1,300 thiết bị đầu cuối Starlink ở Ukraine bị ngắt kết nối do vấn đề ‘kinh phí’

Huyền Anh

Khu vực Izyum của vùng Kharkiv đã sử dụng ăng-ten internet Starlink trong chiến tranh Nga – Ukraine. (Ảnh: Yasuyoshi Chiba/AFP/Getty Images)

Theo báo cáo của truyền thông Mỹ, 1.300 thiết bị đầu cuối Starlink trong quân đội Ukraine đã bị ngắt kết nối do vấn đề kinh phí.

Thiếu kinh phí, thiết bị đầu cuối Starlink bị ngắt kết nối

Đài CNN hôm 4/11 đưa tin, do vấn đề kinh phí, khoảng 1.300 thiết bị đầu cuối cung cấp internet từ vệ tinh Starlink của Ukraine đã bị ngắt kết nối kể từ ngày 24/10.Q&g.

Theo các báo cáo, sự cố ngắt kết nối đã ảnh hưởng đến 1.300 thiết bị mà Ukraine đã mua từ một công ty của Anh hồi tháng Ba và được sử dụng trong các hoạt động liên quan đến tác chiến.

Dịch vụ Internet Starlink do SpaceX của Elon Musk cung cấp được cho là phương tiện liên lạc có thể mang lại lợi thế cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến Nga – Ukraine.

Hình ảnh vệt sáng này cho thấy dấu vết của một nhóm vệ tinh Starlink của SpaceX bay qua Uruguay khi được nhìn thấy từ vùng nông thôn ở Florida, vào ngày 7/2/2021. (Ảnh: Mariana Suarez/AFP/Getty Images)

Starlink là dự án phủ sóng Internet trên toàn cầu bằng vệ tinh của công ty SpaceX, do tỷ phú công nghệ Elon Musk sáng lập. Dịch vụ này tạo ra một mạng lưới gồm hàng nghìn vệ tinh quay quanh Trái Đất, giúp cung cấp Internet tốc độ cao từ quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất đến các vùng xa xôi, hẻo lánh.

Một hệ thống truyền dữ liệu băng thông rộng dựa trên vệ tinh Starlink tại một trạm ứng dụng hộ chiếu di động ở Shevchenk, vùng Kharkiv, vào ngày 29/9/2022. (Ảnh: Getty Images)

Chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra vào ngày 24/2. Vào tháng 3, Ukraine đã mua 1.300 thiết bị đầu cuối Starlink để liên lạc trong quá trình này và phí bảo trì hàng tháng cho mỗi thiết bị đầu cuối là 2.500 USD, tương đương 3,25 triệu USD mỗi tháng cho 1.300 thiết bị. Tính đến tháng 9, tổng chi phí cho số thiết bị này là gần 20 triệu USD và quân đội Ukraine không thể chi trả nổi.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Ukraine xác nhận việc ngắt kết nối của các thiết bị đầu cuối Starlink, đồng thời khẳng định thiết bị này là “rất quan trọng” để quân đội Ukraine tiếp tục chiến đấu. Sự việc này được cho là đã gây tê liệt hệ thống liên lạc của Ukraine.

Vào tháng 9, SpaceX đã gửi một lá thư tới Bộ Quốc phòng Mỹ, tuyên bố rằng công ty đã chi khoảng 100 triệu USD để tài trợ cho dịch vụ Internet Starlink của Ukraine và họ không thể tiếp tục làm như vậy nữa. Trong thư, SpaceX yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ thanh toán cho dịch vụ internet Starlink của Ukraine, dự kiến ​​trị giá hàng chục triệu USD một tháng.

Bức thư nêu rõ có khoảng 20.000 thiết bị đầu cuối Starlink ở Ukraine. Trong số đó, 85% trong số 20.000 thiết bị Starlink chuyển cho Ukraine được Anh, Mỹ, Ba Lan và các tổ chức khác tài trợ hoặc tài trợ một phần. Bên cạnh đó, các quốc gia này cũng phải trả cho Starlink 30% phí dịch vụ Internet mỗi tháng.

