Vì sao Lý Khắc Cường ‘sai về mặt chính trị’ và Tập Cận Bình không chỉ định người kế nhiệm?

Mạn Vũ

Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình. Ảnh ghép từ nhiều nguồn.

Lý Khắc Cường từng nói: “Trường Giang – Hoàng Hà không chảy ngược, cải cách mở phải tiến lên”, nếu ‘bế quan toả cảng’ sẽ làm kinh tế Trung Quốc giống Bắc Hàn. Chính sách ‘Zero COVID’ thực sự đã huỷ hoại nền kinh tế, nhưng tại sao nó vẫn tiếp tục?

Gần đây có thông tin cho rằng Tập Cận Bình sẽ chỉ định Đinh Tiết Tường làm người kế nhiệm. Sự việc này có tính xác thực hay không?

Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ‘ đăng ngày 3/9, từ những phân tích tâm lý con người và sự kiện lịch sử, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã nhìn nhận: Tuy Lý Khắc Cường ‘đúng trong kinh tế’ nhưng lại ‘sai trong chính trị’.

Còn câu chuyện Tập Cận Bình chỉ định người kế nhiệm thì Giáo sư Chương đưa ra phương pháp phân tích vấn đề để đi đến kết luận. Quá trình này sẽ là một tham khảo hữu ích cho mọi người liễu giải một số nhận thức thông thường về chính trị.

Nhưng trước khi đi vào phân tích, Giáo sư Chương đưa ra câu chuyện của Tư Mã Nam – nổi tiếng với câu nói ‘chống Mỹ là công việc, qua Mỹ là cuộc sống’ như sau.

Tư Mã Nam được gỡ phong sát sau 10 ngày

Giáo sư Chương từng chú ý đến sự việc về Tư Mã Nam, người có câu nói rất nổi tiếng ‘chống Mỹ là công việc, qua Mỹ là cuộc sống’.

Ảnh Tư Mã Nam chụp từ Twitter của RFI ngày 20/8.

Ngày 20/8, trên Twitter của RFI có đăng một thông tin rằng: Tư Mã Nam khiến dư luận xôn xao vì mua bất động sản ở Mỹ, phía ĐCSTQ vì muốn ‘duy trì ổn định’ đã khoá tài khoản của Tư Mã Nam. Trong cùng ngày, trên tài khoản Twitter cá nhân, Giáo sư Chương đăng bài viết với nội dung như sau.

Nếu Tư Mã Nam vì việc ấy (mua bất động sản) mà bị cấm nói, việc này sẽ dẫn đến mọi người đào bới những ‘tài liệu đen’ của những người tương tự như Hồ Tích Tiến, Kim Xán Vinh… ‘Tài liệu đen’ của quan chức cấp cao ĐCSTQ sẽ đào được không biết bao nhiêu mà kể, nói không chừng các chiến lang của ĐCSTQ đều có tài sản ở nước ngoài, lẽ nào đều ‘phong sát’ để xử lý sao? Do đó việc Tư Mã Nam được gỡ phong sát sẽ nhanh hơn Lý Giai Kỳ và Vy Á.

Khoảng 10 ngày sau, tức cuối tháng 8 đầu tháng 9, tài khoản của Tư Mã Nam ở Trung Quốc Đại lục đã được gỡ phong sát, còn tài khoản của 2 streamer bán hàng là Lý Giai Kỳ và Vy Á vẫn chưa được gỡ phong sát.

Streamer Lý Giai Kỳ và Vy Á (Viya). Ảnh ghép từ nhiều nguồn.

