Tin thế giới chiều thứ Tư: Xác định nguyên nhân ban đầu khiến chiến đấu cơ Su-34 đâm vào chung cư ở Nga

Xác định nguyên nhân ban đầu khiến chiến đấu cơ Su-34 đâm vào chung cư ở Nga

Chiến đấu cơ Su-34 của Nga bốc cháy. (Nguồn: Chụp màn hình video)

Mới đây, Ủy ban điều tra của Nga đã đưa ra kết luận ban đầu về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, trong đó chiến đấu cơ Su-34 đâm vào chung cư khiến 13 người tử vong tại Yeysk hôm 17/10 vừa qua, theo tờ TASS.

Cụ thể, Cơ quan điều tra quân sự thuộc Ủy ban điều tra Nga cho biết vụ chiến đấu cơ Su-34 lao vào tòa nhà dân cư ở thành phố Yeysk ở miền Nam nước này là do vi phạm các quy tắc bay.

Cơ quan này sẽ tiếp tục điều tra hình sự về vụ tai nạn trên, sau khi phân tích các mẫu nhiên liệu tại sân bay cùng với một số tài liệu cần thiết.

Ủy ban điều tra Nga cho biết các phi công đã phóng ra khỏi máy bay. Trong khi đó, các nhà điều tra đã tìm thấy hộp đen ghi âm của chuyến bay tại hiện trường để mở rộng điều tra. Giả thuyết máy bay bị trục trặc kỹ thuật đang là hướng điều tra chính.

Tối ngày 17/10, một máy bay ném bom Su-34 của Nga đã đâm vào một khu dân cư ở Yeysk. Theo Bộ Quốc phòng, một động cơ đã bốc cháy trong quá trình cất cánh.

Bộ Quốc phòng Nga cho hay: “Vào ngày 17/10, một máy bay Su-34 đã bị rơi khi đang trong chuyến bay huấn luyện từ sân bay quân sự ở Quân khu phía Nam. Máy bay bị rơi trong phạm vi thành phố Yeysk”.

“Nhiên liệu của máy bay bốc cháy sau khi chiếc Su-34 lao xuống sân của chung cư”, trích nội dung tuyên bố.

Nhiên liệu của máy bay đã cháy lan sang tòa chung cư 9 tầng. Hậu quả là 13 người, trong đó có 3 trẻ em, đã tử vong; 19 người khác được đưa đến bệnh viện với tình trạng xuất hiện nhiều vết thương nặng.

Phan Anh

Quốc hội Estonia tuyên bố Nga là một “chế độ khủng bố”

Quốc hội Estonia tuyên bố Nga là chế độ khủng bố (Ảnh chụp màn hình)

88 thành viên của cơ quan lập pháp 101 ghế của Estonia đã bỏ phiếu thông qua tuyên bố này sau khi các nước láng giềng Latvia và Lithuania đã thực hiện các bước tương tự.

Các nhà lập pháp Estonia đã thông qua một tuyên bố xác định Nga là một “chế độ khủng bố” và lên án việc sáp nhập gần đây của nước này đối với 4 vùng lãnh thổ của Ukraine.

Trong số 101 nghị sĩ, 88 người hôm thứ Ba đã bỏ phiếu ủng hộ, 10 người vắng mặt và 3 người bỏ phiếu trắng.

Quốc hội “tuyên bố Nga là một chế độ khủng bố và Liên bang Nga là một quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”, tuyên bố cho biết.

“Estonia sẽ không bao giờ công nhận sự vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine thông qua các cuộc xâm lược và các cuộc trưng cầu dân ý giả.”

“Chế độ của Putin, với mối đe dọa về một cuộc tấn công hạt nhân, đã biến Nga thành mối nguy hiểm lớn nhất đối với hòa bình ở cả châu Âu và trên toàn thế giới,” tuyên bố nói thêm.

Ông Putin đã nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nga đều có thể gây ra phản ứng hạt nhân. Trong tháng này, Tổng thống Nga cũng đã ký luật thừa nhận các nước cộng hòa nhân dân tự phong Donetsk và Luhansk, Kherson và Zaporizhia sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý bị Ukraine và các đồng minh tố cáo là “giả mạo” và không có giá trị pháp lý.

Quốc hội Estonia cũng cho rằng “cần phải xác định các lực lượng vũ trang của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk do Liên bang Nga thành lập cũng như công ty quân sự tư nhân Wagner là các tổ chức khủng bố”.

