Huyền Anh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Berlin cần phải thay đổi cách tiếp cận và giảm bớt “sự phụ thuộc nguy hiểm” vào Bắc Kinh. Đức thừa nhận “vai trò quan trọng trên trường quốc tế” của Trung Quốc, nhưng không ủng hộ “mong muốn bá chủ” của nước này.
Ông Scholz đưa ra nhận xét trên trong một bài báo của tờ Politico, đăng ngày 3/11, một ngày trước chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của nhà lãnh đạo Đức tới Bắc Kinh. Trong chuyến thăm này, ông sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa hai nước về các mối quan hệ thương mại lệch lạc, cuộc đàn áp ở Hong Kong và các trại tập trung Tân Cương.
Ông Scholz nói với tờ Politico rằng: “Kết quả của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa kết thúc là rất rõ ràng: Chủ nghĩa Mác-Lênin chiếm một không gian rộng lớn hơn nhiều so với kết luận của các đại hội trước. Khi Trung Quốc thay đổi, cách chúng ta tiếp cận với Trung Quốc cũng phải thay đổi”.
‘Kinh doanh như thường lệ’ không còn là một lựa chọn
Ông Scholz cho hay, chuyến đi của ông đến Bắc Kinh đang diễn ra “chính xác vì ‘kinh doanh như thường lệ’ không còn là một lựa chọn nữa”. Bắc Kinh vẫn đang thắt chặt các biện pháp ngăn chặn đại dịch COVID-19. Điều này vốn đã cản trở việc đi công tác và cam kết của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ khiến các quốc gia khác phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng của họ.
Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Đức diễn ra trong bối cảnh thặng dư thương mại lâu nay của Đức với Trung Quốc đã chuyển thành thâm hụt do Bắc Kinh giảm nhập khẩu.
Nhà lãnh đạo Đức đề cập đến chiến lược kinh tế “lưu thông kép” của Trung Quốc. Theo ông, chiến lược này nhằm củng cố thị trường nội địa và giảm sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào các đối tác thương mại quốc tế. Đồng thời, ông Scholz trích dẫn bài phát biểu năm 2020 của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó ông Tập tuyên bố sẽ sử dụng các công nghệ của Trung Quốc để “thắt chặt sự phụ thuộc của các chuỗi sản xuất quốc tế vào Trung Quốc”.
“Chúng tôi xem xét những nhận xét như thế này một cách nghiêm túc, và kết quả là, chúng tôi sẽ loại bỏ sự phụ thuộc một chiều vì lợi ích của sự đa dạng hóa khôn ngoan, vốn đòi hỏi sự thận trọng và chủ nghĩa thực dụng”, ông Scholz nói.
‘Sự phụ thuộc nguy hiểm’
Theo nhà lãnh đạo Đức, có một “tỷ lệ đáng kể” thương mại Trung – Đức không có “độc quyền nguy hiểm”. Đồng thời, ông cảnh báo chống lại “sự phụ thuộc đầy rủi ro” vào các nguồn nguyên liệu thô quan trọng, đất hiếm và công nghệ tiên tiến, đồng thời hứa hẹn sẽ giảm sự phụ thuộc của Đức vào Trung Quốc
Ông tiếp tục: “Với khoản đầu tư của Trung Quốc vào Đức, chúng tôi sẽ phân biệt dựa trên việc liệu doanh nghiệp này có phát triển hay làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc rủi ro hay không”.
Ông Scholz nói rằng Trung Quốc vẫn là một đối tác kinh doanh và thương mại quan trọng của Đức, đồng thời nhấn mạnh rằng “Đức không muốn tách khỏi Trung Quốc” đề cập đến khái niệm cắt đứt hoàn toàn quan hệ. Nhưng ông cũng nói thêm rằng, Đức còn “quá xa” với mối quan hệ có đi có lại với Trung Quốc trong các lĩnh vực như tiếp cận thị trường và sự chắc chắn về mặt pháp lý cho công dân Đức.
‘Giải quyết xung đột trong hòa bình’
Ông Scholz tuyên bố rằng, Đức sẽ tìm kiếm sự hợp tác khi điều đó có lợi cho cả hai quốc gia, nhưng Berlin sẽ “không bỏ qua các cuộc xung đột”.
