Tin thế giới trưa thứ Bảy: Nga phủ quyết, Trung Quốc bỏ phiếu trắng nghị quyết LHQ lên án Moscow

Nga phủ quyết, Trung Quốc bỏ phiếu trắng nghị quyết LHQ lên án Moscow

Nga hôm thứ Sáu (30/9) đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Mỹ và Albania đề xuất nhằm lên án Moscow tuyên bố sáp nhập 4 khu vực Ukraine. Đối tác chiến lược của Nga là Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố chủ quyền của Nga đối với 4 khu vực chiếm khoảng 15% lãnh thổ Ukraine. Đây là vụ sáp nhập lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II. Các quốc gia phương Tây và thậm chí nhiều đồng minh thân cận của Nga đã bác bỏ động thái sáp nhập này.

Ngay sau đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an nghị quyết kêu gọi các thành viên không công nhận mọi tình trạng thay đổi của Ukraine và buộc Nga phải rút quân đội khỏi quốc gia láng giềng phía Tây.

Bà Linda Thomas-Greenfield lập luận trước Hội đồng rằng nỗ lực sáp nhập lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là đi ngược lại các quy tắc nền tảng của Liên Hiệp Quốc. Bà cũng nói ông Putin đang ăn mừng “sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế này” bằng việc tổ chức buổi hòa nhạc sau khi tuyên bố sáp nhập lãnh thổ Ukraine hôm 30/9.

10 thành viên Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết. Trong khi, Trung Quốc, Gabon, Ấn Độ và Brazil bỏ phiếu trắng.

“Không có quốc gia nào bỏ phiếu với Nga. Không một quốc gia nào hết”, bà Thomas-Greenfield nói với báo giới sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an. Bà nói thêm rằng các quốc gia bỏ phiếu trắng “rõ ràng không phải là bảo vệ Nga”.

Bà Thomas-Greenfield cho biết Mỹ sẽ trình lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với 193 thành viên nghị quyết lên án những hành động mới nhất của Nga.

“Tại Đại hội đồng, các quốc gia trên thế giới sẽ nói lớn và rõ ràng: Nỗ lực vẽ lại đường biên giới của một quốc gia khác bằng vũ lực là bất hợp pháp, và rõ ràng không thể chấp nhận được”, bà Thomas-Greenfield nói.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia người duy nhất giơ tay bỏ phiếu phản đối nghị quyết do Mỹ đề xuất đã lập luận rằng các khu vực vừa sáp nhập vào Nga lựa chọn là một phần của Nga.

“Dự thảo nghị quyết hôm nay sẽ không có cách nào được áp đặt”, Đại sứ Nebenzia nói.

Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya nói rằng một cách tay duy nhất giơ lên phản đối nghị quyết “một lần nữa minh chứng về việc Nga đang bị cô lập và bộc lộ những nỗ lực tuyệt vọng của ông ta nhằm phủ định thực tế trong các cam kết chung của chúng ta, bắt đầu từ Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

Đại sứ Anh Barbara Woodward nói rằng Nga đã “lạm dụng quyền phủ quyết để bảo vệ những hành vi phạm pháp của mình”. Bà cũng nói hành động sáp nhập này “không có hiệu lực pháp lý”.

Trung Quốc bỏ phiếu trắng nhưng đã dấy lên quan ngại về “cuộc khủng hoảng mở rộng và kéo dài” tại Ukraine.

Đại sứ Trung Quốc Zhang Jun lập luận rằng mặc dù “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia nên được bảo vệ, nhưng những quan ngại về an ninh hợp pháp của các quốc gia cũng nên được xem trọng”.

