Tin VN sáng thứ Bảy: Cựu tu sĩ giết người lãnh án chung thân

Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Bị cáo xin lại 2 tỷ đồng

Bị cáo Trần Thị Thanh Vân tại tòa sáng ngày 4/11 (ảnh: Lao Động).

Giám đốc công ty Vân Trúc (Bình Dương) muốn xin lại số tiền đã nộp dư 2 tỷ đồng đã khắc phục hậu quả trước đó.

Báo Thanh Niên đưa tin, sáng 4/11, phiên tòa xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi bị cáo Trần Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty Vân Trúc (Bình Dương).

Theo cáo trạng, năm 2006, bị cáo Vân cùng chồng là Lê Thanh Tú thành lập Công ty Vân Trúc với ngành nghề kinh doanh là xăng dầu, trụ sở tại TP. Thuận An (Bình Dương).

Cuối 2019, “ông trùm” Phan Thanh Hữu (bị cáo chủ đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng) đến Bình Dương đặt vấn đề bán xăng nhập lậu cho vợ chồng Vân với giá thấp hơn giá bán lẻ trên thị trường là 3.000 đồng/lít, vợ chồng Vân đồng ý.

Cáo trạng cáo buộc, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, vợ chồng Vân đã mua tổng cộng 35 triệu lít xăng lậu, thu lợi bất chính 17,9 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị cáo Vân đã tự nguyện nộp 20 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Tại tòa, bị cáo Vân thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng. Bị cáo Vân xin Tòa xem xét cho bị cáo xin lại số tiền dư (2 tỷ đồng) đã nộp để khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, bị cáo Vân còn cho rằng trong 4 chiếc tàu bị thu giữ, có 1 chiếc tàu không có tham gia vận chuyển xăng lậu nên đề nghị được trả lại.

Ngoài xét hỏi bị cáo Vân, phiên toà cũng xét hỏi các bị cáo khác gồm: Lê Thanh Tú (56 tuổi, chồng Vân) và Trần Văn Du (54 tuổi, ngụ tỉnh Long An), thuyền trưởng tàu Vân Trúc 01, 02, 03, 05 trong việc giúp sức cho bị cáo Vân vận chuyển xăng lậu. 

Tại phiên toà, các bị cáo đã thừa nhận hành vi đồng phạm giúp sức cho Vân buôn lậu.

Thái Học

Việt Nam yêu cầu gỡ thông tin ‘xấu độc’ trên mạng xã hội trong 24 giờ

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Thông tin trên do Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói tại phiên chất vấn của Quốc hội hôm 4/11.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng.

Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các Nghị định quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; hạ thời gian mà các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ, có những thông tin cần hạ trong 3 giờ.

Về mức phạt đưa thông tin, hiện nay “chúng ta tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10”, ông Hùng nói và cho biết việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn; thời gian tới sẽ đề xuất Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe.

Theo ông Hùng, tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền trên các trang mạng xã hội nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các mạng xã hội này luôn tránh né việc xử lý, ngăn chặn chúng.

Bên cạnh đó, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh”, sẽ không bị phát hiện, xử lý nên tự do “xả rác”, tự do phát ngôn, đăng tải thông tin lên mạng thiếu kiểm soát, thậm chí vi phạm pháp luật.

Từ năm 2021 đến nay, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT đã ban hành 591 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 6.128.150.000 đồng. Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok… ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm (tỷ lệ chặn gỡ trung bình hiện nay đạt trên 93%).

Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như: Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử, Hội đồng phê… Ngoài ra, đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; Youtube đã ngăn chặn 6 kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (có khoảng hơn 1.500 video clip)…

Việt Nam, thị trường mạng xã hội trị giá 1 tỷ USD của Facebook, đã thắt chặt các quy tắc Internet trong vài năm qua, với đỉnh điểm là Luật An ninh mạng có hiệu lực vào năm 2019 và hướng dẫn quốc gia về hành vi ứng xử trên mạng xã hội được ban hành vào tháng 6 năm ngoái.

Những người hay lên tiếng giờ đây lo ngại rằng các quy định pháp luật này có thể giúp chính quyền có thêm quyền lực để đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Trần Tâm

Quảng Trị: Cựu tu sĩ giết người lãnh án chung thân

Võ Viết Đạt (phải) và Đoàn Thanh Tuấn tại phiên tòa xét xử sở thẩm. (Ảnh: Ngọc Vũ/baoquangtri.vn)

Cựu tu sĩ ở Niệm phật đường Dương Lệ Đông (Quảng Trị) sát hại bà Lê Thị H. bị tuyên phạt tù chung thân.

Ngày 4/11, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên xét xử sơ thẩm đối với Võ Viết Đạt (SN 1980, trú tại thôn Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong) và Đoàn Thanh Tuấn (SN 1972, trú tại thôn Đại Thượng Hạ, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong) về tội “Giết người”.

