Chiến lược hiện đại hóa quân đội Trung Quốc: Không có gì ngạc nhiên nhưng ‘khá đáng sợ’

Huyền Anh

Chiến lược hiện đại hóa quân đội Trung Quốc: Không có gì ngạc nhiên nhưng 'khá đáng sợ'
Các binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diễu hành tại Doanh trại Ngong Shuen Chau ở Hong Kong, hôm 01/7/2013. (Ảnh: Lam Yik Fei/Getty Images)

Diễn biến và kết quả của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 (Đại hội 20) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được cho là ‘không có gì đáng ngạc nhiên’ nhưng sẽ ‘khá đáng sợ’. Ông Tập Cận Bình tiếp tục tái đắc cử nhiệm thứ ba chưa từng có tiền lệ. Trước đó cũng xuất hiện nhiều đồn đoán về việc ông Tập đã bị phế truất trong một cuộc đảo chính. Tuy nhiên đến nay, những đồn đoán kia rõ ràng là hư cấu.

Bên cạnh đó, các vị trí chủ chốt trong nội bộ đảng, đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị (cơ quan lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ), cũng đã được nhất trí thông qua. Và cuối cùng, Điều lệ Đảng đã thiết lập cụm từ “Hai xác lập” và “Hai bảo vệ”, trực tiếp củng cố địa vị cốt lõi của ông Tập và vai trò định hướng của tư tưởng chính trị của ông trong nội bộ đảng với khoảng 96 triệu thành viên.

Do đó, ông Tập sẽ nắm giữ quyền lực gần như tuyệt đối trong 5 năm tới, nếu không muốn nói là lâu hơn nữa.

Tình tiết kịch tính duy nhất trong suốt 5 ngày diễn ra Đại hội 20 là khi người tiền nhiệm của ông Tập, ông Hồ Cẩm Đào, đột ngột bị hộ tống ra ngoài và rời bỏ vị trí đặc quyền bên cạnh ông Tập. Ông Tập phớt lờ ông Hồ như thể một gã lưu manh đang nhìn trợ thủ đắc lực của mình bị dẫn đi.

Bài phát biểu 108 phút đầy mệt mỏi của ông Tập trước Đại hội 20 cho thấy, tham vọng của nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với các lực lượng vũ trang của nước này xem ra cũng không có gì mới mẻ.

“Trung Quốc sẽ đổi mới phương thức chỉ đạo chiến lược quân sự, xây dựng chiến lược và chiến thuật chiến tranh nhân dân; xây dựng một lực lượng răn đe chiến lược mạnh mẽ; tăng cường sự hiện diện của các lực lượng chiến đấu trên các lĩnh vực mới với chất lượng mới; đồng thời đẩy mạnh huấn luyện quân sự theo định hướng chiến đấu”, ông nói.

Ông Tập nói thêm rằng, Bắc Kinh sẽ “tăng cường huấn luyện quân đội và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu; tăng cường kiểm soát quân sự tổng thể; củng cố và nâng cao các chiến lược quốc gia tổng hợp”.

Cuối cùng, Trung Quốc “phải tăng cường đáng kể năng lực hậu cần và huấn luyện quân sự, cũng như nâng cao khả năng chiến thắng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)”. Các binh sĩ thuộc Tiểu đoàn Vệ binh Danh dự của PLA đeo khẩu trang khi họ đứng trước bức ảnh ông Tập Cận Bình tại doanh trại của họ bên ngoài Tử Cấm Thành, gần Quảng trường Thiên An Môn, hôm 20/05/2020 ở Bắc Kinh. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Ông Tập đã nhắc đến từ “an ninh” ít nhất 80 lần trong suốt bài phát biểu của mình. Tuy nhiên, không có chi tiết cụ thể nào được coi là thực sự mới lạ.

Ít nhất là từ cuối những năm 1990, Trung Quốc đã tham gia vào một nỗ lực có hệ thống và tích cực nhằm hiện đại hóa PLA. Trong gần hai thập kỷ đầu tiên kể từ khi triển khai kế hoạch này, ĐCSTQ đã sử dụng phương pháp tiếp cận nước đôi (“xây dựng kép”) kết hợp cả “cơ giới hóa” (mechanization) và “thông tin hóa” (informatization).

