Trung Quốc đã thành lập một tập đoàn quốc doanh mới phụ trách thu mua quặng sắt tập trung nhằm tăng sức mạnh thương lượng trên thị trường quốc tế.
Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc rất lớn. Dữ liệu cho thấy kể từ năm 2016, lượng quặng sắt nhập cảng hàng năm của Trung Quốc đã vượt quá 1 tỷ tấn. Năm 2021, Trung Quốc nhập cảng tổng cộng 1.126 tỷ tấn, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ quặng sắt của nước này trong năm đó. Nguồn quặng sắt trong nước chủ yếu thuộc loại kém và sản lượng nội địa thấp, khiến Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập cảng.
Hiện tại, nguồn cung và tài nguyên quặng sắt toàn cầu tập trung nhiều ở Úc và Brazil, và các bên bán đã thống trị thị trường trong một thời gian dài.
Theo dữ liệu từ Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), từ năm 2019 đến năm 2021, các đại công ty khai thác của Úc là Rio Tinto, BHP Group Ltd., Fortescue Metals Group Ltd. (FMG Group), và bốn mỏ quặng sắt chính của Brazil là Vale do Rio Doce (Vale) sản xuất chiếm hơn 40% sản lượng toàn cầu. Các chuyến vận chuyển quặng sắt bằng đường biển từ bốn mỏ chính chiếm 60-70% lượng quặng sắt lưu hành qua đường biển trên thế giới.
Hơn 80% lượng quặng sắt nhập cảng của Trung Quốc đến từ Úc và Brazil. Năm 2021, Trung Quốc nhập cảng 694 triệu tấn — gần 62% tổng lượng nhập cảng của Trung Quốc — từ Úc và 238 triệu tấn — hay 21% — từ Brazil.
Vị thế tuyệt đối của các mỏ Úc trong nguồn cung quặng sắt của Trung Quốc đặt Trung Quốc vào thế “bị động” trong cuộc chơi giá quặng sắt.
Hơn nữa, hồi tháng 04/2020, Canberra đã khiến Bắc Kinh khó chịu khi yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của COVID-19. Do đó, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Úc và hạn chế một số mặt hàng nhập cảng từ Úc. Sự việc này cũng buộc Trung Quốc phải đối diện với vị thế thống trị của các mỏ Úc.
Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc
Hôm 25/07, Công ty TNHH Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc (China Mineral Resources Group Co. Ltd.) được thành lập tại Bắc Kinh với tư cách là một công ty 100% vốn quốc doanh và là một tổ chức đầu tư được nhà nước ủy quyền. Theo nghị quyết ngày 28/07 của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản mới sẽ thành lập một ủy ban làm việc về quặng sắt với các doanh nghiệp sắt thép lớn của Trung Quốc để chịu trách nhiệm riêng về thu mua quặng sắt trên thị trường toàn cầu.
Về mục đích thành lập tập đoàn tài nguyên khoáng sản này, ông Chu Thành Hùng (Zhou Chengxiong), Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn và Nghiên cứu Các vấn đề Chiến lược thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), cho biết trong một bài báo ngày 21/07 rằng các công ty thép Trung Quốc chỉ có thể thay đổi thế bị động về mua sắm quặng sắt bằng cách tập trung hóa mua sắm. Việc thành lập Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc chính xác là để tập trung khai thác và xuất/nhập cảng quặng và lập kế hoạch tổng thể để đạt được lợi thế.
Mỏ sắt Simandou
Trung Quốc cũng đang chờ mỏ sắt Simandou ở Guinea, Phi Châu bắt đầu đi vào sản xuất. Và theo hãng thông tấn Trung Quốc Tài Tân (Caixin), Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc mới thành lập sẽ đầu tư vào các mỏ ở ngoại quốc như mỏ Simandou.
Trong cuộc chơi về quyền định giá đối với quặng sắt của Trung Quốc, mỏ Simandou của Guinea được Bắc Kinh coi là cơ sở khoáng sản quan trọng, dự kiến sẽ phá vỡ mô hình cung cấp quặng sắt toàn cầu.
Tuy nhiên, theo ông Mike Sun, nhà tư vấn đầu tư Bắc Mỹ và chuyên gia về Trung Quốc, công suất quy hoạch của mỏ này là có hạn và các nhà máy thép Trung Quốc sẽ phải tạm dừng sản xuất nếu bị hết quặng sắt.
