Tin thế giới sáng thứ Tư

Ukraina cho biết quân đội của họ tiến về Izium khi giao tranh dữ dội ở Donbass

Các cuộc pháo kích dữ dội của Nga trên khắp các chiến tuyến sau khi cả hai bên đổ lỗi cho nhau về cuộc tấn công khu phức hợp hạt nhân Zaporizhzhia vào cuối tuần, khiến quốc tế lo ngại về một thảm họa nguyên tử tiềm tàng.

Ukraine hôm thứ Ba đã báo cáo các cuộc pháo kích dữ dội của Nga trên khắp các chiến tuyến sau khi cả hai bên đổ lỗi cho nhau về cuộc tấn công khu phức hợp hạt nhân Zaporizhzhia vào cuối tuần, khiến quốc tế lo ngại về một thảm họa nguyên tử tiềm tàng.

Giao tranh ác liệt đã được báo cáo tại các thị trấn tiền tuyến gần thành phố Donetsk, miền đông Ukraine, nơi các quan chức Ukraine cho biết quân đội Nga đang phát động các đợt tấn công khi họ cố gắng giành quyền kiểm soát khu vực Donbas.

Thống đốc khu vực Donetsk – Pavlo Kyrylenko – nói với đài truyền hình Ukraine: “Tình hình trong khu vực đang căng thẳng – pháo kích liên tục trên khắp chiến tuyến … Kẻ thù cũng đang sử dụng rất nhiều các cuộc không kích nhưng không thành công”.

Trong khi đó, cố vấn Tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych cho biết trong một video đăng trên YouTube rằng, xung quanh Kharkiv ở phía đông bắc, quân đội Ukraine đã chiếm thị trấn Dovhenke từ tay quân chiếm đóng của Nga và đang tiến về phía Izium.

Yuri Sobolevsky, phó chủ tịch hội đồng khu vực Kherson, cho biết trên Telegram rằng cây cầu huyết mạch ở Kherson là Antonovskiy đã bị hư hại nghiêm trọng sau cuộc tấn công của lực lượng Ukraina nhằm chặn đường tiến của quân Nga.

Theo ước tính của Bộ trưởng Chính sách Quốc phòng Mỹ Colin Kahl vào hôm thứ Hai cho biết Nga đã phải gánh chịu từ 70.000 đến 80.000 thương vong, có thể bị chết hoặc bị thương, kể từ khi tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.

Trần Phong

Thổ Nhĩ Kỳ trở thành ‘một nhà kho và cầu nối’ trong buôn bán kim loại với Nga

Một công nhân kiểm tra dây cáp đồng đang được sản xuất tại một nhà máy ở thành phố Kayseri, miền trung Anatolia hôm 12/02/2015. (Ảnh: Umit Bektas/Reuters)

Người đứng đầu một hiệp hội ngành cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã tạo cơ hội cho ngành kim loại Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là “nhà kho và cầu nối”, dẫn chứng về sự quan tâm ngày càng tăng từ các công ty Nga và cả các công ty EU đang tìm cách bán cho Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Phương Tây, gồm Anh và các nước thuộc Liên minh Âu Châu, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới tinh hoa, ngân hàng và các ngành công nghiệp chiến lược của Nga kể từ khi Nga bắt đầu điều mà nước này gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hôm 24/02.

Ông Cetin Tecdelioglu, người đứng đầu Hiệp hội Các nhà xuất cảng Kim loại đen và Kim loại màu Istanbul (IDDMIB), cho biết nhu cầu của Nga đã tăng lên đối với các sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (05/08): “Những gì họ (Nga) không thể mua được từ Đức, Ý và Pháp, họ đang mua từ chúng tôi. Mặt khác, rất nhiều công ty EU đang có kế hoạch bán sản phẩm của họ sang Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.”