Vì sao Giáo sư Chương đưa ra nhìn nhận như vậy? Bởi vì Tư Mã Nam bị đóng tài khoản không phải vì ông ấy mua nhà ở Mỹ, cũng không phải bị bắt gặp khi mua nhà ở Mỹ. Mà là vì khi Tư Mã Nam bị bắt gặp mua nhà ở Mỹ, ông ấy nên ‘im lặng không nói’, để cho sự việc hạ nhiệt. Nhưng Tư Mã Nam lại trả lời, trên thực tế là biện hộ cho mình. Khi ông ta trả lời, tương đương với việc duy trì độ nóng của chủ đề này, mà đây là điều ĐCSTQ muốn cho mọi người thấy. Thế là ĐCSTQ bèn khoá miệng Tư Mã Nam một đoạn thời gian, để sự việc hạ nhiệt.

Do đó Giáo sư Chương mới nhìn nhận việc gỡ phong sát Tư Mã Nam sẽ nhanh hơn Lý Giai Kỳ và Vy Á, huống chi cả Lý Giai Kỳ và Vy Á đều không có thân thế. Vốn dĩ 2 streamer này bị phong sát bởi vì sức ảnh hưởng quá lớn, mỗi lần livestream là có hàng triệu thậm chí cả trăm triệu người xem, nhiều người nghe theo họ để mua hàng. Nếu tiếng nói của họ lớn, người ta sẽ không còn nghe ĐCSTQ nữa, đây là điều mà ĐCSTQ không thể dung thứ được nên phải phong sát Lý Giai Kỳ và Vy Á.

Nhưng Tư Mã Nam thì khác, sức ảnh hưởng của ông ấy chỉ là để duy trì quyền lực chính trị cho ĐCSTQ, giống như gia nô trong nhà, tuy rằng có phạm sai lầm, chỉ là đánh vài hèo là xong, qua một đoạn thời gian lại được gỡ phong sát. Do đó Giáo sư Chương mới nhìn nhận Tư Mã Nam được gỡ phong sát nhanh hơn Lý Giai Kỳ và Vy Á. 

Giáo sư Chương chia sẻ câu chuyện của Tư Mã Nam là muốn nói về phương pháp phân tích sự việc: vì sao Tư Mã Nam bị phong sát sau đó lại nhanh chóng được gỡ, để mọi người liễu giải được logic hành sự của ĐCSTQ. 

Lý Khắc Cường đúng về kinh tế nhưng sai về chính trị

Lý Khắc Cường vừa rời Thâm Quyến, nơi đây liền bị phong thành

Ngày 16/8, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường đến Thâm Quyến. Ông nói rõ rằng: “Trường Giang – Hoàng Hà không chảy ngược, cải cách mở phải tiến lên”. Sau khi Lý Khắc Cường rời Thâm Quyến, nơi đây liền bị phong thành (đóng cửa thành phố). Vì sao như vậy?

Chính sách Zero COVID khiến kinh tế Trung Quốc chịu tổn hại nghiêm trọng, nên Thủ tướng Lý Khắc Cường mới nhấn mạnh ‘cải cách mở cửa’. Giáo sư Chương nhìn nhận, điều này là đối kháng với chính sách Zero COVID của Tập Cận Bình, do đó để chứng tỏ ai mới là người nắm quyền thật sự, sau khi ông Lý rời Thâm Quyến thì nơi đây liền bị phong thành. 

Nhân sự việc này, Giáo sư Chương cũng muốn phân tích: vì sao khi người ta càng nói ‘Lý thượng Tập hạ’ (Lý Khắc Cường đang lên, Tập Cận Bình đang xuống), thì phong thành càng nghiêm trọng, càng bất ngờ, càng lâu dài.

Để mọi người hiểu rõ hơn điểm này, Giáo sư Chương đã phân tích về Hội nghị Lư Sơn năm 1959 như sau.

Hội nghị Lư Sơn năm 1959 và ‘luật bất thành văn’ của ĐCSTQ

Hội nghị Lư Sơn năm 1959 vốn dĩ là để sửa chữa sai lầm của Đại nhảy vọt năm 1958. 