Hải Đăng (Theo Reuters)

NATO cam kết ủng hộ Ukraine trước hành động “leo thang nghiêm trọng” của Nga

Hôm thứ Sáu (30/9), NATO cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kích động “sự leo thang nghiêm trọng nhất” kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, nhưng nói rằng ông Putin sẽ không thành công trong việc ngăn chặn liên minh ủng hộ Kyiv.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, hàng loạt những diễn biến gần đây nhất, như việc huy động quân sự ở Nga, những lời dọa dẫm sử dụng vũ khí hạt nhân, và việc thôn tính bất hợp pháp lãnh thổ của Ukraine là “sự leo thang nghiêm trọng nhất của cuộc xung đột kể từ khi nó được bắt đầu và mục đích của Tổng thống Putin là ngăn cản chúng tôi ủng hộ Ukraine. Nhưng ông ấy sẽ không thành công trong việc đó.”

Ông Stoltenberg phát biểu sau khi TT Putin tuyên bố Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine tại một buổi lễ ở Điện Kremlin, hứa hẹn Moscow sẽ chiến thắng trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống lại Kyiv ngay cả khi đang phải đối mặt với sự phản công dữ dội của Ukraine trên nhiều mặt trận.

Tuyên bố của Putin về việc Nga sáp nhập khoảng 15% lãnh thổ Ukraine – cuộc sáp nhập lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai – đã bị các nước phương Tây và thậm chí nhiều đồng minh thân cận của Nga bác bỏ mạnh mẽ.

Ông Stoltenberg nói rằng động thái của Nga là “nỗ lực sáp nhập lãnh thổ châu Âu bằng vũ lực lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”, đồng thời nói thêm rằng một khu vực có diện tích tương đương với Bồ Đào Nha đã bị Nga “chiếm giữ trái phép bằng súng đạn”.

“Các cuộc trưng cầu dân ý giả được chế ra ở Moscow và áp đặt lên Ukraine hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế. Việc chiếm đất này là bất hợp pháp và bất hợp pháp.”

Ông nói thêm: “Các đồng minh NATO không và sẽ không công nhận bất kỳ vùng lãnh thổ nào trong số này là một phần của Nga. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia bác bỏ những nỗ lực trắng trợn của Nga trong việc xâm chiếm lãnh thổ. Những vùng đất này là của Ukraine.”

Ông cho biết NATO không phải là một bên trong cuộc xung đột, nhưng họ tái khẳng định “sự ủng hộ vững chắc” đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời sẽ tiếp tục hỗ trợ nước này tự vệ trước Nga.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg không đề cập đến tuyên bố của Tổng thống Volodymyr Zelensky trước đó vài giờ, trong đó nhà lãnh đạo Ukraine cho biết đã nộp đơn xin gia nhập NATO.

Lê Vy

Lầu Năm Góc sẽ thành lập “Bộ chỉ huy Ukraine”

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Mark Milley. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ/Flickr)

Theo các nguồn tin giấu tên tiết lộ cho tờ New York Times và CNN hôm 29/9 vừa qua, Bộ chỉ huy Ukraine sẽ được thành lập tại Wiesbaden (Đức), nơi Quân đội Mỹ đóng trụ sở chính ở châu Âu. Được biết, đơn vị mới này sẽ bao gồm 300 nhân viên dưới quyền phụ trách của Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Âu của Quân đội Mỹ.

Các quan chức Mỹ cho biết rằng động thái trên sẽ giúp nâng cao hiệu quả quy trình chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Thành phố Wiesbaden của Đức nắm giữ vai trò quan trọng trong kế hoạch trên, bởi hầu hết quân đội Ukraine đang được đào tạo ở trong hoặc gần thành phố này.

Kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công nhắm vào Ukraine vào cuối tháng 2, nguồn viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine phần lớn do Trung tướng Christopher Donahue quản lý từ Đức và Ba Lan. Ông là người giám sát cuộc di tản của lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan vào năm ngoái.

Dẫu vậy, Tướng Donahue và các phụ tá sẽ trở về Mỹ từ tháng tới, qua đó làm phát sinh nhu cầu về thành lập bộ chỉ huy chuyên trách để huấn luyện và trang bị vũ khí cho Quân đội Ukraine.

