Bà Pelosi đến thăm Armenia, lên án ‘các cuộc tấn công bất hợp pháp và chết người’

Lam Giang

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tổ chức một cuộc họp báo tại quốc hội ở Yerevan, Armenia, vào ngày 18/9/2022. (Ảnh: Karen Minasyan/AFP/Getty Images)

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân chủ-California) và một phái đoàn các nhà lập pháp đã đến thăm Armenia trong bối cảnh các cuộc đụng độ mới xảy ra với nước láng giềng Azerbaijan khiến hơn 200 binh sĩ thiệt mạng, theo nguồn tin từ các quan chức Mỹ. Đáp lại, các quan chức Azerbaijan chỉ trích mạnh mẽ bà Pelosi sau bài phát biểu rằng đó là ‘tuyên truyền của người Armenia’.

Trong khi phát biểu tại Yerevan, Armenia, bà Pelosi đã lên án “các cuộc tấn công bất hợp pháp và chết người của Azerbaijan trên lãnh thổ Armenia” đã gây ra giao tranh biên giới.

“Chúng tôi lên án mạnh mẽ những cuộc tấn công đó”, bà nói bên cạnh Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan.

Trong khi hai nước đã đồng ý ngừng bắn vào tuần trước, cuộc giao tranh “do người Azerbaijan khởi xướng và cần phải được công nhận điều đó”, theo Pelosi.

Bà là quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Armenia trong vài thập kỷ, đồng thời cũng là quan chức đầu tiên đến thăm quốc gia này kể từ khi nước này tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991. Azerbaijan cũng là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trước khi khối này giải thể.

Đại sứ quán Hoa Kỳ, xác nhận chuyến thăm của bà Pelosi vào ngày 17/9, tuyên bố rằng chuyến thăm của bà bao gồm cuộc gặp với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Theo các quan chức đại sứ quán, chuyến đi này còn có sự tham gia của các nghị sĩ Frank Pallone (Dân chủ-New Jersey), Anna Eshoo (Dân chủ-California) và Jackie Speier (Dân chủ-California).

Ngoài cuộc gặp với Thủ tướng Armenia Pashinyan, bà Pelosi cũng sẽ tham gia vào một buổi lễ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Diệt chủng Armenia và có bài phát biểu tại Trung tâm Nghệ thuật Cafesjian, đại sứ quán cho biết.

Một lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 14/9, sau hai ngày giao tranh ác liệt đánh dấu sự bùng phát thù địch lớn nhất trong gần hai năm qua giữa hai quốc gia này.

Hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã bị phong tỏa trong một cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ về Nagorno-Karabakh, một phần của Azerbaijan nhưng đã nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng do Armenia hậu thuẫn kể từ khi cuộc chiến tranh ly khai ở đó kết thúc vào năm 1994.

Trong cuộc chiến kéo dài 6 tuần vào năm 2020, Azerbaijan đã giành lại các vùng đất rộng lớn của Nagorno-Karabakh và các vùng lãnh thổ lân cận do quân Armenia nắm giữ. Hơn 6.700 người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh, kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian. Moscow đã triển khai khoảng 2.000 quân đến khu vực này để làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Các quan chức Azerbaijan chỉ trích mạnh mẽ bà Pelosi sau bài phát biểu ngày 18/9.

“Những cáo buộc vô căn cứ và không công bằng của bà Pelosi chống lại Azerbaijan là không thể chấp nhận được”, Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết trong một tuyên bố, theo tờ Reuters đưa tin. “Đây là một đòn nghiêm trọng đối với những nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan”.

Bộ cũng khẳng định rằng bình luận của bà Pelosi là “tuyên truyền của người Armenia”.

Nga coi Armenia – quốc gia gần đây đã yêu cầu sự hỗ trợ từ Moscow – là một đồng minh trong khu vực. Điện Kremlin cũng đã tìm kiếm mối quan hệ hữu nghị với Azerbaijan trong những năm gần đây.

Vào ngày 16/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các phóng viên rằng Nga có thể làm trung gian trong cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan, đồng thời nói rằng Moscow có đủ nguồn lực để hỗ trợ bất chấp cuộc xung đột đang bùng phát ở Ukraine.

“Dưới ảnh hưởng của Nga, cuộc xung đột này đã được bản địa hóa. Tôi hy vọng điều này tiếp tục xảy ra như vậy”, ông Putin nói với các phóng viên, theo Reuters.

Xung đột kéo dài

Bạo lực bùng phát hôm thứ Ba (13/9) dọc biên giới Armenia với Azerbaijan đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi bình tĩnh và quốc tế kêu gọi kiềm chế. Trong đó Baku (thủ đô của Azerbaijan) đổ lỗi cho Yerevan (thủ đô của Armenia).

Thứ trưởng Ngoại giao Armenia Paruyr Hovhannisyan nói với tờ Reuters rằng các cuộc đụng độ có thể leo thang thành chiến tranh – một cuộc xung đột vũ trang lớn thứ hai ở Liên Xô cũ trong khi quân đội Nga tập trung vào cuộc xâm lược Ukraine.

Một cuộc xung đột toàn diện sẽ có nguy cơ kéo theo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời gây mất ổn định một hành lang quan trọng cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt. Thêm vào đó, chiến tranh ở Ukraine cũng góp phần làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng.

Azerbaijan cáo buộc Armenia đã pháo kích vào các đơn vị quân đội của họ. Armenia là quốc gia nằm trong liên minh quân sự với Moscow và là nơi có căn cứ quân sự của Nga.

Baku báo cáo có 50 quân nhân tử vong trong ngày giao tranh đầu tiên và hôm 14/9 cho biết hai dân thường đã bị thương.

“Các đơn vị của chúng tôi đang thực hiện các biện pháp đáp trả cần thiết”, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết.

Bộ Quốc phòng Armenia, đã phủ nhận việc pháo kích vào các vị trí của Azerbaijan, cho biết cuộc giao tranh hôm thứ Tư đã phần lớn lắng xuống vào giữa trưa cùng ngày.

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Related posts