Nữ thiếu tá say xỉn lái ô tô gây tai nạn bị phạt 46 triệu đồng
Thiếu tá Trần Thị Luận (38 tuổi, thiếu tá đang công tác tại Công an huyện Đăk Đoa) say xỉn gây tại nạn đã bị xử phạt 46 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Cụ thể theo Tuổi Trẻ, hôm 9/11, UBND tỉnh Gia Lai đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nữ thiếu tá Trần Thị Luận (38 tuổi, trú thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) vì hành vi lùi ô tô không đúng quy định, gây tai nạn giao thông; điều khiển ô tô trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn 0,833 miligam/lít khí thở, vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
Với vi phạm trên của thiếu tá Luận, UBND tỉnh đã quyết định xử phạt hành chính 46 triệu đồng. Trong đó phạt 11 triệu đồng về hành vi lùi xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông; phạt 35 triệu đồng về hành vi điều khiển ô tô trên đường khi hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thời hạn 24 tháng đối với nữ thiếu tá này.
Trước đó, nữ thiếu tá đã xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức từ đội trưởng xuống phó đội trưởng.
Như đã thông tin, tối 28/10, bà L. lái ô tô trong tình trạng đã sử dụng rượu, bia, khi đến ngã ba đường Hùng Vương – Nguyễn Viết Xuân thì xảy ra tai nạn giao thông. Lúc xảy ra vụ việc, bà L. đang mặc trang phục công an nhân dân, có biểu hiện say xỉn nên bị người dân quay clip đăng tải trên mạng xã hội.
Hội An
Công ty ‘tố’ Ban giải phóng mặt bằng TP. Thanh Hóa dùng 46 tỷ mua vàng
Liên danh Công ty Cổ phần Hoàng Kỳ và Cty cổ phần ĐT TM Bờ Hồ vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Ban giải phóng mặt bằng bán vàng đã dùng 46 tỷ đồng mua từ năm 2017 để giải phóng mặt bằng cho dự án Công viên nước Đông Hương.
Trước đó vào tháng 12/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất Công viên nước Đông Hương. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ định cho liên danh Công ty cổ phần Hoàng Kỳ và Công ty cổ phần đầu tư trung tâm thương mại Bờ Hồ làm chủ đầu tư dự án.
Dự án Công viên nước Đông Hương có tổng mức đầu tư 607,486 tỷ đồng, được thực hiện trên lô đất rộng 19,5ha.
Đến ngày 7/11/2022, liên danh Cty CP Hoàng Kỳ và Cty CP ĐT TTTM Bờ Hồ có văn bản số 14/2022/CV-HK về việc xin giải quyết UBND TP. Thanh Hóa –Ban giải phóng mặt bằng chưa quyết toán tiền giải phóng mặt bằng; Dự án chưa được bàn giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Đề nghị phê duyệt thời hạn dự án Công viên nước Đông Hương, TP. Thanh Hóa.
Theo văn bản này, đại điện liên danh Cty Cổ phần Hoàng Kỳ làm rõ số tiền hơn 81 tỷ đồng mà Nhà đầu tư đã chuyển vào tài khoản của Ban GPMB nhưng Ban GPMB mới quyết toán được hơn 35 tỷ; còn lại hơn 46 tỷ đồng, Ban GPMB –UBND TP Thanh Hóa đã mua vàng từ năm 2017 đến nay không chịu bán đi để GPMB.
Dự án chưa được Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa bàn giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư, hàng năm nhà đầu tư vẫn nộp đầy đủ các loạn thuế.
Dự án đã kéo dài nhiều năm do nhiều nguyên nhân khách quan để thuận lợi cho thi công xây dựng và hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phê duyệt về thời hạn dự án, văn bản của liên danh Cty Cổ phần Hoàng Kỳ và Cty cổ phần ĐT TM Bờ Hồ cho biết.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 10/11, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa cho biết, đã nhận được văn bản của Công ty CP Hoàng Kỳ phản ánh về việc UBND TP. Thanh Hóa chậm tiến hành giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Công viên nước Đông Hương và việc Ban gải phóng mặt bằng TP. Thanh Hóa dùng hơn 46 tỷ đồng dùng hơn 46 tỷ đồng để mua vàng.
Vấn đề này, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa khẳng định không có chuyện Ban GPMB – TĐC TP.Thanh Hóa sử dụng tiền để mua vàng như phản ánh của Công ty CP Hoàng Kỳ.
