Tin VN trưa thứ Sáu: Bão Noru: 3 người chết và mất tích, 62 người bị thương

Chính phủ Việt Nam tặng Cuba 5000 tấn gạo

Hai lãnh đạo Chính phủ chứng kiến lễ ký kết Kế hoạch hành động về hợp tác y tế giữa Bộ Y tế hai nước. (Ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn)

Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Cuba đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 28/9 – 2/10.

Sáng 29/9, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz.

“Chuyến thăm phản ánh mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện”, báo chí nhà nước cho hay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo quyết định ủng hộ người dân Cuba 5.000 tấn gạo để góp phần khắc phục những khó khăn kinh tế xã hội gần đây.

Hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực chính trị – ngoại giao, an ninh – quốc phòng, thương mại – đầu tư, y tế, giáo dục – đào tạo, y tế, dược phẩm, tăng cường hợp tác an ninh lương thực…

Hai bên cũng thỏa thuận về duy ổn định quan hệ thương mại song phương, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên kinh doanh, đầu tư thuận lợi trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, năng lượng tái tạo, và mở rộng sang các lĩnh vực tiềm năng khác.

Hai nhà lãnh đạo Chính phủ đã chứng kiến Lễ ký kết 3 văn kiện hợp tác song phương, bao gồm: Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự kinh tế song phương Việt Nam – Cuba giai đoạn 2023 – 2025; Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp hai nước về hợp tác nông lương; Kế hoạch hành động về hợp tác y tế giữa Bộ Y tế hai nước.

Trước đó hôm 16/7/2020, Việt Nam cũng đã trao tặng 3 tấn vật tư y tế cho Cuba, gồm: Bộ Kit chẩn đoán nhanh, bộ vận chuyển lấy mẫu xét nghiệm, khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ… để giúp Cuba giải quyết những khó khăn trong đợt dịch viêm phổi Vũ Hán.

Đến chiều 5/8/2020, Cuba đã tặng lại Việt Nam hàng ngàn lọ thuốc sản sinh kháng thể phòng virus Vũ Hán và cử chuyên gia vào Quảng Nam, Đà Nẵng hỗ trợ phòng dịch.

Ngày 29/7/2021, Việt Nam tặng 10.000 tấn gạo cho Cuba. Người dân Thủ đô Hà Nội riêng tặng cho nhân dân Thủ đô Habana 2.000 tấn gạo.

Minh Long

7 thi thể dạt vào bờ biển Phú Quốc: Nghi là người Trung Quốc trên tàu bị chìm gần Campuchia

Một thi thể trôi dạt vào bờ biển Phú Quốc được người dân phát hiện. (Ảnh: Facebook)

Nhà chức trách tỉnh Kiên Giang đang xác minh danh tính 7 thi thể trôi dạt vào bãi biển Phú Quốc. Các thi thể có thể là những người Trung Quốc đi trên chiếc tàu bị chìm gần Campuchia hôm 22/9.

Ngày 29/9, người dân Phú Quốc (Kiên Giang) phát hiện 7 thi thể trôi dạt vào khu vực bờ biển Bãi Trường (thuộc ấp Đường Bào, xã Dương Tơ) nên trình báo nhà chức trách.

Đại tá Lê Văn Mót – Trưởng công an TP. Phú Quốc cho biết, những thi thể này đang phân hủy nên chưa xác định được giới tính, quốc tịch; bước đầu, ghi nhận có hai thi thể có căn cước công dân của Trung Quốc.

Theo đại tá Lê Văn Mót, thời gian gần đây, Công an Phú Quốc không nhận được tin báo nào liên quan đến người dân bị mất tích.

Cùng ngày, nhà chức trách đã ướp lạnh 7 thi thể để phục vụ điều tra. 

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, cơ quan chuyên môn nghi các thi thể này có thể là những người Trung Quốc đi trên chiếc tàu bị chìm gần vùng biển Campuchia hôm 22/9. Trong quá trình điều tra, nhà chức trách sẽ giám định ADN của các thi thể.

Trước đó, tối 22/9, một tàu chở 41 người Trung Quốc bị chìm tại khu vực ngoài khơi tỉnh Preah Sihanouk (miền Tây Nam Campuchia). Vụ tai nạn đã khiến 3 người chết, 8 người mất tích, 30 người được cứu vớt (trong đó có 9 trường hợp được một tàu cá Phú Quốc cứu hộ).

Hiện, nhà chức trách tỉnh Kiên Giang đang tiếp tục xác minh danh tính của 7 thi thể trôi dạt vào bờ biển.

