Tin VN sáng thứ Hai: Bộ KH-ĐT chọn đường sắt cao tốc Bắc – Nam tốc độ tối đa 225 km/h

Bộ KH-ĐT chọn đường sắt cao tốc Bắc – Nam tốc độ tối đa 225 km/h

Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT thống nhất chọn phương án khai thác tốc độ 180 – 225 km/h để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 64,8 tỷ USD. (Ảnh minh họa: muratart/shutterstock)

Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT thống nhất chọn phương án khai thác tốc độ 180 – 225 km/h để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 64,8 tỷ USD.

Bộ KH&ĐT vừa có công văn gửi Bộ GTVT về phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Theo đó, Bộ KH&ĐT đồng ý với Bộ GTVT lựa chọn phương án đầu tư xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180 – 225 km/h.

Bộ KH&ĐT cho rằng phương án này có ưu điểm là hình thành tuyến đường sắt để vận tải hành khách và hàng hóa có năng lực lớn; không làm gián đoạn vận tải đường sắt khi đầu tư xây dựng tuyến mới và có khả năng tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc – Nam trong tương lai; tạo không gian phát triển kinh tế – xã hội; vận tải hàng hóa trên cả khổ đường 1.000 mm và khổ 1.435 mm, nên kết nối vận tải hàng hóa thuận lợi; hỗ trợ vận chuyển hàng hóa tại các cảng biển, các trung tâm sản xuất hàng hóa.

Tuy nhiên, phương án này có chi phí đầu tư cao, lên tới 64,8 tỷ USD, thời gian đầu tư dài, khả năng huy động nguồn lực khó khăn.

Về mô hình thực hiện dự án, Bộ KH&ĐT kiến nghị triển khai theo hình thức PPP (đối tác công – tư). Trong đó, đối tác công sẽ huy động 80% vốn đầu tư từ ngân sách công, có trách nhiệm quản lý xây dựng hạ tầng; bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; điều hành vận tải trên toàn hệ thống.

Trước đó, hồi tháng 10, Bộ GTVT đã báo cáo 2 phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Trong đó, phương án một là nâng cấp tuyến đường sắt hiện có thành đường đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180 km/h, tàu hàng tối đa 120 km/h. Chi phí đầu tư khoảng 42 tỷ USD.

Phương án hai là xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180 – 225 km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD.

Bộ GTVT chọn phương án thứ hai. Dự án chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2025-2031), giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án. Xây dựng đoạn tuyến Thủ Thiêm – Nha Trang với tổng chiều dài 361 km (23,94% chiều dài dự án). Tổng mức đầu tư gần 17 tỷ USD.

Giai đoạn 2 (2031-2038), xây dựng đoạn Hà Nội – Đà Nẵng dài 677,2 km (44,91% chiều dài dự án). Tổng mức đầu tư gần 27 tỷ USD.

Giai đoạn 3 (2038-2041), xây dựng đoạn tuyến Đà Nẵng – Nha Trang dài 468,85 km (31,15% tổng chiều dài dự án) để thông toàn tuyến. Tổng mức đầu tư là gần 20 tỷ USD.

Kim Long

Thanh Hóa: Hai lò đốt rác gần 20 tỷ đồng bị bỏ hoang

Công trình do UBND xã Hòa Lộc đầu tư xây dựng với tổng vốn khoảng 5,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương. (Ảnh: quochoitv.vn)

Lò đốt rác ở xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) 5,2 tỷ đồng và lò đốt rác ở xã Xuân Bình (huyện Như Xuân) 11,3 tỷ đồng bị bỏ hoang, gây lãng phí.

Dự án lò đốt rác xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đi vào hoạt động từ năm 2018. Công trình do UBND xã Hòa Lộc đầu tư xây dựng với tổng vốn khoảng 5,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương.

Theo thiết kế, công trình lò đốt rác này đảm bảo việc xử lý rác thải cho 2 xã Hòa Lộc và Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, công suất hoạt động khoảng 7 tấn rác/ngày đêm.

