Tin thế giới sáng thứ Năm: Tài sản của ông Mark Zuckerberg “bốc hơi” 71 tỷ USD kể từ đầu năm 2022

Ngoại trưởng Anh: Những lời đe dọa của Putin cần được xem xét nghiêm túc

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand vào ngày 15/09/2022. (Ảnh của Alexandr Demyanchuk / SPUTNIK / AFP) (Ảnh của ALEXANDR DEMYANCHUK / SPUTNIK / AFP qua Getty Images)

Bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Tư (21/09) đánh dấu một sự leo thang đáng lo ngại và những lời đe dọa mà ông đưa ra cần phải được xem xét nghiêm túc, Ngoại trưởng Anh Gillian Keegan nói với hãng tin Sky News.

Ông Putin đã ra lệnh huy động quân sự đầu tiên của Nga kể từ Thế chiến thứ hai, cảnh báo phương Tây rằng nếu nước này tiếp tục cái mà ông gọi là “hành vi đe dọa hạt nhân” thì Moscow sẽ đáp trả bằng sức mạnh của tất cả kho vũ khí khổng lồ của mình.

“Rõ ràng đó là điều mà chúng ta nên xem xét rất nghiêm túc bởi vì chúng ta không kiểm soát được – tôi cũng không chắc ông ấy thực sự đang kiểm soát được. Đây rõ ràng là một sự leo thang”, bà Keegan nói.

“Đó là một mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng một mối đe dọa đã được thực hiện trước đây,” bà nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn riêng.

Ông Putin khẳng định lại mục tiêu của mình là “giải phóng” vùng trung tâm công nghiệp Donbas ở miền đông Ukraine và hầu hết người dân trong khu vực không muốn quay trở lại cái mà ông gọi là “cái ách” Ukraine.

“Bài phát biểu tổng thể rõ ràng là lời nói dối của ông Putin nhiều hơn, đó là một sự viết lại lịch sử”, bà Keegan nói.

Cùng quan điểm, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm thứ Tư (21/09) cho biết lệnh điều động của Nga là một dấu hiệu hoảng sợ của Điện Kremlin, không nên coi đó là mối đe dọa trực tiếp của một cuộc chiến toàn diện với phương Tây.

Minh Đăng

Tài sản của ông Mark Zuckerberg “bốc hơi” 71 tỷ USD kể từ đầu năm 2022

Ông Mark Zuckerberg (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO/Shutterstock)

Tính từ đầu năm 2022, ông Mark Zuckerberg, nhà sáng lập kiêm CEO của Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) đã mất hơn một nửa tổng giá trị tài sản – tương đương 71 tỷ USD – mức giảm mạnh nhất theo Chỉ số Tỷ phú của Bloomberg.

Cụ thể, CEO Mark Zuckerberg đã kiếm được số tiền 142 tỷ USD chỉ 1 năm trước đó. So với đầu năm 2022, khối tài sản của CEO này đã tụt 14 bậc trong danh sách các tỷ phú mà Bloomberg thống kê. CEO của Meta hiện sở hữu 55,9 tỷ USD, xếp thứ 20 thế giới. Đây là thứ hạng thấp nhất của ông kể từ năm 2014, sau cả 3 tỷ phú nhà Walton – gia đình thừa kế Walmart và 2 tỷ phú nhà Koch.

Sự tuột dốc này chủ yếu được cho là bởi Zuckerberg tái cấu trúc Facebook thành Meta, với tham vọng đưa Vũ trụ kỹ thuật số metaverse trở thành cỗ máy kiếm tiền mới thay cho mạng xã hội Facebook. Kể từ sau khi đổi tên công ty thành Meta vào tháng 10/2021, các báo cáo tài chính gần đây cho thấy tình hình kinh doanh của công ty công nghệ này khá ảm đạm. Hồi tháng 2/2022, Meta cho biết số người dùng Facebook hàng tháng không tăng trưởng, châm ngòi cho phiên giảm kỷ lục về giá cổ phiếu, khiến tài sản của Zuckerberg “bốc hơi” 31 tỷ USD chỉ trong một ngày. Đây là một trong những mức giảm tài sản lớn nhất thế giới.