“Họ muốn sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ như một nhà kho và cầu nối, trong khi Nga muốn nguồn cung từ Thổ Nhĩ Kỳ,” ông nói và cho biết thêm rằng đó là một “cơ hội lịch sử” cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông không nêu tên các công ty liên quan, cũng không nói rõ có bao nhiêu công ty, nhưng ông cho biết họ sản xuất đồng, nhôm, đồ dùng nhà bếp, và máy móc.

Theo số liệu của IDDMIB, kim ngạch xuất cảng kim loại đen và kim loại màu của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 8.9 tỷ lira (495.58 triệu USD) trong bảy tháng đầu năm 2022, tăng 33% so với một năm trước. Con số này chiếm 6.2% xuất cảng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Dữ liệu cũng cho thấy xuất cảng kim loại đen và kim loại màu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga tăng 26% so với cùng thời kỳ năm ngoái lên 170 triệu USD hôm 08/08.

Rạn nứt giữa Moscow và phương Tây về việc Nga xâm lược Ukraine đã dẫn đến lo ngại về khả năng cắt nguồn khí đốt của Nga tới Âu Châu, điều này có thể khiến một số hoạt động sản xuất công nghiệp ở Âu Châu buộc phải đóng cửa.

Ông Tecdelioglu cho rằng điều đó có thể mang lại một cơ hội nữa cho các nhà xuất cảng các sản phẩm kim loại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích cuộc xâm lược của Nga, gửi phi cơ không người lái có vũ trang đến Ukraine và tìm cách tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên. Nhưng họ đã không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow và tìm cách duy trì các mối quan hệ chặt chẽ về thương mại, năng lượng, và du lịch.

Quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc cũng trở nên xấu đi sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan hồi tuần trước (01-07/08). Ông Tecdelioglu cho rằng đây là một cơ hội tiềm năng khác cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này làm gián đoạn các mối quan hệ thương mại trước đó.

Ông nói, “Chúng tôi đang nhận được tín hiệu về một số cơ hội.”

Thổ Nhĩ Kỳ đã không bình luận công khai về chuyến thăm của bà Pelosi, nhưng trong những năm gần đây đã sửa đổi ngôn ngữ của họ đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, những người tạo thành một cộng đồng thiểu số đáng kể ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm ngoái (2021), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình rằng điều quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sống trong hòa bình với tư cách là “các công dân bình đẳng của Trung Quốc”, nhưng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.

Tại thời điểm phát hành bài báo này, 1 USD = 17,9589 lira.

Ceyda Caglayan
Nhật Thăng biên dịch

Giá nhiên liệu tăng cao, biểu tình nổ ra khắp Bangladesh

Người dân chờ đổ xăng tại trạm xăng ở Colombo, Sri Lanka, hôm 11/06/2022. (Ảnh: Eranga Jayawardena/AP Photo)

Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Bangladesh sau khi chính phủ tăng giá nhiên liệu lên mức kỷ lục 51.2%. Hàng ngàn người đã tập trung tại các trạm xăng trước khi mức tăng này có hiệu lực.

Hôm 06/08, giá xăng tăng lên 130 takas (1.36 USD)/lít, trong khi xăng 95 tăng 51.7% lên 135 takas (1.42 USD), dầu diesel và dầu hỏa tăng 42.5%.

Trước đó, hôm 05/08, hàng ngàn người đi xe máy đã ùa đến các trạm đổ xăng khiến một số trạm xăng phải tạm ngừng bán hàng trước khi giá tăng, trong khi những người biểu tình đề nghị chính phủ rút lại quyết định tăng giá, The Dhaka Tribune đưa tin.

Một số hội sinh viên, trong đó có Liên minh Sinh viên Cấp tiến, đã phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu chưa từng có này. Hôm 07/08, truyền thông địa phương công bố những bức ảnh cảnh sát đụng độ với người biểu tình.

Ông Belayet Hossain, chủ tịch Tổ chức Các chủ sở hữu Vận tải Thành phố Chittagong, cho biết tổ chức này sẽ tạm dừng dịch vụ xe buýt ở Chittagong để phản đối việc tăng giá nhiên liệu khiến các nhà khai thác vận tải phải tăng giá vé xe buýt.

