Tin thế giới trưa thứ Tư: Bác sĩ bỏ lại xe, chạy bộ 3 km để kịp mổ cấp cứu cho bệnh nhân

Ấn Độ: Bác sĩ bỏ lại xe, chạy bộ 3 km để kịp mổ cấp cứu cho bệnh nhân

Bác sĩ Govind Nandakumar. (Ảnh: NDTV/Chụp màn hình)

Bác sĩ Govind Nandakumar ở Ấn Độ đã quyết định bỏ lại xe, chạy bộ quãng đường 3 km trong bối cảnh ùn tắc giao thông để kịp cho ca mổ cấp cứu một bệnh nhân, theo NDTV.

Cụ thể, sự việc trên xảy ra hôm 30/8 vừa qua khi ông Govind Nandakumar, bác sĩ phẫu thuật về tiêu hóa tại Bệnh viện Manipal, thành phố Bengaluru, miền Nam Ấn Độ, đang di chuyển bằng ô tô đến bệnh viện để thực hiện một ca phẫu thuật nội soi cắt túi mật khẩn cấp cho bệnh nhân, nhưng lại bị tắc đường.

Nhận thấy rằng sự chậm trễ do ùn tắc giao thông có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân, bác sĩ Govind đã quyết định bỏ lại ô tô và chạy bộ khoảng 3 km để kịp tới bệnh viện.

Vị bác sĩ người Ấn Độ sau đó đã đăng tải một đoạn video ngắn trên mạng xã hội cùng với dòng trạng thái: “Tôi đã đến kịp để thực hiện ca mổ. Đội ngũ của tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho ca mổ để tôi có thể phẫu thuật ngay khi đến. Khi thấy cảnh tắc đường, tôi đã quyết định xuống xe, bỏ lại tài xế và chạy đến bệnh viện mà không hề suy nghĩ đắn đo”.

Ca mổ cấp cứu đã diễn ra thành công và bệnh nhân nhanh chóng được xuất viện.

Mưa lớn diễn ra những tuần qua đã gây ra tình trạng ngập lụt và tắc đường ở thành phố Bengaluru. Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều phương tiện không thể di chuyển qua đoạn đường cao tốc ngập nước nối Bengaluru với thành phố Mysuru, và câu chuyện về bác sĩ Govind Nandakumar cứu sống bệnh nhân kể trên đã thực sự mang lại cảm hứng cho người nghe.

Ukraine thề sẽ đánh đuổi đến lực lượng Nga cuối cùng

Ukraine đã tuyên bố sẽ giải phóng toàn bộ lãnh thổ của mình khỏi quân xâm lược Nga và kêu gọi phương Tây tăng tốc cung cấp vũ khí để hỗ trợ cuộc phản công của họ.

Kể từ khi Moscow từ bỏ pháo đài chính ở đông bắc Ukraine vào thứ Bảy, đánh dấu thất bại tồi tệ nhất kể từ những ngày đầu của cuộc chiến, quân đội Ukraine đã chiếm lại hàng chục thị trấn.

Tại Washington, Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ có khả năng sẽ công bố một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trong “những ngày tới”.

Phát biểu tại quảng trường trung tâm Balakliia, một trung tâm cung cấp quân sự quan trọng do các lực lượng Ukraine giành lại được vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết 150.000 người đã được giải phóng khỏi sự cai trị của Nga trong khu vực.

Cờ Ukraine đã được kéo lên và một đám đông lớn tụ tập để nhận các gói viện trợ nhân đạo. Một trung tâm mua sắm đã bị phá hủy nhưng nhiều tòa nhà vẫn còn nguyên vẹn.

Bà Malyar trước đó nói với Reuters rằng các lực lượng của Ukraine đang có tiến triển tốt vì họ có tinh thần cao và hoạt động của họ được lên kế hoạch tốt.

“Mục đích là giải phóng khu vực Kharkiv và xa hơn nữa – tất cả các lãnh thổ do Liên bang Nga chiếm đóng”, bà nói trên đường tới Balakliia, cách Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, 74 km về phía đông nam.

Quân đội Ukraine hôm thứ Ba cáo buộc các binh sĩ Nga đã đánh cắp ít nhất 300 xe ô tô tư nhân chở đầy tài sản cướp được khi họ chạy trốn khỏi khu vực.

