Tin VN sáng thứ Bảy: Hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ bị áp thuế 2.39 USD/kg

Hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ bị áp thuế 2.39 USD/kg

Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. (Ảnh: sct.vinhlong.gov.vn)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam vừa nhận quyết định của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và phải chịu thuế suất chống bán phá giá toàn quốc 2,39 USD/kg (hơn 57.000 đồng/kg).

Theo kết luận cuối cùng của đợt rà soát lần thứ 18 (POR18) giai đoạn từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/7/2021 đối với mặt hàng cá tra của Việt Nam, DOC đã giữ nguyên mức thuế CBPG đang áp dụng đối với từng công ty căn cứ vào kết quả của các đợt kiểm tra gần nhất trước đó.

Cụ thể, trong lần rà soát thứ 17 (POR17), DOC xác định có 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc của Việt Nam nhận được mức thuế lần lượt là 0,00 USD/kg và 3,87 USD/kg, 1 công ty nhận thuế suất riêng rẽ 1,94 USD/kg và 32 công ty nhận mức thuế suất toàn quốc 2.39 USD/kg.

Trong POR18, có một doanh nghiệp không đủ điều kiện nhận thuế suất riêng rẽ 1,94 USD/kg nên nhận mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.

Hiện nay, Bộ Thương mại Mỹ đang tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát thuế CBPG lần thứ 19 cho giai đoạn từ ngày 1/8/2021 đến ngày 31/7/2022 đối với cá tra, cá ba sa Việt Nam.

Thuế chống bán phá giá được đề cập lần đầu ở Mỹ trong Luật thuế 1916. Sau khi gia nhập WTO, Mỹ ban hành quy định chống bán phá giá và chống trợ cấp năm 1997, quy định về quy trình điều tra và áp dụng thuế này.

Hai cơ quan điều tra CBPG là Bộ Thương mại Mỹ (xác định mức thuế chống bán phá giá) và Ủy ban Thương mại quốc tế – ITC (xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước). Việc điều tra bắt đầu trên cơ sở doanh nghiệp sản xuất trong nước nộp đơn đề nghị điều tra hàng nhập khẩu.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Vasep cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm lần lượt gần 540 triệu USD và 421 triệu USD.

Hiệp hội Vasep cho hay mặc dù bị áp thuế từ năm 2003 đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cá tra, cá ba sa lớn của Việt Nam vẫn duy trì được mức thuế CBPG 0,00 USD/kg qua các kỳ rà soát để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Thiên Tùng

Bí thư Hải Dương bị đình chỉ sinh hoạt đảng, trình Trung ương kỷ luật

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Hải Dương. (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.

Ngày 16/9, Bộ Chính trị quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025; đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Xuân Thăng (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh).

Ban Bí thư quyết định:

– Khiển trách Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2021-2026 và các ông Triệu Thế Hùng (Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch tỉnh), Lương Văn Cầu (nguyên Phó chủ tịch tỉnh); cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016-2021;

– Cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Trọng Hưng (nguyên Giám đốc Sở Tài chính);

– Cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Dương Thái (nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch tỉnh);

– Khai trừ Đảng đối với ông Phạm Mạnh Cường (Giám đốc Sở Y tế).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025 bị cho là có sai phạm khi thiếu kiểm tra, giám sát, không kịp thời phát hiện các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và nhiều tổ chức đảng, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phòng dịch COVID-19.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra. Hậu quả, UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong phòng dịch COVID-19; để huyện Tứ Kỳ vi phạm Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng.

Ông Phạm Xuân Thăng chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; để nhiều tổ chức đảng và đảng viên sai phạm.

Ông Triệu Thế Hùng cùng chịu trách nhiệm sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025; chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh. Ông Hùng cũng được xác định thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo kiểm tra, giám sát để một số tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm trong phòng dịch COVID-19.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Triệu Thế Hùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Ông Nguyễn Dương Thái phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; buông lỏng quản lý, điều hành để cán bộ cấp dưới sai phạm.

Ông Lương Văn Cầu phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ông Phạm Mạnh Cường chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc; cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Ông cũng bị xác định thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vi phạm rất nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ.

