Tin thế giới tối thứ Hai: Nga ném bom khắp các thành phố Ukraine vào giờ cao điểm, kể cả thủ đô Kyiv

Nga ném bom khắp các thành phố Ukraine vào giờ cao điểm, kể cả thủ đô Kyiv

Trung tâm thành phố Kiev bị ném bom (Reuteurs)

Nga đã ném bom các thành phố trên khắp Ukraine trong giờ cao điểm vào sáng thứ Hai, một động thái rõ ràng để trả thù sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vụ nổ trên cây cầu dẫn đến Crimea là một vụ tấn công khủng bố của Kyiv.

Tên lửa đã tấn công Kyiv vào đầu giờ sáng, là cuộc tấn công dữ dội nhất vào thủ đô kể từ khi Nga từ bỏ nỗ lực chiếm nó trong những tuần đầu của cuộc chiến.

Theo hãng tin Reuters, thi thể một người đàn ông đã được trông thấy nằm trên đường tại một ngã tư đông đúc, xung quanh là những chiếc xe bốc cháy sau vụ tấn công. Một hố sâu lớn khoét vào lòng đất bên cạnh một sân chơi trong công viên trung tâm Kyiv.

Các vụ nổ cũng được báo cáo ở Lviv, Ternopil và Zhytomyr ở phía tây Ukraine và Dnipro và Kremenchuk ở miền trung Ukraine.

“Họ đang cố gắng tiêu diệt chúng tôi và xóa sổ chúng tôi trên mặt đất … tiêu diệt những người đang ngủ tại nhà ở Zaporizhzhia của chúng tôi. Giết những người đi làm ở Dnipro và Kyiv”, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói trên Telegram.

“Tiếng còi báo động của cuộc không kích không lắng xuống khắp Ukraine. Có tên lửa tấn công. Thật không may, có người chết và bị thương.”

Tại một trong những ngã ba đường đông đúc nhất của Kyiv, một miệng hố lớn xuất hiện sau vụ nổ ở giao lộ. Ô tô bị phá hủy, các tòa nhà bị hư hại và các nhân viên cấp cứu đang có mặt tại hiện trường. Hai chiếc ô tô và một chiếc xe tải gần miệng hố đã bị phá hủy hoàn toàn, cháy đen và thủng lỗ chỗ vì mảnh đạn.

Cửa sổ đã bị thổi bay khỏi các tòa nhà tại Đại học Taras Shevchenko của Kyiv. Lực lượng Vệ binh Quốc gia với đầy đủ trang bị chiến đấu và mang theo súng trường tấn công được trông thấy xếp hàng bên ngoài một tòa nhà của công đoàn giáo dục.

“Thủ đô đang bị khủng bố Nga tấn công! Các tên lửa đã bắn trúng các vật thể ở trung tâm thành phố (ở quận Shevchenkivskyi) và quận Solomyanskyi… Mối đe dọa vẫn tiếp diễn”, thị trưởng Vitali Klitschko đăng trên mạng xã hội.

“Các đường phố trung tâm của Kyiv đã bị phong tỏa bởi các nhân viên thực thi pháp luật và các dịch vụ cứu hộ.”

Các cuộc không kích trả đũa của Nga diễn ra sau vụ nổ làm hư hỏng cây cầu duy nhất bắc qua eo biển Kerch tới bán đảo Crimea, mà ông Putin hôm Chủ nhật gọi là “hành động khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự cực kỳ quan trọng”.

Ông nói trong một đoạn video trên kênh Telegram của Điện Kremlin: “Điều này do các cơ quan đặc nhiệm Ukraine nghĩ ra, thực hiện và ra lệnh.”

Ukraine đã không nhận trách nhiệm về vụ nổ trên cầu nhưng đã ăn mừng trước vụ việc. Các quan chức cấp cao của Nga đã yêu cầu Điện Kremlin phản ứng nhanh chóng trước cuộc họp của hội đồng an ninh vào thứ Hai.

Cây cầu là một tuyến đường tiếp tế chính cho các lực lượng Nga ở miền nam Ukraine và là biểu tượng cho sự kiểm soát của Nga đối với Crimea, bán đảo mà nước này tuyên bố sáp nhập sau khi quân đội chiếm giữ nó một cách phi pháp vào năm 2014.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố trước cuộc họp rằng Nga nên tiêu diệt “những kẻ khủng bố” chịu trách nhiệm về vụ tấn công.

Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời ông cho biết: “Nga chỉ có thể đáp trả tội ác này bằng cách trực tiếp tiêu diệt những kẻ khủng bố, cũng như thông lệ ở những nơi khác trên thế giới. Đây là điều mà người dân Nga mong đợi”.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã tweet đáp trả: “Chiến thuật duy nhất của Putin là khủng bố các thành phố yên bình của Ukraine, nhưng ông ấy sẽ không phá hủy được Ukraine. Đây cũng là phản ứng của ông ấy đối với tất cả những người muốn nói chuyện với ông ấy về hòa bình: Putin là một kẻ khủng bố chỉ biết nói chuyện bằng tên lửa.”

Vào đầu ngày thứ Hai, các cuộc pháo kích của Nga cũng đã phá hủy một tòa nhà chung cư khác ở thành phố Zaporizhzhia, Thống đốc khu vực Oleksandr Starukh cho biết. Một quan chức thành phố nói rằng ít nhất một người chết và 5 người bị thương trong vụ tấn công.

Các cuộc không kích trước bình minh là cuộc tấn công tên lửa thứ ba của Nga nhằm vào các tòa nhà chung cư trong thành phố trong vòng 4 ngày. Thành phố này là nơi mà các lực lượng Nga chưa bao giờ chiếm được, là thủ đô của một trong bốn khu vực bị chiếm đóng một phần mà Nga tuyên bố sáp nhập.

Nga đã phải đối mặt với những thất bại lớn trên chiến trường kể từ đầu tháng 9, khi các lực lượng Ukraine tràn qua tiền tuyến và chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ ở phía đông bắc và phía nam.

Ông Putin đã tìm cách đáp trả những tổn thất bằng cách ra lệnh huy động hàng trăm nghìn quân dự bị, tuyên bố sáp nhập lãnh thổ bị chiếm đóng và nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Lê Vy (theo Reuters)

Chứng khoán Nga lao dốc, đồng ruble mất giá

Thị trường chứng khoán Nga giảm gần 12% ngay khi mở cửa phiên giao dịch hôm nay, trong khi đó đồng ruble xuống thấp nhất trong 3 tháng qua so với đồng Mỹ kim.

Sau khi mở cửa, chỉ số MOEX (Nga) giảm 11,9%, xuống 1,780 điểm đầu giờ chiều nay. Riêng cổ phiếu hãng khí đốt Gazprom mất tới hơn 20%. Trong khi đó, RTS – một chỉ số khác của thị trường nước này – giảm 13% xuống còn 909,2 điểm.

Đây là lần đầu tiên MOEX xuống dưới 1800 điểm kể từ khi Moscow mở tấn công Ukraine cuối tháng 2. Hiện tại, mức giảm đã co hẹp về 3.7%.

Chỉ số MOEX lao dốc ngay khi mở cửa phiên hôm nay. Đồ thị: CNBC
Chỉ số MOEX lao dốc ngay khi mở cửa phiên hôm nay. Đồ thị: CNBC

Căng thẳng Nga – Ukraine leo thang cũng khiến đồng ruble – vốn đang phục hồi vài tháng qua – chiều nay mất giá so với USD và euro. Một USD hiện đổi được 63 ruble. Đây là mức thấp nhất của ruble trong 3 tháng qua.

Đồng tiền này cũng mất 1.7% so với euro và 2.1% so với nhân dân tệ. Hiện 1 euro đổi được 60,91 ruble.

Vài tuần gần đây, thị trường tài chính Nga chịu tác động từ các căng thẳng địa chính trị và hững sự trừng phạt về kinh tế của phương Tây sau khi sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine. Thị trường hôm nay lao dốc sau thông tin về hàng loạt vụ tấn công vào các thành phố Ukraine (bao gồm thủ đô Kiev) hôm nay và vụ nổ cuối tuần trước phá hủy một phần cây cầu nối Crimea với Nga. Đây là vụ tấn công vào thủ đô Kiev sau nhiều tháng yên tĩnh.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc vụ nổ cầu Crimea là “hành động khủng bố” do lực lượng đặc nhiệm Ukraine thực hiện nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Nga.

Nga pháo vào thủ đô Kiev của Ukraine

Aftermath of Russian missile attack on downtown Kyiv. Photograph: @MattiMaasikas

Bốn hỏa tiễn đã pháo vào trung tâm thủ đô Kiev hôm nay, gây ra một số thương vong, sau khi Nga cáo buộc Ukraine tấn công cầu Crimea.

“Thủ đô Ukraine đang bị Nga tấn công”, Thị trưởng Kiev Vitaly Klitschko hôm nay cho biết trên Telegram. “Hỏa tiễn pháo vào trung tâm của quận Shevchenkivskyi và Solomyanskyi tại trung tâm thành phố. Còi báo động không kích vẫn vang lên, chứng tỏ mối đe dọa chưa chấm dứt”.

