Vài tháng trước đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã thúc đẩy các thành viên của nhóm các quốc gia G7 và những người mua số lượng lớn dầu của Nga về việc áp đặt giới hạn giá. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen sẽ đi công tác trong tháng này để gặp gỡ những người đồng cấp ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Bà cũng đã trò chuyện qua điện thoại với các nhà lãnh đạo từ Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia được hưởng lợi nhiều từ việc giảm giá dầu thô của Nga và được coi là những nhân tố chủ chốt trong việc áp dụng kế hoạch.

“Chúng tôi đã nhận được thông tin về một số quốc gia châu Á quan tâm đến việc gia nhập liên minh, hoặc hiểu rõ hơn về mức giá mà giá sẽ được ấn định để tăng cường sức mạnh của họ trong các cuộc đàm phán với người Nga về các hợp đồng tương lai,” quan chức G7 cho biết thêm.

Theo kế hoạch áp đặt mức giá trần mà các nhà lãnh đạo G7 đã thông qua vào tháng trước, các quốc gia tham gia sẽ hình thành một “nhóm người mua” để giới hạn giá dầu thô của Nga ở mức thấp hơn thị trường.

Các nhà phân tích giải thích, mục tiêu của kế hoạch là đặt ra mức giá chỉ cao hơn một chút so với chi phí sản xuất biên của Moscow – về cơ bản là càng gần với con số này càng tốt. Nếu như mức này quá thấp, và các nhà lãnh đạo có nguy cơ bị Nga trả đũa và đóng cửa hoàn toàn việc sản xuất. Nếu giá quá cao thì cũng sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn.

Tuần trước, Giám đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina trao đổi với các phóng viên, bà tin rằng Moscow sẽ từ chối bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào ký áp đặt mức giá trần với dầu Nga.

Bà Nabiullina cũng lặp lại lời cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hồi đầu tháng rằng, giá dầu toàn cầu sẽ “vượt mức 300-400 USD/thùng” nếu giới hạn giá được thực hiện.

Trên thực tế, các nhà phân tích cũng cảnh báo, giá dầu có nguy cơ gia tăng, ước tính ở mức từ 140 đến 200 USD/thùng.

Minh Ngọc (Theo Washingtonexaminer)

Quan chức Lầu Năm Góc: ‘Xung đột chỉ còn là vấn đề thời gian’ nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn trong khu vực

Huyền Anh

Quan chức Lầu Năm Góc: 'Xung đột chỉ còn là vấn đề thời gian' nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn trong khu vực
Ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại hội thảo Biển Đông thường niên do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington hôm 26/7/2022. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Theo một quan chức Lầu Năm Góc, ĐCSTQ đang thực hiện một cách có hệ thống một chiến lược trên phạm vi rộng nhằm phá hoại và cuối cùng là thay thế trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Tại hội thảo Biển Đông thường niên do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington hôm 26/7, ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương cho biết: “Trên tất cả các chỉ số đo lường, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, đó là cơ hội to lớn cho Hoa Kỳ nhưng rõ ràng cũng đặt ra những thách thức lớn”.

Ông Ratner nói thêm: “Thách thức có hậu quả lớn nhất ở Ấn Độ Dương từ góc độ an ninh bắt nguồn từ Trung Quốc”, ông Ratner nói thêm.

Ông Ratner nói rằng cánh quân của ĐCSTQ, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã gia tăng mạnh mẽ sự gây hấn đối với các đối tác của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong 5 năm qua.

Ông nói, hành động gây hấn đó là một phần của “cách tiếp cận chiến lược thống nhất” rộng lớn hơn, nhằm “giải giáp cấu trúc các yếu tố cốt lõi của trật tự dựa trên quy tắc”.

Ông nói, ĐCSTQ đang sử dụng PLA để “kiểm tra một cách có hệ thống các giới hạn của quyết tâm tập thể của chúng ta” và “thúc đẩy một hiện trạng mới”.