Trước đó, một nguồn tin tiết lộ rằng Washington đang tìm cách bổ nhiệm một vị tướng lãnh đạo chương trình trang bị vũ khí và xe lửa ở Ukraine, cũng như hoạt động tài trợ dài hạn và chuyên dụng từ Chính phủ Mỹ.

Tính đến nay, Mỹ đã ủy quyền chuyển giao gần 17 tỷ USD vũ khí cho Quân đội Ukraine trong năm 2022. Dù số lượng lớn thiết bị và đạn dược đến trực tiếp từ các kho dự trữ hiện có, Lầu Năm Góc cũng đang làm việc với các nhà thầu để sản xuất vũ khí đặc biệt cho Kiev, trong đó có 18 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS).

Phan Anh

Ukraine cáo buộc Nga pháo kích đoàn xe dân sự khiến 23 người thiệt mạng

Một trung tâm chỉ huy của Nga bị phá hủy hôm 29/9/2022 tại Izium, Ukraine. (Ảnh: Paula Bronstein/Getty Images)

Ít nhất 23 người đã thiệt mạng và 28 người bị thương trong một cuộc pháo kích của Nga vào một đoàn xe chở dân thường ở ngoại ô thành phố Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, thống đốc khu vực cho biết hôm 30/9.

“Cho đến nay, 23 người chết và 28 người bị thương. Tất cả đều là dân thường”, thống đốc khu vực Zaporizhzhia, ông Oleksandr Starukh, viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram hôm 30/9, thông báo về vụ pháo kích vào đoàn xe dân sự.

Cảnh sát và nhân viên cấp cứu đã nhanh chóng đến hiện trường vụ pháo kích. Cửa kính của các phương tiện – chủ yếu là ô tô và ba xe tải – đã bị nổ tung.

Tờ Reuters dẫn lời một nhân chứng mô tả, các thi thể trải dài trên mặt đất, một số vẫn còn kẹt trong xe ô tô. Một tên lửa đã để lại một miệng hố lớn trên mặt đất.

Các phương tiện bị trúng đạn chất đầy đồ đạc, chăn màn và va li của người ngồi trên xe. Một thân hình ngả từ ghế lái sang ghế phụ trên chiếc ô tô màu vàng, trong khi tay trái vẫn đang nắm chặt vô lăng.

Ukraine thách thức thế kìm kẹp của Moscow ở Donbas

Quân đội Ukraine đang tiến tới đánh chiếm thị trấn Lyman, miền đông Ukraine do Nga nắm giữ. Động thái này đe dọa một bước lùi mới của nhà lãnh đạo Nga ở Donbas, trong bối cảnh ông chuẩn bị tuyên bố sáp nhập khu vực này là một phần của Nga.

Việc chiếm được thị trấn ở phía bắc của vùng Donetsk sẽ mở đường cho Ukraine xâm nhập vào tỉnh Luhansk liền kề, phá vỡ mục tiêu của ông Putin là chiếm trọn Donbas.

Các khu vực này nằm trong số 4 phần lãnh thổ phía đông và nam Ukraine mà ông Putin dự kiến ​​sẽ tuyên bố sáp nhập thành vùng đất của Nga vào lúc 15:00 chiều (19:00 theo giờ Việt Nam) trong ngày hôm nay (30/9).

Ukraine, các nước phương Tây và Liên Hợp Quốc đã cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý là “giả mạo” và không công nhận kết quả bỏ phiếu.

Ông Putin nói rằng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga nếu cần thiết. Kyiv cho biết họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi những mối đe dọa như vậy và sẽ thúc đẩy kế hoạch đánh đuổi tất cả các lực lượng Nga ra khỏi Ukraine.

Lyman trong nhiều tháng đã trở thành trung tâm hậu cần và vận tải then chốt cho các hoạt động của Nga ở phía bắc khu vực Donetsk. Do đó, việc chiếm được Lyman sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Kyiv, kể từ khi một cuộc phản công chớp nhoáng đã giúp Ukraine tái chiếm vùng Kharkiv vào tháng này.

