Thiên Tư
Tại Trung Quốc, dù đã không còn cảnh báo nhiệt độ cao (kéo dài liên tiếp trong 41 ngày), phạm vi vùng nhiệt độ cao ở miền nam đã dần thu hẹp, nhưng khô hạn lưu vực sông Trường Giang vẫn còn nguyên trạng. Tính đến 14:00 ngày 30/8, mực nước tại trạm thủy văn biểu tượng ở hồ Bà Dương (Poyang Lake) là 8,93 mét, cách chưa đầy 1 mét so với “mực nước cực khô” là 8 mét.
11 tỉnh bị khô hạn ở mức từ trung bình đến nghiêm trọng
Vào lúc 18:00 ngày 30/8 (thời gian Bắc Kinh), Đài quan sát khí tượng trung ương Trung Quốc tiếp tục đưa ra cảnh báo hạn hán màu da cam: theo dõi khí tượng cho thấy đã có hạn hán từ vừa đến nghiêm trọng tại những vùng nhất định trên phạm vi hơn 11 tỉnh thành của Trung Quốc, bao gồm cả Trùng Khánh và Tứ Xuyên.
Đồng thời, Đài quan sát khí tượng trung ương Trung Quốc cũng đã dỡ bỏ cảnh báo nhiệt độ cao màu vàng. Trước đó toàn Trung Quốc đã trong 41 ngày liên tiếp cảnh báo nhiệt độ cao, bây giờ dù đã tạm không còn vấn đề cảnh báo nắng nóng nhưng cảnh báo hạn hán vẫn được đưa ra.
Theo truyền thông Trung Quốc, kể từ tháng Bảy, mực nước hồ Bà Dương ở Cửu Giang – Giang Tây, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, tiếp tục hạ thấp. Theo đó, ngày 4/8 đã bước vào mùa khô trước thời hạn. Vào lúc 14:00 ngày 30/8, mực nước tại trạm thủy văn biểu tượng của hồ Bà Dương là 8,93 mét, cách chưa đầy 1 mét so với mực nước cực kỳ khô là 8 mét.
Cục Khí tượng Cửu Giang dự báo, lượng mưa trung bình của địa phương trong tháng Chín thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và hạn hán dự kiến sẽ tiếp tục, qua đó kêu gọi các nơi cần tiếp tục tăng cường quản lý nguồn nước một cách khoa học phù hợp cho sử dụng trong lúc khô hạn.
Lộ “chân dung” cây cầu đá thời nhà Minh dài 2930 mét
Nhiều vùng lưu vực huyện Đô Xương ở khu hồ nước ngọt Bà Dương lớn nhất Trung Quốc bị hạn hán nghiêm trọng khiến diện tích hồ không ngừng bị thu hẹp. Cả cây cầu đá từ thời nhà Minh dưới đáy hồ cũng bị lộ ra vì cạn nước.
Cây cầu đá cổ nằm ở vùng thủy vực huyện Đô Xương tỉnh Giang Tây được xây dựng từ thời nhà Minh, thân cầu hoàn toàn bằng đá granit, mặt cầu rộng khoảng 0,8 mét, cầu có tổng cộng 983 lỗ nên được đặt tên là “Cầu Ngàn Mắt”, hay cũng gọi là “Cầu Ngàn Lỗ”.
Cây cầu này là di tích bảo vệ trọng điểm của tỉnh Giang Tây, được xây dựng vào thời nhà Minh. Tổng chiều dài của cầu là 2657 mét, đá trên mặt cầu là đá granit, mỗi trụ cầu được cấu thành từ khoảng 10 cây thông, từ xa xưa nó đã là con đường chính của người dân vùng xung quanh và được xem là cầu đá dài nhất Trung Quốc nằm ở hồ nước.
Các nhân viên của Bảo tàng Đô Xương cho biết, cây cầu cổ này được xây dựng vào năm thứ 4 Sùng Trinh nhà Minh (năm 1631), là con đường huyết mạch giữa 2 bờ hồ.
Mặc dù trong nhiều năm, cây cầu đã chìm trong nước hồ Bà Dương, nhưng những khi mực nước hồ xuống thấp hơn 10,5 mét thì cầu sẽ lại nổi lên khỏi mặt nước.
Hiện nay hạn hán đã khiến mực nước của hồ không ngừng “thu lại” làm phần thân chính của hồ Bà Dương và vùng nước xung quanh đã bị thu hẹp từ 3331 km vuông xuống còn 600 km vuông, là mức nhỏ nhất trong 10 năm qua.
Gần 40 triệu người thiệt hại về kinh tế hơn 130 tỷ nhân dân tệ
Thứ trưởng Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc là Zhou Xuewen hôm 30/8 chỉ ra rằng kể từ tháng Bảy, phần phía nam của Trung Quốc Đại Lục đã gặp phải tình trạng nhiệt độ cao liên tục hiếm thấy, làm hạn hán ở lưu vực sông Dương Tử liên tục phát triển. Hiện tại, hạn hán đã ảnh hưởng đến 37,85 triệu người, trong đó 4,28 triệu người cần cứu trợ sinh kế, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là 4,04 triệu ha và thiệt hại kinh tế trực tiếp là 31,5 tỷ nhân dân tệ. Ông nhấn mạnh dự báo cho thấy lượng mưa mùa thu ở trung và hạ lưu sông Dương Tử tương đối thấp, có thể xảy ra hạn hán liên tục vào mùa hè và mùa thu, tình hình hạn hán vẫn “không khả quan”.
Người đại diện cơ quan chức năng Trung Quốc này cho biết, lượng mưa trung bình ở lưu vực sông Dương Tử kể từ tháng Bảy là 160,3 mm, thấp hơn 50,4% so với cùng kỳ các năm bình thường và thấp nhất kể từ năm 1961. Ngoài ra, dòng nước từ dòng chính và các chi nhánh của sông Dương Tử cũng thấp hơn từ 2 – 80% so với cùng kỳ năm trước, là mức thấp nhất trong cùng thời kỳ kể từ năm 1949; mực nước hiện tại của dòng chính sông Dương Tử cùng hồ Động Đình và Bà Dương đã thiết lập mức thấp nhất kể từ khi có dữ liệu đo lường.
Theo dự báo của cục khí tượng Trung Quốc, hết tháng Tám thì nhiệt độ cao ở khu vực phía nam Trung Quốc sẽ chấm dứt. Những ngày qua lượng mưa ở miền tây Trung Quốc đã tăng lên, nhưng cơ quan quản lý khẩn cấp Trung Quốc đang nghiêm ngặt đề phòng tình trạng từ hạn hán đột ngột chuyển qua lũ lụt, lo ngại sau hạn hán kéo dài sẽ bất ngờ ập đến lượng mưa lớn gây ra lũ lụt. Dù vậy dự báo cho thấy lượng mưa mùa thu ở trung và hạ lưu sông Dương Tử vẫn còn tương đối thấp trong giai đoạn sau nên hạn hán có thể tiếp diễn.
Thiên Tư, Vision Times