Ông Ratner đã trích dẫn sự gia tăng mạnh mẽ trong việc PLA chặn các phương tiện giao thông của các quốc gia khác không an toàn bắt đầu từ khoảng 5 năm trước. Ông cho biết, vào thời điểm đó, số lượng các cuộc diễn tập không an toàn và hung hãn do PLA tiến hành đã tăng lên theo “cấp độ lớn” mỗi năm.

Ông nói Bắc Kinh chỉ mới bắt đầu gia tăng sự hung hăng khoảng 5 năm trước đây (tức từ năm 2017), và ông nhận định rằng ‘đó không phải là sự cố riêng lẻ hay hành động cố tình của một phi công nào đó mà là xu hướng, chính sách rõ ràng của Bắc Kinh’.

Ông Ratner nói: “Chúng tôi thấy Bắc Kinh đang kết hợp sức mạnh quân sự ngày càng tăng của mình với sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn”.

“Nó giống như một khuôn mẫu và một chính sách, không chỉ là một quyết định của một phi công riêng lẻ”, ông cho hay.

Để minh chứng, ông đã chỉ ra những sự cố liên quan đến Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) trên Biển Đông nhằm chặn tàu chiến và máy bay của của Mỹ và của các đồng minh hoạt động trong khu vực, chẳng hạn như vụ chiến đấu cơ J-16 cắt ngang một máy bay Úc và phóng đạn vào động cơ của chiếc máy bay Úc. Phi hành đoàn Úc không bị thương nhưng buộc phải hạ cánh khẩn cấp và chấm dứt nhiệm vụ.

Một sự kiện khác là một tàu hải quân Trung Quốc chiếu tia laser vào tàu chiến Úc gây nguy hiểm cho các thủy thủ trên tàu, hay tiếp cận phi cơ Mỹ ở khoảng cách rất gần…

Các vụ việc tương tự cũng được ghi nhận giữa Trung Quốc và Canada. Trong mỗi trường hợp, các máy bay của đồng minh đều ở trên vùng biển quốc tế và thực hiện các sứ mệnh thay mặt Liên Hợp Quốc. Những sứ mệnh đó đáng chú ý nhất bao gồm một cuộc điều tra về các báo cáo rằng Trung Quốc đã vi phạm bất hợp pháp các lệnh trừng phạt bằng cách cung cấp dầu cho Triều Tiên thông qua chuyển tàu trên biển.

Ông Ratner nói: “Tôi muốn nói rõ rằng đây không phải là những sự cố cá biệt. “Trong 5 năm qua, số vụ đánh chặn không an toàn của PLA bao gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ… đã tăng lên đáng kể”.

“Hành vi hung hăng và vô trách nhiệm này thể hiện một trong những mối đe dọa đáng kể nhất đối với hòa bình và ổn định trong khu vực hiện nay”.

Ông Ratner nói thêm rằng hành động gây hấn của ĐCSTQ còn kéo dài đến việc nhiều lần vi phạm chủ quyền của các quốc gia khác, bao gồm cả việc sử dụng PLA để rình rập và quấy rối các phương tiện trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia đó.

Đối với các nước có tranh chấp trên Biển Đông, Bắc Kinh tiếp tục có những hành động ‘cưỡng ép’ như đe dọa tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này hồi tháng Năm, triển khai hàng chục máy bay quân sự vào không phận của Malaysia hay bắn vòi rồng để chặn tàu tiếp tế của Phillipines lên đường đến bãi Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây) hồi năm ngoái…

“Nếu PLA tiếp tục kiểu hành xử như thế này, thì đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi xảy ra sự cố lớn ở khu vực”, ông cảnh báo và lên án hành động của Bắc Kinh là ‘hung hăng, vô trách nhiệm’ và là ‘mối đe dọa trầm trọng cho hòa bình và ổn định khu vực’.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Sri Lanka bắt giữ các nhà lãnh đạo biểu tình và gia hạn tình trạng khẩn cấp

Người dân Sri Lanka kéo đến dinh thự Tổng thống. (Ảnh chụp màn hình video)

Cảnh sát Sri Lanka thông báo, hai nhà hoạt động giúp lãnh đạo các cuộc biểu quy mô lớn lật đổ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã bị bắt hôm thứ Tư (27/7) trong bối cảnh quốc hội nước này đã gia hạn việc áp dụng luật khẩn cấp cứng rắn để khôi phục trật tự.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã buộc phải bỏ trốn khi hàng chục nghìn người biểu tình xông vào tư dinh của ông ở thủ đô Colombo. Những người biểu tình đã nổi giận vì cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có ở quốc đảo này.