Trong ngày, các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga tại sáu thị trấn và khu định cư ở phía bắc Donetsk, bộ tổng tham mưu cho biết, nhưng không đề cập đến tên các lãnh thổ đã chiếm được.

Trong bài phát biểu trên video, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết phương Tây cần tăng tốc độ giao vũ khí, đồng thời kêu gọi các đồng minh “tăng cường hợp tác để đánh bại khủng bố Nga”.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã chỉ ra rằng Đức từ chối cung cấp xe tăng và áo giáp. Ông nói: “Không có một lý lẽ hợp lý nào để biện minh về việc tại sao không thể cung cấp những loại vũ khí này, mà chỉ có những nỗi sợ hãi trừu tượng và những lời thoái thác.”

Các lực lượng Nga vẫn kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine ở phía nam và phía đông, nhưng Kyiv hiện đang tấn công ở cả hai khu vực.

Với việc chiếm lại gần như toàn bộ tỉnh Kharkiv, cuộc tiến công của Ukraine có thể sớm lan sang các tỉnh láng giềng Luhansk và Donetsk, nơi Nga đã tập trung lực lượng trong nhiều tháng để mở rộng lãnh thổ do phe ly khai nắm giữ kể từ năm 2014.

Thống đốc Luhansk của Ukraine, Serhiy Gaidai, cho biết quân đội đã chiếm lại thành phố Lyman ở phía bắc Donetsk. Ông xác định Svatove ở xa hơn về phía đông là mặt trận chiến đấu tiếp theo.

TT Zelensky cho biết Ukraine đã chiếm lại khoảng 6.000 km vuông lãnh thổ.

Giao tranh cũng đã nổ ra giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác hôm thứ Hai là Azerbaijan và Armenia, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột khác. Azerbaijan – được hỗ trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ, và Armenia – một đồng minh của Nga, đã đổ lỗi cho nhau về các cuộc đụng độ, với mỗi bên báo cáo khoảng 50 người chết.

Nga duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình trong khu vực với tư cách là người bảo đảm cho một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở đó hai năm trước. Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng chấm dứt các cuộc đụng độ tại đây.

Lê Vy (theo Reuters)

Cựu lãnh đạo NATO nói ông Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trước thất bại ở Ukraine

Rose Gottemoeller (phải), phó Tổng thư ký của Liên minh NATO từ năm 2016 đến năm 2019

Những tổn thất trên chiến trường ở Ukraine có thể khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân, cựu phó lãnh đạo NATO mới đây cho biết.

Rose Gottemoeller, phó tổng thư ký của liên minh từ năm 2016 đến năm 2019, ca ngợi những thắng lợi mà lực lượng của Kyiv đạt được trong cuộc phản công của họ ở khu vực Kharkiv, nhưng cảnh báo rằng nó có thể thúc đẩy nhà lãnh đạo Nga đáp trả.

Bà Gottemoeller nói với chương trình phát thanh BBC Today rằng khi quan sát “Putin và phe đảng của ông ấy hành xử như thế nào trong cuộc khủng hoảng này”, bà lo sợ rằng “họ sẽ tấn công lại theo những cách thực sự không thể đoán trước, thậm chí có thể liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.”

Khi được hỏi liệu bà có ý nói về “một cuộc tấn công hạt nhân nào đó”, bà Gottemoeller trả lời, “đúng vậy”.

Bà cho biết: “Chúng tôi đã lo ngại ngay từ đầu cuộc khủng hoảng này rằng ông Putin có thể tung vũ khí hạt nhân…”

Đó có thể là “một cuộc tấn công đơn lẻ trên Biển Đen, hoặc có thể là một cuộc tấn công vào một cơ sở quân sự của Ukraine”, và sẽ “gây ra nỗi kinh hoàng không chỉ vào trái tim của người Ukraine,” mà còn cả các đồng minh của Kyiv.

Bà Gottemoeller nói: “Mục tiêu là cố gắng khiến những người Ukraine phải đầu hàng trong nỗi kinh hoàng. “Tôi thực sự lo lắng về loại kịch bản đó vào lúc này. Tôi nghĩ người Ukraine dường như đã chuẩn bị tốt để tiếp tục bền chí đi đến cùng, nhưng tất cả chúng ta đều sẽ phải sẵn sàng để đi đến cùng, nếu có thể.”