Người sáng lập SpaceX và CEO Tesla, Elon Musk, phát biểu về dự án Starlink trong sự kiện Đại hội Thế giới Di động (MWC) ở Barcelona, ​​Tây Ban Nha, vào ngày 29/6/2021. (Ảnh: Joan Cros/NurPhoto/Getty Images)

Sau đó, Elon Musk sau đó dường như đã thay đổi quyết định, tuyên bố rằng ông sẽ tiếp tục tài trợ miễn phí cho Ukraine. Các cuộc đàm phán giữa SpaceX và Lầu Năm Góc vẫn đang tiếp tục, bất chấp việc Musk tuyên bố rằng công ty đã rút lại lá thư, theo một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc. Cả Musk và SpaceX, Bộ Quốc phòng Mỹ và chính phủ Ukraine đều không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Hiện chưa rõ thông tin chi tiết về các thiết bị đầu cuối Starlink của quân đội Ukraine. Vào tháng 7 năm nay, các quan chức Ukraine nói rằng quân đội Ukraine đã sử dụng hơn 4.000 thiết bị đầu cuối Starlink. Do đó, việc 1.300 thiết bị đầu cuối Starlink bị ngắt kết nối được cho là sẽ có ảnh hưởng lớn đến quân đội Ukraine.

Báo cáo cho biết, vào đầu tháng 10, Bộ Quốc phòng Ukraine đã yêu cầu với Bộ Quốc phòng Anh chu cấp chi phí hàng tháng là 3,25 triệu USD nói trên. Sau khi huấn luyện hàng nghìn binh sĩ Ukraine trên đất Anh, các quan chức Anh đã đồng ý tài trợ cho một số thiết bị đầu cuối Starlink quan trọng.

Trong nhiều tháng chiến sự, hệ thống Starlink của SpaceX được cho là đóng một vai trò quan trọng ở Ukraine. Chính phủ Kyiv, quân đội Ukraine, các tổ chức phi chính phủ và dân thường dựa vào các thiết bị nhỏ gọn và dễ sử dụng mới nhất của SpaceX để liên lạc, kết nối internet và điều khiển máy bay không người lái.

Giới thiệu về Starlink

Starlink là dịch vụ Internet tốc độ cao cung cấp vùng phủ sóng toàn cầu thông qua một chòm sao vệ tinh quỹ đạo tầm thấp do công ty SpaceX thuộc sở hữu của Musk, phóng lên. Kể từ ngày 23/7/2022, dịch vụ Starlink đã có mặt tại 36 quốc gia và khu vực.

Với hiệu suất của dự án vượt xa hiệu suất của Internet vệ tinh truyền thống và mạng toàn cầu không bị giới hạn bởi cơ sở hạ tầng mặt đất, Starlink có thể cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao cho những địa điểm mà dịch vụ mạng không đáng tin cậy, đắt tiền hoặc hoàn toàn không có khả năng phủ sóng.

Các đường mòn vệ tinh Starlink trên Brazil – Hình ảnh Thiên văn của NASA trong ngày, ngày 10/12/2019. (Ảnh: Wikipedia)

Starlink được thiết kế để cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao cho tất cả mọi người trên thế giới và cũng có thể chấm dứt phong tỏa internet tồn tại trên thế giới ngày nay. Mục đích của dự án Starlink là phát triển một “hệ thống Internet vệ tinh toàn cầu” có thể được sử dụng trong các môi trường như sao Hỏa để triển khai cơ sở hạ tầng truyền thông trong hệ mặt trời.

Tính đến tháng 1/2022, Starlink đã phóng 2.042 vệ tinh, trong đó 1.495 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp ở độ cao 550 km. Đồng thời, SpaceX cũng đề xuất kế hoạch Starlink thế hệ thứ hai, sẽ dựa vào Starship để gửi 29.988 vệ tinh Starlink ở độ cao 340-614 km qua chín quỹ đạo nghiêng.

Huyền Anh

Theo Visiontimes

Related posts