“Chính sách của Đức nhất quán với các mục tiêu duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, giải quyết xung đột một cách hòa bình, bảo vệ nhân quyền và quyền của người dân tộc thiểu số, cũng như đảm bảo thương mại thế giới tự do và công bằng”, ông Scholz cho biết.
Ông Tập đã nhiều lần bác bỏ những chỉ trích về các vấn đề như nhân quyền ở Trung Quốc và cố gắng duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ với châu Âu; khi mối quan hệ với Washington ngày càng xấu đi, đặc biệt là xung quanh Đài Loan.
‘Hung hăng ở nước ngoài’
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây đã cảnh báo rằng, Bắc Kinh quyết tâm giành quyền kiểm soát hòn đảo tự quản Đài Loan, không loại trừ việc sử dụng vũ lực, trong một “khoảng thời gian nhanh hơn rất nhiều” so với trước đây.
Ông Blinken đưa ra phát biểu trên vào ngày 17/10 tại một sự kiện do Viện Hoover và Đại học Stanford đồng tổ chức, cùng với sự tham gia của cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza. Ông nói rằng Trung Quốc dưới thời ông Tập đã trở nên “đàn áp hơn ở trong nước” và “hung hăng hơn ở nước ngoài”.
Trong khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan vào năm 1979 và chuyển sang công nhận Bắc Kinh theo chính sách “Một Trung Quốc“, Washington vẫn duy trì mối quan hệ không chính thức bền chặt với hòn đảo tự quản và có nghĩa vụ pháp lý trong việc trang bị cho Đài Loan những vũ khí cần thiết để tự vệ.
Ngoại trưởng Blinken cho biết chính sách của Mỹ về Đài Loan đã được quản lý tốt và theo cách tránh xung đột với Bắc Kinh, đồng thời cho phép người dân Đài Loan “thực sự phát triển mạnh mẽ”, nhưng kịch bản này hiện đang thay đổi.
“Đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với Đài Loan trong những năm gần đây”, ông Blinken cho biết.
Ông Blinken nói: “Thay vì gắn bó với nguyên trạng đã được thiết lập theo hướng tích cực, một quyết định cơ bản đã được đưa ra rằng nguyên trạng không còn được chấp nhận và Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi việc thống nhất trong một khoảng thời gian nhanh hơn rất nhiều”.
“Nếu như các biện pháp hòa bình không có tác dụng, thì ĐCSTQ sẽ sử dụng các biện pháp cưỡng chế. Thậm chí, nếu các biện pháp cưỡng chế vẫn không hiệu quả thì rất có thể ĐCSTQ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng bức để đạt được các mục tiêu của mình. Và đó là những nỗ lực đang phá vỡ nghiêm trọng hiện trạng và tạo ra căng thẳng to lớn”, ông Blinken nói.
‘Chiến tranh chiếm Đài Loan’?
Tác giả Austin Bay là Thượng tá (đã nghỉ hưu) của Lục quân Trừ bị Mỹ và là giảng viên chiến lược và lý thuyết chiến lược tại Đại học Texas ở Austin, đã lập luận trong một bài báo gần đây của tờ The Epoch Times rằng, Trung Quốc đã được khuyến khích để theo đuổi các mục tiêu của mình bằng các biện pháp quân sự.
“Phục hồi nền kinh tế Trung Quốc không phải là trò chơi của ông Tập. Chiến tranh là mục đích của ông Tập, một cuộc chiến để chiếm Đài Loan dẫn đến một cuộc chiến lớn với Mỹ”, ông cho hay.
“Theo tính toán của ông Tập, với sự kém cỏi của chính quyền ông Biden, cuộc chiến sẽ kết thúc trong bế tắc. Lúc này, sự yếu kém của Mỹ sẽ được phơi bày, các đồng minh châu Á của Mỹ sẽ phải nghiêng mình trước Bắc Kinh và Trung Quốc của ông Tập sẽ thống trị ở Đông Á”.
Ông Scholz cho biết, ông tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một “vai trò quan trọng trên trường quốc tế” trong tương lai. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, đây không phải là lời biện minh cho “mong muốn bá chủ của Trung Quốc hoặc thậm chí một trật tự thế giới lấy Trung Quốc làm trung tâm”.
Huyền Anh