Ông Klitschko viết thêm rằng các đường phố ở trung tâm Kiev đã bị phong tỏa để lực lượng cảnh sát và nhân viên cứu hộ làm việc.

Theo AFP, các vụ nổ xảy ra vào khoảng 8h15 (15h15 giờ Sydney). Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy có các cột khói đen bốc lên từ một số khu vực trong thành phố.

Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine nói một hỏa tiễn rơi xuống phố Volodymyrska, gần văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky và Cơ quan An ninh Ukraine (SBU).

Một cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine xác nhận một hỏa tiễn rơi xuống gần tượng đài Hrushevsky, một biểu tượng của văn hóa Ukraine. Nghị sĩ Ukraine Oleksiy Goncharenko thêm rằng một hỏa tiễn rơi “ngay giữa trung tâm thành phố”.

“Xe hơi bốc cháy, kính cửa sổ các ngôi nhà vỡ nát. Có người chết”, ông viết trên Twitter.

Tại một giao lộ nhộn nhịp bậc nhất của Kiev, một hỏa tiễn rơi xuống đã khoét hố sâu trên mặt đường. Ba chiếc xe gần miệng hố bị phá hủy và cháy đen hoàn toàn, trong khi các tòa nhà xung quanh bị hư hại.

Nga đưa xe tăng tối tân T-14 Armata tới Ukraina?

T-14 của Nga có thể được sử dụng như một xe tăng chỉ huy cho các loại xe tăng khác của quân đội Nga (Ảnh: Military Watch Magazine).

Vào ngày 8/10, một chiếc xe tăng tối tân của Nga được cho đã bị phát hiện ở chiến trường Ukraina.

Theo đó, một chiếc xe tăng T-14 Armata mới nhất của Nga đã được phát hiện ở Lugansk, một nguồn tin tiết lộ với Bulgarian Military. Theo nguồn tin, chiếc xe tăng được đặt gần làng Midginskaya và chia sẻ một bức ảnh về tăng chủ lực T-14 mới nhất của Nga. T-14 của Nga có thể được sử dụng như một xe tăng chỉ huy cho các loại xe tăng khác của quân đội nước này.

Dù hiện không thể xác thực rằng bức ảnh được chụp ở Lugansk nhưng các nhà phân tích nhấn mạnh rằng, chúng ta không nên ngạc nhiên về khả năng Nga đưa T-14 tới Ukraina. Trong những năm gần đây, Nga thường gửi công nghệ vũ khí mới tới chiến trường thử nghiệm trong điều kiện thực chiến. Trước đó là Syria, nhưng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraina, Matxcova đã chuyển hướng đưa vũ khí mới đến đây thử nghiệm.

T-14 Armata là xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Nga và từ lâu đã được coi là một vũ khí có thể giúp thay đổi cuộc chơi. Kể từ khi lần đầu được trình làng tại lễ duyệt binh Ngày chiến thắng năm 2015 tại thủ đô Matxcova, khả năng tiên tiến của T-14 Armata không ngừng được ca ngợi.

Xe tăng thế hệ kế tiếp T-14 của Nga đáng chú ý ở chỗ nó có thiết bị được số hóa hoàn toàn, một tháp pháo tự động và một khoang riêng có bọc thép cho tổ lái.

T-14 Armata còn gây chú ý ở chỗ mỗi bên sườn xe tăng có 7 bánh xích thay vì 6 bánh xích truyền thống thường thấy trong hầu hết các xe tăng chiến đấu chủ lực của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh hoặc thậm chí của Nga ngày nay. T-14 còn có nhiều khoang hơn so với các xe tăng phương Tây đương thời.

Một trong số các đặc điểm cải tiến của T-14 là tháp pháo tự động, được phát triển để chứa pháo nòng trơn 2A82-1M 125 mm được điều khiển từ xa và bộ nạp đạn hoàn toàn tự động.

Tháp pháo của T-14 cũng được tích hợp cột khí tượng, liên lạc vệ tinh, hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GLONASS), ăng ten liên kết dữ liệu và liên lạc vô tuyến.

Tổ lái có ba người gồm chỉ huy, lái xe và xạ thủ, tất cả ngồi trong một khoang riêng được bọc thép ở phía trước thân xe tăng, tách biệt với bộ nạp đạn tự động cũng như kho đạn ở trung tâm xe tăng. Điều này giúp tăng khả năng sống sót cho tổ lái.