Hải Đăng

Bão Noru: 3 người chết và mất tích, 62 người bị thương

Tính đến tối 29/9, mưa lũ sau bão Noru khiến 3 người chết và mất tích cùng 62 người khác bị thương, hơn 7.000 ngôi nhà bị ngập. (Ảnh: Cường Nguyễn/Facebook)

Tính đến tối 29/9, mưa lũ sau bão Noru khiến 3 người chết và mất tích cùng 62 người khác bị thương, hơn 7.000 ngôi nhà bị ngập.

Tối 29/9, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, đến 16h ngày 29/9, có 3 người chết và mất tích và 62 người bị thương sau bão Noru, chủ yếu ở Quảng Nam, Quảng Trị.

Ngoài ra, bão Noru cũng làm 160 nhà sập, chủ yếu ở Quảng Nam và Quảng Ngãi; 3.364 nhà bị hư hại, tốc mái. Tính đến nay, mưa lũ sau bão làm 7.346 nhà bị ngập, trong đó Nghệ An 7.306 nhà.

Bão cũng gây thiệt hại hơn 5.000 ha lúa và hoa màu, hơn 3.000 ha thủy sản bị ngập; hơn 1.700 gia súc và hơn 20.000 con gia cầm bị chết đuối; hơn 5.300 cây xanh gãy đổ.

Về thủy lợi, đê, kè, bão Noru làm sạt mái hạ lưu đập Hóc Cối (Nghệ An), đã xử lý; 1.000m đê, kè biển ở Hà Tĩnh, Quảng Trị bị hư hỏng, sạt lở; 12 đập, hồ chứa ở Kon Tum bị xói lở kênh.

2.660m bờ biển (Thừa Thiên Huế) và 1.040m bờ sông (Thừa Thiên Huế 320m, Hà Tĩnh 720m) bị sạt lở; 77 điểm trường bị ảnh hưởng (Huế 4, Đà Nẵng 25, Quảng Nam 21, Quảng Ngãi 27) và một số ghe, tàu nhỏ bị hư hại, chìm tại khu neo đậu.

10.510 trạm biến áp mất điện tạm thời, các địa phương đã khắc phục xong. Hiện còn 1 đường dây 110kV (thuộc lưới điện 110kV) chưa khôi phục, tỉnh Quảng Nam hiện đang tiếp tục khắc phục các sự cố mất điện tại 147 xã.
Thông tin lũ trên các sông tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay, lũ trên sông Cả (Nghệ An), hạ lưu sông La (Hà Tĩnh) và mực nước trên các sông ở Thanh Hóa đang lên; các sông Ngàn, Phố Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) đang dao động ở mức cao.

Mực nước lúc 19h ngày 29/9, trên các sông như sau:

– Sông Cả tại Yên Thượng 8,1m, trên báo động BĐ2 0,1m; tại Nam Đàn 6,3m, dưới BĐ2 0,6m;

– Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 12,53m, ở mức BĐ2; tại Hòa Duyệt 7,73m, trên BĐ1 0,23m; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm 11,81m, trên BĐ2 0,31m; sông La tại Linh Cảm 4,3m, dưới BĐ1 0,2m.

Dự báo, trong 12 đến 14 giờ tới, lũ trên sông Cả và hạ lưu sông La tiếp tục lên; trên sông Cả tại Nam Đàn lên mức BĐ2-BĐ3, sông La tại Linh Cảm dao động ở mức BĐ1-BĐ2.

Cơ quan khí tượng cảnh báo từ đêm nay (29/9) đến ngày 30/9, trên các sông ở Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ.

Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 1-3m. Đỉnh lũ các sông nhỏ, thượng lưu Mã lên mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu sông Mã ở dưới mức BĐ1.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, đặc biệt tại các huyện: Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Đô Lương (Nghệ An); Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh).

Minh Long

Vụ dược sĩ lén bán thuốc COVID-19, trục lợi 80 triệu: Trả hồ sơ, điều tra bổ sung

Thuốc kháng virus Molnupiravir nằm trong gói thuốc C, do cơ sở y tế cấp phát cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà (Ảnh: Yến Thư/HCDC)

Lợi dụng vị trí quản lý thiết bị y tế và cấp phát thuốc trong đợt dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), một dược sĩ lén lấy 50 hộp thuốc đặc trị COVID-19, không được phép mua bán, tuồn ra từ Trung tâm y tế quận Bình Tân (TP.HCM), tiếp tay cho việc rao bán thuốc trôi nổi trên mạng.