Sau đó Tổng thống Rajapaksa đã bay đến Singapore và đệ đơn từ chức, trong khi đó người kế nhiệm của ông, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, đã ban bố tình trạng khẩn cấp và cam kết áp dụng đường lối cứng rắn đối với “những kẻ gây rối”.

Trong một thông báo khác hôm thứ Tư (27/7), cảnh sát cho biết, họ đã bắt giữ các nhà hoạt động Kusal Sandaruwan và Weranga Pushpika với tội danh hội họp bất hợp pháp.

Sau khi Tổng thống Rajapaksa bỏ trốn, nhà hoạt động Sandaruwan đã được nhìn thấy trong một đoạn phim trên mạng xã hội khi đang đếm một cọc tiền lớn được tìm thấy trong nhà của tổng thống.

Cảnh sát Sri Lanka cũng công bố các bức ảnh của 14 nghi phạm bị truy nã liên quan đến vụ tấn công đốt phá nhà của Thủ tướng Wickremesinghe vào cùng ngày xảy ra vụ tấn công tàn phá văn phòng và tư dinh của tổng thống.

Vụ bắt giữ hai nhà hoạt động diễn ra một ngày sau khi thủ lĩnh sinh viên Dhaniz Ali bị bắt khi anh đang lên chuyến bay đến Dubai tại sân bay chính của Sri Lanka vào buổi tối.

Cảnh sát cho hay, họ đã nhận được lệnh bắt giữ anh Ali do liên quan đến vụ án của một thẩm phán, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Hôm thứ Tư (27/7), các nhà lập pháp Sri Lanka cũng đã bỏ phiếu để chính thức hóa tình trạng khẩn cấp do Tổng thống mới Wickremesinghe áp đặt, có hiệu lực cho đến giữa tháng 8.

Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp do Tổng thống Wickremesinghe ban hành, vốn cho phép quân đội bắt và giam giữ các nghi phạm trong thời gian dài, sẽ mất hiệu lực vào thứ Tư (27/7) nếu không được Quốc hội Sri Lanka phê chuẩn.

Tuần trước, cảnh sát Sri Lanka đã thực hiện một cuộc tấn công trước bình minh để phá dỡ trại biểu tình chống chính phủ lớn nhất ở thủ đô Colombo. Cuộc tấn công của cảnh sát đã gióng lên hồi chuông báo động đối với các nhà ngoại giao và các tổ chức nhân quyền nước ngoài.

Sự giận dữ của công chúng ở đảo quốc Nam Á này đã diễn ra âm ỉ trong nhiều tháng trước khi cuộc biểu tình lớn xảy ra vào ngày 9/7, dẫn đến sự chấm dứt thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Rajapaksa.

Tổng thống Rajapaksa bị quy trách nhiệm đã quản lý yếu kém nguồn tài chính của quốc gia, khiến nền kinh tế lao dốc không thể kiểm soát sau khi đất nước cạn kiệt nguồn ngoại tệ cần thiết để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

22 triệu người dân của Sri Lanka đã phải chịu đựng những tháng mất điện kéo dài, lạm phát kỷ lục cũng như tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và xăng dầu.

Những người biểu tình cũng yêu cầu ông Wickremesinghe, lúc đó đang là thủ tướng, phải từ chức và cáo buộc ông đã bảo vệ gia tộc Rajapaksa, gia tộc đã thống trị nền chính trị Sri Lanka trong phần lớn hai thập kỷ qua.

Nhật Minh (Theo AFP)

Related posts