Việc tăng giá nhiên liệu được áp đặt trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát cao của Bangladesh, ở mức trên 6% trong chín tháng liên tiếp và đạt 7.7% vào tháng Bảy, gây áp lực lên các gia đình có thu nhập thấp hơn.

Ông Nasrul Hamid, Bộ trưởng Điện lực, Năng lượng, và Tài nguyên Khoáng sản, cho biết việc tăng giá nhiên liệu là cần thiết khi giá cả trên thế giới tăng lên được thúc đẩy bởi chiến tranh Nga-Ukraine, vốn đang diễn ra từ tháng Hai.

“Mức giá mới dường như sẽ không thể chấp nhận được đối với tất cả mọi người. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Người dân phải kiên nhẫn,” ông Hamid nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm rằng giá nhiên liệu sẽ được điều chỉnh khi giá toàn cầu giảm.

Khó khăn về năng lượng

Bangladesh đang trải qua nhiều đợt mất điện trong những tuần gần đây do thiếu nhiên liệu. Hiện tại, chính phủ đang cân nhắc đợt nghỉ kéo dài cho các nhà sản xuất hàng may mặc để giảm tiêu thụ điện.

Theo Hindustan Times, ông Hamid cho biết chiến lược này được đề xướng để giúp Bangladesh tiết kiệm tới 550 megawatt điện mỗi ngày khi việc cắt điện kéo dài hơn mức thông thường từ một giờ đến ba giờ ở một số khu vực.

Chính phủ nước này đã thực hiện một số biện pháp trong bối cảnh dự trữ ngoại hối ngày càng cạn kiệt, kể cả hạn chế nhập cảng hàng hóa xa xỉ và nhiên liệu, đồng thời đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng dầu diesel trong bối cảnh tình trạng mất điện luân phiên.

Tính đến ngày 03/08, dự trữ ngoại hối của quốc gia này ở mức 39.7 tỷ USD, chỉ đủ để chi trả cho khoảng năm tháng nhập cảng và giảm từ mức 45.9 tỷ USD trong năm 2021.

Hồi tháng Bảy, Bangladesh đã tìm kiếm một khoản vay 4.5 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tham gia cùng với các quốc gia láng giềng Nam Á như Pakistan và Sri Lanka nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ để đối phó với áp lực gia tăng đối với nền kinh tế của họ.

IMF cho biết các điều kiện bên ngoài đối với Bangladesh đã xấu đi đáng kể do tác động kinh tế từ cuộc chiến ở Ukraine.

Trong những năm gần dây, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Bangladesh thông qua chương trình “Một Vành đai, Một Con đường”, sau này được đổi tên thành Sáng kiến Vành đai và Con đường, mà Bắc Kinh sử dụng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới trong nỗ lực thiết lập ảnh hưởng địa chính trị.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Bangladesh và Trung Quốc đã ký một số thỏa thuận theo sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 21.5 tỷ USD, trong đó có một dự án nâng cấp và mở rộng hệ thống điện.

Cũng theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, năm 2018, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành quốc gia đầu tư hàng đầu ở Bangladesh, với tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD.

Aldgra Fredly

Khánh Ngọc biên dịch

Bloomberg: Ấn Độ tìm cách loại điện thoại cấp thấp Trung Quốc ra khỏi thị trường

Ấn Độ là thị trường nước ngoài quan trọng nhất của Xiaomi nhưng tại đây họ đang phải đối mặt làn sóng tẩy chay. (Ảnh minh họa: Par 8th.creator/Shutterstock)

Ấn Độ đang cố gắng hạn chế các nhà sản xuất điện thoại thông minh của Trung Quốc bán sản phẩm cấp thấp có giá dưới 12.000 rupee (150 USD), nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp liên quan của Ấn Độ đang chao đảo trong cuộc chiến về giá với các công ty Trung Quốc.