Tuy nhiên, nhiều tháng qua lò đốt rác này dừng hoạt động, bỏ hoang và xuống cấp.

Khuôn viên khu đốt rác rộng khoảng 3.000m2 hiện không có nhân viên, bảo vệ. Lò đốt rác đã xuống cấp, mái che bị mục nát, tường rào đổ sập nhiều nơi.

Do nhà máy dừng hoạt động, khiến rác thải tại đây chất thành đống. Theo người dân địa phương, mỗi khi trời trở gió thì mùi hôi thối tứ tán khắp nơi khiến họ bị tra tấn.

Lò đốt rác dừng hoạt động khiến rác thải ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: quochoitv.vn)

Ông Trịnh Xuân Hán, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, cho biết lò dừng hoạt động cách đây khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, theo người dân xã này, lò dừng hoạt động từ đầu năm 2022.

Theo ông Hán, nguyên nhân dừng hoạt động là do lò đốt xuống cấp nghiêm trọng, gần như không thể vận hành.

Trong khi đó, theo thiết kế công suất ban đầu, lò đốt rác này sẽ xử lý 7 tấn rác/ngày đêm, nhưng hiện lượng rác của 2 xã Hòa Lộc và Xuân Lộc là hơn 10 tấn/ngày đêm.

Ông Hán cho hay phương án sửa chữa, nâng cấp công suất đáp ứng như cầu hiện tại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn vượt quá khả năng của xã.

Để khắc phục tạm thời, xã Hòa Lộc đã ký hợp đồng với một công ty môi trường tại huyện Hậu Lộc tiến hành vận chuyển số lượng rác cũ còn tồn đọng và tiếp tục thu gom số rác thải phát sinh mới.

Được biết, xã Hòa Lộc có 3.400 gia đình với 12.650 người. Tính riêng xã Hòa Lộc, mỗi tháng, địa phương này thu tiền gom và xử lý rác với mức 9.000 đồng/người.
Lò đốt rác hơn 11 tỷ đồng cũng bỏ hoang

Dự án lò đốt rác ở xã Xuân Bình, huyện miền núi Như Xuân do UBND huyện Như Xuân làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 8/2018, đến tháng 12/2019 hoàn thiện; tổng kinh phí 11,3 tỷ đồng từ vốn sự nghiệp môi trường; có công suất xử lý 7-9 tấn rác/ngày.

Dự án lò đốt rác ở xã Xuân Bình, huyện miền núi Như Xuân do UBND huyện Như Xuân làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 11,3 tỷ đồng bị bỏ hoang. (Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn)

Khi đi vào hoạt động, công trình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân xã Xuân Bình, xã Bãi Trành và các vùng phụ cận của huyện Như Xuân.

Dự án hoàn thành, huyện Như Xuân bàn giao cho xã quản lý đưa vào vận hành và sử dụng. Tuy nhiên, lò đốt rác chỉ hoạt động được 3 ngày, xử lý được vài xe rác rồi bị bỏ không 3 năm nay. Thực trạng này gây lãng phí tiền của và tài nguyên đất đai.

Hơn 3 năm không được đưa vào sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, lò đốt rác đã bị hoen rỉ, dây cáp néo ống khói bị đứt, cột ống khói bị đổ gãy.

Bốn khu nhà gồm phòng bảo vệ, nhà quản lý, nhà vệ sinh và nhà vận hành lò đốt bỏ hoang, hư hỏng, dột nát. Ổ điện nhiều chỗ bị vỡ, dễ xảy ra tình trạng rò rỉ điện. Trong khuôn viên của lò đốt rác, rác thải được tập kết ngổn ngang do thu gom từ trước nhưng chưa được xử lý.

Ông Lê Văn Long, Giám đốc Ban Dự án đầu tư xây dựng huyện Như Xuân, nói có hai nguyên nhân chính dẫn đến lò đốt rác hoạt động không hiệu quả là số hộ đăng ký thu gom rác ít, số tiền thu gom rác thấp (4.000 đồng/người) nên đơn vị thu gom rác không đủ kinh phí để vận hành, bảo dưỡng, dẫn đến lò đốt rác bị bỏ hoang.