Công ty này còn gặp nhiều vấn đề khác, như việc đặt cược vào Reels (nền tảng video ngắn để cạnh tranh với TikTok). Ngành công nghệ nói chung cũng đang bị sụt giảm doanh thu quảng cáo do kinh tế toàn cầu đi xuống.

Cổ phiếu của Facebook đã giảm gần 57% năm nay. Mức giảm này cao hơn nhiều so với các đại gia công nghệ khác, như Apple (-14%), Amazon (-26%) và Alphabet (-29%). Nhiều nhà phân tích nhận định rằng việc CEO Zuckerberg đổ tiền vào metaverse có thể là một nỗ lực chẳng đi đến đâu, ít nhất là trong ngắn hạn và chính tỷ phú từng thừa nhận rằng dự án này có thể cần lượng lớn tiền trong 3 – 5 năm tới.

Phan Anh

CEO Musk: Internet vệ tinh Starlink đã phủ sóng ở tất cả các lục địa, kể cả Nam Cực

Ông Elon Musk. (Ảnh: Par Naresh777/Shutterstock)

Mới đây, tỷ phú Elon Musk (CEO SpaceX) cho biết rằng Internet vệ tinh Starlink của hãng đã phủ sóng ở tất cả các lục địa, kể cả Nam Cực và công cụ này chỉ được sử dụng cho mục đích hòa bình. Tuy nhiên, phía Nga được cho là đe dọa sẽ bắn hạ Internet vệ tinh Starlink khi cho rằng hệ thống này được dùng để phục vụ cho quân đội Ukraine chống lại Nga.

Thông tin trên được tỷ phú Elon Musk đưa ra trên trang Twitter cá nhân hôm 19/9 vừa qua.

Được biết, Starlink là dự án của hãng công nghệ vũ trụ SpaceX, sử dụng vệ tinh phóng lên quỹ đạo để phủ sóng Internet trên toàn cầu.

Các vệ tinh của Starlink sẽ được thiết kế để phát sóng Internet băng thông rộng từ không gian về trái đất. Bên cạnh các vệ tinh gửi lên không gian, SpaceX sẽ xây dựng các ăn-ten thu phát sóng trên khắp địa cầu để nhận và gửi dữ liệu từ các vệ tinh về mặt đất, rồi từ đó người dùng có thể kết nối mạng Internet do SpaceX cung cấp trên thiết bị của mình.

Ưu điểm của Starlink là có thể cung cấp Internet đến bất kỳ đâu trên thế giới, ngay cả vùng xa xôi, hẻo lánh, những khu vực khó tiếp cận được với mạng Internet hoặc mạng di động thông thường. Tham vọng của SpaceX là dự án Starlink có thể phủ sóng Internet trên toàn cầu và đạt được tốc độ tối đa lên đến 1Gbps (tương đương 125MB/s).

Ông Konstantin Vorotsov, Phó Vụ trưởng Vụ Không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, gần đây đã đưa ra cảnh báo tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc về chủ đề giảm thiểu các mối đe dọa từ không gian.

Mặc dù không nêu đích danh Starlink, dẫu vậy, lời cảnh báo của ông Vorotsov được cho đang nhắm đến dịch vụ Internet vệ tinh của tỷ phú Elon Musk.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh một xu hướng cực kỳ nguy hiểm khi sử dụng các công nghệ ngoài không gian và xu hướng này đã trở nên rõ ràng tại Ukraine. Cụ thể, việc Mỹ và đồng minh sử dụng các cơ sở hạ tầng ngoài không gian cho mục đích dân sự”, ông Konstantin Vorotsov tuyên bố. “Có vẻ như nhiều người không nhận ra rằng những hành động như vậy trên thực tế đã can dự gián tiếp vào các cuộc xung đột quân sự. Cơ sở hạ tầng bán dân sự có thể sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp để trả đũa”.

“Ít nhất, việc sử dụng vệ tinh dân sự một cách khiêu khích như vậy là một vấn đề đáng lo ngại theo Hiệp ước bên ngoài không gian, là hiệp ước quy định phải sử dụng ngoài không gian một cách hòa bình. Hành động đó đáng bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ”, ông Vorotsov cho hay.

Trước động thái này, CEO SpaceX đã viết trên trang Twitter cá nhân như sau: “Starlink chỉ được sử dụng cho mục đích hòa bình”.

Phan Anh

Related posts