Trước đó, vào tháng 8, Quốc hội ở nước láng giềng Latvia đã tuyên bố Nga là “nhà nước bảo trợ khủng bố”, cáo buộc Moscow “có mục tiêu diệt chủng đối với người dân Ukraine”. Lithuania (hay Litva) đã thông qua một nghị quyết tương tự vào tháng Năm.

Sergei Tsekov, một thành viên của Thượng viện Nga, cảnh báo rằng Nga sẽ thực hiện “các biện pháp trả đũa để cho Latvia thấy vị trí của mình ở đâu và nó sẽ khá đau đớn”.

Các quốc gia vùng Baltic, đã trải qua gần 5 thập kỷ dưới sự chiếm đóng của Liên Xô, là một trong những nước ủng hộ Ukraine trung thành nhất và là những người chỉ trích gay gắt nhất chính phủ của ông Putin.

Xuân Lan

Trung Quốc: Gần 5 triệu quan chức tham nhũng bị điều tra trong 10 năm qua

Mặc dù Quân khu Cảnh vệ Bắc Kinh phụ trách về an ninh Bắc Kinh, nhưng cũng có quyền kiểm soát Đội Cảnh vệ Trung ương, một cơ quan quân sự cơ yếu của ĐCSTQ. (Ảnh minh họa: Chris T photography / Shutterstock).

Ngày 17/10, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông báo, chiến dịch ‘chống tham nhũng’ của ông Tập Cận Bình đã xử lý gần 5 triệu quan chức các cấp, trong đó có 553 quan chức thuộc diện Trung ương quản lý.

Giới quan sát phân tích nhận định, con số này cho thấy tham nhũng đang phổ biến trong quan trường Trung Quốc và ngày càng lộng hành hơn. ĐCSTQ không thực sự chống tham nhũng, đó chỉ như một phương tiện để duy trì quyền lực tập trung và độc đoán. Vấn đề tham nhũng mang tính thể chế này dẫn đến tình trạng tham nhũng là phổ biến.

Trong vòng 10 năm có gần 5 triệu quan chức đã bị điều tra

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí của Đại hội 20 chiều hôm 17/10, ông Tiêu Bồi (Xiao Pei) – Phó bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương kiêm Phó trưởng ban Ban Giám sát Nhà nước, cho biết toàn Trung Quốc đã có hơn 4,648 triệu vụ việc được cơ quan thanh tra giám sát kỷ luật quốc gia lập hồ sơ án, trong đó có 553 cán bộ cấp trung ương, hơn 25.000 cán bộ cấp tỉnh và hơn 182.000 cán bộ cấp huyện. Cuộc chiến chống tham nhũng đã giành được thắng lợi to lớn và được củng cố trên toàn diện.

Trong số 553 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có 49 Ủy viên hoặc Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa 10, có 12 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa 18, có 12 Ủy viên hoặc Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa 19, và 6 ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật khóa 19. Tổng số 207.000 “lãnh đạo thuộc diện đứng đầu một cơ quan/ban ngành” các cấp đã bị cơ quan thanh tra, giám sát kỷ luật quốc gia điều tra truy cứu.

Về vấn đề này, nhà sử học gốc Hoa ở Úc, ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) trao đổi với Epoch Times rằng con số đó không phải là thành tích chống tham nhũng, mà phản ánh thực tế tham nhũng phổ biến ở tất cả các quan chức ĐCSTQ. Thay vì nhìn nhận đó là thành tích, thì có thể diễn tả cách khác là tham nhũng của quan chức ĐCSTQ mang tính phổ biến. Ông nhận thấy bất kỳ ai mà ông Tập Cận Bình muốn bắt giữ thì đều có vấn đề tham nhũng, kể cả [bắt vì] đối đầu hay không ủng hộ ông Tập về chính trị. Thực trạng tham nhũng đó không phải là thành tích, mà chỉ cho thấy ĐCSTQ là tổ chức hủ bại.

