Đóa hồng cho em

trao hoa hong

Trong giấc mơ năm 14 tuổi trên chuyến xe lửa từ quê ngoại trở lại Hà Nội, bà có cảm giác chiến tranh mỗi ngày như tiến gần sát bên lưng. Đúng như dự đoán mấy tháng sau cả gia đình bà khăn gói lên tàu vào Nam.

Lần đầu tiên bà đến vùng đất xa lạ dù nói chung một ngôn ngữ. Bà là mẹ của nàng năm nay đã 86 tuổi. Trước đó bà còn mẹ ruột, còn chồng, em gái, 2 đứa con gái. Bây giờ bà chỉ còn một mình nàng qua lại chăm sóc.

Hàng ngày nàng ghé ngang mở cửa, màn che cửa sổ cho nắng vào đẩy hết bóng tối lạnh lẽo trong căn phòng bà đang ngủ. Nàng luôn thấy bà đang nằm cuộn tròn trong chăn ấm, và mở mắt khi thấy nàng bước vào: “Buổi sáng thật đẹp phải không con?” Bà nói.

Bà là vậy đó! Trong ánh mắt luôn nhìn cuộc đời đầy ắp thân thương, lạc quan tích cực.

Năm 22 tuổi bà nằm mơ mặc trên người bộ đồ cưới màu trắng trinh nguyên. Người chồng tương lai đứng bên cứ nói nhỏ vào tai bà khen đẹp làm bà thẹn đỏ cả khuôn mặt. Giật mình thức dậy bà nhìn bức hình để bên giường ngủ: “Ông luôn mãi mãi bên bà khi thức giấc.”

Làm vợ người lính chiến tranh xa nhà ai biết được lúc nào thành quả phụ? Bà hiểu chồng bà ôm chặt mối hận mất tất cả gia sản ông bà để lại vào tay chính quyền mới ngoài kia. Nhiều lúc bà thật sự muốn nói với chồng: “Tụi mình còn trẻ có thể tạo dựng mái ấm gia đình riêng tương lai. Em không ôm ấp hận thù, Ngũ Tử Tư trả được thù rồi cũng bị hại.”

Nàng rót cho mẹ ly trà cùng miếng bánh cà rốt trộn sô cô la. Bà hỏi chuyện chồng nàng cùng cháu ngoại, nở nụ cười tươi khi mọi người đều vui vẻ khỏe mạnh. Bà vẫn lập đi lập lại một câu bất hủ: “Đừng cố gắng làm giàu nghe con. Đủ ăn đủ mặc được rồi! Sống bên này dành thời gian cho chồng con sẽ làm gia đình hạnh phúc hơn. Đức Chúa Jesus phán ‘Người giàu muốn vào cửa Thiên đường khó như con lừa chun qua lỗ kim vây.’”

Ngày ấy nàng thắc mắc hỏi: “Nhà ta đâu có theo Thiên Chúa mà mẹ đem Thánh Kinh ra giảng.” 

Bà từ tốn nói: “Đạo nào cũng có nhiều cái hay! Thí dụ giống như bên nhà Phật khuyên nên quên hận thù mới thành chánh quả.”

Năm 28 tuổi bà nằm mơ sau khi sanh ra nàng, đứa con gái thứ hai. Bà thấy ông chỉ huy một trận đánh thắng lừng lẫy, đẩy lui kẻ thù về phía bên kia. Nhưng ông lại bị trúng đạn và mất khi trực thăng chở về căn cứ. Bà không khóc nhưng nước mắt cứ lăn dài trên má bởi nàng luôn đòi bú. Nàng lúc đó vẫn ngủ nhẹ nhàng trong bàn tay bà ôm chặt. Ai sống trong chiến tranh cũng hiểu: “Chỉ có người vợ lính mới hiểu cái đau khổ khi mất người thân yêu nhất?”

Ngày tang lễ buồn bà ngồi lặng lẽ trong phòng trên tay bồng nàng. Bà không dám ra tiếp ai vì sữa chảy ra ướt áo tang.

Bà lại nằm mơ năm 43 tuổi, bà cùng mẹ, hai đứa con gái lênh đênh trên biển cả. Nàng lúc đó gần 15 tuổi, chị nàng 18 nhưng sức khỏe yếu đuối mất trong bệnh xá trại tỵ nạn. Lần này bà khóc nhiều bởi có gì đau khổ hơn khi con cái về bên kia thế giới trước cha mẹ!