Ngày 28/9, TAND quận Bình Tân (TP.HCM) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Thừa (SN 1981, thường trú xã Xuân Thới Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM), Huỳnh Phương Thảo (SN 1985, ngụ tại phường Bình Trưng Đông, quận Bình Tân, TP.HCM) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng, Trung tâm Y tế quận Bình Tân trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, do ông Trương Đình Nhẫn làm giám đốc. Ông Nhẫn có ký hợp đồng lao động với ông Nguyễn Văn Thừa (dược sĩ) và giao cho bà Nguyễn Thanh Tú (trưởng khoa dược) quản lý và phân công nhiệm vụ cho ông Thừa. Bà Tú giao cho ông Thừa nhiệm vụ quản lý thiết bị y tế và cấp phát thuốc cho người dân.

Ngày 2/8/2021 và 13/9/2021, ông Thừa đã nhận 1.079 hộp thuốc Molnupiravir 400mg (thuốc cấp miễn phí trong điều trị COVID-19, chưa được phép mua bán).

Thời điểm này, ông Thừa quen ông Thảo, cũng là dược sĩ, đang làm việc tại Trung tâm Y tế quận Tân Phú. Dù biết rõ thuốc Molnupiravir 400 mg được quản lý nghiêm ngặt, chỉ cấp phát thí điểm miễn phí điều trị cho trường hợp nhiễm COVID-19 tại nhà và cộng đồng; chưa cho phép mua bán trên thị trường, nhưng ông Thảo đã xúi giục ông Thừa đưa thuốc ra ngoài bán.

Tại tòa, ông Thừa khai trước đó ông làm ở Trung tâm Y tế quận Tân Phú, đến năm 2020 chuyển về Bình Tân. Ông Thừa cho biết phòng kế hoạch của trung tâm sẽ báo cáo số lượng người mắc COVID-19 (F0) về Sở Y tế TP.HCM. Sau đó, dựa trên số lượng F0, Sở Y tế TP sẽ phân bổ thuốc.

Vào các ngày 14/9/2021 và 18/9/2021, ông Thừa lấy 50 hộp thuốc Molnupiravir 400 mg (mỗi hộp có 2 vỉ chứa 10 viên thuốc, tổng cộng 1.000 viên thuốc) của Trung tâm Y tế quận Bình Tân đưa cho ông Thảo và nhận 80 triệu đồng.

Ông Thảo rao bán 50 hộp thuốc trên mạng xã hội với giá 2,5 – 5 triệu đồng/hộp thuốc. Ông Thảo đã bán cho một thanh niên trên Facebook, một tiệm thuốc tây (không rõ địa chỉ) và anh Nguyễn Đình Khôi thu lợi 82,3 triệu đồng.

Sau khi mua thuốc từ anh Khôi, anh Phạm Minh Thiện tiếp tục bán thuốc cho người khác. Ngày 20/9/2021, khi anh Thiện đang liên hệ khách để bán thuốc thì bị Phòng PA-03, Công an TP.HCM kiểm tra và mời về làm việc. Sau đó, vụ án được PA-03 chuyển đến Công an quận Bình Tân để điều tra theo thẩm quyền.

Ngày 2/10, hai ông Thừa và Thảo bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Tân khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra.

Tại phiên tòa ngày 28/9, ông Trương Đình Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Tân – với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – vắng mặt.

Bà Nguyễn Thanh Tú, Trưởng khoa Dược, Trung tâm Y tế quận Bình Tân trình bày về quy trình cấp phát thuốc. Trong đợt cấp phát thuốc đợt 1, bà Tú đã cùng ông Thừa cấp phát thuốc.

Bị cáo Thừa khai bị cáo Thảo không đe dọa nhưng có xúi giục, nhắn hỏi có thuốc chưa để đưa ông này bán, cho rằng bản thân không có ý định mang thuốc ra ngoài bán nhưng Thảo gọi nhiều lần nên mới bán.

Còn bị cáo Thảo khai thời điểm COVID-19 thấy nhiều người có nhu cầu mua thuốc nên đã nhắn tin cho ông Thừa hỏi có thuốc không. Ông Thừa trả lời khi nào có sẽ báo và báo giá 2 triệu đồng/hộp, cho rằng bản thân không xúi giục, rủ rê ông Thừa.

Tại phần xét hỏi, hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để hội ý. Sau khi hội ý, hội đồng xét xử xét thấy còn nhiều vấn đề cần làm rõ nên đã trả hồ sơ cho VKSND quận Bình Tân để điều tra bổ sung.