Theo Bloomberg dẫn nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho hay mục đích của nhà chức trách Ấn Độ nhằm đẩy những ‘gã khổng lồ’ trong ngành công nghiệp liên quan của Trung Quốc ra khỏi thị trường di động lớn thứ hai thế giới này. Họ nói rằng các thương hiệu lớn như Realme và Transsion Holdings đang bán phá giá để chống các nhà sản xuất Ấn Độ nên ngày càng gây nhiều lo ngại.

Do tính nhạy cảm của vấn đề nên nguồn tin từ chối tiết lộ thân phận.

Việc kiềm chế doanh nghiệp điện thoại di động Trung Quốc tại thị trường cấp thấp ở Ấn Độ sẽ làm tổn hại đến Xiaomi và các công ty khác của Trung Quốc. Những năm gần đây họ ngày càng phụ thuộc vào Ấn Độ để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi thị trường nội địa của họ ở Trung Quốc đã bị suy yếu do loạt chính sách phong tỏa vì COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).

Theo công ty theo dõi thị trường Counterpoint, tính đến tháng 6/2022 điện thoại thông minh dưới 150 USD chiếm 1/3 doanh số bán hàng tại Ấn Độ, trong đó các công ty Trung Quốc chiếm tới 80%.

Cổ phiếu của Xiaomi tiếp tục giảm giá, trượt 3,6% trong những phút cuối cùng của phiên giao dịch tại Hồng Kông vào thứ Hai (8/8). Mức giảm năm nay đã tăng lên hơn 35%.

New Delhi đã xem xét kỹ lưỡng tài chính của các công ty Trung Quốc hoạt động tại Ấn Độ như Xiaomi và các đối thủ Oppo và Vivo, kết quả dấy lên các vấn đề về thuế và rửa tiền. Chính phủ Ấn Độ trước đây đã sử dụng các chiến thuật không chính thức để ngăn chặn thiết bị viễn thông của các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE. Mặc dù không có chính sách chính thức cấm thiết bị mạng của Trung Quốc, nhưng các nhà mạng không dây được khuyến khích mua các thiết bị thay thế.

Hãng điện thoại Trung Quốc Oppo, Vivo bị cáo buộc trốn thuế và chuyển tiền bất hợp pháp tại Ấn Độ. (Ảnh minh họa: Creative Family/Shutterstock)

Động thái này sẽ không ảnh hưởng đến những công ty có điện thoại đắt hơn như Apple hoặc Samsung. Đại diện của Xiaomi, Real Me và Transsion Holdings đã không trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg. Người phát ngôn của Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ cũng không trả lời các câu hỏi của giới truyền thông.

Hồi hè năm 2020, Ấn Độ đã tăng cường sức ép đối với các công ty Trung Quốc. Tháng Sáu năm đó, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ đẫm máu giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya. Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng kể từ đó. Ấn Độ đã cấm hơn 300 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm WeChat của Tencent Inc. và TikTok (phiên bản quốc tế của Douyin) của ByteDance.

Tuần trước cựu Bộ trưởng công nghệ thông tin Ấn Độ nói với Business Standard rằng các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc hiện bán phần lớn thiết bị ở Ấn Độ, nhưng sự thống trị thị trường của họ “không dựa trên sự cạnh tranh tự do và công bằng”.

Trước khi điện thoại di động thương hiệu Trung Quốc thâm nhập thị trường Ấn Độ, 4 thương hiệu điện thoại di động lớn của Ấn Độ là Micromax, Intex, Lava và Karbonn từng chiếm 40% thị trường nội địa. Tuy nhiên, sau khi Xiaomi, OPPO, Vivo và các thương hiệu điện thoại Trung Quốc khác gia nhập thị trường Ấn Độ để phát động cuộc chiến về giá và đầu tư mạnh vào tiếp thị thì điện thoại di động thương hiệu nội địa Ấn Độ đã rơi khỏi danh sách top 10 doanh số bán hàng.

