FIFA cấm mặc đồ Thánh chiến tại World Cup Qatar
Các fan bóng đá sẽ không được vào xem nếu mặc đồ nhạy cảm về văn hóa ở quốc gia Hồi Giáo này. Sau khi một số hình ảnh về các cổ động viên đội tuyển Anh mặc đồ mô phỏng Thập tự chinh gây phản cảm và gây nhiều chỉ trích thì FIFA đã có thông báo như vậy.
“Những bộ trang phục này trong bối cảnh Ả Rập hoặc Trung Đông có thể bị coi là phản cảm, vì vậy đó là lý do chúng không được phép sử dụng trong các sân vận động,” người phát ngôn của FIFA cho biết.
Nhiều năm nay, các cổ động viên đội tuyển Anh vẫn là có lối mặc theo mẫu hình của hiệp sỹ thánh chiến St. George như vậy.
Hình ảnh quen thuộc St. George, một hiệp sĩ thập tự chinh cưỡi ngựa trong bộ giáp xích và thập tự thanh kiếm, là khá quen thuộc trong văn hóa các quốc gia phương Tây. Đó là biểu tượng của giai đoạn các cuộc thập tự chinh diễn ra hàng mấy trăm năm từ năm 1025 đến năm 1291 khi quân đội Kitô giáo chiến đấu vì mục tiêu giải phóng Jerusalem khỏi sự kiểm soát của người Hồi giáo.
Ở các quốc gia khác thì không sao, nhưng ở các quốc gia Hồi Giáo, thì đây là hình ảnh gợi lại chiến tranh và chết chóc, quá nhạy cảm.
Tuy nhiên không phải cổ động viên nào cũng cảm thấy thuyết phục trước những quyết định kiểu thế này.
Như trong một tweet trên, khi được phỏng vấn thì một fan của đội tuyển Anh đã nói: “Điều họ không nhận ra rằng ở những nơi như Qatar đây, thì cổ động viên mới là nòng cốt làm nên hoạt động thể thao này. Chính chúng tôi mới làm nên bóng đá, chứ không phải các hãng của ban tổ chức.”
Một số nhóm cổ động viên khác cũng được nhắc nhở phải bỏ mũ có màu sắc cầu vồng, thường được hiểu là biểu tượng của những người ủng hộ LGBT (L: nữ-nữ, G: nam-nam, B: quan hệ cả 2, T: chuyển giới).
Tại nhiều quốc gia Hồi giáo, quan hệ đồng tính luyến là phạm pháp.
Thiên Đức
Người biểu tình Trung Quốc công khai đòi ông Tập Cận Bình từ chức do cách chống Covid
Các cuộc biểu tình chống những lệnh hạn chế vì Covid tại Trung Quốc ngày càng căng thẳng và lan rộng sau một trận hỏa hoạn khiến 10 người thiệt mạng tại một khu căn hộ ở thành phố Urumqi.
Tại thành phố Thượng Hải, video trên mạng xã hội của các nhà báo nước ngoài cho thấy hàng ngàn người đã đổ ra đường để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn và phản đối chống các lệnh hạn chế vì Covid.
Giới sinh viên cũng biểu tình tại các trường đại học ở Bắc Kinh và Nam Kinh.
Nhiều người đã lên án việc phong tỏa tòa nhà chung cư là nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn ở Urumqi.
Tuy giới chức bác bỏ việc các hạn chế phong tỏa nhằm phòng chống Covid là nguyên nhân dẫn tới những cái chết, nhưng các quan chức Urumqi, khá là bất thường, đã ra lời xin lỗi vào cuối ngày hôm thứ Sáu, và cam kết sẽ “vãn hồi trật tự” bằng việc nới dần các lệnh cấm.
‘Tập Cận bình, hãy từ chức đi’
Tại cuộc biểu tình ở Thượng Hải, người ta nghe thấy những tiếng hô vang “Tập Cận Bình, hãy từ chức đi”, và “Đảng Cộng sản, hãy từ chức đi”. Một số người cầm những tấm biển trắng. Một số người đốt nến, đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân.
Đây là một khung cảnh hiếm khi xảy ra tại Trung Quốc, vì chỉ trích trực tiếp chính phủ và chủ tịch nước có thể bị trừng phạt nặng nề.