Dùng chống tham nhũng để duy trì quyền lực độc tài

Ông Lý Nguyên Hoa nhấn mạnh, các quan chức cao nhất của ĐCSTQ đều tham nhũng, nhưng ĐCSTQ có một quy tắc bất thành văn: không áp dụng đối với ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Ông nói: “Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là những quan chức tham nhũng nhiều nhất, bao gồm cả các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đã tạo ra bầu không khí xã hội thối nát của Trung Quốc. Giang Trạch Dân là quan chức tham nhũng kinh khủng nhất, nhưng tất cả đều vì quy tắc bất thành văn của ĐCSTQ mà không đụng vào ông ta. Hoặc cũng có thể Tập Cận Bình đã đạt được thỏa hiệp với quan chức tham nhũng lớn nhất để được ủng hộ cái gọi là cuộc ‘tại vị’ hoặc trong những vấn đề chính trị nhạy cảm khác.”

Nhà quan sát gốc Hoa này lưu ý, chiến dịch chống tham nhũng của ĐCSTQ không phải thực chất như vậy mà là chiêu bài để bảo vệ quyền lực tập trung và độc tài, vì thực tế ai cũng thấy chỉ cần đi theo đúng phe cánh thì dù có tham nhũng đến đâu cũng không sao.

Các quan chức cấp cao của Trung ương ĐCSTQ là những địch thủ chính trị của nhau. Vì vậy, khi ĐCSTQ chấn chỉnh những người này thì không theo quy trình tư pháp mà theo cái gọi là kiểm tra và giám sát kỷ luật, từ đó ép cung lấy được ‘tài liệu đen’. Ông cho rằng “mục tiêu thanh trừng không phải tham nhũng, vấn đề là biến những người bị thanh trừng như những lá bài thương lượng quan trọng để đến lúc sử dụng, cho công bố những ‘tài liệu đen’ đó. Một mặt cách làm chứng tỏ tôi tương đối trong sạch, tôi sẽ chấn chỉnh tất cả các quan chức, mặt khác khiến các đối thủ chính trị phải thỏa hiệp bằng điều kiện tha bổng những người đó.”

Tham nhũng mang tính thể chế

Epoch Times cũng dẫn lời một nhà bình luận thời sự người gốc Hoa khác là ông Lam Thuật (Lan Shu). Ông Lam nhận xét chiến dịch chống tham nhũng của ĐCSTQ là ‘càng chống càng nhiều tham nhũng’, không thể giải quyết được vấn đề. Bởi vì ĐCSTQ xem như đứng trên luật pháp, dẫn đến tham nhũng mang tính thể chế, do tất cả các quan chức đều vượt trên luật pháp, họ không bị ràng buộc bởi luật pháp.

Ngoài ra, hệ thống bổ nhiệm và miễn nhiệm nhân sự của ĐCSTQ cũng dẫn đến tình trạng tham nhũng mang tính thể chế. Mỗi quan chức cấp dưới do quan chức cấp trên bổ nhiệm. Vì vậy những quan chức này tham nhũng từ trên xuống dưới. Các mối quan hệ phức tạp và đa dạng cũng sinh sôi nảy nở nhiều vấn đề hủ bại.

Hơn nữa, ĐCSTQ chống tham nhũng để duy trì sự tồn tại liên tục của hệ thống tham nhũng này. Ông nói: “Họ chỉ xử lý những quan chức vì tham nhũng mà đe dọa [tồn vong] cho ĐCSTQ”.

ĐCSTQ cũng biết rằng chiến dịch chống tham nhũng không thể kết thúc, vì vậy họ nói rằng “chống tham nhũng là con đường không có điểm dừng”. Ông kết luận: “Chiến dịch chống tham nhũng của ĐCSTQ là vừa chống tham nhũng vừa tạo ra tham nhũng. Dưới hệ thống tham nhũng mang tính thể chế của ĐCSTQ thì không có cách nào giải quyết được [tham nhũng]”.

Theo Hạ Tùng và Lý Vận / Epoch Times

Cựu Đại sứ Tự do tôn giáo Mỹ: Ngày tận thế của ĐCSTQ sẽ đến

Cựu Đại sứ Mỹ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ông Sam Brownback. (Ảnh tư liệu: Samira Bouaou / Epoch Times)

Ông Sam Brownback, cựu Đại sứ Mỹ về Tự do Tôn giáo, nói với Epoch Times rằng ngày tận thế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ đến, và làn sóng thoái khỏi ĐCSTQ đang diễn ra ở Trung Quốc không chỉ tốt cho Trung Quốc, mà còn tốt cho thế giới.