Theo một cuộc khảo sát do Couterpoint Research công bố vào tháng Tư, các thương hiệu Trung Quốc chiếm hơn 65% thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ. Tính đến tháng 3/2019, các thương hiệu điện thoại địa phương ở Ấn Độ chỉ chiếm 13% thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ.

Nhưng bất chấp vị thế dẫn đầu của họ, hàng năm hầu hết các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc ở Ấn Độ thường xuyên báo lỗ, làm dấy lên những lời chỉ trích về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của họ.

Theo Lý Ngôn, Epoch Times

Nhà Trắng nói TT Biden không biết trước việc FBI bố ráp dinh thự Trump

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre (AP)

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm 9/8 nói rằng Tổng thống Joe Biden không biết gì về việc FBI bố ráp tư dinh Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Trump tại tiểu bang Florida.

“Tổng thống đã không được báo cáo, không biết gì về nó”, bà Jean-Pierre nói với phóng viên Zeke Miller của hãng tin AP. “Không ai tại Nhà Trắng được thông báo trước, không ai hết, điều đó đã không xảy ra”, bà Jean-Pierre nói thêm.

Tuyên bố của thư ký báo chí Nhà Trắng là đồng điệu với các phát ngôn trước đó của các quan chức chính quyền Biden. Bà Jean-Pierre khẳng định rằng ông Biden và toàn bộ quan chức Nhà Trắng chỉ biết về cuộc bố ráp dinh thự Trump đêm 8/8 qua các tin tức báo chí và đã không được loan báo trước khi hành động đó diễn ra.

Phóng viên Zeke Miller hỏi tiếp rằng liệu Nhà Trắng có lo lắng vụ lục soát tư dinh của ông Trump có thể “tạo ra một vụ truy tố mang động cơ chính trị”.

Bà Jean-Pierre nhấn mạnh rằng Bộ Tư pháp “tiến hành các cuộc điều tra một cách độc lập”, và bà cũng cho biết ông Biden “tin tưởng vào luật pháp và sự độc lập của các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp”.

Phóng viên Zeke Miller tiếp tục hỏi liệu Nhà Trắng có tin việc chính phủ liên bang “cởi mở” về lý do đằng sau lệnh khám xét của FBI là hữu ích.

Bà Jean-Pierre đáp: “Lại nữa, đây không phải là điều mà tôi sẽ trả lời hôm nay hoặc ở đây”.

Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng từ chối trả lời các câu hỏi về việc liệu ông Biden có hoan nghênh FBI bố ráp tư dinh của ông Trump, liệu Tổng chưởng lý Merrick Garland có ký vào lệnh khám xét Mar-a-Lago và liệu ông Biden có nói chuyện với ông Garland vào hôm thứ Ba (9/8).

Về phía Tổng thống Biden, khi xuất hiện trước báo giới hôm 9/8, ông cũng đã phớt lờ các câu hỏi về cuộc bố ráp dinh thự của ông Trump.

Nhiều phóng viên đã hét to hướng đến ông Biden khi tổng thống chụp ảnh sau khi ký một số quyết định hành pháp liên quan đến việc phê duyệt cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Theo The Epoch Times, khi đó nhạc đang bật to nên không rõ tổng thống có nghe được các câu hỏi của phóng viên hay không.

Ông Biden đã không trả lời bất kỳ câu hỏi nào sau lễ ký các quy định nêu trên và ông cũng không trao đổi với báo giới sau khi ký thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học.

Xuân Thành

Pompeo, DeSantis lên tiếng về vụ FBI bất ngờ đột kích dinh thự Trump

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thống đốc Florida Ron DeSantis (NYT)

Nhiều chính trị gia Đảng Cộng hòa, trong đó có cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thống đốc Florida Ron DeSantis, đã lên tiếng phản ứng sau khi có thông tin FBI đột kích không báo trước vào dinh thự của cựu Tổng thống Donald Trump ở Mar-a-Lago tối 8/8 (giờ Mỹ).