“Việc quyết toán GPMB dự án Công viên nước Đông Hương có chậm, và UBND TP.Thanh Hóa đang tập trung GPMB để doanh nghiệp triển khai dự án, còn việc dùng tiền mua vàng là không có, không đúng sự thật”, ông Triều cho hay.
Thái Học
Thái Bình: Khởi tố, bắt 2 cựu cán bộ công an huyện vì tội dùng nhục hình
Cựu Đội trưởng và Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp bị bắt vì tội “Dùng nhục hình”.
Theo báo chí nhà nước hôm 10/11, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vừa thực hiện phê chuẩn, tống đạt các Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Quang Hùng (cựu Đội trưởng) và Trịnh Thanh Hùng (cựu Đội phó) thuộc Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).
Hai người bị khởi tố đề điều tra về tội “Dùng nhục hình” theo quy định tại Điều 373 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trước khi bị khởi tố, bắt giam, cả hai đã bị thi hành kỷ luật, tước quân tịch công an nhân dân.
Hà Nội: Nữ giám đốc lừa đảo hàng chục tỷ đồng từ chiêu gọi vốn cho tour ảo
Thiếu tiền trả nợ và kinh doanh, nữ giám đốc tại Hà Nội đã ‘vẽ’ ra ‘món hời’ đầu tư vốn đặt vé máy bay cho tour du lịch khách nước ngoài khiến 2 người ‘sập bẫy’, mất gần 20 tỷ đồng.
Sáng ngày 10/11, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Trịnh Thị Thảo (SN 1983, trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) và bị cáo Đinh Thị Thu Hiền (SN 1979, trú tại xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Bà Thảo nguyên là Giám đốc Công ty TNHH VA Travel, còn bà Hiền là Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vĩnh Xuân.
‘Vẽ’ ra ‘món hời’ đầu tư vốn đặt vé máy bay, ăn phần trăm
Theo cáo trạng, do cần tiền trả nợ và đầu tư vào công việc kinh doanh khác, bà Thảo nói với bà Vũ Thị Tình (SN 1984, em họ bà Thảo) – Kế toán trưởng công ty VA Travel rằng công ty hiện đang kinh doanh tour khách du lịch từ Tây Ban Nha về Việt Nam rất phát đạt. Với mỗi đoàn khách đến Việt Nam, Công ty VA Travel được hưởng lợi nhuận từ 17-18% tổng số tiền dịch vụ du lịch (gồm tiền đặt vé máy bay, chỗ nghỉ, du lịch…).
Bà Thảo khoe đã mua được nhà, xe ô tô và các tài sản giá trị từ việc kinh doanh tour du lịch này. Nếu các nhà đầu tư tham gia cùng sẽ được hưởng lợi nhuận khoảng 3,5%/đoàn.
Bà Thảo nói dối rằng khách Tây Ban Nha đến Việt Nam sẽ ứng trước số tiền khoảng 30% bằng cách chuyển khoản và thanh toán hết trước khi đến Việt Nam 3 ngày nên không có rủi ro. Tiền từ Tây Ban Nha chuyển về Việt Nam mất 5 ngày mới nhận được, trong khi đó tiền đặt code vé máy bay cho các đoàn khách cần đặt ngay nên cần huy động vốn từ mọi người. Cũng theo lời bà Thảo, trung bình mỗi ngày, Công ty VA Travel có khoảng 30 đoàn (30 người/đoàn) nên số tiền đặt mua vé máy bay mỗi ngày rất lớn (khoảng hơn 500 triệu đồng/đoàn).
Khoảng tháng 11/2017, bà Thảo đưa danh sách khách tour du lịch và sao kê ngân hàng cho bà Tình xem. Thấy ngày nào bà Thảo cũng vay cả tỷ đồng để mua vé máy bay nên bà Tình tham gia đầu tư.
‘Sập bẫy’ của nữ giám đốc, 2 người bị lừa hàng chục tỷ đồng
Sau đó, bà Tình nói với bạn học là bà Vy Thu Phượng (ở Ninh Bình) và ông Mẫn Bá Quý (ở Bắc Ninh) về tình hình kinh doanh của Công ty VA Travel. Bà Phượng và ông Quý tin tưởng nên đã đồng ý đầu tư.
Ngày 25/11/2018 và ngày 26/12/2018, bà Phượng ký 2 hợp đồng kinh doanh với bà Thảo. Ngày 1/2/2019, ông Quý cũng ký hợp đồng hợp tác với bà Thảo.