Năm 1957, Mao Trạch Đông làm cái gọi là ‘phản hữu’ (反右: chống cánh hữu/hữu khuynh) khiến toàn quốc oán thán, sau đó Mao Trạch Đông muốn làm tốt kinh tế để bịt miệng mọi người. Thế là năm 1958, Mao Trạch Đông làm Đại nhảy vọt, mở đại thực đường (nhà ăn lớn), ăn cơm không cần tiền, để mọi người chuyên tâm luyện gang thép.

Cuối năm 1958, mọi người khi ấy đã cảm nhận kinh tế sẽ bị hỏng vì luyện gang thép, bởi vì hết thảy tư nguyên (tài nguyên) đều hướng vào đó, nhưng lại luyện ra thành phẩm ‘phế liệu’, hơn nữa lại làm lỡ nông vụ khiến người dân chết đói. 

Do đó Hội nghị Lư Sơn năm 1959 là để sửa chữa xu hướng ‘tả khuynh’ và điên cuồng của Đại nhảy vọt. Khi Hội nghị Lư Sơn diễn ra được 2 tuần, Bành Đức Hoài lên núi và điều điều tra tình huống hiện tại, ông đã viết cho Mao Trạch Đông bức thư tên là ‘Vạn ngôn thư’. Trong đó bày tỏ ý kiến của ông về sai lầm tả khuynh và bài học giáo huấn từ năm 1958. 

Kết quả đến cuối hội nghị, toàn bộ hình thế thay đổi. Vốn dĩ Hội nghị Lư Sơn là để ‘phản tả’ (反左: chống tả khuynh), nhưng sau bức ‘Vạn ngôn thư’ của Bành Đức Hoài thì trở thành ‘phản hữu’ (反右: chống hữu khuynh). Trong đảng lập tức triển khai đấu tranh với tập đoàn phản đảng gồm Bành Đức Hoài, Hoàng Khắc Thành, Trương Văn Thiên, Chu Tiểu Châu (gọi tắt là Bành Hoàng Trương Chu). Sau đó ĐCSTQ thông qua ‘Liên quan đến Nghị quyết về sai lầm của tập đoàn phản đảng do Bành Đức Hoài đứng đầu’ và một loạt các công cáo/nghị quyết tương tự, để kết luận Bành Đức Hoài phản đảng. 

Bành Đức Hoài và Mao Trạch Đông. Ảnh ghép từ nhiều nguồn.

Khi thấy được điểm thay đổi ở Hội nghị Lư Sơn, từ ‘sửa chữa tả khuynh’ sang ‘phản hữu’ chính là vì Bành Đức Hoài đã nói vài lời thật, hơn nữa lời thật ấy chứng tỏ ông chính xác hơn Mao Trạch Đông.

Quay lại tình huống hiện nay, Lý Khắc Cường cũng như thế. Nếu Lý Khắc Cường không giảng về phát triển kinh tế, cải cách mở cửa, hay ‘Trường Giang – Hoàng Hà không chảy ngược, cải cách mở phải tiến lên’… nói không chừng Tập Cận Bình qua một đoạn thời gian sẽ sửa đổi những sai lầm của mình. Nhưng ông Lý Khắc Cường càng nói về phát triển kinh tế, càng nói về việc chính sách Zero COVID tạo thành vấn đề kinh tế, thì Tập Cận Bình càng ngày càng phong thành, bởi vì hành động ấy là để biểu thị rằng: Tập Cận Bình có địa vị ‘chí cao vô thượng’, không thể thách thức.

Ở Hội nghị Lư Sơn, rõ ràng Bành Đức Hoài đúng, Mao Trạch Đông sai, nhưng ‘phản Mao’ chính là ‘phản cách mạng’. Ngay cả chính sách kinh tế là đúng, nhưng về mặt chính trị là sai. Bành Đức Hoài sai, còn Mao Trạch Đông đúng về mặt chính trị, nên chính sách kinh tế của Mao Trạch Đông dù sai thế nào cũng được chấp hành. 