Ông Nguyễn Trọng Hưng chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Sở Tài chính; trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá, những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016-2021 và các ông Phạm Xuân Thăng, Nguyễn Dương Thái, Phạm Mạnh Cường đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, người dân và xã hội; để xảy ra vụ án tham nhũng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; gây dư luận xấu, làm mất uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương và từng cá nhân.

Phạm Toàn

Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương: Chủ quán bị bắt tạm giam

Cơ quan điều tra thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét nhà ông Lê Anh Xuân. (Ảnh: congan.com.vn)

Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra Bình Dương đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Anh Xuân, chủ quán karaoke An Phú.

Ngày 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Anh Xuân (ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM) về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, quy định tại khoản 3, điều 313 Bộ luật hình sự.

Ông Lê Anh Xuân là chủ cơ sở karaoke An Phú (TP. Thuận An).

Trước đó, quán karaoke An Phú xảy ra cháy vào 20h15 ngày 6/9.

Do lửa cháy ở khu vực lầu 2 của quán nên nhiều khách và nhân viên không thể thoát ra ngoài. Một số người nhảy từ trên cao xuống đất bị thương.

Hỏa hoạn đã khiến 32 người (16 nam, 16 nữ) mắc kẹt trong các tầng của quán karaoke, thiệt mạng. Một nạn nhân khác nhảy từ lầu cao xuống đất bị chấn thương sọ não, tử vong tại bệnh viện.

Ngoài ra, vụ cháy khiến 17 người bị thương.

Đến chiều 11/9, toàn bộ 32 nạn nhân tử vong trong vụ cháy đều đã xác định được danh tính và bàn giao cho gia đình mai táng.

Với 33 người thiệt mạng, vụ cháy gây thiệt hại về người lớn thứ hai trong lịch sử chỉ sau vụ cháy một trung tâm thương mại ở TP.HCM cách đây 20 năm.

Quán karaoke An Phú được thiết kế với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1.500m2, gồm 3 tầng (1 trệt, 2 lầu và 1 sân thượng). Quán có 30 phòng.

Hoạt động từ năm 2016 đến nay, quán có đăng ký chứng nhận hộ kinh doanh, đủ điều kiện về an ninh, trật tự, chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, giấy phép kinh doanh karaoke, biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở vào các năm 2019, 2021, 2022.

Công an tỉnh Bình Dương cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án “vi phạm về quy định phòng cháy chữa cháy” xảy ra tại quán karaoke An Phú theo Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Phạm Toàn

Người trộm 44 nắp chắn rác trên cầu Thủ Thiêm 2 bị tuyên hai năm tù

Ông Nguyễn Văn Thái khi bị bắt hồi tháng 5/2022. (Ảnh: Công an TP.HCM)

Hai lần lấy trộm tổng 44 nắp chắn rác tại cầu Thủ Thiêm 2 (TP.HCM), bị cáo Nguyễn Văn Thái bị tuyên phạt 2 năm tù, phải bồi thường 15,2 triệu đồng.

Chiều 16/9, TAND quận 1, TP.HCM đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thái (SN 1972, ngụ quận Bình Thạnh) 2 năm tù về tội trộm cắp tài sản.

Bị cáo Thái là người đã lấy trộm 44 nắp chắn rác trên cầu Thủ Thiêm 2.

Theo cáo trạng, khoảng 4h ngày 3/5, bị cáo Thái lấy trộm 32 nắp chắn rác, rồi đến vựa ve chai trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh (do bà Nguyễn Thị Mười làm chủ) bán cho bà Mười với giá 10.000 đồng/kg. Bị cáo tự cân tài sản vừa chiếm đoạt là 70kg và được bà Mười trả 700.000 đồng.

Khoảng 5h ngày 5/5, bị cáo Thái tiếp tục lấy 12 nắp chắn rác đem đến vựa ve chai lần trước bán thì gặp một người đàn ông mua ve chai (không rõ lai lịch).

Bị cáo Thái bán phế liệu cho người này với giá 10.000 đồng/kg, được 40kg và người này trả 400.000 đồng.