Trần Phong

Ukraina tấn công vào ban đêm, vì sao quân Nga không dám nổ súng?

Hơn 7 tháng sau khi trận chiến nổ ra, quân đội Nga luôn bộc lộ vấn đề không đủ khả năng tác chiến ban đêm.

Tình hình trên chiến trường Nga – Ukraine diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, quân đội Ukraina đã thu hồi toàn bộ lãnh thổ vùng Kharkiv, kiểm soát khu vực phía bắc Donetsk, đồng thời tấn công vào Luhansk theo 4 hướng. Ở mặt trận phía nam, quân đội Ukraine đã chiếm được bảy thị trấn chỉ trong một đêm và tất cả các vị trí của quân Nga ở phía bắc Kherson ở bên kia sông.

Trên chiến trường Kherson, quân đội Ukraina mở cuộc tấn công dọc theo con đường hẹp ở bờ Tây sông Dnepr, nhưng ở bờ Đông sông lại có các đơn vị pháo binh và tên lửa tầm xa khổng lồ của Nga. Quân đôi Nga cũng chỉ đợi quân đội Ukraina phản công chống trả là sẽ cho bao phủ bằng hỏa lực pháo binh. Nhưng lần này, quân đội Ukraina đã bẻ khóa thành công chiến thuật tưởng như bất khả xâm phạm của quân đội Nga.

Phóng viên chiến trường Nga Roman Sapenkov cho biết có hai nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến thất bại của quân đội Nga. Đó là, các xe bọc thép của lực lượng biệt kích Ukraina cũng được sơn các ký hiệu chiến thuật của Nga, chẳng hạn như ký hiệu V và Z.

Sau đó, vào lúc nửa đêm, quân đội Ukraina ngồi trên những chiếc xe bọc thép sơn logo V và Z, nhanh chóng tấn công vào các điểm giao nhau của nhiều vị trí khác nhau của quân đội Nga, và thực hiện những pha đột phá xen kẽ táo bạo. Trong vài giờ đầu của trận chiến, các vị trí của quân Nga đã có sự nhầm lẫn lớn, và không rõ đó là quân Nga hay quân Ukraina.

Vì vậy, giữa đêm, chưa phân rõ địch – ta, các đơn vị pháo hùng hậu của quân đội Nga ở bờ đông Dnepr thậm chí còn không dám nổ súng. Điều này trực tiếp dẫn đến việc phân đội thiết giáp Ukraina nhanh chóng tiến về phía trước mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào, đồng thời không sợ bị hỏa lực pháo binh Nga che chắn và đánh chặn.

Khi đó quân đội Nga hoàn toàn không hiểu, đây là tình huống gì?

Phóng viên chiến trường Nga Roman Sapenkov cũng cho biết quân đội Ukraina đã sử dụng hệ thống nhận dạng chiến trường của Mỹ, có thể biết quân đội Nga đang ở đâu, lực lượng thiện chiến, phương tiện và xe tăng của Nga ở đâu thông qua máy tính bảng. Và tất cả các máy tính của quân đội Ukraina trên chiến trường đều được kết nối với hệ thống Starlink.

Hơn nữa lực lượng biệt kích Ukraina cũng có một số lượng lớn các hệ thống nhìn đêm tiên tiến của Mỹ, có thể khai triển với tốc độ cao vào ban đêm mà không phải lo lắng gì. Tuy nhiên, việc quân đội Nga thiếu hệ thống nhìn đêm khiến việc tác chiến vào ban đêm trở nên khó khăn. Trên thực tế, hơn 7 tháng sau khi trận chiến nổ ra, quân đội Nga luôn bộc lộ vấn đề không đủ khả năng tác chiến ban đêm.

Ngay cả trong những ngày đầu của cuộc chiến, quân đội Nga về cơ bản đã không chiến đấu vào ban đêm, vì thiếu khả năng nhận dạng địch-ta và thiếu các hệ thống nhìn đêm tiên tiến. Một khi trận chiến ban đêm, rất dễ gây rối loạn chiến trường, vì vậy quân đội Nga luôn chiến đấu vào ban ngày và ngủ vào ban đêm.

Hôm mùng 9, theo hướng Kherson, quân đội Ukraina đã mở cuộc tấn công vào tuyến phòng thủ tiếp theo của quân đội Nga. Sau khi thành công, lựu pháo 155 của Ukraina có thể bắn phá trực tiếp các mục tiêu của quân đội Nga ở thành phố Kherson.