“Cơ giới hóa” đề cập đến việc nâng cấp tổng thể các phương tiện quân sự hiện có, đồng thời giới thiệu các thế hệ vũ khí thông thường tiên tiến hơn. Trong khi đó, “thông tin hóa” đề cập đến sự chuyển đổi lâu dài của PLA theo đường lối của “cuộc cách mạng về các vấn đề quân sự” (Revolution in Military Affairs – RMA) dựa trên công nghệ thông tin.

Theo đó, mục tiêu của RMA là biến PLA thành một lực lượng có khả năng chiến thắng cái mà họ gọi là “chiến tranh cục bộ trong điều kiện công nghệ cao” chứ không phải là một cuộc chiến quy mô lớn, thống trị về số lượng.

“Thông tin hóa” đặc biệt nhấn mạnh đến khả năng tấn công chính xác, chỉ huy và kiểm soát, thông tin liên lạc và đặc biệt là khả năng trinh sát, giám sát và tình báo vượt trội (ISR).

Mục tiêu cuối cùng của quá trình cơ giới hóa/thông tin hóa này là để PLA “chiến đấu và chiến thắng các cuộc xung đột được thông tin hóa”. Điều này đòi hỏi phải sử dụng “thông tin trong chiến tranh để thực hiện các hoạt động quân sự tổng hợp trên bộ, trên biển, trên không, trong không gian, chiến tranh mạng và lĩnh vực phổ điện từ”, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.

Giai đoạn cơ giới hóa và thông tin hóa này được cho là đã kết thúc vào năm 2020. PLA hiện đang ở giữa giai đoạn thứ hai, tiến tới mục tiêu “hoàn thành hiện đại hóa quốc phòng và quân đội vào năm 2035”, theo Sách Trắng quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc (phiên bản mới nhất hiện có). Như vậy, trong đoạn này PLA cần phải tiếp tục “hiện đại hóa lý thuyết quân sự, cơ cấu tổ chức, quân nhân, vũ khí và trang thiết bị”. Các binh sĩ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) diễu hành cạnh lối vào Tử Cấm Thành trong lễ khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Bắc Kinh, hôm 21/5/2020 (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP/Getty Images)

Hơn nữa, PLA theo đuổi tham vọng “chuyển mình” thành một “lực lượng đẳng cấp thế giới” vào giữa thế kỷ 21. Mốc thời gian này ngụ ý rơi vào năm 2049, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Vì vậy, khi đề cập đến định hướng tương lai của PLA, ông Tập không hẳn là đã tạo ra một nền tảng mới. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý đến một số vấn đề.

Thứ nhất, không có ai trong nội bộ ĐCSTQ hoặc PLA phản đối việc tăng tốc quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc đang trở nên đặc biệt đoàn kết trước mục tiêu biến PLA thành một lực lượng quân sự tiên tiến. Đồng thời Bắc Kinh nói rằng họ sẵn sàng tăng chi tiêu quốc phòng để hiện thực hóa điều đó. Vì thế cho nên, khó có thể thấy sẽ có một ai đó phản đối chiến lược này.

Thứ hai, ngay cả khi PLA nỗ lực tiến hành “chiến tranh thông tin”, họ cũng đã lên kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của quá trình hiện đại hóa, mà họ gọi là “thông minh hóa chiến tranh” (intelligentized warfare). Điều này sẽ kéo theo việc quân sự hóa cái gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), big data, hệ thống không người lái tự hành, mạng 5G, v.v. Mục đích của nỗ lực này là tạo ra những lợi thế quân sự-công nghệ vượt trội mới, đặc biệt là nhằm mục đích đối đầu quân đội Mỹ.

“Chiến tranh đang phát triển theo hướng xung đột được thông tin hóa và thông minh hóa”, theo Sách Trắng quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc.

Mặc dù không có ý kiến phản đối kế hoạch này, nhưng đây rõ ràng là một thách thức rất khó khăn để PLA đạt được mức độ “thông minh hóa” như vậy. Điều đó rất có thể sẽ khiến cho Trung Quốc bỏ lỡ mục tiêu năm 2049. Phải nói rằng, chiến lược này không có gì bất ngờ, nhưng vẫn khá đáng sợ.

Lam Giang

Related posts