Theo kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, 32 nắp chắn rác trị giá hơn 11 triệu đồng, 12 nắp chắn rác trị giá hơn 4,1 triệu đồng.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thái 2 năm tù về tội trộm cắp tài sản, buộc bồi thường 15,2 triệu đồng.

Phạm Toàn

Vận chuyển 20kg ma túy, 2 thanh niên tại Tây Ninh nhận án tử hình

Hai bị cáo Nguyễn Lê Hồng Phúc (bên phải) và Huỳnh Thanh Tài tại phiên tòa chiều ngày 14/9/2022. (Ảnh: baotayninh.vn)

Để có ma túy sử dụng và có tiền tiêu xài, 2 thanh niên ngụ tỉnh Tây Ninh đã nhận vận chuyển, phân phối 20kg ma túy cho một người ở Campuchia, chưa kể cất giữ 201 viên đạn quân dụng.

Ngày 14/9, TAND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm và tuyên tử hình đối với bị cáo Nguyễn Lê Hồng Phúc (SN 1996, ngụ huyện Củ Chi, TP. HCM, tạm trú tại phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) và bị cáo Huỳnh Thanh Tài (SN 1994, ngụ quận 12, TP. HCM, tạm trú tại khu phố An Bình, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, bị cáo Phúc còn bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, theo quy định tại khoản 1, Điều 304, Bộ luật Hình sự 2015.

Theo cáo trạng, Phúc và Tài cùng nghiện ma túy, riêng bị cáo Tài đã từng đi cai nghiện bắt buộc, không có việc làm. Cả 2 “hợp tác” làm ăn để có tiền tiêu xài. Tài đồng ý làm việc cho Phúc với tiền công từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi vụ được thuê.

Ngày 13/5/2021, một người tên Đen (không rõ lai lịch, đang sống tại Campuchia) gọi điện thoại cho Phúc, thỏa thuận về việc nhận 1 ba lô bên trong có chứa khoảng 20kg ma túy, từ khu vực TP.HCM về cất giấu rồi giao cho khách hàng khi có điện thoại của Đen. Tiền công được thỏa thuận là 40 triệu đồng.

Theo hướng dẫn của Đen, khoảng 12h ngày 15/5/2021, Phúc gọi cho Tài bảo đến Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP.HCM) nhận một ba lô chứa ma túy mang về cất giấu tại chuồng heo phía sau nhà của Phúc. Sau đó, Phúc kiểm tra trong ba lô thì thấy ngoài 20 bịch nylon hình vuông và hình chữ nhật hút chân không chứa khoảng 20kg ma túy, 1 bịch thuốc lắc 150 viên theo thỏa thuận ban đầu, còn có 201 viên đạn không có trong thỏa thuận. Phúc gọi điện thoại cho Đen hỏi thì Đen bảo 150 viên thuốc lắc là hàng mẫu, còn số đạn nhờ Phúc cất giữ giùm.

Trong ngày 16/5/2021, Phúc và Tài thay nhau lấy tổng cộng 8kg ma túy (loại Ketamine) cùng khoảng 350-400 gram thuốc lắc mang đi giao cho khách hàng của Đen. Về đến Tây Ninh, Phúc đưa cho Tài khoảng 0,5kg ma túy (thuốc lắc) để chờ giao cho khách.

Số ma túy còn lại, Phúc đem về phòng ngủ cất để chờ lệnh của Đen thì ngày 17/5 bị công an bắt, bị thu giữ 5,0444 gram Ketamine và 62,9321 gram MDMA (còn gọi là thuốc lắc).

Qua lời khai của Phúc, cơ quan công an khám xét khẩn cấp, thu giữ thêm 6.984,6980 gram Ketamine và 4.020,2475 gram MDMA, 3 khẩu súng ngắn; 43 viên đạn bằng kim loại màu vàng, đầu cao su màu đen; 201 viên đạn các loại bằng kim loại màu vàng tại nơi ở của Phúc ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Tiếp đó, cơ quan công an cũng khám xét, thu giữ 8,6158 gram Ketamine và 346,9371 gram MDMA tại nơi ở của Tài ở phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Tổng số ma túy bị thu giữ gồm: 6.998,3582 gram Ketamine và 4.430,1167 gram MDMA.

