Đức tiến gần đến thỏa thuận quốc hữu hóa hãng năng lượng khổng lồ Uniper

Một cơ sở lưu trữ khí đốt của hãng năng lượng khổng lồ Uniper. Ảnh chụp màn hình, 21/09/2022. (NTDVN)

Chính phủ Đức dự kiến thông báo quốc hữu hóa nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất nước là Uniper trong tuần này, theo nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Chính phủ Đức, hãng năng lượng khổng lồ Uniper, và cổ đông chính của Uniper là Fortum, đã đạt được thỏa thuận sơ bộ, theo đó Đức sẽ quốc hữu hóa tập đoàn năng lượng khổng lồ này, theo Bloomberg đưa tin.

Chính phủ Đức dự kiến đưa ra thông báo về việc quốc hữu hóa Uniper trong tuần này, Bloomberg cho hay.

Chính phủ Đức đang xem xét mua quyền sở hữu Uniper từ Fortum với giá tương đối thấp và sau đó sẽ bơm hàng tỉ euro vào công ty này thông qua việc tăng vốn.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Uniper đang lỗ chồng chất do thiếu khí đốt theo hợp đồng từ Nga và phải trả giá cao trên thị trường giao ngay để bù vào lượng khí đốt bị thiếu.

Kể từ khi chính phủ Đức cứu Uniper vào tháng 7/2022 với gói 15 tỉ euro, các khoản lỗ tại công ty này vẫn tiếp tục tăng lên. Tháng 8/2022, Uniper đã báo cáo khoản  lỗ 12,4 tỉ euro trong nửa đầu năm 2022.

Chính phủ Đức cũng đang xem xét mua lại phần lớn quyền sở hữu 2 nhà nhập khẩu khí đốt khác là VNG AG và Secure Energy for Europe (SEFE) — trước đây là Gazprom Germania.

Cao Dương

Đức: Giá cả sản xuất tăng cao kỷ lục

Một cửa tiệm tạp hóa ở Đức

Giá cả sản xuất tại Đức đã tăng mạnh ở mức kỷ lục do giá năng lượng leo thang, Cục thống kê Đức thông báo vào ngày 20/9/2022.

Chỉ số giá sản xuất tại Đức trong tháng 8/2022 đã tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước, theo một thông cáo báo chí từ Cục thống kê Đức Destatis. So với tháng 7/2022, thì giá sản xuất đã tăng 7,9%.

Đây đều là các mức tăng lớn nhất từng được ghi nhận. 

Trước đó, chỉ số giá sản xuất đạt mức tăng 37,2% trong tháng 7/2022, và 32,7% trong tháng 6/2022, so với cùng kỳ 2021. 

Giá năng lượng đã tăng 139% so với một năm trước. Việc giá điện tăng mạnh 174,9% là yếu tố chính đằng sau sự gia tăng này, Destatis cho biết.

Chỉ số giá sản xuất không bao gồm năng lượng đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, Destatis ghi nhận.

Giá hàng hóa trung gian tăng 17,5%, và giá tư liệu sản xuất tăng 7,8%, so với một năm trước. Giá hàng tiêu dùng lâu bền và không lâu bền lần lượt tăng 10,9% và 16,9%.

“Lạm phát giá sản xuất của Đức đã vượt khỏi tầm kiểm soát”, Neil Wilson — nhà phân tích thị trường chính tại Markets.com — nhận xét.

Nhà kinh tế Ralph Solveen của ngân hàng Đức Commerzbank thì cho rằng, lạm phát giá tiêu dùng có khả năng đạt kỷ lục mới trong những tháng tới.

Lạm phát tại Đức đạt 7,9% vào tháng 8/2022.

Cao Dương

Related posts