Sau cuộc bố ráp của FBI, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social: “Đây là thời khắc đến tối đối với Đất nước chúng ta”.

“Sau khi [tôi] đã làm việc và hợp tác với các cơ quan hữu quan của Chính phủ, thì cuộc bố ráp vào nhà riêng của tôi mà không báo trước này là không cần thiết và không phù hợp”, ông Trump nói thêm.

Phản hồi bài đăng của ông Trump, các lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã lên án cuộc bố ráp của FBI, trong đó nhiều người cảnh báo rằng động thái như vậy sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, một số khác cáo buộc chính quyền Biden đang vũ khí hóa Bộ Tư pháp vì các mục tiêu chính trị.

Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng tiến hành một lệnh khám xét đối với một cựu tổng thống Mỹ là “đặt ra một tiền lệ nguy hiểm”.

“Vũ khí hóa Bộ Tư Pháp/Cục Điều tra Liên bang vì mục đích chính trị rõ ràng là đáng hổ thẹn. Tổng chưởng lý phải giải thích tại sao truyền thống 250 năm lại bị đảo ngược bằng cuộc bố ráp này. Tôi đã làm việc trong vụ Benghazi, trong đó chúng tôi đã chứng minh được bà Hillary có thông tin mật. Nhưng chúng tôi đã không tiến hành bố ráp nhà của bà ấy”, ông Pompeo viết.

Thống đốc Florida Ron DeSantis nói rằng cuộc bố ráp vào nhà riêng của ông Trump là “một cuộc leo thang khác trong việc vũ khí hóa các cơ quan liên bang chống lại các đối thủ chính trị của Chế độ này”. Ông cũng nhấn mạnh rằng mọi người thích con trai của Tổng thống Joe Biden là Hunter Biden “được đối xử nhẹ nhàng tế nhị”.

“Bây giờ Chế độ này đang thuê thêm 87.000 nhân viên thuế vụ để chống lại kể thù của nó? Cộng hòa Chuối”, ông DeSantis nói. Thống đốc Florida ám chỉ đến Đạo luật Giảm Lạm phát vừa được Thượng viện Đảng Dân chủ thông qua, trong đó có điều khoản cho phép thuê thêm 87.000 nhân viên thuế vụ liên bang.

Xuân Thành

Thêm hai tàu ngũ cốc khởi hành từ Ukraine khi cảng thứ ba mở cửa

Tàu chở hàng rời mang tên Arizona treo cờ Liberia ở cảng biển Pivdennyi gần thị trấn Yuzhne, Ukraine, hôm 08/08/2022. (Ảnh: Dịch vụ báo chí của Cơ quan Quản lý Cảng biển Ukraine/Tư liệu báo chí qua Reuters)

ISTANBUL — Hôm thứ Hai (08/08), Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine cho biết, thêm hai tàu chở bắp và đậu nành đã khởi hành từ các cảng Biển Đen của Ukraine, nâng tổng số tàu lên 10 chuyến kể từ khi con tàu đầu tiên xuất bến vào tuần trước, theo một thỏa thuận với Nga nhằm dỡ bỏ phong tỏa xuất cảng ngũ cốc đối với Ukraine.

Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho thỏa thuận này hồi tháng trước (07/2022), sau khi có cảnh báo rằng việc ngừng vận chuyển ngũ cốc do Nga xâm lược Ukraine có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và thậm chí bùng phát nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm thứ Hai (08/08), tàu Sacura khởi hành từ Pivdennyi đang chở 11,000 tấn đậu nành đến Ý, trong khi tàu Arizona xuất phát từ Chornomorsk đang chở 48,458 tấn bắp đến Iskenderun ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Riêng tàu Polarnet, khởi hành hôm thứ Sáu (05/08), đã đến điểm đến cuối cùng ở Derince phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng thứ Hai để được dỡ hàng, đánh dấu việc hoàn thành chuyến hàng đầu tiên kể từ khi các chuyến hàng xuất cảng được tái khởi động.

