Chiến tranh công nghệ Mỹ – Trung và những chuyện mờ ám liên quan đến ‘China chip’

Trần Phong

Chuyến đi của bà Pelosi trùng hợp với nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục TSMC – nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới thành lập cơ sở sản xuất tại Mỹ và ngừng cung cấp cho các công ty Trung Quốc.

Một khía cạnh trong chuyến đi của bà Nancy Pelosi đến Đài Loan đã không được chú ý nhiều lắm, đó chính là cuộc gặp giữa bà Pelosi với ông Mark Lui, Chủ tịch Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Đây được cho là một trong số những nguyên nhân tạo ra cuộc khủng hoảng trầm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay.

Theo Fortune, chuyến đi của bà Pelosi trùng hợp với nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục TSMC – nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới thành lập cơ sở sản xuất tại Mỹ và ngừng cung cấp cho các công ty Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, quyền tự chủ của Đài Loan đã trở thành một lợi ích địa chính trị quan trọng đối với Mỹ, vì hòn đảo này thống trị thị trường sản xuất chất bán dẫn.

Chất bán dẫn dùng để sản xuất chip – là linh kiện không thể thiếu trong tất cả các thiết bị công nghệ hiện đại ngày nay. Quan trọng hơn, nó là linh kiện không thể thiếu trong các bộ phận ứng dụng quân sự tân tiến. Vì thế, chip có một vai trò vô cùng quan trọng đối với nền công nghiệp Mỹ.

Đài Loan: Vị thế độc tôn 

Đặc biệt, vị trí của Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn hơi giống vị thế của Ả Rập Xê Út trong khối OPEC. TSMC chiếm 53% thị phần trên thị trường chip toàn cầu. Báo cáo đánh giá chuỗi cung ứng trong 100 ngày của chính quyền Joe Biden cũng cho biết, “Mỹ phụ thuộc nhiều về chip vào một công ty duy nhất – TSMC”.

Thực tế chỉ có TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc) mới có thể tạo ra các chất bán dẫn tiên tiến nhất (kích thước 5 nanomet), và nếu nguồn cung này bị đứt gẫy sẽ “gây rủi ro cho khả năng cung cấp các nhu cầu cơ sở hạ tầng quan trọng và an ninh quốc gia [Hoa Kỳ] hiện tại và tương lai”.

Điều này có nghĩa là nếu ĐCSTQ quyết tâm đạt mục tiêu thống nhất với Đài Loan thì sẽ càng đe dọa nhiều hơn đến lợi ích của Mỹ. 

Trong quá khứ, khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh vào năm 1979, Mỹ đã phải cắt đứt quan hệ với Đài Loan và đóng cửa sứ quán tại Đài Bắc. Nhưng cùng năm đó, Mỹ cũng thông qua Đạo luật Quan hệ với Đài Loan, quy định Mỹ phải giúp Đài Loan tự vệ – đó là lý do vì sao Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.

Vì vậy tại thời điểm này đối với nước Mỹ, không thể tưởng tượng được rằng một ngày nào đó công TSMC cung cấp chip hàng đầu cho Mỹ lại nằm trong lãnh thổ do ĐCSTQ kiểm soát.

Chiến tranh công nghệ

Vì lý do này, Mỹ đã và đang cố gắng thu hút TSMC vào Mỹ để tăng năng lực sản xuất chip trong nước. Năm 2021, với sự hỗ trợ của chính quyền Joe Biden, công ty đã mua một địa điểm ở bang Arizona để xây dựng một xưởng sản xuất ở Mỹ. Dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Theo Bloomberg, Quốc hội Mỹ vừa thông qua  Đạo luật về chip và khoa học, trong đó cung cấp 52 tỷ USD trợ cấp để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ. Nhưng các công ty này sẽ chỉ nhận được tài trợ của Đạo luật Chip nếu họ đồng ý không sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho các công ty Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là TSMC và các công ty khác có thể phải lựa chọn giữa kinh doanh ở Trung Quốc và ở Mỹ, vì chi phí sản xuất ở Mỹ được coi là quá cao nếu không có trợ cấp của chính phủ. 

Đây là một phần của “cuộc chiến công nghệ” rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó Mỹ đang nhằm hạn chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Chính quyền Joe Biden đã hủy bỏ nhiều chính sách và các biện pháp trừng phạt Trung Quốc dưới thời chính quyền Donald Trump, nhưng trong lĩnh vực chip thì các biện pháp trừng phạt vẫn được Tổng thống Biden duy trì. Mục tiêu chính của Mỹ dường như là chấm dứt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc hoặc Đài Loan, bao gồm các chất bán dẫn.

Về phía Trung Quốc, cuộc chiến cũng âm thầm diễn ra, và họ đang dùng cách thức quen thuộc của mình: Sao chép công nghệ và mua chuộc người của TSMC.