Các nhà phân tích nói chính phủ có vẻ như đã quá coi nhẹ sự bất mãn dâng cao đối với ‘Không Covid’, chính sách đối phó với đại dịch của ông Tập Cận Bình, người gần đây cương quyết nói không thể đi chệch ra ngoài cách tiếp cận này.
Một số người biểu tình còn la hét nhằm vào cảnh sát, khi đó đang xếp hàng ngoài đường.
Một người biểu tình nói với hãng tin Associated Press (AP) là một trong số những người bạn của mình đã bị cảnh sát đánh tại hiện trường trong khi hai người khác thì bị xịt hơi cay. Video các phần khác của cuộc biểu tình cho thấy cảnh sát đứng nhìn người dân phản đối.
Mặc dù tình hình tại khu vực đã được ổn định trước buổi sáng ngày hôm nay Chủ nhật 27/11, thế nhưng BBC thấy cảnh sát vẫn tăng cường sự hiện diện trong các khu vực biểu tình, với hàng chục cảnh sát, cảnh vệ riêng, các cảnh sát mặc thường phục trên đường.
Ở nơi khác, tại một vài trường đại học của Trung Quốc, thì hình ảnh và video đã xuất hiện trên mạng ghi lại cảnh sinh viên biểu tình hôm tối ngày thứ Bảy 26/11. Cuộc tập hợp lớn nhất dường như tại Đại học Bưu chính Viễn thông Nam Kinh (Nanjing Communications University).
Rất khó để xác minh các video biểu tình, thế nhưng nhiều video cho thấy sự chỉ trích công khai và thẳng thắn bất thường về chính phủ và người đứng đầu.
BBC
EEA: Ít nhất 238.000 người tử vong sớm do bụi mịn trong năm 2020
Ô nhiễm không khí do bụi mịn là nguyên nhân dẫn đến ít nhất 238.000 ca tử vong sớm ở khu vực Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2020. Đây là báo cáo được Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) công bố vào hôm 23/11 vừa qua.
Cụ thể, theo báo cáo của EEA, việc tiếp xúc với nồng độ bụi mịn cao hơn mức hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dẫn đến ít nhất 238.000 trường hợp tử vong sớm tại cả 27 quốc gia trong khối.
Bụi mịn, hay PM 2.5, là các hạt vật chất mịn, thường xuất hiện trong khí thải ô tô, nhà máy nhiệt điện than. Với kích thước siêu nhỏ, các hạt này có thể xâm nhập vào đường hô hấp, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản, hen suyễn và bệnh phổi.
Cũng theo báo cáo, trong năm 2020, việc tiếp xúc với nitrogen dioxide (NO2) trên ngưỡng khuyến nghị của WHO đã dẫn đến 49.000 ca tử vong sớm ở EU, trong khi con số này ở các trường hợp phơi nhiễm ozone (O3) là 24.000 ca.
EEA cho hay rằng khi so sánh năm 2020 với năm 2019, số ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí liên quan PM 2.5 tăng, nhưng giảm đối với NO2 và O3. Báo cáo giải thích rằng tuy nồng độ PM 2.5 giảm trong năm 2020 nhưng đại dịch COVID-19 khiến nhiều người mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí tử vong.
Tỷ lệ tử vong sớm do ô nhiễm không khí ở các nước EU năm 2020 thấp hơn 45% so với năm 2005. Dẫu vậy, giới chuyên gia nhận định rằng nếu nỗ lực duy trì tốc độ giảm này, EU có thể đạt mục tiêu kế hoạch hành động không gây ô nhiễm trước năm 2030, trong đó EU muốn giảm 55% số ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm bụi mịn so với năm 2005.
Theo WHO, ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn tới 7 triệu trường hợp tử vong sớm mỗi năm trên toàn thế giới, tương đương với con số tử vong do các nguyên nhân khác như hút thuốc lá hoặc ăn uống không đủ chất dinh dưỡng.
NATO: Viện trợ Ukraine gây tốn kém cho châu Âu nhưng là điều cần thiết
Theo Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, sự hỗ trợ về mặt tài chính và quân sự của các nước phương Tây dành cho Ukraine đã khiến các nước thành viên phải trả giá đắt, nhưng sự viện trợ này là điều cần thiết, theo tờ Sputnik.
