Trần Phong
Vào ngày 13/10, thời điểm hết sức nhạy cảm khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp được tổ chức, trên cầu Tứ Thông thành phố Bắc Kinh đã bất ngờ xuất hiện một số biểu ngữ phản đối chính quyền.
Có 2 biểu ngữ phản đối khổng lồ treo trên thành cầu, biểu ngữ treo bên trái viết: “Không cần axit nucleic mà cần lương thực, không cần phong tỏa mà cần tự do, không cần dối trá mà cần tôn nghiêm, không cần Cách mạng Văn hóa mà cần cải cách, không cần lãnh tụ mà cần bầu cử, không muốn làm nô lệ mà làm công dân”. Biểu ngữ treo bên phải kêu gọi cư dân “đình công ở trường học và cơ quan, xóa bỏ kẻ độc tài và tên phản quốc Tập Cận Bình”.
Hãy cùng tìm hiểu về cây cầu Tứ Thông, vì thật trùng hợp, cây cầu này lại có một ý nghĩa vô cùng lớn khi nó được chọn để thực hiện cuộc biểu tình chấn động đối với chính quyền Bắc Kinh và người Hoa toàn thế giới.
Cầu Tứ Thông là đoạn đường trên cao ở giao lộ của đường Trung Quan Thôn và đường Vành đai 3 phía Bắc ở quận Hải Điến, Bắc Kinh, Trung Quốc.
Cây cầu và con đường này của thủ đô Bắc Kinh được công ty Công ty Tứ Thông Bắc Kinh tài trợ vào năm 1987.
Năm 1987, Công ty Tứ Thông Bắc Kinh đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, đã thuê toàn bộ tầng ba và một tầng khác của khách sạn Friendship ở quận Hải Điến làm trụ sở chính. Với sự hỗ trợ tài chính của công ty, chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng đã đặt tên cho đoạn cầu đi qua ngã ba đường Trung Quan Thôn và phía tây đường Vành đai ba là cầu Tứ Thông như một phần thưởng cho sự tài trợ.
Hai năm sau, phong trào sinh viên đòi dân chủ ngày 4/6/1989 nổi tiếng toàn thế giới đã diễn ra. Nhiều người đã biết rằng công ty Tứ Thông Bắc Kinh đã công khai ủng hộ mạnh mẽ phong trào này. Vì lý do này, sau sự kiện Lục Tứ hay còn gọi là vụ thảm sát Thiên An Môn, ông Vạn Nhuận Nam – cựu chủ tịch công ty Tứ Thông Bắc Kinh – đã phải sống lưu vong ở nước ngoài.
Nhà cầm quyền ĐCSTQ cũng cố tình đàn áp công ty Tứ Thông Bắc Kinh. Theo thời gian, công ty này vốn nổi tiếng khắp thế giới từ những năm 1980, đã dần bị lãng quên ở Trung Quốc đại lục.
Đại đa số thế hệ người Trung Quốc đại lục được sinh ra sau thập niên 90 đều không biết đến công ty Tứ Thông Bắc Kinh.
Các nhà độc tài thường có tâm đa nghi, đề phòng. Họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để xóa bỏ mọi dấu vết của sự kiện Lục Tứ năm 1989 ở tất cả các nơi trên đại lục, và họ thậm chí không được phép lưu lại bất kỳ dấu vết nào trên Internet. Nhưng chế độ độc tài toàn trị thích bạo lực này đã quên mất cây cầu Tứ Thông được tài trợ bởi công ty Tứ Thông Bắc Kinh, một thành viên hoạt động tích cực trong phong trào sinh viên ngày 4/6/1989. Cây cầu này đã bị người dân Bắc Kinh lãng quên trong hơn 30 năm qua.
Nhiều năm trước, một người cao tuổi biết đến cây cầu Tứ Thông đã nói rằng “Trong tương lai, Tứ Thông sẽ không còn nữa, nhưng cây cầu sẽ còn ở đó mãi mãi” theo Wenxuecity.
Có lẽ dấu ấn địa lý nổi tiếng nhất của phong trào sinh viên ngày 4/6/1989 là Quảng trường Thiên An Môn, nhưng nó từ lâu đã bị ĐCSTQ canh gác nghiêm ngặt, đồng thời lắp đặt camera ở khắp mọi nơi. Thật khó để nơi đây trở thành một địa điểm lý tưởng để phản đối chế độ chuyên chế.
Ngay cả một “Nhà tưởng niệm ngày 4/6/1989” nhỏ ở Hồng Kông cũng đã bị ĐCSTQ xóa sổ hoàn toàn sau cuộc đàn áp ở Hồng Kông từ năm 2019. Vậy lý do mà ĐCSTQ lo ngại và căm ghét việc mọi người thắp nến tưởng niệm các nạn nhân đã ngã xuống trong vụ thảm sát Thiên An Môn ở Công viên Victoria ở Hồng Kông trong hơn 30 năm qua là gì? Đó là vì ĐCSTQ sợ rằng mọi người sẽ nhớ lại nỗi đau đó và sẽ lại đứng lên dòi công lý. Đây chính là lý do tại sao mà Vương Đan – một trong những người tham gia thúc đẩy phong trào dân chủ năm 1989 tại Thiên An Môn và những người khác còn sống sót, đã nhiều lần kêu gọi xây dựng lại Nhà tưởng niệm ngày 4/6/1989 ở New York, Hoa Kỳ.
Trở lại với cuộc biểu tình trên cầu Tứ Thông hôm 13/10 xảy ra trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cuộc biểu tình đã khiến chính quyền Trung Quốc làm mọi cách để bảo đảm đại hội được an toàn. Do đó, Sound of Hope cho rằng cuộc biểu tình trên cầu Tứ Thông có thể nói là một tuyệt tác biểu tình trong lịch sử nhân loại!
