Tuyên bố chung của G20 nhấn mạnh lên án Nga xâm lược Ukraine

Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia. (Ảnh chụp màn hình video)

Lãnh đạo các nước thành viên G20 đã ra tuyên bố chung nêu rõ cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine đã gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu, lên án hành động xâm lược của Nga và yêu cầu rút quân vô điều kiện.

Tuyên bố chung của G20 về chiến tranh Nga xâm lược Ukraine

Không nghi ngờ gì chiến tranh Nga xâm lược Ukraine là một trong những vấn đề trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này. Do các nước thành viên có những chia rẽ quan điểm không nhỏ về cuộc chiến này, nên trước đó có nhiều suy đoán đây có thể là Hội nghị Thượng đỉnh G20 đầu tiên không có Tuyên bố chung. Tuy nhiên, cuối cùng Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2022 đã có tuyên bố chung (dài 17 trang).

Tuyên bố đề cập đến các vấn đề như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và phục hồi kinh tế toàn cầu sau dịch bệnh.

Tuyên bố cho biết “Phần lớn các nước thành viên kịch liệt lên án cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine và nhấn mạnh rằng cuộc chiến đã tàn phá cuộc sống của nhiều người và góp phần làm suy thoái nền kinh tế toàn cầu mong manh hiện nay… G20 lên án mạnh mẽ nhất hành vi Nga xâm lược Ukraine.”

Đối với cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine kéo dài gần 9 tháng qua, tuyên bố nêu rõ mặc dù một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập và Nam Phi có quan điểm khác nhau, nhưng hầu hết các nước thành viên đều lên án mạnh mẽ Nga và cùng có hành động ngừng giao thương, đồng thời lên án tuyên bố của ông Tổng thống Nga Putin về vấn đề không loại trừ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, qua đó yêu cầu quân đội Nga “rút quân hoàn toàn và vô điều kiện khỏi Ukraine”.

Theo thông lệ khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 lãnh đạo các nước thành viên sẽ đến chụp ảnh chung, tuy nhiên hội nghị thượng đỉnh lần này lần đầu tiên hủy quy trình này do nhiều lãnh đạo từ chối chụp ảnh chung với đại diện của Nga (Ngoại trưởng Nga Lavrov).

Ukraine bị đánh bom sau khi đại diện Nga rời hội nghị

Một ngày trước Hội nghị, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc hội đàm song phương. Là hai cường quốc thế giới có quan hệ căng thẳng, đây là lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Biden đắc cử tổng thống.

Ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G20, có tin tên lửa từ cuộc chiến Nga – Ukraine bắn vào Ba Lan làm 2 người thiệt mạng, căng thẳng chiến tranh Nga-Uzbekistan dâng cao. Do đó, vốn dĩ các vấn đề như an ninh lương thực, xóa nợ và sức khỏe cộng đồng nằm trong chương trình nghị sự đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G20, nhưng sự chú ý đã đổ dồn vào Nga. Một ngày trước khi khai mạc, phía Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng G20 không phải là nơi để thảo luận về các vấn đề an ninh, mà nên ưu tiên các thách thức kinh tế thế giới.

Vào lúc 9:30 sáng (giờ địa phương tổ chức hội nghị) ngày 15/11, Hội nghị Thượng đỉnh G20 chính thức bắt đầu. Những chiếc bàn màu đen được sắp xếp theo hình chữ nhật lớn, ở giữa là bức phù điêu khổng lồ bản đồ thế giới và các nhà lãnh đạo ngồi thành vòng tròn. Thời điểm này đây là căn phòng tập trung cao nhất hệ thống quyền lực chính trị thế giới: 20 nước thành viên chiếm hơn 80% quy mô nền kinh tế thế giới, chiếm 75% thương mại quốc tế và 60% dân số thế giới, ngoài ra còn lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, IMF…cũng tham dự.

Ngoại trưởng Nga Lavrov phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20: “Vâng, có một cuộc chiến ở Ukraine, đó là một cuộc chiến hỗn hợp, do phương Tây phát động và chuẩn bị trong nhiều năm”. Ông Lavrov tiếp tục lặp lại lập luận của ông Putin rằng sự mở rộng của NATO đe dọa an ninh của Nga nên phải tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” này.

Khoảng 21:30 tối 15/11, truyền thông các nước chứng kiến xe của ông Lavrov đại diện phái đoàn Nga rời khách sạn nơi ông trú ngụ, ngay sau đó chuyên cơ của Nga đã cất cánh từ Bali. Phía Nga xác nhận ông Lavrov đã rời Indonesia khi hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày mới đi được hơn nửa chặng đường. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Indonesia sau đó giải thích rằng sự ra đi của đại diện Nga là theo kế hoạch ban đầu.

Gần như cùng thời điểm máy bay của ông Lavrov cất cánh, nhiều nguồn tin (Reuters, Văn phòng Tổng thống Ukraine, Thị trưởng thành phố Lviv của Ukraine) đều khẳng định hôm đó quân xâm lược Nga tiến hành đợt tấn công tên lửa mới vào Ukraine, ít nhất 70 quả tên lửa đã đánh trúng nhiều thành phố của Ukraine như Kyiv, Kharkov, Lviv…

Tại lễ khai mạc G20, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng cuộc chiến của Nga phải chấm dứt. Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi hòa bình, đồng thời nhấn mạnh “các vấn đề phức tạp không có giải pháp đơn giản”.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 này là lần thứ 17 quy tụ các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế quan trọng nhất thế giới. Vấn đề đặc biệt của Hội nghị này là hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên sau chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, cũng là sự kiện quy mô lớn nhất kể từ Đại dịch COVID-19 bùng phát có các nhà lãnh đạo tham dự trực tiếp, cũng là động thái khẩn cấp nhằm ứng phó nguy cơ suy thoái nền kinh tế toàn cầu.

Thiên Tư, Vision Times

Related posts