Tin thế giới tối thứ Sáu: Google trả 60 Úc kim 43 triệu USD tiền phạt vì lừa dối người tiêu dùng Úc

Google trả 60 triệu Úc kim tiền phạt vì lừa dối người tiêu dùng Úc

Mới đây, hãng công nghệ Google đã chấp thuận trả 60 triệu AUD (khoảng 42,7 triệu USD) tiền phạt do thực hiện hành vi lừa dối người tiêu dùng tại Úc nhằm thu thập thông tin dữ liệu trái phép.
tiền phạt
Cụ thể, số tiền phạt này dựa trên thỏa thuận giữa Google với Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC), đơn vị khởi kiện Google từ năm 2019 với cáo buộc nói trên và được Tòa án Liên bang Úc phán quyết có lợi vào hồi tháng 4/2021.

Trước khi phiên tòa tiếp theo diễn ra vào chiều 12/8, hai bên đã đạt được thỏa thuận và gửi bản đệ trình chung lên Tòa án. Thẩm phán Thomas Thawley, người thụ lý vụ án nói trên, đã đồng ý với bản đệ trình và cho biết rằng mức tiền phạt là hợp lý. Với việc 2 bên đã đạt được thỏa thuận hòa giải và nhận được sự thông qua của Tòa án, vụ kiện sẽ chính thức khép lại.

ACCC chính thức khởi kiện Google bắt đầu từ năm 2019 với cáo buộc hãng công nghệ khổng lồ Mỹ đã cố tình thu thập trái phép dữ liệu vị trí người dùng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android tại Úc trong các năm 2017 và 2018. Vụ việc tập trung vào hai cài đặt cụ thể của Google có ảnh hưởng đến việc thu thập dữ liệu vị trí đó là “lịch sử vị trí” và “hoạt động web và ứng dụng”.

Phản ứng với cáo buộc của ACCC, Google tuyên bố rằng họ chỉ thu thập thông tin từ tính năng lịch sử vị trí trên các thiết bị của người dùng từ tháng 1/2017 đến 12/2018.

Tuy nhiên, khi người dùng bật tính năng kiểm soát hoạt động duyệt web và sử dụng ứng dụng, cũng sẽ đồng thời mặc định cho phép Google thu thập, lưu trữ và sử dụng số dữ liệu này. Google không báo cho người dùng rằng họ cần phải tắt cả 2 tính năng này thì mới ngăn được công ty tiếp tục thu thập dữ liệu.

Trong phiên tòa ngày 16/4, Tòa án Liên bang Úc đã đứng về phía ACCC khi phán quyết rằng Google đã vi phạm luật tiêu dùng Úc khi thu thập lịch sử vị trí của một số người dùng kể cả khi họ đã từ chối chia sẻ thông tin. Dẫu vậy, Thẩm phán Thawley chỉ đồng ý một phần với vụ kiện chống Google của ACCC, khi cho rằng không phải tất cả người tiêu dùng đều bị Google lừa dối. Và để làm rõ hơn về vi phạm của hãng công nghệ Mỹ, Thẩm phán Thawley đã quyết định hoãn phiên tòa đến chiều ngày 12/8.

Phan Anh

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland giải trình về việc khám xét nhà cựu tổng thống

Từ khi trở thành Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, tôi đã xác định rõ ràng rằng Bộ Tư Pháp sẽ giải thích về các thủ tục tòa án và công việc của mình.

Bộ Tư Pháp vừa mới trình kiến nghị lên tòa quận hạt Southern District tại Florida để xin mở niêm phong lệnh khám xét và biên nhận tài sản liên quan đến cuộc khám xét được tòa án chuẩn thuận mà FBI thực hiện hồi đầu tuần. Nơi bị khám xét tại Florida thuộc về cựu Tổng thống.

Bộ Tư Pháp đã không công bố điều gì trong ngày khám xét. Cựu Tổng thống cũng đã công khai xác nhận cuộc khám xét trong tối cùng ngày, như là quyền của ông.

Bản sao của cả trát tòa và biên bản (tịch biên) tài sản của FBI đã được trao cho cố vấn pháp lý của cựu Tổng thống, người đã có mặt trong suốt quá trình khám xét. Lệnh khám xét đã được một tòa án liên bang cho phép, dựa vào các phát hiện cần có về lý do thích đáng.

“Biên bản tài sản” là một chứng từ mà theo luật liên bang, buộc các nhân viên công lực phải để lại cho chủ nhà. Bộ Tư Pháp đã đệ trình kiến nghị cho bạch hóa trát tòa và biên bản dựa trên sự công khai xác nhận của cựu Tổng thống về việc xét nhà, hoàn cảnh xung quanh và mối quan tâm to lớn của công chúng trong vấn đề này.

Sự gắn kết trung thành vào pháp quyền là nguyên tắc căn bản của Bộ Tư Pháp và nền dân chủ của chúng ta. Duy trì pháp quyền có nghĩa là áp dụng luật pháp một cách công bằng, không sợ hãi hay thiên vị. Dưới sự điều hành của tôi, đó là chính xác những gì Bộ Tư Pháp đang làm.

Tất cả người dân đều được quyền áp dụng luật lệ một cách công bằng, theo đúng trình tự pháp luật và được giả định là vô tội.

Phần lớn công việc của chúng tôi cần được lặng lẽ tiến hành. Chúng tôi làm như vậy nhằm bảo vệ các quyền hiến định của tất cả người dân và bảo vệ sự toàn vẹn của các cuộc điều tra của chúng tôi.