“Các khoản thanh toán về lương thực và năng lượng tăng cao đồng nghĩa với thời điểm khó khăn đối với nhiều gia đình ở châu Âu”, nhà lãnh đạo cho hay.
Dẫu vậy, ông Stoltenberg cho biết các nước châu Âu nên tiếp tục cung cấp quân nhu cho Kyiv bất chấp cái giá phải trả, bởi cách tốt nhất để giúp duy trì hòa bình là hỗ trợ cho Ukraine.
Ngoài ra, Tổng thư ký NATO đề cập đến viện trợ của Đức, quốc gia cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không và pháo. Kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công nhắm vào Ukraine hôm 24/2, các nước phương Tây đã viện trợ nhân đạo, quân sự và tài chính cho Kyiv.
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không được tham gia vào cuộc xung đột. Moscow lên án hành động của các đồng minh phương Tây là đổ thêm dầu vào lửa. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và NATO tuyên bố rằng họ không phải là một bên tham gia chiến sự mặc dù các bên này chấp thuận huấn luyện binh lính Ukraine, cử các chuyên gia hướng dẫn và thiết bị quân sự, đồng thời cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine.
Thư ký báo chí của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc cung cấp cho Ukraine vũ khí từ phương Tây không những không góp phần vào sự thành công của các cuộc đàm phán Nga – Ukraine mà còn gây ra những tác động tiêu cực.
Phan Anh (Trí Thức VN)
6 ngân hàng lớn của Trung Quốc bơm 140 tỷ USD để cứu bất động sản
Các ngân hàng quốc doanh của TQ đã ký thoả thuận cấp tín dụng cho một số doanh nghiệp bất động sản nhằm tạo điều kiện cho thị trường ổn định, lành mạnh.
Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Trung Quốc (BoC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Giao thông (BCM) và Ngân hàng Tiết kiệm bưu điện Trung Quốc (PSBC) đã công bố khoản hỗ trợ tài chính hơn 1.000 tỷ NDT (khoảng 140,2 tỷ USD) chủ yếu để phát triển bất động sản, thế chấp cho khách hàng, mua bán – sáp nhập, cung cấp tài chính cho chuỗi cung ứng và đầu tư trái phiếu.
Động thái này được đưa ra sau Kế hoạch 16 bước giải cứu bất động sản do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Uỷ ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) vạch ra. Theo đó, kế hoạch này khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp các khoản vay để mua lại các dự án bất động sản một cách thận trọng và có trật tự.
Trước đây, PBOC cung ứng gói tài chính trị giá 200 tỷ NDT (khoảng 28,7 tỷ USD) nhằm đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các dự án nhà ở còn dang dở và các công cụ chính sách để thúc đẩy các ngân hàng thương mại tham gia cho vay.
Theo CBIRC, từ tháng 1 đến tháng 10, ngành ngân hàng Trung Quốc đã cho các nhà phát triển bất động sản vay 2.640 tỷ NDT.
Kelly Chen, Phó chủ tịch và là nhà phân tích cấp cao của Moody’s nhìn nhận, các động thái của Chính phủ Trung Quốc gần đây nhằm giúp doanh nghiệp bất động sản có thể cải thiện tính linh hoạt tài chính và phần nào giảm bớt áp lực tái cấp vốn trong ngắn hạn.
Trong một báo cáo nghiên cứu, nhà kinh tế Ren Zeping nói các gói hỗ trợ gần đây có thể là bước ngoặt chính sách với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ông đánh giá niềm tin của người dân và khả năng mua nhà của họ chưa thể phục hồi trong thời gian ngắn.
Bất động sản là một trong những trụ cột của kinh tế Trung Quốc với ước tính đóng góp lên đến một phần tư GDP. Tuy nhiên, lĩnh vực này thời gian qua liên tục đối diện với những cơn khủng hoảng. Hồi tháng 7, khủng hoảng leo thang khi thị trường hứng chịu làn sóng dừng trả nợ vay mua nhà. Điều này cho thấy cơn bão với thị trường nhà đất Trung Quốc đang ảnh hưởng tới tầng lớp trung lưu và đe doạ sự ổn định xã hội.