Chuyện mờ ám của “China chip” 

Ông Jiang Shangyi, cựu đồng giám đốc điều hành của TSMC và sau đó đầu quân cho SMIC – một công ty sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc và mới đây đã từ chức, trong một cuộc phỏng vấn “Bảo tàng Lịch sử Máy tính” (CHM) của Mỹ vào tháng 3 vừa qua đã tiết lộ rằng việc gia nhập SMIC của anh ấy là “một sai lầm”, và là một trong những điều ngu ngốc nhất mà anh từng làm trong đời. 

SMIC là một nhà máy bán dẫn được hỗ trợ bởi chính phủ chính thức của ĐCSTQ, và cũng là đối thủ cạnh tranh của TSMC. Vì vậy, việc Jiang Shangyi gia nhập SMIC đã từng thu hút sự chú ý lớn từ mọi tầng lớp. 

Ba ngày sau khi ông gia nhập SMIC, Hoa Kỳ đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, và Trung Quốc không thể mua bất kỳ thiết bị nào có thể thực hiện quy trình sản xuất tiên tiến, “cụ thể là không thể làm được chip 7 nanomet (nm)”. Ngoài ra, Jiang là một công dân Mỹ, và SMIC thì lại nằm trong tầm ngắm của các lệnh trừng phạt. Ông vừa mang quốc tịch Mỹ, vừa bị coi là người Đài Loan nên không được Trung Quốc tin tưởng, điều đó khiến Jiang cảm thấy rất khó chịu, từ chức vào cuối năm và trở về Hoa Kỳ để nghỉ hưu.

Trên thực tế, TSMC đã kiện SMIC vì sao chép công nghệ quy trình của mình vào năm 2002 và 2006. TechInsights cũng chỉ ra rằng nghi ngờ SMIC sao chép quy trình 7 nanomet của TSMC có thể dẫn đến kiện tụng giữa hai công ty.

Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã cáo buộc SMIC phục vụ quân đội Trung Quốc. Vào tháng 9 năm 2020, SMIC được thêm vào danh sách các thực thể bị kiểm soát xuất khẩu, và vào tháng 12 cùng năm, SMIC được thêm vào danh sách đen “các doanh nghiệp công nghiệp-quân sự Trung Quốc” cấm đầu tư của Mỹ. Đồng thời, dưới áp lực của chính phủ Hoa Kỳ và Hà Lan, SMIC đã không thể có được các máy cực tím ASML (EUV) cần thiết để sản xuất các chip tiên tiến nhất. 

Về việc phát triển công nghệ chip của SMIC, một số người trong ngành phân tích rằng SMIC hiện chưa có thiết bị in thạch bản cực tím (EUV), mặc dù SMIC có thể chế tạo chip 7 nanomet nhưng quy trình xử lý phức tạp và năng suất khó có thể sánh bằng TSMC. Những người trong ngành cũng đánh giá rằng SMIC là nhà sản xuất OEM của chip khai thác, đầu tiên đúc chip trên quy trình chip 7 nanomet của TSMC, sau đó chuyển giao nó cho SMIC để thiết kế ngược.

Thế giới bên ngoài đã nhận thấy rằng bước tiến nhảy vọt của SMIC trong việc “nhân bản” quy trình sản xuất là rất thấp. Thậm chí trên trang web chính thức, cũng như trong bất kỳ tài liệu chính thức nào của SMIC, hầu như đều không đề cập đến 7nm.

Theo Caixin, các quỹ nghiên cứu và phát triển mạch tích hợp của Trung Quốc  đã đầu tư liên tục và cường độ cao để phát triển mạch tích hợp. Nhưng thực tế là hai bánh xe “tài chính” và “công nghệ” trong ngành vi mạch tích hợp của Trung Quốc đang không đồng bộ nên khó có thể có được sự phát triển vượt trội. 

Meng Wei, phát ngôn viên của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, từng nói rằng ông nhận thấy rằng một số công ty “ba không” – không có kinh nghiệm, không có công nghệ và không có nhân tài đã tham gia vào ngành công nghiệp vi mạch, và một số nơi vẫn đang thúc đẩy kế hoạch một cách mù quáng, xây dựng lặp lại, và thậm chí xây dựng các dự án riêng lẻ. Tình trạng đình trệ, bỏ trống nhà xưởng, gây lãng phí tài nguyên. 

Về phía Đài Loan, họlo ngại rằng chuyến thăm gần đây của bà Nancy Pelosi sẽ thúc đẩy một cuộc xâm lược của Trung Quốc, dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy sản xuất chip của công ty. 

Chủ tịch Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) Mark Liu  cho biết: “Không ai có thể kiểm soát TSMC bằng vũ lực … bởi vì đây là một cơ sở sản xuất tinh vi phụ thuộc vào kết nối thời gian thực với thế giới bên ngoài” chẳng hạn như Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản về vật liệu, hóa chất và phần mềm kỹ thuật”.

Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Kinh tế Wang Mei-hua cho biết, nếu Trung Quốc xâm lược, Đài Loan sẽ không cung cấp chip cho thế giới và điều đó sẽ gây ra các vấn đề kinh tế nghiêm trọng.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi nói nếu điều gì đó xảy ra với Đài Loan, thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả”, ông Wang nói.

Related posts