Khi bắt đầu chiến tranh, bà nói có những lo ngại rằng Nga sẽ dàn dựng các cuộc tấn công cờ giả và dàn dựng các cuộc tấn công sinh học hoặc hóa học nhằm vào các mục tiêu của Ukraine để đổ lỗi cho Kyiv.

Khi bắt đầu chiến tranh, ông Putin đã đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao.Và trong khi các chuyên gia truyền hình nhà nước Nga đưa ra các mối đe dọa hạt nhân trên sóng, các chuyên gia quân sự cho đến nay vẫn nghi ngờ về khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí như vậy.

Bà Gottemoeller cho biết bà chưa thấy bằng chứng về một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng của Nga, nhưng nếu có,bà tin rằng “chúng ta không nên đáp trả bằng hạt nhân”.

Ngân Hà (theo Newsweek)

Mỹ cân nhắc trừng phạt TQ nhằm ngăn chặn cuộc xâm lược Đài Loan

Mỹ cân nhắc trừng phạt TQ nhằm ngăn chặn cuộc xâm lược Đài Loan (Ảnh: fukomuffin/ Shutterstock)

Hoa Kỳ đang cân nhắc các phương án trừng phạt Trung Quốc để ngăn chặn nước này xâm lược Đài Loan, trong khi Liên minh châu Âu cũng phải chịu áp lực ngoại giao từ Đài Bắc để làm điều tương tự, theo nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận.

Các nguồn tin cho biết, sự cân nhắc của Washington và cuộc vận động hành lang của Đài Bắc đối với các phái viên EU đều đang trong giai đoạn đầu – có thể coi là phản ứng trước những lo ngại đang gia tăng về một cuộc xâm lược của Trung Quốc khi căng thẳng quân sự leo thang ở Eo biển Đài Loan.

Trong cả hai trường hợp, mục đích là áp dụng các biện pháp trừng phạt ngoài các biện pháp vốn đã được áp dụng ở phương Tây nhằm hạn chế một số thương mại và đầu tư với Trung Quốc trong các công nghệ nhạy cảm như chip máy tính và thiết bị viễn thông.

Dù các nguồn tin không cung cấp thông tin chi tiết về những gì đang được xem xét, nhưng ý tưởng chế tài nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và một trong những mắt xích lớn nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu đã đặt ra câu hỏi về tính khả thi.

Bà Nazak Nikakhtar, cựu quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ nhìn nhận: “Khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong bối cảnh Hoa Kỳ và các đồng minh đều chịu phụ thuộc khá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc.”

Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình. Tháng trước Bắc Kinh đã bắn tên lửa qua hòn đảo và điều tàu chiến băng qua biên giới biển không chính thức của họ, sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan với Đại Lục và không loại trừ việc sử dụng vũ lực. Ông dự kiến sẽ có thêm nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba tại đại hội Đảng Cộng sản vào tháng tới.

Trong khi đó, Chính phủ Đài Loan bác bỏ mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Tại Washington, các quan chức đang xem xét các lựa chọn cho một gói trừng phạt khả thi nhằm vào Trung Quốc để ngăn cản ông Tập có ý đồ xâm lược Đài Loan, một quan chức Hoa Kỳ cùng một quan chức từ quốc gia phối hợp chặt chẽ với Washington tiết lộ với Reuters.

Hai nguồn tin này cho hay, các cuộc thảo luận của Mỹ về lệnh trừng phạt Trung Quốc đã được bắt đầu sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 2, và trở nên khẩn cấp hơn sau phản ứng của Trung Quốc trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi.

Hoa Kỳ, được sự hậu thuẫn của các đồng minh NATO, đã có cách tiếp cận tương tự với Nga từ tháng 2/2021 với lời đe dọa chế tài, nhưng điều này không ngăn cản được Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine.

Cũng theo nguồn tin trên, Nhà Trắng tập trung vào việc đưa các quốc gia vào cùng một lập trường, bao gồm phối hợp giữa châu Âu và châu Á, và tránh khiêu khích Bắc Kinh.

Ông Craig Singleton từ Tổ chức bảo vệ dân chủ Foundation for Defense of Democracies, nhận định: “Trong bức tranh toàn cảnh, các cuộc thảo luận về lệnh trừng phạt ban đầu có thể sẽ xoay quanh việc hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với một số công nghệ cần thiết để duy trì một chiến dịch quân sự chống lại Đài Loan.”

Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này. Trong khi Bộ Ngoại giao Đài Loan thông báo, họ đã thảo luận với Hoa Kỳ, châu Âu và các đối tác cùng chí hướng khác, về các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc và “những thách thức lớn” mà Trung Quốc đặt ra đối với Đài Loan và khu vực, nhưng không thể tiết lộ chi tiết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Trong một diễn biến khác, Đài Loan cũng đề cập các lệnh trừng phạt với giới chức châu Âu sau khi Nga xâm lược Ukraine. Và các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc đã khiến lập trường của Đài Loan trở nên cứng rắn hơn, sáu nguồn tin theo dõi các cuộc thảo luận Đài Loan-châu Âu nói với Reuters.

Các quan chức EU cho đến nay vẫn né tránh việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, vì nước này đóng một vai trò lớn hơn nhiều đối với nền kinh tế của khối hơn là Nga, một nguồn tin khác quen thuộc với vấn đề này cho hay.

Minh Ngọc (Theo Reuters)

TQ và Nga muốn thiết lập trật tự quốc tế ‘công bằng hơn’ trước cuộc gặp Putin-Tập

Theo một trong những quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Trung Quốc và Nga hướng tới mục tiêu dẫn dắt thế giới đến một trật tự quốc tế mới.

“Phía Trung Quốc sẵn sàng làm việc với phía Nga để không ngừng triển khai hợp tác chiến lược cấp cao giữa hai nước, bảo vệ lợi ích chung và thúc đẩy sự phát triển của trật tự quốc tế theo hướng công bằng và hợp lý hơn”, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ Dương Khiết Trì nói, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao.

“Mối quan hệ giữa hai nước luôn đi đúng hướng và cả hai bên luôn ủng hộ nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của mình,” ông nói thêm.

Ông Dương đã đưa ra các bình luận nói trên trong cuộc gặp ngày 12/9 với Đại sứ Nga Andrey Denisov tại Bắc Kinh. Trong các tuyên bố chính thức, chế độ Trung Quốc thường xuyên sử dụng tuyên truyền mô tả nỗ lực đạt được một trật tự quốc tế “công bằng hơn” và “hợp lý hơn”, nhưng các quan chức và nhà phân tích phương Tây nói rằng đó là việc bóp méo và làm suy yếu trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ do Hoa Kỳ lãnh đạo để cuối cùng thay thế bằng một thứ phù hợp với chủ nghĩa độc tài của chế độ.

Bình luận này được đưa ra gần sau những nhận xét tương tự của lãnh đạo xếp thứ ba của ĐCSTQ, Lật Chiến Thư, trong đó ông này tuyên bố ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine và đảm bảo rằng Nga sẽ nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc.

“Trung Quốc hiểu và ủng hộ Nga trong các vấn đề đại diện cho lợi ích quan trọng của nước này, đặc biệt là về tình hình ở Ukraine,” ông Lật nói, theo Duma Quốc gia Nga.

ĐCSTQ cho đến nay vẫn thể hiện thái độ trung lập về vấn đề Ukraine, liên tục bảo vệ sự xâm lược của Nga và đổ lỗi cho NATO về cuộc chiến, nhưng không cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Nga, bởi điều đó có thể gây ra các lệnh trừng phạt quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình sẽ gặp nhau vào cuối tuần này bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực ở Uzbekistan. Đây sẽ là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp mặt trực tiếp kể từ tháng Hai, khi họ tuyên bố quan hệ đối tác “không có giới hạn” ở Bắc Kinh, chỉ vài tuần trước cuộc xâm lược Ukraine.

Phụ tá Điện Kremlin Yuri Ushakov nói rằng hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề có ý nghĩa địa chiến lược, bao gồm Đài Loan và Ukraine.

Ông Ushakov nói: “Trung Quốc đã thực hiện một cách tiếp cận cân bằng đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, bày tỏ rõ ràng sự hiểu biết của họ về những lý do thúc đẩy Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt. “Vấn đề sẽ được thảo luận kỹ lưỡng trong cuộc họp.”

Ông Ushakov nói thêm rằng cuộc gặp sẽ có “ý nghĩa đặc biệt” đối với hai nhà lãnh đạo.

Đối với Nga, đây là cơ hội để chứng tỏ với thế giới rằng nước này không bị cô lập. Đối với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là cơ hội có được một hệ thống quốc tế thay thế cho trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Xuân Lan (theo The Epoch Times)

Related posts