Thậm chí quân đội Ukraina có thể lao đến Nova Kakhovka, vượt sông và uy hiếp pháo binh, sở chỉ huy cũng như tiếp tế hậu cần của Nga, mà không có sự bảo vệ của bộ binh Nga trên đồng bằng bất tận ở bờ đông của Dnepr. Như vậy có thể cắt đứt hoàn toàn hậu cần và đường rút lui của tập đoàn quân Nga hạng nặng ở Kherson trên bờ Tây sông.

Phần lớn quân Nga ở thành phố Kherson chỉ có thể rút về bờ đông sông Dnepr bằng máy bay trực thăng, trong tình huống khẩn cấp, họ cũng có thể tạo ra một phiên bản Dunkirk của Nga (Dunkirk là tên sự kiện di tản nổi tiếng trong Thế chiến Đệ nhị). Quân đội Nga ở Kherson đã bị mắc kẹt trong vài tháng, và việc sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thành phố Kherson có vị trí “bối thủy tuyệt địa” sau lưng là sông nước, hơn nữa đầu đuôi không thể tương trợ được cho nhau, trong quân sự thì đó chính là tuyệt địa- đường cùng. Tuy nhiên, về mặt chính trị, thành phố Kherson là thủ phủ đầu tiên bị quân đội Nga chiếm được trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, và Nga hoàn toàn không muốn để mất nó. Nhưng có vẻ như quân đội Nga sẽ có một tổn thất lớn ở Kherson.

Bây giờ, điểm quan trọng nhất của quân đội Nga chính là vấn đề tinh thần. Những người lính hợp đồng hiện đang ở trên chiến trường có thể xuất ngũ khi hợp đồng của họ hết hạn vào mùa thu. Tuy nhiên, đột nhiên một lệnh huy động được đưa ra để gia hạn, làm sao để trấn an được những người lính này? Đó là một câu hỏi khó trả lời.

Trần Phong

Tổng thống Putin chủ trì cuộc họp khẩn Hội đồng An ninh Nga sau vụ nổ trên cây cầu chiến lược Crimea

Ảnh: Financial Times.

Theo CNN, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tổ chức một cuộc họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga vào thứ Hai, chỉ hai ngày sau vụ nổ lớn trên cây cầu chiến lược quan trọng nối bán đảo Crimea và Nga.

Cuộc họp này không phải là điều khác thường – theo hãng thông tấn TASS. Tổng thống Putin thường xuyên tổ chức các cuộc họp như vậy với Hội đồng An ninh quốc gia, thường là hàng tuần, Tuy nhiên, cuộc họp này lại tổ chức chỉ vài ngày sau khi một vụ nổ làm hư hại nghiêm trọng các bộ phận của cầu đường bộ và đường sắt giữa Crimea đã bị sáp nhập và Liên bang Nga vào đầu ngày thứ Bảy. Đây có thể coi là một sự sỉ nhục lớn đối với Tổng thống Nga.

Và trong khi chương trình nghị sự chưa được công bố, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh chưa rõ ràng về chiến lược mới đối diện với Điện Kremlin.

Một số hoạt động giao thông đường bộ và xe lửa đã xuất hiện trở lại trên cây cầu ước tính trị giá 3,7 tỷ đô la. Hôm thứ Bảy, Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin cho biết các công việc sửa chữa trên cây cầu sẽ được thực hiện suốt ngày đêm, với việc khảo sát thiệt hại sẽ được hoàn thành trong vòng một ngày và các thợ lặn dự kiến ​​sẽ kiểm tra tất cả các trụ đỡ của cây cầu.

Các dịch vụ hành khách đầu tiên đã hoạt động trở lại trên cầu vào thứ Bảy, đi từ bán đảo Crimea đến Krasnodar Krai ở miền nam nước Nga, Bộ Giao thông Vận tải Liên bang Nga cho biết trong một tuyên bố.

Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin cho biết giao thông trên cầu cũng đã bắt đầu trở lại trên hai làn đường. “Giao thông đã được khởi động dọc theo hai làn đường trên cầu Crimea,” ông viết trong một bài đăng trên Telegram và nói thêm rằng trước đó, một làn đã được sử dụng cho ô tô đi theo cả 2 hướng, làm giảm tốc độ giao thông. Xe tải hạng nặng, xe tải và xe buýt đã đi lại bằng phà kể từ vụ nổ.

Kyiv đã không nhận trách nhiệm về vụ nổ trên cây cầu khổng lồ dài 19 km, được xây dựng sau khi Matxcova sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, một cuộc sáp nhập bị phương Tây coi là bất hợp pháp.