Đến lúc bị bắt, Phúc và Tài đều chưa nhận được tiền công vận chuyển.

Công an tỉnh Tây Ninh giám định 3 khẩu súng ngắn và 43 viên đạn bằng kim loại màu vàng, đầu cao su là công cụ hỗ trợ, không phải vũ khí quân dụng. Do vậy, chỉ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Phúc. Riêng 201 viên đạn các loại bằng kim loại màu vàng là đạn quân dụng được sử dụng để bắn cho một số loại súng ngắn cầm tay.

Trong quá trình điều tra và xét xử tại tòa, Phúc và Tài không thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Hội đồng xét xử cũng bác bỏ lời bào chữa của luật sư cho rằng 2 bị cáo chỉ phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Thạch Lam

Bình Dương: Nhóm lừa đảo dùng lệnh chuyển tiền giả để chiếm đoạt tài sản

Nghi phạm Nguyễn Kim Thanh Mỹ tại cơ quan công an. (Ảnh: Công an TP Thuận An)

Một đôi nam nữ tại Bình Dương lập kế mua điện thoại rồi làm lệnh chuyển tiền giả để lừa đảo. Sự việc bị phát giác khi nhóm này vô tình lừa 2 lần cùng một cửa hàng.

Ngày 15/9, Công an TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho hay đang tạm giữ các nghi phạm: Nguyễn Kim Thanh Mỹ (SN 1998), Trần Văn Thao (SN 1996) và Phạm Phú Tài (SN 1997, cùng quê An Giang), để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hoàng Thị Trúc Mai (SN 1995, ngụ TP.HCM) được cho tại ngoại để điều tra do có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Theo điều tra ban đầu, ông Mai và bà Mỹ bàn bạc tìm những cửa hàng bán điện thoại qua mạng để đặt mua rồi làm lệnh chuyển tiền giả để chiếm đoạt điện thoại.

Ngày 5/9, thấy ông N. đăng trên mạng bán điện thoại Iphone 11 Promax 256GB, hai người này liền đặt mua. Giá bán thỏa thuận giữa đôi bên là 15,5 triệu đồng và hẹn giao điện thoại tại quán cà phê tại TP Thuận An (tỉnh Bình Dương).

Khoảng 21h cùng ngày, ông N. mang điện thoại đến giao cho Mai và Mỹ. Tại đây, bà Mai đề nghị chuyển khoản chứ không trả tiền mặt. Khi đã có thông tin tài khoản ngân hàng của ông N., bà Mai cung cấp cho một người đàn ông (chưa rõ lai lịch) để người này làm lệnh chuyển tiền giả của ngân hàng rồi gửi lại cho ông N. Tuy nhiên, khi kiểm tra tài khoản thấy tiền chưa về, ông N. bảo hai người này xem lại thì bà Mỹ nói do trục trặc từ ngân hàng rồi cầm điện thoại cất vào túi và đề nghị ông N. đi theo về nhà để lấy tiền.

Sau khi đi được một đoạn, ông Mai và bà Mỹ chỉ vào một ngôi nhà ven đường nói đây là nhà mình, bảo ông N. đứng chờ để vào nhà lấy tiền. Lợi dụng lúc ông N. không để ý, cả hai bỏ trốn. Đợi một lúc, ông N. không thấy hai người này ra trả tiền nên trình báo công an.

Cùng thủ đoạn trên, ngày 7/9, ông Mai và bà Mỹ tiếp tục mua điện thoại của ông A. trên mạng xã hội, mà không biết ông A. là nhân viên cùng cửa hàng điện thoại với ông N. Khi hành vi lừa đảo tái diễn, hai đối tượng này bị công an bắt giữ.

Qua điều tra, nghi phạm Mỹ khai còn cùng Trần Văn Thao và Phạm Phú Tài thực hiện 2 vụ trộm cắp xe máy ở TP Thuận An (Bình Dương) trong ngày 1/9.

Thạch Lam

Related posts