Trần Tâm

Thêm 1 đại lý cấp 2 trong đường dây đánh bạc của Phan Sào Nam bị khởi tố

Ông Lê Mạnh Cầm, chủ một đại lý cấp 2 trong đường dây đánh bạc của ông Phan Sào Nam tại cơ quan công an. (Ảnh: congan.caobang.gov.vn)

Sau khi Phan Sào Nam bị kết án, nhiều đại lý trong đường dây đánh bạc này liên tục bị bắt và khởi tố. Hiện thêm một người đàn ông ở Cao Bằng làm đại lý cấp 2 từ năm 2017 vừa khởi tố với cáo buộc thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Ngày 4/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Lê Mạnh Cầm (SN 1991, trú tại phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) để điều tra về hành vi Tổ chức đánh bạc quy định tại Điều 322 Bộ luật hình sự 2015.

Ông Cầm bị xác định có liên quan đến đường dây đánh bạc online RikVip/Tip.Club do ông Phan Sào Nam điều hành.

Theo kết luận điều tra, năm 2017, ông Cầm bắt đầu sử dụng ứng dụng Rikvip/Tip.Club để đánh bạc trực tuyến. Ứng dụng này tích hợp hàng chục game đánh bạc đặt cược mô phỏng sòng bài (Casino) hoặc các trò cờ bạc như: Tài xỉu, Ba cây, Tá lả, Xì tố, Bài cào, Chắn…

Hệ thống đánh bạc này sử dụng đồng tiền ảo (gọi là Rik) và cho phép các con bạc đổi bằng tiền thật hoặc thẻ nạp tiền điện thoại và ngược lại. Ngoài ra, phần đổi thưởng tại game RikVip52 còn hấp dẫn người chơi bằng cách tặng iphone, Ipad,…Ông Cầm đã đăng ký làm đại lý cấp 2 để trao đổi loại tiền ảo này với các con bạc, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, từ năm 2021 đến đầu năm 2022, hai người trong đường dây đánh bạc RikVip/Tip.Club do ông Nam đứng đầu đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng phát hiện, khởi tố. Hai người bị khởi tố là ông Hoàng Quốc Vương (SN 1992, trú tại thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) và ông Nguyễn Văn Thành (SN 1988, trú tại xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng), cùng bị khởi tố về hành vi Tổ chức đánh bạc.

Đường dây đánh bạc online RikVip/Tip.Club do ông Phan Sào Nam và ông Nguyễn Văn Dương điều hành từ năm 2014. Đây là đường dây đánh bạc thông qua các hợp đồng thanh toán cho game Rikvip và Tip.Club. Đường dây này vận hành theo hệ thống đại lý nhiều cấp, gồm 25 đại lý cấp 1 và 5.852 đại lý cấp 2, sau 28 tháng vận hành có gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc với tổng số tiền lên đến gần 10.000 – 15.000 tỷ đồng, thu lợi hơn 9.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, đường dây này được 2 cựu tướng công an là Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) bảo kê.

Chiều 12/3/2019, tại phiên xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án 10 năm tù đối với ông Nguyễn Văn Dương , 5 năm tù với ông Phan Sào Nam về cùng 2 tội danh Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền.

Sau khi xét xử vụ án, cơ quan công an liên tục phát hiện, bắt và khởi tố nhiều đại lý cấp 2 của đường dây này nên vụ án được tiếp tục điều tra.

Khánh Vy

Bình Định muốn mở rộng sân bay Phù Cát để tăng công suất lên 5 triệu khách/năm

Bình Định kiến nghị nâng cấp sân bay Phù Cát để tăng công suất lên 5 triệu hành khách/năm, hàng hóa đạt 50.000 tấn/năm, đón được máy bay cỡ lớn. (Ảnh: baobinhdinh.vn)

Bình Định kiến nghị nâng cấp sân bay Phù Cát để tăng công suất lên 5 triệu hành khách/năm, hàng hóa đạt 50.000 tấn/năm, đón được máy bay cỡ lớn.

UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản đề xuất mở rộng sân bay Phù Cát đạt cấp 4E (theo tiêu chuẩn ICAO), hướng đến trở thành cảng hàng không quốc tế.

Cách trung tâm TP. Quy Nhơn 30 km về phía Tây Bắc, cách quốc lộ 1 khoảng 1,5 km về hướng Tây, sân bay Phù Cát hiện có một nhà ga hai tầng, phục vụ được 600 khách vào giờ cao điểm, công suất thiết kế 2,5 triệu khách một năm; một đường băng dài hơn 3.000 m, rộng 45 m và sân đỗ với 7 vị trí.

Theo giới chức tỉnh, tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch tỉnh đến năm 2025 được dự báo đạt 7,5 triệu khách, năm 2030 tăng lên 12 triệu khách. Với quy mô hiện tại, sân bay Phù Cát đã quá tải, nhất là dịp lễ, tết. “Việc nâng cấp, mở rộng sân bay Phù Cát là rất cần thiết”, tỉnh này cho hay.

Theo đó, UBND tỉnh kiến nghị nâng cấp, mở rộng sân bay Phù Cát lên cấp 4E, có thể đón được các loại máy bay Boeing 787, Airbus A350…

Giai đoạn trước mắt, tỉnh đề nghị đầu tư xây dựng mở rộng sân đổ từ 7 chỗ đậu lên 14 chỗ, với 11 chỗ đậu máy bay Code C và 3 chỗ đậu máy bay Code E.

Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị xây dựng mới nhà ga theo hình đối tác công (PPP) và đầu tư thêm 1 đường băng mới đạt cấp 4E từ nguồn ngân sách nhà nước. Khi đó, công suất sân bay lên 5 triệu khách một năm, hàng hóa đạt 50.000 tấn một năm.

Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định, nếu được Chính phủ chấp thuận, tỉnh sẽ lập đề án và huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư mở rộng sân bay này, đồng thời phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng để triển khai đầu tư, quản lý vận hành.

“Sau khi được chấp thuận thì chúng tôi mới lập đề án cụ thể cũng như khảo sát về vốn và lựa chọn phương thức huy động vốn xã hội hóa”, ông Hoàng nói.

Kim Long

Hà Nội đặt mục tiêu nam thanh niên cao trung bình 170,5cm năm 2030

Hà Nội đặt mục tiêu nam thanh niên cao trung bình 170,5cm năm 2030

Sở Y tế Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, chiều cao trung bình của thanh niên là 170,5 cm đối với nam và 159 cm đối với nữ.

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng của ngành y tế tại TP. Hà Nội giai đoạn 2022 – 2030.

Theo đó, ngành y tế Hà Nội xác định 4 mục tiêu gồm: 

  • Thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý cho mọi lứa tuổi theo vòng đời của người dân;
  • Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và góp phần nâng cao tầm vóc thanh thiếu niên;
  • Kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành;
  • Duy trì bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ.

Đáng chú ý, với nội dung cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em, ngành y tế Hà Nội đặt mục tiêu: 

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống còn 10% vào năm 2025 và duy trì dưới 10% đến năm 2030.

Chiều cao trung bình của thanh niên 18 tuổi là 169 cm đối với nam và 158 cm đối với nữ vào năm 2025. Đến năm 2030, chỉ tiêu này được đặt ra là 170,5 cm đối với nam và 159 cm đối với nữ.

Ngoài ra, về mục tiêu thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý cho mọi lứa tuổi, thành phố đưa ra các chỉ tiêu: Tỷ lệ trẻ em 6 – 23 tháng có chế độ ăn đúng, đủ đạt 80% vào năm 2030; Tỷ lệ người trưởng thành tiêu thụ đủ số lượng rau quả hàng ngày đạt 70% vào năm 2030.

100% bệnh viện trong và ngoài công lập của Hà Nội tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý của người bệnh vào năm 2030.

Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% xã, phường, thị trấn tổ chức tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con nhỏ dưới 2 tuổi trong gói dịch vụ y tế cơ bản.

An Khánh

Related posts