Cho đến nay, khoảng 243,000 tấn bắp đã được xuất cảng từ Ukraine trên bảy con tàu kể từ chuyến khởi hành đầu tiên hôm 01/08, theo tổng kết của Reuters từ dữ liệu của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Các tàu khác chở 11,000 tấn đậu nành, 6,000 tấn dầu hướng dương, và 45,000 tấn bột hướng dương.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov đã xác nhận hai con tàu mới nhất đã rời đi hôm thứ Hai, đưa thêm Pivdennyi, cảng thứ ba của Ukraine trong thỏa thuận, cuối cùng cũng đi vào hoạt động như một phần của sáng kiến này.

Ông Kubrakov đã nói trước đây rằng việc mở cửa cảng Pivdennyi sẽ nâng tổng công suất xuất cảng của Ukraine lên ba triệu tấn một tháng.

Trong thời bình, Ukraine từng xuất cảng tới sáu triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng từ các cảng của họ trên bờ Biển Đen và Biển Azov.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết bốn tàu đã rời Ukraine hôm Chủ Nhật (07/08) dự kiến ​​sẽ neo đậu gần Istanbul vào tối hôm thứ Hai, và cho biết thêm rằng chúng sẽ được kiểm tra vào thứ Ba (09/08).

Trước khi Nga xâm lược Ukraine trong điều mà nước này gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt,” hai nước đã cùng nhau tạo thành gần một phần ba lượng lúa mì xuất cảng toàn cầu.

Việc nối lại xuất cảng ngũ cốc đang được giám sát bởi Trung tâm Điều phối chung (JCC) ở Istanbul, nơi các nhân viên Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, và Liên Hiệp Quốc đang làm việc.

Theo dữ liệu của hãng theo dõi tàu Refinitiv, Razoni, con tàu đầu tiên khởi hành, dự kiến sẽ ​​đến Lebanon vào Chủ Nhật nhưng hiện đang neo đậu ngoài khơi bờ biển phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm Chủ Nhật, Bộ Cơ sở hạ tầng của Ukraine cho biết chiếc Fulmar S, con tàu rời bến có gắn cờ ngoại quốc đầu tiên cập cảng Chornomorsk ở Biển Đen kể từ khi xung đột xảy ra, đã sẵn sàng để dỡ hàng.

Theo dữ liệu của Refinitiv, một con tàu thứ hai đang đi đến Ukraine, Osprey S, đã được kiểm tra tại Istanbul vào Chủ Nhật và sẽ đến Ukraine vào sáng thứ Hai.

Thanh Tâm biên dịch

Ông Biden ‘quan ngại’ khi Trung Quốc tuyên bố tiếp tục tập trận

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói chuyện với các phóng viên trước khi lên chiếc Không lực Một tại Căn cứ Không quân Dover ở Delaware, vào ngày 8/8/2022. (Ảnh: Jim Watson/AFP/Getty Images)

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 08/8 bày tỏ quan ngại sau khi quân đội Trung Quốc tuyên bố tiếp tục tập trận quanh đảo Đài Loan, nhưng cho biết ông không nghĩ căng thẳng sẽ leo thang.

Phát biểu với báo giới tại Căn cứ Không quân Dover ngày 08/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông không tin rằng ĐCSTQ đưa ra mối đe dọa tức thời đối với Đài Loan, song ông cũng bày tỏ lo ngại về số lượng nhân lực và khí tài trong cuộc tập trận.

“Tôi không lo lắng, nhưng tôi quan ngại khi họ có nhiều hành động như hiện tại”, ông Biden nói với báo giới tại căn cứ không quân Dover, bang Delaware, Mỹ. “Tuy nhiên, tôi không nghĩ họ sẽ làm điều gì nhiều hơn mức ấy”.