Theo hợp đồng, bà Thảo sẽ gửi danh sách khách Tây Ban Nha cho ông Quý và bà Phượng từ 2-3 đoàn khách/ngày để đặt vé máy bay tại công ty của bà Hiền.
Sau đó, bà Phượng, ông Quý sẽ gửi danh sách cho bà Hiền để nhận báo giá. Sau khi đặt vé xong, bà Hiền sẽ gửi lại mã code vé máy cho hai người, tiền lợi nhuận là 3,5% số tiền đặt vé máy bay.
Trong vòng một tháng, từ ngày 6/12/2018 đến ngày 4/1/2019, bà Thảo gửi danh sách giả các đoàn khách tour du lịch để bà Tình gửi cho bà Phượng qua email. Sau đó, bà Phượng và ông Quý thanh toán tiền code vé máy bay thông qua công ty bà Hiền như đã thỏa thuận.
Sau khi nhận tiền, bà Hiền hủy vé, không thanh toán tiền vé mà giữ lại 5% giá trị tiền vé, còn lại chuyển khoản cho bà Thảo để kinh doanh bất động sản.
Từ ngày 5/1/2019, lo sợ bị phát hiện, bà Hiền không nhận tiền đặt code vé máy bay cho bà Thảo. Lúc này, bà Thảo vẫn tiếp tục gửi danh sách tour và giá tiền vé máy bay cho ông Quý và bà Phượng thanh toán.
Từ tháng 12/2018 đến ngày 22/3/2019, bà Thảo đã nhận hơn 113 tỷ đồng của ông Quý, bà Phượng. Bà Thảo đã chuyển trả lại 2 người này hơn 95,3 tỷ đồng, hiện còn chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng. Còn bà Hiền đã chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng.
Sau khi xét xử, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Thảo 19 năm tù giam và bị cáo Hiền 8 năm tù giam.
Cơ quan điều tra xác định bà Tình không biết danh sách bà Thảo cung cấp là giả mạo nên không có căn cứ để xử lý bà Tình.
Khánh Vy (Trí Thức VN)
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi sai phạm gần 1 tỷ đồng
Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi và đã ban hành 8 quyết định thu hồi gần 1 tỷ đồng.
Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi vừa có kết luận thanh tra về trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm tỉnh trong việc sử dụng và bảo vệ rừng từ năm 2018 đến tháng 6/2021.
Theo kết luận, Chi cục nghiệm thu, thanh toán khối lượng công việc thực tế thi công không đúng so với hồ sơ thiết kế được duyệt dẫn đến nghiệm thu, thanh toán tăng khối lượng.
Đối với mô hình trồng rừng phòng hộ và trồng đai cây xanh phân định ranh giới giữa các loại rừng, chủ đầu tư nghiệm thu, thanh toán tăng hơn 150 triệu đồng.
Trong dự án Hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn – hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp quý hiếm, việc nghiệm thu, thanh toán chi phí Ban quản lý sai hơn 63 triệu đồng.
Tại dự án trên, số lượng cây Lim xanh và Sưa đỏ ở 3 xã huyện Mộ Đức có tỷ lệ chết cao (Đức Nhuận là 100%, Đức Lợi 100% và Đức Thắng 30%). Số tiền hỗ trợ nhân công chăm sóc, UBND cấp xã chưa chi cho các tổ chức, cá nhân còn tồn tại là hơn 210 triệu đồng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt danh sách tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia và khối lượng thực hiện năm 2019 và năm 2020 không đúng cơ cấu cây giống về hỗ trợ trồng cây phân tán là cây gỗ nguy cấp, quý hiếm. Điều này dẫn đến số lượng cây Lim xanh giảm 16.538 cây, số lượng Sưa đỏ tăng lên 16.232 cây.
Tại dự án Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015-2020, việc thực hiện công tác nghiệm thu, quyết toán dự án có sai phạm với tổng số tiền hơn 544 triệu đồng.
Theo Thanh tra tỉnh, nguyên nhân là do công tác lập dự toán một số hạng mục công việc không chính xác theo quy định; thi công không đúng một số hạng mục thiết kế; Chủ đầu tư đã nghiệm thu, thanh toán tăng chi phí thiết kế và chi phí giám sát.
Từ sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành 8 Quyết định để thu hồi số tiền sai phạm là 968.5 triệu đồng.
Thanh tra tỉnh đề nghị Chủ tịch tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT xem xét kiểm điểm, xác định mức độ vi phạm, đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm của Chi cục trưởng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm…
Phạm Toàn (Trí Thức VN)