Tuy nhiên, Ukraine cũng đang đối mặt với cơ hội đánh chiếm lãnh thổ bị thu hẹp trong khi mùa đông đang cận kề. Động thái này cho phép Nga, quốc gia đã tuyên bố lệnh động viên một phần, có thêm thời gian để củng cố phòng tuyến của mình.

Ông Konrad Muzyka, giám đốc công ty tư vấn quân sự Rochan có trụ sở tại Ba Lan, cho biết các lực lượng Nga đang cố gắng bám trụ ở Lyman để câu giờ, chuẩn bị các tuyến phòng thủ để ngăn việc thị trấn này rơi vào tay Kyiv.

Cơ hội cho lực lượng Nga

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói với người dân Ukraine trong bài phát biểu hàng đêm của mình hôm thứ Ba (27/9) rằng, có “tin tốt lành” từ tiền tuyến, nhưng không nêu chi tiết.

Thống đốc của vùng Luhansk trong tuần này cho biết: “Khi tình hình xung quanh Lyman được giải quyết, chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các hành động của quân đội Ukraine vì Lyman ở gần sông và phía bờ bên kia là vùng Luhansk”.

Hôm thứ Năm (29/9), một quan chức thân Nga ở vùng Donetsk cho biết, tình hình ở Lyman “khá căng thẳng” và “khó khăn”, trong bối cảnh lực lượng Kyiv đang không ngừng tấn công.

“Tất nhiên chúng tôi hiểu rằng những nỗ lực như vậy sẽ còn tiếp diễn”, quan chức được hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời.

Các nhà phân tích cho biết, vai trò then chốt của Lyman đối với lực lượng Nga đã giảm dần kể từ khi quân đội Moscow được điều động ở khu vực đông bắc Kharkiv. Thị trấn này có dân số 20.000 người trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.

Bà Karolina Hird, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết: “Các lực lượng Ukraine đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể xung quanh Lyman trong 24 đến 48 giờ qua. Theo các nguồn tin của Nga và Ukraine, lực lượng Ukraine đã tiến về phía tây, phía bắc và thậm chí là đông bắc của Lyman”.

Bà nói: “Sự sụp đổ thế trận bao vây xung quanh Lyman sẽ xóa sổ ranh giới này và mở ra những bước tiến tiềm năng hơn nữa về phía đông”.

Ông John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nhận định rằng sự sụp đổ của Lyman sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của Nga ở đông bắc Ukraine theo hướng bất lợi.

Kế hoạch của Nga: Tưởng tượng và thực tế

Nga đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ phía nam và đông Ukraine trong cuộc xâm lược năm nay. Hồi 2014, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea. Đầu năm nay, Moscow tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng là Doneskt và Luhansk.

Ông Muzyka cho biết, vẫn chưa rõ việc Nga huy động hàng trăm nghìn quân dự bị để lấp đầy những khoảng trống lớn về nhân lực sẽ diễn ra như thế nào.

Ông nói: “Nếu Nga bắt đầu triển khai lực lượng này liên tục, thì ít nhất Moscow sẽ đạt được những bước tiến trong ngắn hạn trên chiến trường. Nga có thể làm giảm nhịp độ các cuộc tấn công của Ukraine”.

Ông Seth Jones thuộc Trung tâm An ninh và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington cho biết sự sụp đổ của Lyman sẽ làm nổi bật sự đứt gãy trong kế hoạch của Điện Kremlin giữa “tưởng tượng và thực tế”.

“Ông Putin đang cố gắng củng cố quyền kiểm soát các khu vực mà ông ấy để vụt mất thông qua các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo. Sự sụp đổ của Lyman cũng sẽ giáng một đòn mạnh mẽ vào mục tiêu chiếm trọn Donbas của ông Putin”.

Huyền Anh

Related posts