Người Úc có quan điểm tiêu cực về chính quyền Trung Quốc, nhưng không phải đối với người Trung Quốc

Kathleen Li

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, bất chấp mối bang giao ngày càng xấu đi giữa Úc và Trung Quốc, hầu hết người Úc có các quan điểm tiêu cực đối với chính quyền Trung Quốc, nhưng không phải đối với người dân của quốc gia này.

Báo cáo khảo sát được công bố hôm 26/09 đã yêu cầu người Úc mô tả — bằng lời của họ — điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí khi họ nghĩ về Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu đã phân tích 1,127 câu trả lời nhận được trong khi tập trung vào các chủ đề thường được đề cập nhất.

Trong số các chủ đề được đề cập nhiều nhất, “hệ thống chính trị của Trung Quốc” là chủ đề đầu tiên được 29% người Úc nghĩ đến, với một số người được hỏi đã trực tiếp chỉ trích chính quyền Trung Quốc, xem họ là một “mối đe dọa đối với phần còn lại của thế giới” hoặc là một “nhà nước độc đảng toàn trị.”

Một phụ nữ Úc đã mô tả Trung Quốc là “một quốc gia bất chấp luật lệ và hãy tránh xa họ, một quốc gia muốn thống trị thế giới, [và] là một kẻ bắt nạt đã lợi dụng Úc để làm gương cho các quốc gia khác rằng nếu quý vị hơn họ, họ sẽ trừng phạt quý vị.”

Báo cáo cho thấy, trong khi chính quyền Trung Quốc nhận được phần lớn đánh giá tiêu cực từ những người được hỏi, chỉ có 1% bày tỏ quan điểm tiêu cực về người dân Trung Quốc so với 4% mô tả họ theo hướng tích cực.

Mối bang giao giữa Úc và Trung Quốc bắt đầu xấu đi hồi năm 2018 do những lo ngại ngày càng tăng về ảnh hưởng của Trung Quốc trong các lĩnh vực chính trị, truyền thông, các trường đại học, và các lĩnh vực quan trọng của Úc. Mối bang giao của hai quốc gia trở nên xấu đi hồi năm 2020 khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona, và Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp đặt các mức thuế quan mới.

Trong bối cảnh tranh chấp thương mại đang diễn ra với Trung Quốc kể từ năm 2020, kết quả khảo sát chỉ ra rằng hầu hết người Úc hướng những đánh giá tiêu cực của họ về chính quyền ở Bắc Kinh thay vì hướng tới người dân Trung Quốc một cách có suy xét.

Nhận thức khác nhau của công chúng đối với giới nhà giàu Trung Quốc

Mặc dù dư luận Úc cho thấy mức độ chấp nhận nhiều hơn đối với người Trung Quốc nói chung, mới đây, những lời kêu gọi hủy bỏ chương trình Thị thực Nhà đầu tư Đặc biệt (Significant Investor Visa, SIV) của nước này đã cho thấy một nhận thức khác của dư luận đối với những người nhập cư gốc Hoa giàu có đã mở đường nhập cảnh vào nước này bằng cách sử dụng tiền bạc.

Chính phủ Úc cho biết họ chắc chắn sẽ hủy bỏ chương trình Thị thực Nhà đầu tư Đặc biệt (SIV), một con đường nhanh chóng, dựa trên tiền bạc để trở thành thường trú nhân Úc với hơn 84.9% thị thực được phát hành đã cấp cho người Trung Quốc có giá trị tài sản ròng cao từ năm 2012 đến năm 2020.

Các hồ sơ xin thị thực SIV không yêu cầu kiểm tra Anh ngữ, giới hạn độ tuổi, hoặc đánh giá kỹ năng kinh doanh. Tiêu chí chính là đầu tư 5 triệu dollar Úc vào một số khoản đầu tư nhất định của Úc, chẳng hạn như các quỹ cân bằng, và duy trì hoạt động đầu tư tại nước này.

Chương trình được cựu Thủ tướng Julia Gillard thành lập hồi tháng 11/2012, cung cấp một lộ trình đầu tư đặc biệt từ những người nhập cư vào Úc theo chương trình Thị thực Đầu tư và Đổi mới Kinh doanh.

Các đơn xin thị thực SIV thường được chấp thuận trong vòng một năm. Ngoài ra, những thân nhân trong gia đình như vợ/chồng và con em dưới 18 tuổi có thể được đi kèm trong các đơn xin thị thực này.

Theo Bộ Nội vụ, từ ngày 01/07/2019 đến ngày 30/06/2020, có 84.8% thị thực được cấp cho những người nộp đơn đến từ Trung Quốc đại lục. Đây cũng là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2012.