Tương tự, Lý Khắc Cường đúng về chính sách kinh tế, nhưng lại sai về chính trị, bởi vì ông đối chọi với chính sách của Tập Cận Bình, do đó việc phong thành các nơi sẽ càng ngày càng được thúc đẩy.

ĐCSTQ có điểm giống với ‘hắc bang’

Nhìn vào tổ chức của ĐCSTQ, Giáo sư Chương nhìn nhận ĐCSTQ có nét giống với ‘hắc bang’. Hắc bang vì sao cần ‘lão đại’ (đại ca)? Bởi vì nếu hắc bang không có lão đại, các thế lực nội bộ của hắc bang sẽ xâu xé lẫn nhau, như thế hắc bang sẽ bị chia rẽ, sẽ bị các lực lượng khác như cảnh sát tiêu diệt. Do đó hắc bang cần lão đại để đoàn kết nội bộ lại. 

Vị trí của lão đại không được phép thách thức, nếu thách thức địa vị của lão đại chính là người ấy muốn ‘soán đảng đoạt quyền’, muốn chiếm đoạt quyền uy tối thượng của lão đại. 

Hiểu được điều này chúng ta sẽ giải thích được vì sao năm đó Mao Trạch Đông không thể ‘dung nhẫn’ (容忍: dung thứ) cho Bành Đức Hoài. Sau này Mao Trạch Đông cũng không thể dung nhẫn cho Lưu Thiếu Kỳ, bởi vì 3 năm Nạn đói lớn Mao Trạch Đông đã làm mọi thứ đi xuống, còn Lưu Thiếu Kỳ sau đó đi thu dọn cục diện. Lưu Thiếu Kỳ đã làm ‘Điều chỉnh – Củng cố – Tăng cường – Nâng cao’ để khôi phục kinh tế quốc dân, trên cơ bản là ‘undo’ (bãi bỏ) những chính sách của Mao Trạch Đông. 

Làm sao Mao Trạch Đông dung nhẫn được điều này. Lưu Thiếu Kỳ làm kinh tế càng ngày càng tốt, chẳng phải hiển lộ ra những sai lầm của Mao Trạch Đông hay sao? Do đó Mao Trạch Đông tuyệt đối không thể chấp nhận. Cho nên Mao Trạch Đông đã đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ.

Lưu Thiếu Kỳ bị đấu tố trong CMVH (ảnh Wikipedia).

Khi ai đó thách thức quyền uy của lãnh đạo tối cao, dù là Nguyên soái Bành Đức Hoài hay Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ… cuối cùng cũng bị hạ bệ.

Nhìn vào hiện tượng phong thành hiện nay, chúng ta sẽ biết được vì sao các quan chức cấp tỉnh, cấp bộ, thậm chí Uỷ viên Bộ Chính trị… họ đều đóng cửa thành phố, bởi vì họ chọn bên của ông Tập. Giáo sư Chương đánh giá, những quan chức này nhạy cảm hơn những người hay tung tin đồn, thông tin họ nhận được sẽ chính xác hơn. Khi họ phong thành chính là muốn nói rằng: ai mới là người cao nhất trong đảng.

Tập Cận Bình có chỉ định người kế nhiệm?

Hiện nay có một cách nói rằng: Tập Cận Bình sẽ chỉ định Đinh Tiết Tường – Bí thư Ban thư ký trung ương làm người kế nhiệm ‘cách đại’ (隔代: cách một thời đại), tức là sau Tập Cận Bình là một người, sau người đó mới là Đinh Tiết Tường. Ở đây lại xuất hiện một vấn đề: nếu Đinh Tiết Tường là người kế nhiệm ‘cách đại’, vậy thì ai là người kế nhiệm Tập Cận Bình?

Đinh Tiết Tường (ảnh Wikipedia).