Ông Sun nói với The Epoch Times, công suất sản xuất theo kế hoạch hiện tại của quặng sắt Simandou là 100 triệu đến 150 triệu tấn. Ngay cả khi sản lượng này cuối cùng có thể đạt được, nhập cảng quặng sắt hàng năm của Trung Quốc vượt quá 1 tỷ tấn, vì vậy Trung Quốc không thể làm gì nếu không có quặng sắt từ Úc và Brazil.
Ngoài ra, ông Sun nói, quặng sắt Simandou có một vấn đề lớn về chi phí. Đầu tư ban đầu của mỏ vào đường sắt, cầu cảng, và các cơ sở sản xuất điện là rất lớn. Cuối cùng, giá CIF Trung Quốc đối với quặng sắt Simandou ước tính vượt 70-100 USD/tấn; trong khi giá CIF Trung Quốc đối với quặng sắt Úc chỉ khoảng 20 USD/tấn. Khoảng cách chi phí giữa hai loại là rất lớn và đại công ty khai thác của Úc có thể dễ dàng tạo ra lợi nhuận lớn.
Kể từ đầu năm nay (2022), chính phủ Guinea mới đã hai lần đình chỉ hoạt động khai thác tại mỏ Simandou và yêu cầu các nhà đầu tư ngoại quốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Sun cho biết giá quặng sắt cuối cùng sẽ do cung và cầu trên thị trường quyết định. Chỉ cần Trung Quốc có nhu cầu về quặng sắt, Trung Quốc sẽ khó kiểm soát việc đàm phán giá quặng sắt ngay cả khi nước này tích hợp nguồn lực của mình.
Trung Quốc hợp nhất các ngành khai thác chủ chốt
Gần đây, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc sáp nhập các đại công ty sản xuất thép và kim loại khác.
Tại một hội nghị về thúc đẩy hội nhập các doanh nghiệp trung ương được tổ chức hồi tháng Bảy, các quan chức của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước (SASAC) cho rằng tình hình chính trị và kinh tế ở quốc nội và quốc ngoại của Trung Quốc hiện nay rất khó khăn. Vì vậy, cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp trung ương để ứng phó với tình hình phức tạp hiện nay.
Năm 2016, Quốc vụ viện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành một kế hoạch hành động để hợp nhất 60-70% sản lượng thép của Trung Quốc vào tay khoảng 10 tập đoàn lớn vào năm 2025.
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thép Thế giới, Tập đoàn Thép Bảo Vũ Trung Quốc (China Baowu Steel) đứng thứ 1, Tập đoàn Yên Cương (Ansteel Group) đứng thứ 3, Tập đoàn Sa Cương (Shagang Group) đứng thứ 5, Tập đoàn Hà Cương (Hegang Group) đứng thứ 7, và Tập đoàn Thủ Cương (Shougang Group) đứng thứ 9 trong số 10 công ty hàng đầu thế giới về sản lượng thép thô năm ngoái (2021).
Ông Sun cho biết theo xu hướng hiện tại, ngành thép của Trung Quốc cuối cùng có thể sẽ chỉ hợp nhất thành 3-4 tập đoàn thép lớn.
Các ngành công nghiệp khai thác chủ chốt khác ở Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh việc hợp nhất các doanh nghiệp quốc doanh lớn.
Hôm 24/07, Tập đoàn Nhôm Trung Quốc (CHINALCO) thông báo rằng họ sẽ mua thêm 19% cổ phần của Công ty Nhôm Vân Nam Trung Quốc bằng tiền mặt, với tổng cổ phần là 29%. Sau khi sáp nhập, CHINALCO sẽ trở thành công ty nhôm niêm yết lớn nhất thế giới.
Tháng 12 năm ngoái, CHINALCO, Tập đoàn Ngũ Khoáng Trung Quốc (China Minmetals Corporation) và Tập đoàn Đất Hiếm Cám Châu (Ganzhou Rare Earth Group) đã dẫn đầu việc thành lập Công ty TNHH Tập đoàn Đất Hiếm Trung Quốc (China Rare Earth Group Co. Ltd.), với ý định củng cố các nguồn lực để kiểm soát chuỗi cung ứng và giá đất hiếm.
Cô Anne Zhang là một cây bút chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc cho The Epoch Times. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2014.
Vân Du biên dịch