Trần Phong

TT Đài Loan cam kết tăng cường sức mạnh chiến đấu khi căng thẳng với TQ gia tăng

Trong một bài phát biểu quan trọng sáng 10/10, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ cam kết tăng cường sức mạnh chiến đấu và quyết tâm cải thiện khả năng phòng thủ của đảo quốc, vào thời điểm căng thẳng với Trung Quốc gia tăng đáng kể.

Đài Loan đã phải chịu áp lực quân sự và chính trị ngày càng tăng từ Bắc Kinh, đặc biệt là sau các tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh hòn đảo vào đầu tháng 8, sau chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.

Theo bản phác thảo bài phát biểu nhân Ngày Quốc khánh của bà Thái hôm 10/10 mà nguồn tin thân cận tiết lộ với Reuters, Tổng thống Đài Loan sẽ nói về việc “nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và đoàn kết tinh thần của người dân”.

“Ngoài việc tái khẳng định quyết tâm của Đài Loan trong việc tăng cường khả năng phòng vệ và lập trường của nước này nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, Tổng thống cũng sẽ trình bày chi tiết về các nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu và khả năng phục hồi của quốc phòng,” nguồn tin cho biết thêm.

Bà Thái hiện đang giám sát chương trình hiện đại hóa quân đội và tăng cường chi tiêu quốc phòng, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục tuyên bố chủ quyền của mình đối với Đài Loan.

Trong bài phát biểu bên ngoài Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, nơi cũng diễn ra lễ duyệt binh, bà Thái sẽ nhấn mạnh rằng “khả năng phục hồi dân chủ” là chìa khóa để bảo vệ Đài Loan, nguồn tin lưu ý.

Bài phát biểu của bà Thái được đưa ra chưa đầy một tuần trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc tại Bắc Kinh. Đại hội năm nay, ông Tập Cận Bình vẫn nhận được nhiều kỳ vọng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba, vốn chưa từng có tiền lệ.

Trung Quốc trước đó cam kết quyết tâm đạt được mục tiêu “thống nhất” hòa bình với Đài Loan theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, tất cả các đảng phái chính trị chính thống của Đài Loan đều bác bỏ đề xuất đó và nó hầu như cũng không nhận được sự ủng hộ của công chúng. Dù vậy, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc thống nhất Đài Loan, thậm chí đe dọa sẵn sàng sử dụng vũ lực để đưa quốc đảo này vào tầm kiểm soát của mình.

Nhật Minh (Theo Reuters)

Triều Tiên: Các vụ thử tên lửa mô phỏng cuộc tấn công Nam Hàn bằng vũ khí hạt nhân

Ngày 10/10, hãng thông tấn nhà nước KCNA cho biết, loạt vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên được thiết kế để mô phỏng việc tấn công Nam Hàn bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, được coi như lời cảnh báo sau các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn của Hàn Quốc và Mỹ.

Các quan chức ở Seoul và Tokyo thông báo, Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo vào sáng sớm 9/10. Đây là vụ phóng thứ bảy của Bình Nhưỡng kể từ ngày 25/9.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đích thân giám sát “các cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật” từ ngày 25/9 đến 9/10, nhằm đưa ra thông điệp răn đe chiến tranh mạnh mẽ đồng thời thể hiện sự sẵn sàng tấn công và tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào, theo KCNA. Hôm 9/10, quân đội Triều Tiên tổ chức loạt cuộc tập trận bắn đạn thật có sự tham gia của đơn vị không quân và pháo binh tầm xa.

Các cuộc thử nghiệm khác nhau mô phỏng cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở chỉ huy quân sự, các cảng chính và vô hiệu hóa các sân bay ở miền Nam, KCNA cho biết thêm.

“Tính hiệu quả và khả năng chiến đấu thực tế của lực lượng tác chiến hạt nhân Triều Tiên đã được thể hiện đầy đủ khi lực lượng này hoàn toàn sẵn sàng tấn công và tiêu diệt các mục tiêu bất cứ lúc nào từ bất kỳ vị trí nào,” KCNA dẫn lời ông Kim Jong Un. “Mặc dù đối phương vẫn tiếp tục nói về đối thoại và đàm phán, nhưng chúng tôi không có gì để nói với đối phương và cũng không cảm thấy cần phải làm như vậy.”

KCNA cho hay, Đảng Công nhân cầm quyền của Triều Tiên quyết định tiến hành cuộc tập trận như một phản ứng không thể tránh khỏi trước một đợt điều động quy mô lớn của lực lượng hải quân Mỹ và Hàn Quốc, bao gồm tàu ​​sân bay và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển với sự tham gia của một tàu sân bay Hoa Kỳ hôm 7/10, một ngày sau khi các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc đối đầu với một cuộc tập trận ném bom công khai của Triều Tiên.