Một số người truyền tin đồn cho rằng người đó là Lý Khắc Cường, bởi vì Lý Khắc Cường là người kế nhiệm ‘cách đại’ của Hồ Cẩm Đào (Hồ Cẩm Đào tới Tập Cận Bình rồi tới Lý Khắc Cường). Nhưng Giáo sư Chương không cho là như vậy.

Giáo sư Chương lật lại vấn đề rằng: Hồ Cẩm Đào có quyền uy để chỉ định người kế nhiệm ‘cách đại’ không? Mọi người còn nhớ vào tháng 2/2013, khi bế mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, Hồ Cẩm Đào chầm chậm thu dọn những thứ trên bàn, biểu hiện của ông vô cùng cô đơn và buồn thảm. Đây có phải là bộ dạng của người chỉ định người kế nhiệm ‘cách đại’ thành công không? 

Kỳ thực trong ĐCSTQ duy có một người chỉ định người kế nhiệm thành công, đó là Đặng Tiểu Bình. 

Đặng Tiểu Bình tuyển chọn Hồ Cẩm Đào bởi vì Đặng Tiểu Bình không yên tâm về Giang Trạch Dân. Những người Hồ – Ôn (tức Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo) là những cán bộ mà Đặng Tiểu Bình chọn dựa trên ‘Tứ hoá’ (Cách mạng hoá, Tuổi trẻ hoá, Tri thức hoá và Chuyên nghiệp hoá). 

Sau đó để bồi dưỡng ‘đội quân thứ ba’ (cán bộ dự bị cấp tỉnh cho ĐCSTQ), Đặng Tiểu Bình còn tuyển chọn đề bạt một số sinh viên của trường học danh tiếng, để làm người kế nhiệm cho cải cách mở cửa. Những người này được hưởng lợi từ cải cách mở cửa, nếu không có cải cách mở cửa, họ không thể leo lên vị trí cao như thế, trở thành cán bộ cấp quốc gia. Những người này có động lực để tiếp tục lộ tuyến cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình.

Vào thời điểm ấy, Đặng Tiểu Bình sử dụng sự đồng thuận trong đảng kiềm chế Giang Trạch Dân; hơn nữa gốc rễ của Giang Trạch Dân trong đảng còn cạn, Giang không phải là Thái tử đảng, cũng không có quan hệ gì với quân đội; cho nên Giang không dám không vâng lời Đặng. 

Tuy nhiên sau này Tăng Khánh Hồng giúp Giang Trạch Dân nhập nhóm/hoà nhập với quân đội, hoà nhập với một vài lực lượng trong hệ thống chính phủ hoặc hệ thống tình báo an ninh quốc gia, nhưng dù thế nào thì gốc rễ của Giang còn cạn, vì vậy những lời của nguyên lão chính trị vẫn còn hiệu quả đối với Giang Trạch Dân. Mặc dù vậy Giang Trạch Dân vẫn gây ra trùng trùng trở ngại cho sự kế nhiệm của Hồ Cẩm Đào.

Vào Đại hội 16 năm 2002, vì sao Giang Trạch Dân tăng số Thường Uỷ từ 7 thành 9, bởi vì Giang muốn tăng thêm 2 bảo hộ quan trọng. 

Bảo hộ thứ nhất, dù tình huống như thế nào thì người của Giang Trạch Dân trong Bộ Chính trị vẫn chiếm tuyệt đại đa số. Khi đó 7/9 vị Thường Uỷ là người của Giang Trạch Dân. Hơn nữa, Giang Trạch Dân còn bỏ đi xưng hiệu ‘hạch tâm’ (trung tâm) của Hồ Cẩm Đào. Giang Trạch Dân nói mình là hạch tâm của thế hệ thứ ba, đến thế hệ thứ tư (của Hồ Cẩm Đào) thì không còn hạch tâm nữa, mà chuyển sang lãnh đạo tập thể, có việc gì thì mọi người biểu quyết. 