Trong đó, chủ mưu vụ án là bị cáo Võ Viết Đạt, từng là tu sĩ ở Niệm phật đường Dương Lệ Đông (xã Triệu Thuận).

Sau khi xem xét các tình tiết vụ án, HĐXX tuyên phạt Võ Viết Đạt tù chung thân và Đoàn Thanh Tuấn 12 năm tù.

Theo cơ quan điều tra, năm 2009, Võ Viết Đạt quen biết với bà Lê Thị H. (SN 1972, trú tại tiểu khu 3, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong), do Đạt lo cúng tang lễ cho con trai bà H.

Sau khi Đạt được chuyển về niệm phật đường Dương Lệ Đông để chăm lo Phật sự vào năm 2013, giữa bà H. và Đạt có “tình cảm đặc biệt”.

Đạt khai nhiều đêm đi cúng bên ngoài về muộn, bị bà H. dùng đèn pin rọi vào ô tô kiểm tra xem có chở người phụ nữ nào không. Nếu thấy mùi bia, bà lớn tiếng. Do việc này kéo dài nên Đạt bực tức, cho rằng bị quản lý đời tư, tình cảm… nên nghĩ cách đánh cảnh cáo, dằn mặt bà H.

Biết Đoàn Thanh Tuấn cũng bực tức bà H. nên Đạt nhiều lần kích động để Tuấn cùng tham gia đánh bà H. với mình. Mâu thuẫn lên đỉnh điểm khi ngày 11/12/2021, bà H. vào chùa chửi Đạt.

Tại chùa, Tuấn và Đạt đã đánh bà H. gãy xương hàm và 11 cái răng.

Thấy bà H. bị đánh ngã, Đạt tiếp tục chạy vào phòng khách lấy một ống kim loại đánh vào vùng thái dương, 2 tay và hai chân bà H. khiến nạn nhân bất tỉnh.

Nghĩ bà H. đã chết, Đạt và Tuấn tìm cách che giấu, dọn dẹp hiện trường gây án. Đạt lái xe của bà H. đến chân cầu Đại Lộc (thuộc địa phận phường Đông Lương, TP. Đông Hà) rồi cùng Tuấn đẩy xe xuống sông.

Sau đó, Đạt đi mượn ô tô, còn Tuấn phụ trách canh cổng chùa. Khi mượn được ô tô, trở lại chùa, hai hung thủ phát hiện thi thể bà H. dịch chuyển so với vị trí ban đầu khoảng 7-8 m.

Khoảng 20h, Đạt lái ô tô chở xác bà Hà đến bờ kè thôn Bích Khê (xã Triệu Long, huyện Triệu Phong) vứt xuống sông Thạch Hãn phi tang. Sau đó, Đạt lái xe ô tô về chùa tiếp tục dọn dẹp hiện trường hòng xoá dấu vết.

Nửa đêm 12/12/2021, nhà chức trách phát hiện thi thể bà H. dạt vào bờ. Đến chiều cùng ngày, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Quảng Trị), Công an huyện Triệu Phong cùng các đơn vị liên quan đã xác định được Đạt và Tuấn là hung thủ.

Sau khi gây án, Đạt đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị hủy tư cách tu sĩ Phật giáo.

Phạm Toàn

Thanh Hóa: Vụ làm thất thoát 1,4 tỷ, bắt thêm nguyên Chủ tịch huyện Thường Xuân

Ông Cầm Bá Xuân – nguyên Chủ tịch huyện Thường Xuân nghe cơ quan công an đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam. (Ảnh: conganthanhhoa.gov.vn)

Sang ngày thứ 2 sau khi nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa) bị bắt, nguyên Chủ tịch UBND huyện này bị khởi tố với cáo buộc “biến” 5.000 m2 đất rừng thành đất ở.

Ngày 4/11, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này vừa ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam bị can đối với ông Cầm Bá Xuân (SN 1965) – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, năm 2014, ông Xuân là Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân. Để tiếp tay cho ông Thiều Quang Thực và ông Lê Đình Bình xây dựng cơ sở chế biến lâm sản trái luật, ông Xuân đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Ngọc Phụng điều chỉnh quy hoạch để chuyển mục đích sử dụng 5.000 m2 đất rừng sản xuất sang đất ở nông thôn.

Ngoài ra, khu đất xin chuyển đổi nằm ở mặt đường liên xã (khoảng 48m2) nên phải tính theo giá 400.000 đồng/m2. Tuy nhiên, do có sự móc ngoặc với ông Thực và ông Bình, ông Xuân đã phê duyệt giá đất xuống còn 100.000 đồng/m2. Hành vi của ông Xuân đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước gần 1,4 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án này, ngày 2/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Văn Khánh – nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thường Xuân cũng.

Ông Khánh bị cáo buộc kiến nghị cho ông Xuân ký các quyết định trái luật đồng thời trực tiếp ký 2 phiếu chuyển thông tin giảm giá đất gây thiệt hại ngân sách gần 1,4 tỷ đồng.

Khánh Vy

Related posts