Các cuộc tập trận hải quân có sự tham gia của tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ và nhóm tác chiến. Lực lượng hải quân của Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng đã tiến hành các cuộc tập trận chung trước đó.

Các nhà phân tích nhận định, nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân, nó có thể bao gồm việc phát triển các đầu đạn “chiến thuật” nhỏ hơn dành cho chiến trường và được thiết kế để phù hợp với tên lửa tầm ngắn như loại được thử nghiệm gần đây. Họ cho rằng việc đưa các đầu đạn nhỏ lên tên lửa tầm ngắn thể hiện một sự thay đổi nguy hiểm trong cách Triều Tiên triển khai và kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân.

Các quan chức Hàn Quốc và Mỹ cũng phát hiện những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể sớm kích nổ một thiết bị hạt nhân mới trong các đường hầm dưới lòng đất tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi đã chính thức đóng cửa vào năm 2018.

Ngày 4/10, Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) có tầm bay xa hơn bao giờ hết, lần đầu tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản kể từ năm 2017.

Năm nay, Triều Tiên đã bắn thử tên lửa từ các địa điểm và bệ phóng khác nhau, bao gồm cả tàu hỏa, trong đó các nhà phân tích nhìn nhận đó là nỗ lực mô phỏng một cuộc xung đột, còn khiến kẻ thù khó phát hiện và phá hủy tên lửa.

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Vì sao Shopee rút khỏi thị trường nhiều nước?

Sàn thương mại điện tử Shopee tiếp tục cắt giảm chi phí trên toàn cầu trong năm nay. Ngoài việc rút dần khỏi thị trường đa quốc gia, gần đây có thông tin cho rằng Shopee sa thải nhân viên Trung Quốc trên quy mô lớn, và chi nhánh tại Đài Loan cũng bắt đầu sa thải nhân viên, do vốn hỗ trợ phía sau không thể bù lỗ. Nguồn vốn ấy đến từ đâu?

Theo báo chí đưa tin, từ đầu năm đến nay, Shopee tiếp tục cắt giảm chi phí trên toàn cầu. Tại thị trường Đông Nam Á, hãng đã tăng các khoản phí liên quan đến giao dịch như hoa hồng, phí thanh toán, cước phí, và liên tiếp đóng cửa các trang web ở Pháp, Ấn Độ và Tây Ban Nha.

Có thông tin rằng Shopee sẽ tiếp tục thu hẹp tại Việt Nam, đóng cửa tại Chile, Colombia và Mexico, đồng thời rút hoàn toàn khỏi thị trường Argentina. Ngoài ra, sau đợt sa thải lớn trước đây ở Trung Quốc, gần đây các nhân viên của Shopee tại Đài Loan cũng được thông báo về việc cắt giảm nhân viên.

Vốn đằng sau Shopee không thể bù lỗ

Shopee tại Đài Loan. (Ảnh: Epoch Times)

Shopee có trụ sở chính tại Singapore, do ông Lý Tiểu Đông (Forrest Li – SN 1977, người Thiên Tân, Trung Quốc) sáng lập. Ông tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải, và di cư đến Singapore sau khi lấy bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Stanford.

Năm 2017, Shopee phát động cuộc chiến thương mại điện tử tại Đài Loan. Một số luật sư cáo buộc Shopee cố gắng che đậy danh tính vốn Trung Quốc của mình, cổ đông lớn đứng sau họ là Tencent của Trung Quốc.

Tháng 2/2022, Tencent bắt đầu giảm nắm giữ số lượng cổ phiếu của Tập đoàn Sea (Đông Hải), công ty mẹ của Shopee. Vào tháng Chín, họ thông báo từ bỏ mọi quyền biểu quyết trong Tập đoàn Sea và rút khỏi hội đồng quản trị.

Ông Chris Feng, Giám đốc điều hành Shopee, cho biết trong một email nội bộ rằng “trong bối cảnh bất ổn vĩ mô gia tăng hiện nay”, Sea Ltd. cần “tập trung nguồn lực vào các hoạt động cốt lõi”.

Theo công ty nghiên cứu Sensor Tower, từ lâu Free Fire đã là trò chơi sinh lợi nhất của Sea, mang lại lợi nhuận lên đến hơn 4 tỷ USD tính đến năm 2021 kể từ khi phát hành vào năm 2017.