Từ tháng 11/2012 đến tháng 06/2015, 90.1% thị thực đã được cấp cho những người đến từ Trung Quốc đại lục.

Chương trình gây tranh cãi này đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại và thảo luận trong nhiều năm qua.

Một chương trình gây tranh cãi

Tỷ phú Trung Quốc Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo) đã mất thị thực hồi tháng 12/2018 sau khi được cấp thường trú nhân. Theo The Australian, một tờ báo địa phương, ông là một trong số ít người bị hủy thị thực với lý do cá nhân vì “độ tin cậy của các câu trả lời” mà ông ấy đã cung cấp.

Các cơ quan an ninh Úc được cho là rất lo ngại về mối liên hệ của ông này với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các khoản tài trợ của ông bị cáo buộc là dành cho một số quan chức chính trị của Úc.

Theo The Australian Financial Review (AFR), quyết định hủy bỏ thị thực của ông Hoàng được xem là “hành động quyết liệt nhất của Canberra cho đến nay nhằm phản đối chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc.”

Ông Hoàng đã quyên góp số tiền lớn cho lưỡng đảng chính trị ở Úc trong 5 năm và bị phát hiện đã tham dự các buổi họp với các nhân vật hàng đầu của Đảng Lao Động và Đảng Tự Do.

Tuy nhiên, theo báo cáo của AFR, ông Hoàng đã phủ nhận các cáo buộc về việc ảnh hưởng đến tiến trình chính trị của Úc.

Hôm 11/09, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Clare O’Neil nói với Sky News: “Tôi nghĩ rằng hầu hết người Úc sẽ rất khó chịu khi nghĩ rằng chúng tôi có một loại thị thực ở đây, nơi mà quý vị có thể mua lộ trình để nhập cư vào đất nước này một cách hiệu quả.”

Bà O’Neil còn đề cập rằng chương trình SIV có thể bị hủy bỏ sau khi hệ thống nhập cư được đánh giá vào tháng 02/2023, vì hầu hết những người được cấp thị thực SIV đến để định cư và nghỉ hưu. Điều này “thường kết thúc bằng việc rút cạn ngân sách của Úc.”

“Hiện tại, tôi không thể thấy có nhiều lý do để duy trì điều đó như một phần của chương trình của chúng ta,” bà nói thêm.

Tranh luận về tương lai của chương trình thị thực

Mặc dù bà O’Neil nói rằng thị thực SIV đã trở thành một rắc rối đối với hệ thống nhập cư, nhưng ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi,) một phụ tá giáo sư tại Đại học Kỹ thuật Sydney, cho rằng việc sửa đổi các yêu cầu xin thị thực SIV là một cách tốt hơn.

“Rất khó để các doanh nhân không vi phạm trong môi trường kinh doanh có kiểm soát do ĐCSTQ giám sát, nhưng về bản chất, không phải tất cả họ đều xấu xa. Sẽ thật đáng tiếc nếu chính phủ Úc quyết định cấm thị thực SIV. Sửa đổi các yêu cầu của hồ sơ xin SIV là một giải pháp tốt hơn,” ông Phùng nói với The Epoch Times.

“Các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đã đóng góp vào sinh kế của người dân trong nước, chẳng hạn như việc làm. Mặc dù những doanh nhân này không có một hình ảnh tốt đẹp trong mắt công chúng vì họ có mối liên hệ mật thiết với ĐCSTQ, nhưng chúng ta nên để họ có một cơ hội thoát khỏi Trung Quốc nếu họ lựa chọn cắt đứt mối liên hệ với ĐCSTQ.”

Ông Phùng lập luận rằng, “ngay cả các quan chức ĐCSTQ cũng nên có một lối thoát nếu họ đang tìm kiếm một sự thay đổi.”

Mặt khác, ông Abul Rizvi, cựu phó Bộ trưởng Bộ Di trú, muốn SIV bị bãi bỏ, The Australian đưa tin.

Ông Rizvi nói: “Trong một chính quyền như Trung Quốc, những người giàu có và có mối quan hệ tốt có thể không có tiền án ngay cả khi họ có thể đã làm nhiều việc bất chính.”

Báo cáo cho biết thêm rằng 2,370 công dân Trung Quốc “siêu giàu” đã được cấp thị thực sơ bộ và đưa hơn 5,000 thân nhân trong gia đình đến Úc.
Kathleen Li

Cô Kathleen Li đã đóng góp bài viết cho The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư chuyên về lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.

Khánh Ngọc biên dịch

Related posts