Cuộc sống những năm đầu tiên trên đất Mỹ lắm khó khăn và đầy chông gai cho 3 người phụ nữ 3 thế hệ. Nhưng rồi đâu cũng vào đó bởi đất nước này luôn luôn cho nhiều cơ hội với những người chịu khó.

Bà nằm mơ năm 55 tuổi, đứa con gái út còn lại xúng xính trong bộ đồ cưới may giống như bộ đồ bà mặc ngày ấy. Nước mắt tuôn trào xuống má lúc bà tỉnh dậy nhìn vào tấm hình nói: “Ông ơi, con gái của tụi mình lấy chồng rồi. Phù hộ cho tụi nó nghe ông.”

Hai năm sau ngày bà nghỉ hưu, mẹ bà qua đời trong giấc ngủ. Bà đem tro gửi tạm vào chùa 1 năm rồi đem thả biển cho mẹ về lại quê hương.

Chủ Nhật nào nàng cũng ghé qua chùa phụ bà nấu đồ chay bán gây quỹ giúp đỡ đồng hương mới đến. Thứ bẩy mỗi tháng 2 lần, nàng phụ đứng múc cơm cho người vô gia cư với bà trong khuôn viên nhà thờ Tin Lành. Nàng lúc nào cũng muốn dành tất cả thời gian rảnh rỗi bên bà cho tròn bổn phận. Bà giọng hiền từ: “Đừng lo lắng nhiều cho mẹ. Mẹ con có bao giờ sợ cô đơn đâu!”

Hôm nay bà 86 tuổi nằm mơ đúng vào ngày sinh nhật của mình. Chồng và 2 con trai gái của con gái đến chia vui nhìn bà thổi 2 đèn cầy to số 8 và số 6. Hơn 30 năm qua từ ngày con gái lấy chồng, có con là những giây phút bà hạnh phúc và yên bình nhất. Với bà, mãi mãi bà không mong ước con cháu giàu có. Tiền của dễ làm mất đi đạo đức bản thân! Dễ quên hay mất đi những giây phút quý giá hạnh phúc êm đềm trong mái ấm gia đình. Bà hay nhắc khéo các con cháu đừng quên lời dạy của Đức chúa Jesus. Thằng cháu ngoại Thomas sửa lại giùm bà: “Bà ngoại nói lộn rồi. Câu nói đúng là con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Trời.” 

Bà cười giỡn: “Con lừa, con lạc đà hay con gà qua lỗ kim đều khó như nhau.” 

Cả nhà đều ôm bụng cười. Nàng nấu ấm nước sôi rót cho bà ly trà loại giúp bao tử dễ tiêu: “Mẹ vừa rồi đi khám bệnh tổng quát thử máu ra sao?” 

Bà vui vẻ  “Cũng vậy, có thứ lên một tý, có thứ tụt một tý. Vẫn uống chừng đó thuốc không thay đổi.” 

Tuần sau đó bà mơ thấy chồng bà cầm tay dẫn đi đến chỗ có cầu vồng bắc qua 2 ngọn núi rồi ngồi ôm chặt nhau trên chiếc ghế công viên lá vàng rơi quanh phủ đầy lối đi trước mặt. Ông như làm trò ảo thuật trên tay bỗng hiện ra 2 đóa hồng 2 màu tươi tắn: “Anh cả cuộc đời dành hết sức trai cho chính nghĩa tự do, quên đi trách nhiệm với mái ấm nhỏ gia đình. Xin tặng em 1 đóa hồng cho hiền thê tuyệt vời chịu đựng đớn đau cuộc đời người vợ lính. Một đóa hồng cho người mẹ làm tròn bổn phận nuôi dưỡng con cái chúng ta thành người. Dù bao năm xa cách tình anh với em vẫn không bao giờ phai nhạt. Bất cứ lúc nào em sẵn sàng, anh sẽ chờ em nơi đây.” 

Bà nhìn chồng bằng ánh mắt thương yêu: “Em vẫn mong đợi ngày hôm nay lâu lắm rồi!”

Nàng hôm nay ngồi đọc cuốn ký những giấc mơ, chặng đường cuộc đời mẹ đã đi qua. Chưa có trang viết nào có một lời oán hận thù ghét một con người hay một chế độ. Trang sau cùng là câu nói của Đức chúa Jesus bà hay dạy dỗ. Tiếp theo đó là của Đức Phật từ bi “Hận thù diệt hận thù đời này không có được! Từ bi diệt hận thù là định luật ngàn thu.” 

Đặng Duy Hưng
Cali 17.10.2022

Related posts