Luật liên bang, các nguyên tắc lâu đời của Bộ Tư Pháp cùng các bổn phận đạo đức không cho phép tôi cung cấp thêm các thông tin chi tiết về việc khám xét vào lúc này. Tuy nhiên, có một số điểm tôi muốn quý vị biết đến.

Thứ nhất, cá nhân tôi đã chấp thuận quyết định xin lệnh khám nhà trong vấn đề này.

Thứ nhì, Bộ Tư Pháp không hề xem nhẹ một quyết định như vậy. Khi mà có thể, thì thủ tục tiêu chuẩn là tìm kiếm giải pháp ít gây phiền toái hơn thay cho chuyện xét nhà và thu hẹp phạm vi bất kỳ cuộc khám xét nào được thực hiện.

Thứ ba, cho tôi nói đến các cuộc tấn công vô căn cứ mới đây vào chức nghiệp của FBI và các nhân viên cùng công tố viên của Bộ Tư pháp. Tôi sẽ không im lặng nhìn sự chính trực của họ bị tấn công một cách thiếu công bằng.

Các nhân viên nam nữ của FBI và Bộ Tư pháp là những công chức tận tụy, ái quốc.

Mỗi một ngày, họ đang bảo vệ người dân trước các tội phạm, khủng bố và các mối đe dọa vào sự an toàn của người dân, đồng thời bảo vệ các quyền công dân của chúng ta. Họ làm như vậy trong sự hy sinh và rủi ro cá nhân to lớn của bản thân. Tôi rất vinh dự khi được làm việc chung với họ.

Đó là tất cả những gì tôi có thể nói lúc này. Thông tin thêm sẽ được cung cấp theo cách thích hợp và vào thời điểm thích hợp.

Nhã Duy

Sư đoàn Không quân Mỹ được điều đến châu Âu sau khi Nga nói NATO gây chiến

Một sư đoàn không quân Mỹ đang được cử đến châu Âu để giúp bảo vệ sườn phía đông của NATO sau khi một quan chức hàng đầu của Điện Kremlin nói rằng NATO gây chiến với Nga trên đất Ukraine.

Việc triển khai Sư đoàn Dù 101, có biệt danh là “Những chú đại bàng gào thét” (Screaming Eagles), đã được Phái bộ Hoa Kỳ tại NATO công bố hôm thứ Năm. Tuyên bố cho hay gần 2.400 binh sĩ sẽ được cử đến các nước thành viên NATO như Romania, Bulgaria, Hungary và Slovakia để “trấn an các đồng minh của chúng tôi và ngăn chặn kẻ thù của chúng tôi.”

Quân đội Hoa Kỳ mô tả Screaming Eagles là một sư đoàn đổ bộ đường không “được công nhận với khả năng không kích vô song, khả năng thực hiện bất kỳ nhiệm vụ chiến đấu hoặc dự phòng nào ở bất kỳ đâu trên thế giới.”

Một ngày trước đó, Sergey Kiriyenko, Phó chánh văn phòng thứ nhất của Tổng thống Nga, cáo buộc rằng phương Tây đang tiến hành một “hoạt động quân sự nóng” chống lại Nga ở Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời ông nói: “Chúng tôi hiểu rất rõ rằng trên lãnh thổ Ukraine, chúng tôi không có chiến tranh với Ukraine và tất nhiên, không phải với người Ukraine”. “Toàn bộ khối NATO đang tiến hành một cuộc chiến chống lại Nga, trên lãnh thổ của Ukraine và dùng bàn tay của người Ukraine.”

Sự hiện diện ngày càng tăng của NATO ở châu Âu diễn ra trong bối cảnh lo ngại rằng cuộc chiến đang diễn ra của Nga có thể lan ra ngoài biên giới Ukraine và có khả năng gây ra một cuộc đối đầu lớn hơn giữa liên minh NATO gồm 30 thành viên và lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi bản thân ông Putin không nói rằng Nga và NATO đang có chiến tranh và không có tuyên bố chính thức nào được đưa ra, thì trong những tháng gần đây, ông đã cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào “tạo ra mối đe dọa chiến lược đối với Nga” đều có thể sẽ phải hứng chịu “các cuộc tấn công trả đũa”.

Vào tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gợi ý trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước Nga rằng với việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, “NATO về cơ bản đang gây chiến với Nga thông qua một ủy nhiệm và trang bị cho ủy nhiệm đó”, theo The Wall Street Journal.

Hôm thứ Tư, ông Kiriyenko cũng cáo buộc các nhà lãnh đạo Ukraine đã cho phép quốc gia và người dân của họ trở thành ủy nhiệm của NATO, TASS đưa tin.

Ông nói: “Họ đã cung cấp lãnh thổ của Ukraine và người dân Ukraine trong một nỗ lực nhằm xây dựng một cuộc đối đầu cơ bản giữa cộng đồng phương Tây chống lại Nga trên lãnh thổ đó. “Tất nhiên, NATO sẽ hăng hái chiến đấu, vì chính họ không ngần ngại tuyên bố, chống lại Nga đến người Ukraine cuối cùng và không một chút hối hận nào.”

Trong khi NATO không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, các quốc gia thành viên đã cung cấp cho Ukraine các hỗ trợ an ninh và vũ khí, chẳng hạn như Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao do Hoa Kỳ cung cấp HIMARS.

Lê Vy (theo Newsweek)

Related posts