Trước hết, thời điểm giăng biểu ngữ phản đối chính quyền mà người đàn ông có tài khoản mạng là Bành Tái Chu, tên khai sinh là Bành Lập Phát lựa chọn chỉ vài ngày trước khi ĐCSTQ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20. Lúc này là thời điểm vô cùng nhạy cảm đối với ĐCSTQ. Họ lo sợ các cuộc biểu tình và lo ngại nhất là sức mạnh của nền văn minh toàn cầu. Đây là thời điểm hoàn hảo.
Thứ hai, địa điểm biểu tình rất quan trọng. Tuy nhiên, những địa điểm biểu tình mà công chúng chú ý đều đã trở thành pháo đài do ĐCSTQ canh giữ, chẳng hạn như Quảng trường Thiên An Môn, Tân Hoa Môn, Đại học Bắc Kinh, Đại sứ quán Hoa Kỳ, v.v. Chỉ có cầu Tứ Thông là một sơ hở của ĐCSTQ trong quá trình duy trì sự ổn định trong hơn 30 năm qua. Địa điểm này cũng là một địa điểm hoàn hảo!
Tác giả Dương Chính (Yang Zheng 杨正) cho rằng nếu ông Bành Lập Phát lựa chọn cẩn thận địa điểm này, ông ấy thực sự là một thiên tài chống lại bạo quyền, còn nếu đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thì đây chính là ý Trời! Những phân tích tiếp theo của tác giả cho thấy, có khả năng ông Bành đã lên kế hoạch cho cuộc biểu tình.
Nhìn lại các biểu ngữ rất dài được viết bằng tay, người phản đối dùng loa để hô hào và còn châm lửa tạo khói để thu hút sự chú ý của mọi người, trong khi dễ dàng tránh được tất cả sự kiểm tra của lực lượng an ninh, cho thấy một loạt các cú đấm tổng hợp hoàn hảo đã được tung ra.
Trước hết, ở đại lục, đặc biệt là thủ đô Bắc Kinh, nơi chính quyền Trung Quốc siết chặt giám sát, ông Bành không thể in các biểu ngữ dài vô cùng nhạy cảm như vậy ở bất kỳ công ty in ấn nào. Bắc Kinh cũng kiểm soát việc mua dao bếp và xăng, do đó việc mua hàng chục mét vải trắng, và việc mua một xô mực đỏ hoặc sơn cũng có thể chế tác nên một vũ khí tư tưởng vô cùng sáng tạo.
Thứ hai, Bắc Kinh cũng kiểm soát chặt chẽ máy bay không người lái và bất kỳ loại vũ khí nào. Thế nhưng, loa di động chính là một điểm mù trong việc ĐCSTQ duy trì sự ổn định. Chiếc loa đã tăng gấp đôi hiệu ứng của cuộc biểu tình.
Ngoài ra, cho dù ĐCSTQ nỗ lực duy trì sự ổn định bằng cách nào, thì cũng không thể ngăn chặn được tất cả các chất dễ cháy và dễ châm lửa.
Có thể thấy từ video được lan truyền trên mạng, trong cuộc biểu tình tại cầu Tứ Thông, ngoài các biểu ngữ dài phản đối rất nổi bật, còn có âm thanh lớn nhờ chiếc loa di động, cùng làn khói bốc cao gây chú ý. Vì vậy, sự việc ngay lập tức thu hút máy quay trên điện thoại di động của vô số công dân Bắc Kinh, và sau đó thông qua mạng Internet, hiệu ứng của cuộc biểu tình đã được tăng lên hàng nhiều lần.
Trong video, người biểu tình rất thông minh khi đội mũ và mặc một bộ quần áo công nhân xây dựng màu vàng cam, trang phục đó càng gia tăng tín hiệu báo động tới thế giới.
Theo Sound of Hope, so với ông Vương Duy Lâm, người chặn xe tăng trong sự kiện ngày 4/6/1989, ông Bành Tái Chu không chỉ là một chiến binh hy sinh tính mạng mà còn là một chiến lược gia tài giỏi trong việc lập kế hoạch. Nội dung phản đối của ông xoáy sâu vào tình hình hiện tại của Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ, đồng thời phản ánh nỗi thống khổ của 1,4 tỷ người dân đại lục.
Đánh giá từ việc lập kế hoạch cẩn thận cho cuộc biểu tình, tác giả Dương Chính (杨正) nói rằng cầu Tứ Thông không phải là một địa điểm ngẫu nhiên, mà đó là kết quả của sự suy tính cẩn thận. Tất cả những người được tự do nên hiểu được tâm ý của ông Bành!
Trong vài ngày tới, khi bế mạc cái gọi là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lịch sử nhân loại có lẽ sẽ chỉ nhớ đến cuộc biểu tình trên cầu Tứ Thông và chiến binh cầu Tứ Thông.
Tác giả Dương Chính hy vọng rằng tất cả những người chính nghĩa trên toàn thế giới sẽ hành động ngay lập tức để đáp lại lời kêu gọi của “chiến binh” cầu Tứ Thông Bành Tái Chu, để chống lại sự bạo ngược của Bắc Kinh, và giúp người dân ở đại lục vơi dần nỗi thống khổ. Tác giả cũng kêu gọi những người có lương tri hãy cùng hành động để bảo vệ sự an toàn của các chiến binh, lan tỏa hành động của các chiến binh trên toàn thế giới, và cố gắng bảo vệ nền tự do và dân chủ.