Mace và Academic Regalia

Lê Học Lãnh Vân

Bài viết có tựa tiếng Anh bởi vì sự việc trong bài liên quan tới Mace, nghĩa là cây quyền trượng, và bộ Academic Regalia, nghĩa là bộ lễ phục hàn lâm, thường được dùng trong lễ phát bằng cho sinh viên tại các trường đại học truyền thống danh tiếng.

Ngày 29/7/2022, trường đại học Kinh tế, thành viên của Đại Học Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đại học chính quy năm 2022 cho gần 1.000 cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Thầy hiệu trưởng mặc bộ áo nhung, mũ và găng tay đồng màu đỏ, đeo vòng cổ và cầm quyền trượng. Thành viên ban nghi lễ mặc áo nhung đỏ pha đen, mũ màu đen, găng tay màu trắng” (phunuvietnam, ngày 02/8/2022). Các sinh viên tốt nghiệp cũng mặc bộ trang phục lạ so với thông thường”.

Việc tổ chức như vậy là bắt chước theo phong cách truyền thống phương Tây, mới mẻ với Việt Nam. Sự việc gây nên làn sóng phê phán rầm rộ, điều này mới thực đáng suy ngẫm!

&&

Trang phục của thầy hiệu trưởng và các sinh viên tại lễ phát bằng tốt nghiệp là việc của trường đó với sinh viên! Người không cùng “gu” có thể góp ý kiến nhẹ nhàng, xây dựng. Nhưng phản đối kiểu “lên đồng tập thể” với những miệt thị, thoá mạ nặng nề thì là biểu hiện của một tâm lý xã hội không cân bằng, không bình thường. Tâm lý xã hội đó là một nhà tù vô hình giam hãm người dân của xã hội, họ cần nhiều kiến thức và nghị lực mới ra thoát khỏi! 

&&&

Bằng cái nhìn rộng rãi hơn, người ta có thể nghĩ những thay đổi về hình thức, phong cách lễ tốt nghiệp là một biểu hiện của ý muốn thay đổi. Cho dù có người nghĩ lễ phục đó có thể còn thô thiển về mặt thẩm mỹ, lần lần hình thức buổi lễ sẽ được cải tiến phù hợp với gu thẩm mỹ chung. Sự tiến bộ tiệm tiến như vậy đáng mong muốn, giữ xã hội biến chuyển với tốc độ thích hợp, không đổ vỡ, đứt gãy.

Tiếc thay, xã hội Việt Nam không được vậy. Sự thay đổi hình thức trong buổi lễ chưa chắc tạo cảm nhận phản cảm tới vậy nếu môi trường học thuật Việt Nam được quý trọng. Trong thực tế, môi trường hàn lâm Việt thiếu tính liêm chính cùng không ít hiện tượng bằng gian, bằng giả, bằng mua… khiến mọi giá trị cùng thứ bậc tri thức bị đảo lộn, coi thường, thậm chí khinh rẻ. Thi cử cũng chưa phải là cơ hội công bình cho các thí sinh. Những ẩn ức tâm lý dồn nén chờ dịp bùng ra, cây quyền trượng và bộ trang phục hàn lâm kia chỉ là nguyên cớ…

&&&&

Trước phản ứng từ cộng đồng mạng, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề nghị hiệu trưởng Đại học Kinh tế báo cáo bằng văn bản về công tác tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp, đồng thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh trang phục, lễ phục trao bằng tốt nghiệp, tránh lặp lại tình trạng tương tự”. Đọc tin trên, tôi tự hỏi về tính chín chắn và tính tự chủ của trường Đại học Quốc gia Hà Nội! Và cũng tự hỏi về tinh thần và cách hành xử của Đại học Quốc gia Hà Nội có tôn trọng quyền tự chủ đại học của trường Đại học Kinh tế không!

&&&&&

Đề nghị của Đại học Quốc gia Hà Nội, cách quần chúng phản ứng với buổi lễ của trường Đại học Kinh tế là thí dụ về tâm lý xã hội Việt nói trên. Tâm lý này khiến từ trong thói quen hành xử, trong tiềm thức, mỗi cá nhân, tập thể Việt bị giằng xé giữa hai thái cực. Vừa muốn là người chủ tự do, vừa sẵn sàng chấp nhận cuộc sống công cụ. Vừa bị quyến rũ bởi tính khai phóng, vừa muốn áp dụng khuôn vàng thước ngọc chuẩn mực xa xưa… Điều này cho thấy xã hội và con người Việt chứa đầy mâu thuẫn nội tại. Nó cũng cho thấy một khía cạnh tích cực của người Việt: bên cạnh mặt chậm tiến là mặt tiến bộ, bên cạnh tính thủ cựu là tinh thần hướng về thay đổi.

Tác giả những dòng này luôn nghĩ rằng, nếu chọn được những người lãnh đạo có lòng, có hoài bão, có tầm nhìn, người Việt sẽ tiến bộ rất mau!   

Ngày 02 tháng 8 năm 2022

Related posts