Khánh Vy

Vụ thuốc giả: Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường hầu tòa phúc thẩm

Ông Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) cùng 9 bị cáo khác hầu tòa phúc thẩm tại TP. Hà Nội sau khi nhóm bị cáo này có đơn kháng cáo và kêu oan. (Ảnh: Phú Đô/vov.vn)

Ông Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) cùng 9 bị cáo khác hầu tòa phúc thẩm tại sau khi nhóm bị cáo này có đơn kháng cáo và kêu oan. Trước đó, tại phiên sơ thẩm, ông Cường bị tuyên phạt 4 năm tù.

Ngày 29/9, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada, liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.

Thẩm phán Nguyễn Vũ Đông làm chủ toạ phiên toà. Đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố. Có ba luật sư tham gia bào chữa cho ông Cường. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong nhiều ngày.

Trước đó, ông Trương Quốc Cường đã kháng cáo xin “giảm nhẹ hình phạt”.

Cùng kháng cáo “giảm nhẹ hình phạt” với cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường gồm 8 bị cáo:

– Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu Phó trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế);
– Phạm Anh Kiệt (cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn);
– Nguyễn Việt Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế);
– Phạm Hồng Châu (cựu Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế).
– Ngô Anh Quốc (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma);
– Phan Cẩm Loan (cựu Phó trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma);
– Lê Thị Vũ Phương (cựu Kế toán trưởng Công ty VN Pharma),
– Phạm Quỳnh Trang (nhân viên Công ty TNHH thương mại hàng hải Quốc tế H&C).

Riêng bị cáo Nguyễn Thị Quyết (nhân viên Phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma) “kháng cáo kêu oan”. Bị cáo Quyết cho rằng mình không thực hiện hành vi phạm tội, chỉ làm theo những gì cấp trên chỉ đạo mà không ý thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19/5, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt ông Trương Quốc Cường 4 năm tù. 9 bị cáo còn lại từ 2 năm đến 16 năm tù.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2007 nhóm bị cáo tại công ty VN Pharma cùng Công ty TNHH thương mại hàng hải Quốc tế H&C cấu kết để làm giả các hợp đồng mua bán thuốc, đánh tráo vỏ thuốc Helix Canada thành thuốc nhãn mác Health 2000 Canada; sau đó nộp hồ sơ xin cấp số đăng ký cho 7 loại thuốc mang nhãn Health 2000 Canada.

Thời điểm này, ông Trương Quốc Cường giữ chức Cục trưởng Quản lý dược kiêm Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế, được giao quản lý hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định việc cấp số đăng ký thuốc.

Tuy nhiên, ông Cường và các cựu cán bộ tại Cục Quản lý Dược đã để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn đến các bộ hồ sơ từ VN Pharma trình lên không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm định. Việc này khiến lô thuốc giả có tổng trị giá hơn 148 tỷ đồng được nhập khẩu, tiêu thụ hết tại Việt Nam.

Phạm Toàn

Để thất thoát gần 9 tỷ đồng, phó giám đốc Sở Y tế bị khiển trách

Ông Trần Hoài Đảo, Phó giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu. (Ảnh: An Minh/vnexpress/Vietnamnet).

Ngày 29/9, tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, vừa khiển trách ông Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu vì để cấp dưới sai phạm trong mua sắm kit test Việt Á, gây thất thoát ngân sách gần 9 tỷ đồng.

Theo VnExpress dẫn kết luận cơ quan kiểm tra Tỉnh uỷ, ông Đảo là Chủ tịch Hội đồng thẩm định lựa chọn nhà thầu mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, ông đã thiếu kiểm tra, giám sát, để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bạc Liêu thực hiện 3 gói thầu mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á gây thất thoát ngân sách.

Liên quan vụ việc này, Bạc Liêu đã kỷ luật cảnh cáo ông Trần Vĩnh An, Giám đốc CDC Bạc Liêu và 2 thuộc cấp là ông Phạm Thanh Hồng, Trưởng khoa Xét nghiệm và ông Trương Thái Hưng, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch.

Theo kết luận của Thanh tra Bạc Liêu, CDC Bạc Liêu đã mua 44 gói thầu với tổng giá trị hơn 126 tỷ đồng. Qua kiểm tra, 35 gói thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống Covid-19 xảy ra nhiều sai phạm. Vi phạm nghiêm trọng nhất ở ba gói thầu mua sinh phẩm, kit test, hóa chất, vật tư y tế của Công ty Việt Á với tổng giá trị hơn 23,7 tỷ đồng.

Thanh tra cho rằng, việc lập, trình dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu có dấu hiệu thiếu minh bạch, vi phạm các quy định, gây thiệt hại hơn 8,9 tỷ đồng. Cùng với đề nghị kỷ luật những người liên quan, cơ quan thanh tra tỉnh đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an tỉnh Bạc Liêu.

Hội An

Related posts