Khi nói về vấn đề hơn 400 triệu người Trung Quốc thoái khỏi các tổ chức đảng, đoàn, đội của ĐCSTQ, ông Brownback nhận định trong một cuộc phỏng vấn video với phóng viên Epoch Times hôm 14/10: “ĐCSTQ đã tồn tại 70 năm, chính quyền này đã cổ hủ. Tôi nghĩ hệ thống của họ (ĐCSTQ) không phù hợp với Trung Quốc.”

Về làn sóng thoái đảng, ông Brownback nhấn mạnh: “Đó là một dấu hiệu mà mọi người nói. Tôi nghĩ rằng ngày tàn của chế độ ĐCSTQ sẽ đến. Họ (những người Trung Quốc thoái ĐCSTQ) nói rằng ‘chúng tôi cần một chế độ lãnh đạo khác’.”

“Họ (ĐCSTQ) đang làm tổn thương người dân của họ, làm tổn hại đến tương lai của chính người dân của họ. Họ không để người dân tham gia vào (quản trị quốc gia). Tôi nghĩ người dân Trung Quốc đang nhìn kỹ vào điều đó.”

Tháng 11/2004, tờ Epoch Times đã đăng loạt xã luận “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc” vạch trần bản chất xấu xa của ĐCSTQ bằng những sự thật chi tiết. Đến tháng 1/2005, Epoch Times đã xuất bản một “Tuyên bố long trọng”, chỉ ra rằng những tội ác tày trời của ĐCSTQ phải được thanh toán, kêu gọi dân chúng thoái xuất khỏi ĐCSTQ.

Việc xuất bản loạt “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc” đã tạo ra một làn sóng thoái đảng. Đến ngày 3/8/2022, số người thoái xuất khỏi ĐCSTQ (gồm đảng, đoàn, đội) đã vượt quá 400 triệu người.

Nói về làn sóng thoái đảng, ông Brownback bày tỏ: “Tôi nghĩ một phong trào như vậy là tốt cho người dân Trung Quốc và tốt cho thế giới.”

“Cách họ (ĐCSTQ) đối xử với người dân của họ quá đỗi tà ác.”

“[ĐCSTQ] đưa 1 triệu người vào các trại tập trung, đây là điều xấu xa; tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ [Tân Cương] là tội ác, là xấu xa…”

Ông Brownback, người đã nhận nuôi một cô con gái Trung Quốc, bày tỏ: “Tôi yêu mến người Trung Quốc. Chúng tôi đã nhận nuôi một đứa trẻ Trung Quốc, và đó là một cô con gái rất ngoan.”

“Người Trung Quốc rất giỏi và có năng lực. Nhưng chính quyền [ĐCSTQ] đang làm tổn thương người dân. Tôi nghĩ người dân Trung Quốc không có niềm tin vào chính quyền [ĐCSTQ]. Tôi nghĩ họ (ĐCSTQ) chỉ đang bắt nạt người dân, không phải là đang lãnh đạo nhân dân.”

Ông Brownback nhìn nhận, khi Trung Quốc trở thành một xã hội không có ĐCSTQ, mỗi cá nhân Trung Quốc nói riêng và xã hội Trung Quốc nói chung sẽ đạt được sự phát triển vượt bậc.

Ông khẳng định: “Khi Trung Quốc trở thành một xã hội cởi mở hơn, không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với người khác, thì thế giới sẽ lành mạnh hơn. Trung Quốc sẽ phát triển bùng nổ, và người Trung Quốc sẽ phát triển vượt bậc. Tôi cho rằng khả năng của họ chỉ là đang bị giới hạn bởi sự cai trị của chính quyền [ĐCSTQ].”

Ngoài ra, ông Brownback cũng nhận thấy chính thể chế cộng sản đã hạn chế năng suất xã hội và sự phát triển cá nhân. “Mỹ từng xuất khẩu rất nhiều lúa mì sang Liên Xô. Nhưng Liên Xô là nơi thích hợp để trồng lúa mì. Vì sao họ nhập khẩu lúa mì? Tôi đến từ tiểu bang Kansas (tiểu bang bang nông nghiệp của Mỹ), tôi đã thấy điều này xảy ra với lúa mì. Họ (thể chế cộng sản) đã làm giảm năng lực sản xuất.”

“Chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đang hạn chế người Trung Quốc. Một khi tách rời khỏi Đảng Cộng sản, cả Ukraine và Nga đều trở thành nhà xuất khẩu lúa mì vì hệ thống cộng sản này không còn hạn chế người dân. Trung Quốc cũng có thể như vậy.”

Theo Lý Thần, Epoch Times

Related posts