Bởi vì người của Giang Trạch Dân chiếm tuyệt đại đa số nên có thể đảm bảo chính lệnh của Hồ – Ôn không thể thông qua. Đây là lý do vì sao người ta nói rằng: thời kỳ Hồ – Ôn, ‘chính lệnh không thể ra khỏi Trung Nam Hải’. 

Giang Trạch Dân muốn di sản chính trị của mình kéo dài trong 10 năm nữa, ông ta mới tốn nhiều công sức khuếch đại số Thường Uỷ, sau đó phế bỏ xưng hiệu ‘hạch tâm’, tương đương với việc thay đổi phương thức tổ chức cao nhất của ĐCSTQ. 

Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Ảnh ghép từ nhiều nguồn.

Dưới tình huống như vậy, Giang Trạch Dân cũng không thành công trong việc chỉ định người kế nhiệm. Người kế nhiệm theo chủ ý của Giang Trạch Dân là Bạc Hy Lai, chứ không phải Tập Cận Bình.

Ngày 2/9, Giáo sư Chương đã đăng dòng tweet nói rằng:

Chỉ định người kế nhiệm ‘cách đại’ cần quyền uy, Đặng Tiểu Bình có thể, ngay cả Giang Trạch Dân cũng không thể (vì Bạc Hy Lai không thể kế nhiệm), Hồ Cẩm Đào cũng không thể. Tập Cận Bình nếu có quyền uy chỉ định người kế nhiệm ‘cách đại’, liệu ông ấy có cần nghỉ hưu không?

Giáo sư Chương nói rằng, khi hiểu được logic này chúng ta sẽ biết rằng: Ở Đại hội 18 năm 2012, khi Tập Cận Bình vừa lên nắm quyền đã cắt 2 Thường Uỷ, cắt đi 2 người của Giang phái thuộc Uỷ ban Chính trị và Pháp luật và Ban Tuyên giáo. Khi đó người của Uỷ ban Chính trị và Pháp luật không thể tín nhiệm được vì là cán bộ cũ dưới thời Chu Vĩnh Khang; nếu còn người của Chu Vĩnh Khang chắc chắn là thế lực ‘phản Tập’. Bản thân việc cắt đi 2 Thường Uỷ chính là để tập trung quyền lực của Tập Cận Bình. 

Khi nhìn vào 7 Thường Uỷ của Đại hội 18, ngoài Lý Khắc Cường ra, thì không có người của Hồ Cẩm Đào. Ngay cả ở Đại hội 16, Hồ Cẩm Đào cũng không có quyền uy, làm sao ông ấy có thể chỉ định người kế nhiệm ‘cách đại’, Giang Trạch Dân cũng không thể làm việc đó.

Do đó Giáo sư Chương cho rằng, nếu Tập Cận Bình muốn chỉ định người kế nhiệm ‘cách đại’, ông ấy phải làm 2 việc.

Một là phải có quyền uy tuyệt đối ‘nhất ngôn cửu đỉnh’ như Đặng Tiểu Bình. Thứ hai là phải an bài ‘nhân mã’ của mình trong Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị để chiếm tuyệt đại đa số.

Nếu đủ cả 2 điều trên, vậy thì Tập Cận Bình có cần thoái vị không? Ông ấy có đủ thực lực thì tự mình tái đắc cử, vậy thì cần gì làm rắc rối như vậy. Do đó dù nhìn như thế nào, thì khả năng Tập Cận Bình đưa chức Tổng Bí thư cho người khác là vô cùng nhỏ. 

Hiện tại lý niệm chính trị của Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình là khác nhau, giống như năm đó Bành Đức Hoài và Lưu Thiếu Kỳ khác Mao Trạch Đông vậy, cho nên Giáo sư Chương cho rằng Lý Khắc Cường sẽ rút lui để đảm bảo an toàn, tình huống của Đại hội 20 cơ bản là như vậy. Còn thực tế như thế nào thì khoảng hơn 1 tháng nữa mới có kết quả, chúng ta chỉ có thể chờ xem.

Mạn Vũ

Related posts