Trước đó cùng ngày, Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc thông báo lực lượng này sẽ tiếp tục tập trận liên hợp quân binh chủng tại vùng biển và vùng trời quanh đảo Đài Loan. Trọng tâm của các cuộc tập trận là chống tàu ngầm và chống tập kích đường biển, Tân Hoa xã cho biết.

Các bình luận được đưa ra ngay sau khi ĐCSTQ công bố một loạt các cuộc tập trận quân sự mới vào thứ Hai (08/8) và tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động ở phía Đài Loan của đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Đến lượt mình, các cuộc tập trận mới đó tiếp nối cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất từ ​​trước đến nay của Trung Quốc xung quanh Đài Loan vào tuần trước, dẫn đến việc nước này phóng 11 tên lửa đạn đạo — một số tên lửa bay qua Đài Loan và hạ cánh xuống vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Bất chấp dự báo đầy hy vọng của ông Biden về tình hình trên, Nhà Trắng nói rằng ĐCSTQ đã xác định vị thế của mình thông qua việc thực hiện các hành động trong tương lai chống lại Đài Loan.

Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về Truyền thông Chiến lược của Nhà Trắng John Kirby tuần trước cho biết: “Trung Quốc đã định vị mình sẽ thực hiện các bước tiếp theo và chúng tôi cho rằng họ sẽ tiếp tục phản ứng trong một thời gian dài”.

“Hoa Kỳ không tìm kiếm và không mong muốn xảy ra khủng hoảng. Tuy nhiên, chúng tôi đã sẵn sàng trước những phản ứng của Bắc Kinh”, ông Kirby cho hay.

“Chúng tôi rất coi trọng các cam kết an ninh của mình trong khu vực. Rõ ràng là chúng tôi có khả năng quân sự mạnh mẽ để đáp ứng những cam kết đó”, ông Kirby nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu hôm 09/8 cho biết, ông tin rằng các cuộc tập trận leo thang là một phần trong kế hoạch lớn hơn của ĐCSTQ về một cuộc xâm lược Đài Loan.

“Trung Quốc đã sử dụng các cuộc tập trận trong vở kịch quân sự của họ để chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đài Loan”, ông Wu nói trong một cuộc họp báo.

“Sau khi các cuộc tập trận kết thúc, Trung Quốc có thể cố gắng tự động hóa hành động của mình trong nỗ lực phá hủy hiện trạng lâu dài trên eo biển Đài Loan”.

ĐCSTQ tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh bất hảo của Trung Quốc và tuyên bố sẽ thống nhất hòn đảo này với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết. Trên thực tế, Đài Loan dân chủ chưa bao giờ bị kiểm soát bởi ĐCSTQ và đã tự quản kể từ năm 1949.

Căng thẳng hiện tại bùng nổ vào tháng trước khi chính quyền ĐCSTQ tuyên bố rằng chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là một hành động khiêu khích chống lại chủ quyền của nước này và đe dọa “các biện pháp mạnh mẽ” chống lại Hoa Kỳ.

Một ngày sau, ông Biden đáp lại lời đe dọa này bằng phát biểu công khai rằng chuyến thăm của bà Pelosi “không phải là một ý kiến ​​hay vào lúc này”.

Nhận xét trên được nhiều người coi là sự can thiệp quá mức của cơ quan hành pháp vào chuyến công du cá nhân của một thành viên đương nhiệm của Quốc hội Mỹ.

Cuối cùng, ông Biden đã làm rõ lập trường của mình về vấn đề này vào thứ Hai (01/8): “Đó là quyết định của bà ấy”.

Bắc Kinh cũng đã thông báo hủy bỏ hoặc đình chỉ một số kênh đối thoại, hợp tác với Washington trong các lĩnh vực như quân sự, chống tội phạm hay biến đổi khí hậu.

Đối với vấn đề Đài Loan, Mỹ vẫn giữ chính sách “mơ hồ chiến lược” về việc liệu Washington có can thiệp nếu Trung Quốc thu hồi hòn đảo này bằng vũ lực hay không.

Huyền Anh
Theo The Epoch Times

Related posts