Lợi nhuận từ trò chơi này đã giúp hỗ trợ các doanh nghiệp không có lãi nhưng đang phát triển nhanh như Shopee. Tuy nhiên, doanh thu từ mảng trò chơi cũng sụt giảm do Free Fire gặp khó khăn sau khi bị Chính phủ Ấn Độ cấm vào tháng Hai.

Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, ông Từ Khâm Hoàng, chuyên gia tài chính và kinh tế, chỉ ra rằng việc miễn phí vận chuyển và trợ cấp vốn của Shopee, phản ánh lối tư duy về việc mở rộng thị trường vốn của Trung Quốc trong quá khứ.

Họ cho rằng mình có đủ vốn, vẫn có thể tiếp tục kinh doanh dù thua lỗ. Đợi đến khi hạ gục đối thủ cạnh tranh và độc chiếm thị trường, họ có thể từ từ xoay chuyển lợi nhuận của mình.

“Nhưng lối suy nghĩ này đã qua”, ông Từ Khâm Hoàng cho biết. Shopee dần rút khỏi thị trường đa quốc gia, vì nguồn vốn phía sau đã không thể bù lỗ.

Vì vậy họ phải hành động. Thứ nhất, đóng cửa thị trường không tạo ra tiền và không thể cạnh tranh với người khác. Thứ 2, khi thua lỗ, họ cần cắt giảm chi phí như sa thải nhân viên. Ý nghĩa đằng sau 2 hành động này là giai đoạn mở rộng vốn của thị trường Trung Quốc đã chính thức kết thúc.

Ông Từ Khâm Hoàng cho rằng logic của hoạt động kinh doanh thông thường là tập trung vào vốn và lợi nhuận. Phương thức mở rộng bất thường của Shopee – sử dụng trợ cấp lỗ để đổi lấy thị phần – sẽ thất bại ở một giai đoạn nào đó. Khi quay lại cạnh tranh với các đối thủ khác, chất lượng và lợi ích mang tới cho người tiêu dùng mới là thời điểm quyết định.

Ông Ngô Sư Hào, Giáo sư tại Khoa Tiếp thị và Quản lý Lưu thông tại Đại học Khoa học và Công nghệ Cao Hùng, Đài Loan, nói với Epoch Times rằng Shopee bị thua lỗ nghiêm trọng, vì vậy chi nhánh tại Đài Loan cũng bắt đầu thu hẹp và rút vốn.

Các doanh nghiệp thường tập trung vào một vài thị trường chính trước, sau đó từ từ mở rộng, còn Shopee thì “nở rộ khắp nơi”, quốc gia nào cũng có mặt. Nếu không tập trung thị trường tài nguyên sẽ bị phân tán, khiến lợi nhuận bị phân chia.

“Shopee sử dụng phương pháp chi phí thấp, thậm chí miễn phí để thâm nhập thị trường. Nhưng phương pháp này là một cuộc huyết chiến không thể kéo dài, chỉ cần xem ai có thể cầm cự được lâu hơn, nếu đối thủ cầm cự được thì họ sẽ thua.”

Giá thấp hoặc giao hàng miễn phí không phải là một chiến lược tốt

Ông Ngô Sư Hào nói: “Đối với tất cả các chiến lược tiếp thị, sử dụng giá thấp hoặc giao hàng miễn phí không phải là một chiến lược tốt, vì họ chỉ đang rải tiền.”

Những vấn đề Shopee phải đối mặt sau khi bắt đầu tính phí, ngoài việc sự cạnh tranh với các nền tảng thương mại điện tử khác ở Đài Loan, như PChome và Momo, là liệu người tiêu dùng có trả tiền cho giá trị phụ thêm mà họ cung cấp hay không.

Liệu các công ty thương mại điện tử khác của Trung Quốc như Taobao, Tmall… có phải đối mặt với tình trạng ế ẩm như vậy trong nước hay không? Về vấn đề này, ông Ngô Sư Hào cho rằng Taobao và Tmall từng quá nổi tiếng nên đã bị chèn ép. Họ chịu sự ảnh hưởng từ các chính sách thắt chặt của Chính phủ Trung Quốc.

Ông Ngô Sư Hào nói rằng số phận của các nền tảng thương mại điện tử lớn này phụ thuộc vào các chính sách của chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nếu chính phủ không mong muốn những kênh thương mại điện tử mở rộng tới mức khó kiểm soát, họ có thể bắt đầu thắt chặt, kìm hãm đà tăng trưởng của các công ty này.

Ông nói ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài phát hiện ra rằng các chính sách của chính quyền ĐCSTQ có thể thay đổi như lật bàn tay, cấm ngành học thêm dạy thêm là một ví dụ.

Bình Minh

Related posts